Thứ Sáu, 28/01/2022 16:04 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ngày đầu năm mới rất quan trọng đối với người Việt nói riêng và người châu Á nói chung, vì thế, nhất định không được bỏ qua những kiêng kỵ mồng 1 Tết sau đây.
Theo quan niệm của
phong tục người Việt từ xưa đến nay nếu mồng 1 tốt lành thì cả năm sẽ tốt lành, đó là lý do ai ai cũng muốn nhà cửa rộn ràng, vui vẻ tiếng nói tiếng cười.
Ngoài ra có khá nhiều điều kiêng kỵ mồng 1 Tết mà các gia đình luôn cố gắng chú ý để mang may mắn cho cả mình và những người khác.
1. Không vội vàng đi chúc Tết
Sáng mồng 1 Tết không vội vàng sang nhà ai chúc Tết nếu không được gia chủ mời. Vai trò của người xông nhà trong ngày đầu năm rất quan trọng, vì thế, người Việt rất ngại đến nhà người khác và trở thành khách xông nhà “bất đắc dĩ” vào sáng mồng 1.
Nếu năm tới, gia chủ được vạn sự tốt lành thì không sao nhưng nếu họ có việc gì không tốt đẹp, lại dễ đổ lỗi vì người xông nhà đầu năm “nặng vía”.
Chính vì sợ điều này xảy ra nên vào ngày mùng Một Tết, người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ, sau đó, đi chúc Tết cha mẹ, nếu gia đình đã tách ra ở riêng. Thường người Việt chỉ đến chúc Tết anh em, họ hàng thân thiết, gần gũi trong ngày mồng 1 Tết.
2. Người có tang đi chúc Tết
Một trong những điều kiêng kỵ mồng 1 Tết khá quan trọng đó là gia đình ai có tang sẽ không sang xông đất, chúc Tết nhà khác.
Với quan niệm người có tang sẽ mang đến xui xẻo cho gia đình người khác nên họ thường ở nhà và không đi lại qua nhà khác trong những ngày đầu năm mới, nhất là mồng 1.
Tết Nguyên đán là ngày vui của mọi nhà, vì vậy những gia đình có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng 3 ngày, có lẽ để tránh cho hàng xóm láng giềng ra vào khỏi phải nhìn thấy cảnh buồn thương ngay ngày đầu năm.
Nhà “có bụi” (có tang) kiêng đi chúc Tết, ngược lại, họ hàng, làng xóm thường chủ động đến chúc Tết gia đình “có bụi”.
Nếu có người mất vào ngày mồng 1 Tết, gia đình sẽ chưa phát tang vội mà phải đợi tới sáng mồng 2 vì
kỵ mai táng mồng 1 Tết. Nếu có người mất vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình đã định liệu được trước thì nên chôn cất ngay trong ngày đó, kiêng để sang ngày mùng Một năm sau.
Trường hợp có người thân qua đời đúng ngày mùng 1 Tết thì cũng chưa phát tang ngay mà để đến sáng mùng Hai mới làm lễ phát tang.
3. Không sử dụng dao kéo nhiều
Theo phong thủy, dao kéo là những vật mang sát khí, do đó trong ngày mồng 1 Tết nên hạn chế động vào chúng trong ngày đầu năm.
Còn theo quan niệm dân gian, những vật này có thể cắt đứt lương duyên cũng như tài vận, tuổi thọ của gia chủ. Để khắc phục điều này, các gia đình nên cất bớt dao kéo, chỉ nên để lại những cái cần dùng.
4. Sử dụng kim chỉ
Người xưa quan niệm rằng, việc may vá trong năm mới sẽ khiến gia chủ vất vả, khổ sở, chịu cảnh thiếu trước hụt sau trong năm đó.
Nhiều người còn quan niệm rằng, phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết sau này mắt con sẽ bị dẹt như cây kim.
5. Không nên ăn cháo vào sáng mồng 1 Tết
Theo quan niệm từ xa xưa chỉ những nhà nào đói khổ mới ăn cháo, trong khi đó ai cũng muốn có cuộc sống sung túc, giàu sau nên họ thường tránh ăn món cháo trong ngày đầu năm mới, do đó ngày mồng 1 nên nấu cơm để ăn.
Bên cạnh đó, sáng ngày đầu năm, muôn thần sẽ tề tựu, việc ăn cơm nóng cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.
6. Đóng cửa nhà
Một trong những kiêng kỵ mồng 1 Tết phổ biến nhất đó là không được đóng cửa.
Nhà nhà đều mở cửa đón phúc lộc vào nhà mình trong ngày mùng 1 vì người ta quan niệm, đóng cửa nhà sẽ khiến các vị thần linh không thể vào chơi nhà, đồng thời thể hiện sự bất kính đối với các vị thần linh, do đó, gia đình sẽ nghèo khó quanh năm.
Theo đó, từ sớm mồng 1 đến trước ngày rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ giáng phàm du lý từng nhà và nếu đóng kín cổng, các vị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi và cả năm, thậm chí nhiều năm sau gia đình sẽ không được hưởng phúc, sẽ bị đói nghèo, tù túng.
7. Kiêng về nhà ngoại vào ngày mồng 1
Không chỉ kiêng về ngoại ngày mồng 1 mà theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3, kiêng các ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5.
Theo quan niệm dân gian, ngày đầu tiên của năm mới là ngày quan trọng nhất, họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Ngoài ra còn có quan niệm rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại.
8. Kiêng quét nhà đầu năm
Ngày mồng 1 Tết không được quét nhà vì theo quan niệm dân gian việc đó đồng nghĩa quét đi những lời chúc của mọi người dành cho gia chủ, đó là lý do thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.
9. Kiêng mở tủ vào mồng 1
Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mồng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm.
Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa. Thế nhưng thói quen này cho đến ngày nay đã mai một dần và không nhiều người để ý tới việc này.
10. Trang phục tránh màu trắng, đen
Theo quan niệm của người châu Á, màu đen và trắng tượng trưng cho sự tang tóc, điều xui xẻo. Do đó, một trong những kiêng kỵ mùng 1 Tết thường thấy đó là tránh mặc quần áo có các màu tẻ nhạt u trầm màu như đen hoặc trắng.
Thay vào đó, họ thường mặc những bộ quần áo mới với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, mong muốn một năm mới gặp nhiều may mắn, vui vẻ.
Nhìn chung, theo
Lichngaytot.com, việc áp dụng kiêng kỵ mồng 1 Tết này còn tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình.
Việc hiểu về các tập tục ngày tết sẽ giúp mỗi người biết cách cư xử sao cho tế nhị, tránh gây hiểu lầm, khó xử trong các mối quan hệ.