Thứ Tư, 31/01/2024 11:01 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) “Không cúng Giao thừa 2024” là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội và chưa có hồi kết. Các chuyên gia phong thủy hàng đầu hiện nay đã lên tiếng bác bỏ và lý giải rõ ràng nguyên do.
Vấn đề "Không cúng Giao thừa 2024" trên mạng xã hội vẫn chưa có hồi kết. Các chuyên gia phong thủy hàng đầu hiện nay đã lên tiếng. Họ nói gì?
1. Từ tranh cãi cho đến tâm lý hoang mang
Gần đây mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin từ một tài khoản cho rằng: "Năm 2024 này, các bạn không nên cúng giao thừa nha, bởi vì năm nay là năm chuyển giao chuyển vận, chuyển từ vận 8 qua vận 9, là năm không vong. Cái vòng năng lượng của những ngày cuối năm trong vận cuối này rất là xấu, vì vậy chúng ta không nên cúng giao thừa, không nên đón năng lượng xấu trong năm nay".
Vấn đề gây tranh cãi: Năm 2024 không có Giao thừa thực sự
Một tài khoản mạng xã hội khác tuyên truyền rằng: Ngày Lập xuân mới thực sự là ngày đầu năm mới. Năm nay
tiết Lập xuân đến sớm vào ngày 4/2/2024 dương lịch, tức 25 tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán 6 ngày, vì thế thời điểm 24h ngày 9/2/2024 dương lịch không phải giao thừa thực sự.
"Giao thừa năm nay sẽ rơi vào ngày 24 tháng Chạp (tức ngày 3/2/2024 Dương lịch), tuy nhiên mọi người không nên cúng giao thừa vào ngày này vì đây là ngày xấu, năng lượng không tốt, nếu cúng vào ngày này sẽ nạp hết năng lượng xấu vào nhà, gặp nhiều khó khăn, xui xẻo.
Nếu mà gia đình cúng thì quỷ sẽ tụ hợp vào, vồ đồ ăn. Còn ngày 30 Tết với mùng 1 Tết của năm nay không phải là ngày cuối năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới, nên cúng thì cũng vô thưởng vô phạt không có tác dụng gì", tài khoản mạng xã hội này nói.
Số người xem, theo dõi, tham gia bình luận ý kiến từ những tuyên bố trên ngày càng nhiều. Bên cạnh phần lớn ý kiến phản đối, không ít người tỏ ra hoang mang, lo lắng.
2. Chuyên gia phong thủy đồng loạt lên tiếng bác bỏ
- Không có cơ sở khoa học nào
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Phong thủy Thế giới, thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng cúng Giao thừa năm nay sẽ nạp năng lượng xấu là không có cơ sở khoa học nào.
Mặt khác, Giao thừa được xác định vào khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ theo lịch âm, không tính theo các tiết khí. Nghi thức cúng Giao thừa đơn giản thể hiện sự thành tâm của gia chủ trước tổ tiên, đất trời, thần linh. Việc làm xuất phát từ ý niệm tốt thì lúc nào cũng có thể tiến hành, bất kể ngày tốt hay xấu.
- Phản khoa học
Còn theo ông Bùi Quang Minh, chuyên gia phong thủy: "Nói năm nay không nên cúng giao thừa là sai, phản khoa học, phản lại phong tục tập quán của Việt Nam. Tiết Lập xuân chỉ là vấn đề thời tiết thôi, tất nhiên năm nay hay năm nào khác thì các gia đình vẫn cúng Giao thừa theo Âm lịch như bình thường".
Ông Quang Minh cũng bác bỏ những tuyên truyền về việc năm mới Giáp Thìn 2024 này “là năm chuyển vận xấu”. Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, mọi người không cần phải bận tâm hay tỏ ra hoang mang, lo lắng. Cúng Giao thừa luôn là nghi thức thiêng liêng, không thể thiếu của mỗi gia đình Việt Nam, vậy nên cứ yên tâm tiến hành với tấm lòng thành kính.
- Vô căn cứ
Theo TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), quan điểm Tết Giáp Thìn 2024 không nên cúng Giao thừa vào đêm Giao thừa mà nên cúng vào 25 tháng Chạp (ngày Lập Xuân) hoặc 27 tháng Chạp là vô căn cứ.
"Cúng giao thừa là tập tục văn hóa của người Việt vào đêm 30 tháng chạp hoặc 29 tháng Chạp đối với tháng thiếu. Đây là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Không thể nào cúng giao thừa mà lại làm vào ngày 25 hay 27 tháng Chạp", ông Lộc nói.
- Cúng Giao thừa không liên quan đến việc chuyển vận
Theo ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương, việc thực hiện nghi lễ truyền thống cúng Giao thừa, tống cựu nghinh tân tức là chúng ta đang tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới; không liên quan tới việc chuyển vận từ vận 8 sang vận 9.
"Sự hiểu sai lệch giữa phong tục truyền thống và hệ thống vận khí trong phong thủy địa lý là hai phạm trù hoàn toàn khác. Bạn có không cúng thì vận khí vẫn dịch chuyển theo tính quy luật của nó và chúng ta vẫn chào đón năm mới", ông Hải chia sẻ.
3. Lời kết: Năm 2024 tiến hành cúng Giao thừa như thường lệ
- Việc làm xuất phát từ ý niệm tốt có thể tiến hành bất kể ngày tốt xấu
Cúng Giao thừa là nghi lễ truyền thống của dân tộc, là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ sao cho bảo tồn giá trị linh thiêng, tránh sa đà vào vấn đề mê tín dị đoan, những thông tin thiếu khoa học.
Thêm vào đó, cúng Giao thừa còn có tên gọi là “lễ trừ tịch”, tức là nghi lễ xua đuổi điều không may mắn, nhằm đón điều cát lành đến với gia chủ và thành viên trong gia đình.
Nghi lễ này cũng thể hiện sự tưởng nhớ tôn kính, lòng biết ơn của con cháu trong nhà đối với tổ tiên, thần linh đã luôn che chở và phù hộ bình an trong suốt một năm vừa qua. Việc làm xuất phát từ ý niệm tốt thì có thể làm bất kể thời gian nào, là ngày tốt hay xấu.
- Niềm tin tâm linh cần thoát khỏi mê tín
Bản thân mỗi người có những niềm tin tâm linh khác biệt, không ai giống ai, nên việc lựa chọn cúng Giao thừa 2024 hay không phụ thuộc vào quyết định của mỗi người.
Xét về bản chất, các nghi lễ thờ cúng nói chung, cúng Giao thừa nói riêng cũng nhằm mục đích cầu mong sự bình an, hướng tới điều may mắn, tốt đẹp. Dù có tiến hành nghi lễ hay không thì thời gian vẫn trôi, một năm mới vẫn bắt đầu. Nên việc cúng Giao thừa vào ngày xấu hay thậm chí không cúng Giao thừa đôi khi cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Quan trọng hơn cả là sự gắn kết của gia đình, những hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Cùng với vũ trụ xoay vần, thời thế đổi thay, các phong tục tập quán cũng có sự chuyển biến để thích ứng. Tuy nhiên, sự thích ứng này cần dựa trên cơ sở niềm tin đúng đắn, tránh đi vào con đường mê tín mà hại mình hại người.