Thứ Tư, 31/01/2018 11:29 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tục cúng ông Công ông Táo đã xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa Việt Nam, song cúng Táo quân như thế nào cho đúng với tục xưa, cho phúc khí tràn trề?
1. Mâm cao cỗ đầy không bằng tâm thành kính
Ngày nay, nhà nhà đều làm lễ
cúng ông Công ông Táo. Điều kiện kinh tế thời nay cũng tốt hơn nên mọi người thường sắm lễ rất to, chuẩn bị mâm cao cỗ đầy dâng cúng để mong được các Táo báo cáo những điều tốt đẹp, được hưởng thêm phúc khí, cát lành.
Tuy nhiên, dường như chúng ta đã quên đi một điều quan trọng, tất cả các lễ cúng tế không trọng ở đồ lễ mà chính sự thành tâm của gia chủ mới là điều không thể thiếu.
Chính vì thế, dù lễ có to, có lớn, có giá trị kinh tế cao đến mức nào mà gia chủ dâng lễ không có thành tâm thì cũng không được thần linh chứng giám. Cúng táo quân với tâm thành kính sẽ được hưởng nhiều phúc báo dài lâu.
Thêm nữa, nhiều người viện cớ công việc bận rộn mà làm lễ cho có, không đủ nghi thức cúng lễ ông Công ông Táo. Hành động này có thể sẽ bị xem là bất kính với thánh thần, chẳng thà không làm còn hơn là bị thần linh quở phạt.
Tục xưa bao nhiêu đời nay các cụ ta dù giàu có hay thiếu thốn cũng đều thực hiện, vì thế việc cúng tế chớ nên làm qua loa, cũng không cần quá mức rườm rà, điều quan trọng nhất là gia chủ chuẩn bị chỉn chu và dâng lễ tôn kính, thành tâm.
Nhà bạn đã cúng Táo quân đúng cách chưa?
Tục thờ cúng Táo quân của người Việt bắt nguồn từ lệ xưa tích cổ, nhưng sâu trong đó là 3 cơ sở chính hình thành nên lễ cúng này. Một là tín ngưỡng phồn thực, dân chúng làm lễ để cầu mong sự sinh sôi phát triển. Hai là bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước. Ba là tín ngưỡng thờ đa thần, theo đó việc thờ cúng Táo quân thực chất là nghi lễ thờ thần Lửa.
Cũng theo nguồn gốc này nên lễ cúng Táo quân có những điểm đặc biệt hơn so với các lễ cúng khác. Ví dụ như người Việt có nơi vừa làm lễ cúng ở trên bàn thờ, vừa có mâm cỗ trong bếp. Người miền Nam khi cúng Táo quân thường đốt lửa thật to, cầu mong cho gia đình sang năm mới được đủ đầy yên ấm.
Mời bạn đọc thêm:
Hướng dân mâm cỗ cúng Táo quân đúng chuẩn.
Có chuyên gia nghiên cứu về phong tục tập quán cho rằng nguồn gốc thờ Thần Lửa về sau này đã được phân hóa thành 3 vị thần gồm Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kì. Đây cũng được xem là 3 vị thần quan trọng, trông coi các công việc trong nhà, từ bếp núc đến đất đai vườn tược.
2. Tại sao lại cúng cá chép trong ngày ông Công ông Táo?
Trong nghi lễ cúng Táo quân xưa, bắt buộc phải có Tam sinh, tức gạo sống, thịt sống và cá sống. Sở dĩ có phức hợp này là bởi chúng đại diện cho 3 miền văn hóa, miền núi, miền biển và đồng bằng. Con số 3 trong tâm linh được coi là con số đẹp, đại diện cho sự sinh sôi nảy nở.
Cúng đồ sống còn là lệ đặc biệt để khẳng định sự quan trọng của Thần Lửa trong đời sống con người, thể hiện sự kính trọng của gia chủ đối với thần linh. Cúng cá chép lại càng có nhiều ý nghĩa. Cá chép là đại diện cho sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên bởi khả năng sinh sản và sinh tồn của loài này rất tốt, là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa.
Trong Tam sinh, cá chép còn là vật tượng trưng cho phú quý. Dân gian cho rằng sau khi vượt vũ môn, cá chép có thể hóa rồng, là phương tiện đưa các Táo về trời. Ngoài ra, rồng là loài linh thiêng, có khả năng hô mưa gọi gió, rất cần thiết cho nền nông nghiệp lúa nước của người dân đất Việt.
Tục thả cá chép ngày 23 tháng Chạp có ý nghĩa gì? Việc thả cá sau khi hoàn thành lễ cúng ngoài ý nghĩa trao cá chép về với sông nước để hóa rồng còn được xem là lễ phóng sinh, thể hiện lòng từ bi của người Việt ta. Chính vì những lẽ trên mà trong lễ cúng Táo quân của người Việt Nam thường xuất hiện 3 chú cá chép sống thả trong chậu nước.
Ngày nay điều kiện kinh tế tốt hơn, người dân cũng chú trọng nhiều những ngày lễ tế trong năm. Tuy nhiên các bạn hãy luôn tâm niệm trong lòng, dù lễ cúng có lớn đến đâu nhưng nếu lòng thành chưa đủ thì cũng không được linh thiêng. Chớ mong mâm cao cỗ đầy là phúc lộc tràn trề, đừng dùng tiền bạc “mua chuộc” thần linh, người có tấm lòng thành kính sẽ được trời Phật chứng giám, phúc đức đủ đầy.