Nên làm lễ dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa?

Thứ Ba, 11/02/2020 14:01 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nhiều người có lệ đầu năm làm lễ dâng sao giải hạn, cầu an cho cả gia đình. Song nên làm lễ dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa thì tốt hơn?
 

1. Tại sao có nghi lễ dâng sao giải hạn?


 
Hàng năm mỗi người lại có 1 ngôi sao chiếu mệnh. Đó là những ngôi sao có thật trên vũ trụ, người ta gọi chung là Cửu diệu. 
 
Cửu diệu được sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành, mỗi sao thuộc 1 hành riêng biệt. Người ta tính theo tuổi âm lịch, mỗi năm sẽ chịu ảnh hưởng của 1 sao, 9 ngôi sao luân phiên lần lượt, cứ 9 năm quay lại 1 lần. Trong 9 sao này, có sao tốt, cũng có sao xấu.
 
Người xưa cho rằng, nếu trong năm gặp sao tốt thì phải làm lễ nghinh sao để đón phúc lành, còn gặp sao xấu thì làm lễ cúng dâng sao giải hạn để hóa giải những điều xui xẻo, vận hạn.

Không phải tất cả mọi người đều tin vào điều này, nhưng phần lớn người dân đều làm lễ này vào dịp đầu năm vì cho rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
 

2. Nên làm lễ dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa?


Việc làm lễ dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa thực chất không quá quan trọng. Các chùa gần đây tổ chức việc cúng sao để làm lễ cầu an cho dân chúng được bình tâm, coi đó là cơ hội để giáo hóa dân chúng về đạo Phật, về luật Nhân – Quả, để mọi người năng làm việc thiện, bỏ làm việc ác, hướng tâm về thiện…
 
Việc thờ cúng cốt ở thành tâm, nhiều người tự cúng sao giải hạn ở nhà cũng không có vấn đề gì. Chẳng cần phải mâm cao cỗ đầy, chẳng cần phải mời thầy về cúng, gia chủ thành tâm biện lễ, tùy theo điều kiện của gia đình mà cúng cầu… ấy rồi mọi sự cũng qua. 
 
 
Theo ông Trịnh Yên, Giám đốc Trung tâm UNESCO Việt Nam thì nghi lễ dâng sao giải hạn là hình thức tín ngưỡng Ngọc Hoàng, do thầy pháp làm. Trong giáo lý nhà Phật không hề có lễ nghi dâng sao giải hạn
 
Thực chất đây là tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, việc các chùa làm lễ dâng sao giải hạn là thuận theo phong tục tập quán có sẵn ở từng địa phương mà thôi. Song nếu xét kĩ càng thì lễ dâng sao giải hạn ở chùa thường hay được chuyển sang hình thức cúng cầu an. 
 
Đầu năm đi chùa cầu an là lệ xưa, các chùa cũng đều làm lễ cầu an dịp này để hướng người dân về với Phật pháp, giảng giải cho mọi người về luật Nhân – Quả, tránh làm việc xấu, năng làm việc thiện.
 
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh thì chùa chiền là nơi nghiêm tịnh, nơi tu tập Phật pháp chứ không phải nơi thờ phụng thần tiền, cầu mong may rủi để làm những chuyện như cúng sao giải hạn. 
 
Dân có mong cầu thì chùa có “cung”, nhưng thực chất thì các chùa thường hướng mọi người làm lễ cầu an.

Trong đạo Phật vốn không có sao tốt sao xấu, càng không có ngày tốt ngày xấu, không phải cứ dâng cúng đồ lễ hậu thì muốn gì được nấy. Phúc không thể cầu mà họa cũng chẳng thể xin giảm được nếu bản thân không có ý thức.
 
Ai hay làm việc xấu, tạo nhiều điều ác, không thành tâm sám hối, không phát nguyện từ bi thì dù có được sư thầy cầu phúc, tụng kinh niệm phật thì cũng khó có thể giải trừ được oan khiên nghiệp báo

 
Không ai dám chắc việc dâng sao giải hạn có hiệu quả, cũng không ai dám khẳng định nên làm lễ dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa sẽ tốt hơn, nhưng chắc chắn có điều này không ai có thể phủ nhận được, đó chính là làm nhiều việc thiện thì tâm sẽ thanh thản, sẽ cảm nhận thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống, còn làm việc ác thì khó có thể được an lành, lúc nào cũng lo sợ nơm nớp…
 
Thay vì tốn công tốn của, mất bao thời gian những ngày đầu năm vào những việc không rõ được mất, hơn thiệt, hãy dành thời gian và sức lực của mình làm những việc có ích cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Như vậy chắc chắn bạn sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn nhiều, chẳng còn điều xui xẻo, vận hạn nào có thể khiến cho bạn lo lắng nữa.
 
Thiên Thiên