Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

90% bạn không biết tại sao phải kiêng quét nhà ngày Tết

Thứ Sáu, 16/02/2018 22:10 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đa số mọi người đều biết tục kiêng quét nhà ngày Tết, nhất là ngày mùng 1 Tết vì lo sợ quét đi mất của cải, may mắn hay khiến Thần Tài phật ý. Tuy nhiên, không phải ai cũng lý giải được tại sao lại như thế?
 

1. Kiêng quét nhà ngày Tết

 
Mỗi dịp Tết đến xuân sang, các gia đình đều có lệ dọn dẹp nhà cửa cuối năm để xua tan tà khí, xóa hết xui xẻo trong năm cũ. Thế nên đến năm mới, thường thì nhà cửa không cần dọn dẹp gì nhiều. 
 
Có nơi còn cho rằng, trong 3 ngày Tết, đặc biệt là ngày mùng 1 Tết, không nên quét nhà, kiêng quét nhà vì không muốn “quét đi của cải, may mắn của gia đình”.
 
Ngoài ra, quét nhà còn có thể khiến Thần Tài phật ý, từng nhát chổi đưa như hất hết tài lộc ra khỏi cửa. Đây cũng là một trong 13 điều kiêng kị ngày Tết nhất định phải biết.
 
Không phải ai cũng biết tục kiêng quét nhà ngày Tết
 

2. Nguồn gốc tục kiêng quét nhà ngày Tết

 

- Tục kiêng quét nhà ở Trung Quốc

 
Tục kiêng quét nhà ngày Tết bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký". 
 
Có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu.
 
Một hôm, vào ngày mồng một Tết, vì làm vỡ chiếc bình quý, Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. 
 
Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ.
 
Từ đó có tục kiêng quét rác, đổ rác trong ba ngày đầu năm và đó trở thành một phong tục dân gian vào dịp Tết Nguyên đán.
 
Kiêng quét nhà ngày Tết, nhất là vào ngày mùng 1 Tết
 

- Tục kiêng quét nhà ở Việt Nam
 

Phong tục tập quán Việt Nam lại có cách lý giải khác về chuyện "kiêng quét nhà".
 
“Sự tích cái chổi” kể rằng, ngày xưa trên trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo tay nên Ngọc Hoàng giao cho bà chuyên trông nom công việc nấu ăn ở thiên trù. 
 
Nhưng bà thường xuyên ăn cắp rượu thịt để ăn và cho người yêu của mình là một người chăn ngựa trên thiên đình. 
 
Một hôm, Ngọc Hoàng mở tiệc đãi quần thần. Giữa lúc cỗ đang bày lên mâm thì người yêu của bà đến, bà giấu người yêu vào góc chạn và người này đã ngồi tự ý bốc trộm đồ ăn trên mâm cỗ.
 
Khi Ngọc Hoàng và quần thần đến dùng cỗ thì phát hiện mâm nào cũng đã bị ăn dở. Ngọc Hoàng đã không nén nổi cơn tức giận. 
 
Người đàn bà nấu bếp cúi đầu nhận tội và bị Ngọc Hoàng đày xuống trần, bắt phải làm chổi để phải làm việc luôn tay không nghỉ và tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian.
 
Lâu về sau, thấy phạm nhân bày tỏ là phải làm khổ sai ngày này qua tháng khác không lúc nào được nghỉ, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho nghỉ ba ngày trong một năm.
 
Ba ngày đó là ba ngày Tết Nguyên đán. Bởi vậy đời sau trong dịp Tết Nguyên đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà để cho chổi được nghỉ.
 
Do vậy, theo tục lệ, người Việt thường kiêng quét nhà vào 3 ngày Tết, đặc biệt là ngày mùng 1 Tết để "chổi" được nghỉ ngơi, đồng thời không quét đi may mắn, tiền bạc, lộc lá của gia đình khỏi nhà.
 
Nếu có rác thì người dân sẽ vun vào góc nhà (không dùng chổi) và đợi sau mùng 3 Tết mới hót đổ đi. 

S.T

Tin cùng chuyên mục

X