Thứ Tư, 27/03/2019 13:14 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bạn đã biết làm lễ cúng Thanh Minh thế nào cho đúng chưa? Hãy theo dõi nội dung dưới đây cùng Lịch ngày tốt để tìm câu trả lời cho mình nhé.
Cúng Thanh Minh như thế nào mới đúng chuẩn thuần phong mĩ tục và đảm bảo yếu tố linh thiêng? Đó là thắc mắc của rất nhiều người mỗi dịp
tiết Thanh Minh tới. Cùng Lịch Ngày Tốt giải đáp rõ ràng thắc mắc này nhé.
Tại sao phải làm lễ cúng Thanh Minh?
“Thanh Minh trong tiết tháng 3, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Từ xa xưa, ông cha ta đã lấy tiết Thanh Minh là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ cha ông, tổ tiên và những người đã khuất.
Làm lễ cúng trong ngày Thanh Minh không chỉ là để ghi nhớ công ơn của tổ tiên mà còn là dịp để cả gia đình sum họp bên nhau, gắn kết các mối quan hệ gia đình từ đời trước tới đời sau, giúp cho sợi dây tình cảm thêm phần bền chặt.
Nên cúng Thanh Minh tại gia trước hay ngoài mộ trước?
Thông thường, lễ cúng ngày Thanh Minh thường được chia làm 2 phần, gồm có lễ cúng tại gia và lễ cúng ngoài mộ khi đi tảo mộ.
Thứ tự thực hiện 2 lễ cúng này không cố định, tùy vào
phong tục tập quán của từng địa phương, cũng tùy vào điều kiện của gia chủ mà thành.
Nhiều nơi thường sẽ đi tảo mộ từ sáng sớm, sau đó mới về nhà làm cơm cúng lễ, dâng đồ cũng lên gia tiên. Cũng có gia đình lại làm lễ cúng tại gia trước, coi như lời thông báo, thưa gửi tới gia tiên, xin phép được tiến hành việc tảo mộ.
Việc làm lễ cúng tại gia hay ngoài mộ trước sau thế nào không quá quan trọng, gia chủ không cần quá câu nệ, miễn có lòng thành tâm được trời đất, tổ tiên chứng giám là được.
Với lễ cúng tại gia, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mà sắm lễ, đừng đặt nặng vấn đề đồ cúng bởi mâm cao cỗ đầy cũng chẳng thể bằng tâm thành kính. Người thành tâm kinh tế hạn hẹp, dù chỉ dâng lên chén nước, hoa tươi cùng chút hoa quả cũng được phúc báo.
Khi đi tảo mộ, ngoài việc mang theo đồ cúng thì các gia đình còn mang thêm cả những dụng cụ để dọn dẹp mộ phần như khăn lau, nước sạch, chổi, xẻng, cuốc…
Hướng dẫn chi tiết lễ cúng Thanh Minh tại gia và ngoài mộ
Lễ cúng Thanh Minh tại gia
Với lễ tại gia, cúng Thanh Minh như thế nào cho đầy đủ và linh thiêng? Vật phẩm dâng lên tổ tiên trong lễ cúng tại gia có thể sắm sửa tùy theo điều kiện gia đình. Nếu dâng lễ chay thì nên có trà, nước, hoa tươi, trái cây… Nếu dâng lễ mặn thì nên làm những món truyền thống như xôi gà, canh măng miến, giò chả, nem…
Khi khấn gia tiên tiền tổ, gia chủ nên nhất tâm thành kính, cúi xin tổ tiên chứn giám cho lòng thành của con cháu mà phù hộ độ trì cho gia đạo an khang, soi đường chỉ lối cho biết đường đi nước bước, gặp dữ hóa lành, gặp hung hóa cát… Đọc thêm
Văn khấn Thanh Minh tại nhà
Lễ cúng Thanh Minh ngoài mộ
Với lễ cúng Thanh Minh ngoài mộ phần, thủ tục có phần phức tạp hơn, song cũng có thể giản lược tùy theo phong tục địa phương. Trước tiên, gia chủ sẽ lên hương xin phép ông bà tổ tiên được đứng ra dọn lại mộ phần cho sạch đẹp.
Sau khi dọn dẹp xong thì mới sắp lễ dâng lên. Lễ cúng thường có tiền vàng, hương đèn, rượu nước, trầu cau, hoa quả, đồ cúng chay hoặc đồ cúng mặn. Nếu nghĩa trang có nơi thờ Thổ địa, Thần linh cai quản khu mộ phần thì đừng quên dâng thêm 1 phần lễ ở đây.
Nếu không có thì có thể dâng lễ ở mộ phần nhà mình và khấn chung, ngoài việc khấn mời gia tiên về chứng giám thì xin Thổ địa cùng Thần linh nương tay giúp đỡ cho gia tiên nơi âm phần được suôn sẻ, thuận lợi. Đọc ngay
Văn khấn Tiết Thanh minh tại mộ.
Dâng lễ khấn vái xong xuôi, có thể chờ tới khi hết 2/3 tuần hương thì đi lễ tạ các nơi rồi hóa vàng, xin lộc. Phần lễ cúng Thanh Minh tại mộ tới đây coi như kết thúc viên mãn.
Khi làm bất cứ lễ cúng nào, gia chủ cần nhớ phải tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo trang nghiêm gọn gàng. Khi cúng lễ phải nhất tâm thành kính, không được cười đùa cợt nhả, dễ bị quở trách.