Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Sai lầm khi xử lý gạo muối sau khi cúng xong khiến gia chủ hao hụt vận may – Làm thế này mới đúng chuẩn!

Thứ Hai, 07/11/2022 10:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Gạo và muối là hai vật phẩm không thể thiếu trên ban thờ cúng của người Việt từ xưa tới nay. Thực tế vẫn còn nhiều người mắc sai lầm khi xử lý gạo, muối sau khi cúng, điều này có thể làm mất lộc, hao hụt vận may của bản thân và gia đình. Vậy gạo muối cúng xong thì làm gì? Cùng Lịch ngày TỐT tìm hiểu vấn đề này để thu hút tài lộc nhé!
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Vì sao người Việt có phong tục thờ cúng gạo muối?

 
Vi sao phai cung gao muoi?
 
Với mỗi người dân Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu vào tiềm thức với những giá trị sâu sắc về đạo đức và lối sống của chúng ta. Điều đó càng được thể hiện rõ ràng qua phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên và cha mẹ nhằm tỏ lòng biết ơn và hiếu kính với người đi trước.
 
Mỗi món đồ thờ cúng đều mang trong mình những ý nghĩa riêng, một trong những thứ không thể thiếu trên mâm cúng trong mọi dịp lễ chính là gạo và muối. Phong tục thờ cúng gạo muối đã được người Việt Nam duy trì từ xưa tới nay.
 
Vậy vì sao người Việt lại có phong tục cúng gạo muối?
 
Nguyên nhân chủ yếu được giải thích là do đây chính là 2 loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người, hay nói cách khác, gạo muối có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của con người. Nó có công dụng tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể và mang ý nghĩa phong thủy tín ngưỡng.
 
Nếu như gạo là nguồn lương thực không thể thiếu trong cuộc sống người Việt. Trong dân gian Việt Nam, hạt gạo trắng ngần như hạt ngọc, hạt vàng. Trước ngày Tết, nhà nhà đều đổ đầy lu gạo với mong muốn một năm ấm no, đủ đầy. Thì muối là tài nguyên vô hạn mà thiên nhiên ban tặng cho con người, muối là tinh hoa chắt lọc từ biển khơi dạt dào.
 
Nhất là với nền văn minh lúa nước – gốc rễ của nước ta thì gạo và muối là 2 loại thực phẩm đóng vai trò thiết yếu.
 
Cũng có quan niệm khác cho rằng gạo và muối là biểu tượng cho 3 thứ: may mắn, tài lộc và sức khỏe. Cúng hai vật phẩm này cũng là cầu mong sức khỏe và may mắn đến cho mọi người.
 
Vì thế, phong tục cúng gạo muối đã được truyền đi từ đời này sang đời khác và trở thành một phong tục tốt đẹp của dân tộc ta.
 

2. Ý nghĩa của gạo muối trên ban thờ

 
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, chết không phải là hết, người đã khuất vẫn có một cuộc sống mới ở thế giới bên kia dưới một hình thức nào đó mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được.
 
Chính vì vậy, để tỏ lòng thành kính với người đã khuất “nơi suối vàng”, con cháu sẽ dâng lễ vật hàng ngày đầy đủ như tiền tệ, vàng bạc, muối gạo và nước sạch. Hũ gạo muối trên ban thờ sẽ có những ý nghĩa như sau:
 

- Cúng chúng sinh, vong linh

 
Quan niệm của người Việt cho rằng, con người thì có thể ăn những món vật chất thơm ngon còn đối với vong linh thì họ lại không như vậy. Thế giới ngạ quỷ chỉ hưởng nhang hoặc ăn bằng tâm hưởng chứ họ không ăn như chúng ta.
 
Vì vậy, việc cúng gạo và muối cho chúng sinh, vong linh là là vì 2 thứ đó là căn bản sự sống của chúng ta, để cầu mong chúng sinh và vong linh được no đủ.
 
Do đó, trong lễ cúng thí thực, các Phật tử thường bày gạo muối trên mâm cúng chúng sinh để các vong linh được no đủ, không quấy phá người phàm trần.
 

- Cúng gạo, muối thể hiện sự biết ơn

 
Nếu như cúng gạo muối để cầu mong cho vong linh được no đủ thì đối với thần thánh hay các bậc tiền nhân thì việc làm này lại thể hiện sự biết ơn đối với công lao và sự phù hộ của họ.
 
Ngoài 2 ý nghĩa bên trên, cúng gạo muối còn là cách thể hiện lòng biết ơn những người đi trước đã khai sinh ra nền văn minh lúa nước, giúp ta có một cuộc sống ấm no đủ đầy, hạnh phúc và sung túc.
 
Nghi thức rải gạo muối trong lễ cúng có 2 cách hiểu: có người cho rằng là để chia cho các cô hồn, các thụ bác hưởng; cũng có ý kiến cho rằng đó là động tác gieo mùa truyền thống của nền văn minh lúa nước.
 

- Cúng gạo muối để xua đuổi tà ma, chướng khí

 
Gạo muối còn có thể giúp xua đuổi tà ma, âm khí, mang đến điềm may.
 
Quan niệm dân gian cho rằng muối và gạo có thể chống lại chướng khí và những linh hồn xấu. Việc cúng gạo muối cũng là bố thí cho những vong linh này, mong họ đừng quấy phá gia đình.
 

3. Gạo muối cúng xong thì làm gì?

 
Gao muoi cung xong thi lam gi?
 
Với những ý nghĩa và tầm quan trọng được nêu lên ở trên có thể khẳng định gạo và muối là hai món bắt buộc phải có trên bàn cúng.
 
Cũng bởi thế, nhiều người có chung thắc mắc không biết gạo và muối sau khi cúng thì sẽ được xử lý ra sao? Liệu chúng có được cất giữ ở một vị trí phong thủy nào đó trong nhà hay sẽ bị đổ đi?
 
Gạo và muối, hai thứ này sau khi cúng kiếng xong thì phải xử lý theo quy tắc cẩn thận chứ không thể vứt lung tung bừa bãi được, phòng tránh việc rước họa hay điềm xấu vào thân.
 
Cách làm quen thuộc thường thấy nhất là đem rải đi. Sau khi cúng kiếng xong, người thực hiện nghi thức cần rải gạo, muối đã cúng ra xung quanh, nhất là gạo muối dùng để cúng chúng sinh. Người rải phải đồng thời tụng kinh niệm Phật để các vong hồn chúng sinh được siêu thoát.
 
Việc làm như vậy với mục đích thứ nhất là bố thí cho những vong linh vất vưởng, không ai thờ cúng. Thứ hai là xua đuổi những thứ không sạch sẽ ra khỏi nhà mình ở hoặc nơi mình buôn bán.
 
Cũng có gia chủ sẽ giữ lại trong nhà, để một góc nào đó đến khi gạo muối hỏng rồi mới đem bỏ bởi người xưa quan niệm rằng, gạo muối sau khi cúng thần thánh sẽ có được sự may mắn, tài lộc mà thần thánh ban vào trong đó nên được giữ lại. Trường hợp này áp dụng cho gạo muối cúng tổ tiên trong gia tộc dòng họ vì mình cúng cho người thân.
 

4. Nguyên tắc rải gạo muối đúng chuẩn

 

- Rải gạo trước hay muối trước?

 
Khi đem rắc gạo muối sau khi lễ cúng, nên rải gạo trước hay muối trước là thắc mắc của rất nhiều người.
 
Cách rải muối và gạo có thể sẽ có sự khác biệt tùy theo phong tục của từng vùng miền, địa phương. Ở một số vùng, gạo và muối sẽ được trộn lẫn vào nhau trước khi rải, cũng có nơi rải riêng gạo và muối, thứ tự rải cũng sẽ khác nhau tùy theo quan niệm từng nơi.
 
Do đó gia chủ có thể rải gạo trước hay muối trước cũng đều được, không có vấn đề gì.
 
Còn theo Phật giáo thì ta không nên trộn lẫn gạo và muối khi rải vì khi ta bố thí thì chúng sinh sẽ “nhặt” lại ăn, đồ ăn trộn lẫn thì rất khó nuốt. Vì thế nên rải gạo trước rồi một lúc, sau mới rải muối.
 

- Trộn gạo với muối chung lại với nhau hay tách riêng?

 
Một số người sẽ trộn gạo và muối lại với nhau để rải xung quanh. Thế nhưng một số sẽ rải gạo và muối riêng, rải xung quanh và phóng về nhiều hướng khác nhau, đồng thời niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
 
Việc trộn lại hay tách riêng gạo muối cũng tùy vào quan điểm của gia chủ, tùy theo tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau của mỗi dân tộc vùng miền. Bởi vì hành động này có thể thực hiện thế nào cũng được, quan trọng không phải ở cách rải mà ở tấm lòng, ở sự chân thành muốn giúp đỡ các vong linh cho được no đủ.
 

- Vị trí rải gạo muối

 
Đối với vị trí rải, bạn nên rải gạo và muối ở trước sân hoặc trước bàn cúng (nếu cúng ngoài trời).
 
Trong lúc rải muối và gạo, đừng quên niệm Phật, như vậy sẽ đảm bảo các vong linh nhận được muối gạo rồi sẽ rời đi, không phiền nhiễu đến gia chủ, giúp gia chủ đạt được nhiều vận may, sức khỏe và tài lộc.
 

5. Cách xử lý gạo muối trong một số dịp, lễ cúng cụ thể

 
Với mỗi dịp, lễ cúng cụ thể, cách xử lý gạo muối sau khi cúng xong cũng sẽ có những nguyên tắc cụ thể như sau:
 

5.1 Gạo muối dùng trong cúng giỗ

 
Trong các dịp cúng giỗ tổ tiên, ông bà cha mẹ, gạo và muối sẽ được đặt trực tiếp trên bàn lễ. Mâm cúng được bày đủ vàng mã, trầu cau, hoa quả, đồ chay mặn phù hợp với đặc trưng vùng miền.
 
Vì đây các vật phẩm cúng chủ yếu là cúng cho người thân trong nhà nên có thể dùng lại gạo và muối đã cúng. 
 
Nhưng mà cũng có thể đem rải tuỳ thuộc vào gia chủ. Cách rải gạo muối trong lễ giỗ rất đơn giản, sau khi tàn nhang, người chủ lễ sẽ rải thêm gạo muối ra sân và đốt vàng mã. 
 
Mục đích là để xua đuổi bất kỳ hồn ma nào có thể đến thăm hoặc ở lại nơi cư trú. Mong họ bằng lòng và không cản trở cuộc sống gia đình ở nơi này.
 

5.2 Gạo muối trong lễ cúng Giao Thừa

 
Cúng Giao Thừa (hay còn gọi là lễ Trừ Tịch) là một trong những nghi thức cúng lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt bởi nó mở ra một năm mới và báo hiệu sự kết thúc của một năm trước đó.
 
Vì vậy, các gia đình sẽ làm lễ cúng Giao Thừa để cầu xin trời đất phù hộ cho một năm mới bình an, nhiều phúc khí. Ngoài ra đây còn là lễ rước ông bà tổ tiên về nhà ăn tết nên việc thực hiện lễ này cần sự tôn nghiêm để thể hiện lòng thành kính.
 
Lễ vật cần thiết không thể thiếu cho đêm Giao Thừa là cúng gạo muối bởi vì nó hỗ trợ xua đuổi ác nghiệp và linh hồn của năm trước để mở ra may mắn và tài lộc cho năm mới.
 
Theo nhiều chuyên gia phong thủy, sau lễ cúng Giao Thừa gia chủ nên rắc gạo, muối xung quanh nhà để bố thí cho các vong linh.
 

5.3 Gạo muối cúng ông Công ông Táo

 
Mặc dù lễ cúng ông Công ông Táo được diễn ra hằng năm thế nhưng không phải ai cũng nắm được cách xử lý gạo và muối sau lễ cúng này. Vậy gạo muối cúng ông Táo xong làm gì?
 
Hiện tại có khá nhiều quan niệm xoay quanh vấn đề này. Một số người cho rằng, gạo và muối sau khi cúng ông Táo thì nên rắc xung quanh nhà để xua đuổi tà khí vì sau khi cúng xong 2 thứ này sẽ trở nên nguội lạnh, mất hết sinh khí nên tốt nhất là đem đi tiêu hủy thì sẽ tốt hơn cho gia chủ.
 
Ngoài ra, còn có một số quan niệm khác cho rằng nên giữ lại số gạo muối này để trong nhà vì nó giúp mang đến may mắn, điềm lành cho gia chủ.
 
Và trên thực tế, những tranh cãi này vẫn chưa đi đến hồi kết. Chính vì thế, mỗi người sẽ có những chọn lựa cho riêng mình, chỉ cần thành tâm và tiến hành theo đúng tín ngưỡng của địa phương mình sinh sống là được.
 

5.4 Gạo muối dùng trong lễ cúng Cô hồn tháng 7

 
Theo quan niệm dân gian thì tháng Cô hồn là thời điểm cửa địa ngục sẽ mở cửa để những linh hồn khốn khổ lên trần gian. Vậy nên trong lễ cúng rằm tháng 7 người ta sẽ chuẩn bị lễ vật cúng kiếng đầy đủ để mong không bị ma quỷ quấy nhiễu, cầu bình an cho bản thân và gia đình.
 
Trong các lễ vật cúng Cô hồn vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, gạo muối là thứ không thể thiếu. Mục đích là cúng gạo muối cho những linh hồn nghèo khổ, giúp những linh hồn lang thang được no đủ trong tháng Cô hồn này.
 
Gạo muối sau khi cúng Cô hồn sẽ được trộn chung đem rải xung quanh theo nhiều hướng và nên đứng từ trong nhà tung ra, tuyệt đối không tung vào nhà.
 
Lưu ý, lễ cúng Cô hồn bắt buộc phải làm bên ngoài nhà, cúng ở ngoài trời hoặc trước cửa nhà, vỉa hè,... mà tuyệt đối không được làm lễ cúng Cô hồn trong nhà bởi theo quan niệm của người xưa làm thế sẽ rước vong vào nhà, mang đến nhiều vận hạn không may mắn, không tốt lành.
 

5.5 Gạo muối cúng Thần Tài

 
Theo các chuyên gia phong thủy thì hũ gạo và hũ muối sau khi cúng Thần Tài xong nên giữ lại trong nhà, đặt ở góc trong của bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, tới khi nào bị ẩm mốc, hỏng thì có thể mang bỏ đi.
 
Điều này sẽ giúp cho gia chủ nghênh tài lộc, giúp các vị Thần Tài phù hộ, độ trì cho công việc kinh doanh, buôn bán của gia đình đó gặp nhiều điều may mắn, tốt lành.
 
Ngoài ra, nếu là gạo muối cúng trong ngày vía Thần Tài thì có thể được xử lý theo cách khác, đó chính là được gia chủ đem rải trước cửa nhà. Điều này để thể hiện ngụ ý muốn xua đuổi tà ma, mang tới may mắn, thuận lợi cho việc kinh doanh làm ăn gia chủ.
 

5.6 Gạo muối dùng trong lễ đầy tháng cho trẻ

 
Khi tổ chức lễ đầy tháng cho bé, ba mẹ cần chuẩn bị mâm cúng để dâng lên 12 Bà Mụ, Đức Ông cùng gia tiên nhằm thể hiện lòng biết ơn các vị thần linh đã che chở cho bé sinh ra, cầu mong bé sẽ được chỉ dạy nhiều điều trong những năm tháng đầu đời. Đây cũng là dịp để gia đình cầu xin cho bé được vía khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn, thông minh, nhanh nhẹn.
 
Để dâng lên các vị thần linh, trong mâm cúng đầy tháng có rất nhiều lễ vật khác nhau như: gà luộc, xôi chè, trái cây,… Bên cạnh đó là nhang, đèn, vàng thỏi, bộ đồ thế, bộ hài xanh,… Và không thể thiếu gạo muối.
 
Gạo muối dùng trong lễ đầy tháng của trẻ cũng sẽ được đem rải sau khi kết thúc lễ cúng.
 
Sau khi dâng mâm lễ, thắp nhang, khấn vái, chờ nhang tàn thì gia chủ tiến hành rải gạo muối. Vừa rải, gia chủ vừa niệm “Nam Mô A Di Đà Phật, mang điều lành đến, mang điều dữ đi. Nam Mô A Di Đà Phật!”.
 
Cuối cùng, gia chủ đốt vàng mã, giấy cúng, bộ hài xanh và bộ đồ hình thế có ghi ngày tháng năm sinh và tên của bé để giải hạn cho bé và cầu mong bé nhận được điềm may, ơn phước.
 
Cách rải muối gạo cúng đầy tháng tương tự như động tác rải lúa gieo mùa truyền thống từ xưa đến nay. Bạn nên rải ở ngoài khuôn viên nhà, không nên rải trong nhà, nếu nhà có cổng rải ở bên ngoài cổng.
 
Bởi việc rải gạo muối cúng đầy tháng là để bố thí cho chúng sinh, vong linh vãng lai, đầu đường xó chợ nên nếu rải trong nhà sẽ dễ dẫn chúng vào nhà, không tốt cho em bé và gia chủ. Những vong linh sau khi nhận được gạo muối bố thí từ lễ cúng đầy tháng sẽ kéo đi, không ở lại lâu hay quấy rầy gia đình.
 

5.7 Gạo muối cúng khai trương, động thổ

 
Gạo muối là 2 vật phẩm đại diện cho may mắn, sức khỏe và tài lộc. Cùng với đó, theo quan niệm của người xưa, muối có thể xua đuổi tà ma và mang lại nhiều điều may mắn nên cũng không thể thiếu trong lễ cúng khai trương hay động thổ.
 
Sau khi cúng xong, chúng sẽ được trộn lẫn và đem rải đi, rắc ra ngoài đường. Điều này mang ý nghĩa giúp cho việc buôn bán may mắn, phát đạt hay việc động thổ được diễn ra suôn sẻ, xây dựng thuận buồm xuôi gió.
 

6. Lưu ý khi chuẩn bị gạo muối trong lễ cúng

 
Gạo muối là 2 thứ tượng trưng và không thể thiếu trong các lễ cúng. Tuy nhiên khi chuẩn bị mọi người nên chú ý một số vấn đề như sau:
 

- Kích thước hũ đựng gạo muối:

 
Thông thường gạo và muối sẽ được để trong 2 chiếc hũ hoặc 2 cái bát. Nhưng tùy theo kích thước mâm cúng bạn có thể chọn hũ to hoặc nhỏ.
 
Để mâm cúng đẹp mắt hãy chọn bát hoặc hũ vừa phải. Không nên chuẩn bị loại kích thước quá to gây mất cân đối.
 
Bên cạnh đó, hũ dùng đựng muối, gạo cúng nên chọn loại bằng sứ, chất lượng tốt, có trang trí hoa văn mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn.
 

- Hình dạng hũ đựng:

 
Nên chọn hũ có miệng nhỏ, phần giữa phình to để cầu sức khỏe, bình an và thu hút tiền tài, vận may cho gia chủ.
 
Hũ đựng muối, gạo cũng cần được đặt riêng, chỉ dùng riêng để cúng. Tuyệt đối không sử dụng chung cho sinh hoạt hằng ngày.
 

- Chất lượng gạo muối:

 
Gạo muối phải sạch sẽ đây chính là điều quan trọng nhất. Rất nhiều người qua loa, đại khái trong vấn đề này, việc làm thể hiện cái tâm của mỗi người nên cần chú ý.
 
Gia chủ chuẩn bị gạo và muối phải sạch, tránh loại có tạp chất, cũng không chọn loại bị ẩm mốc. Tuyệt đối không sử dụng lại gạo và muối đã được dùng để cúng trước đó.
 
Tuy nói thờ cúng chú trọng ở lòng thành nhưng với một phong tục linh thiêng như vậy, bạn nên cẩn thận thực hiện đúng các nghi thức, tránh các điều kiêng kỵ để lễ cúng có thể diễn ra thuận lợi, mang đến hiệu quả tốt nhất.
 

- Tỷ lệ gạo và muối:

 
Có quan điểm cho rằng, gạo và muối cúng chúng sinh cũng cần phải chia theo tỷ lệ  3 - 1 (ba phần gạo, một phần muối). Điều này xuất phát từ việc, gạo là thức ăn căn bản, con người hay chúng sinh ăn gạo nhiều hơn ăn muối. Hay muối ở đây đóng vai trò như gia vị trong thức ăn.
 
Nhưng với nhiều người dân thì việc cân đong theo tỷ lệ này không cần thiết, chỉ cần ước lượng vừa đủ và sau khi cúng xong đem rải gạo muối là được.
 
Có thể thấy, việc cúng kiếng là một nghi thức tâm linh tôn nghiêm và có nhiều quy tắc để tuân theo, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chu đáo. Và hy vọng qua bài viết này các bạn có thể biết thêm cho bản thân những thông tin về gạo muối cúng xong thì làm gì để tổ chức một lễ cúng hoàn hảo cho gia đình của mình nhé!
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X