Cúng Rằm tháng Giêng năm 2024 trong nhà hay ngoài trời - Lời khuyên của chuyên gia phong thủy

Thứ Sáu, 31/01/2020 11:46 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Theo chuyên gia phong thủy, Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh, Rằm tháng Giêng còn gọi là “Tết lại”, là dịp để con người cảm tạ Thần linh, đất trời, các vị anh hùng dân tộc. Chính vì thế, cúng Rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời đều cần được chú trọng.

1. Cúng Rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời?

 
Có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng", cho thấy ngày lễ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Việt.
 
Theo chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh, Rằm tháng Giêng là ngày lễ đầu tiên của năm mới hay còn gọi là "Tết lại”. 
 
Việc cúng Rằm tháng Giêng nên tiến hành cả trong nhà và ngoài trời để tỏ lòng thành kính Thần Phật, gia tiên, các vị anh hùng dân tộc để thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn.
 
Vì thế, ngoài mâm lễ gia tiên trong nhà, các gia đình có thể làm một đàn lễ ngoài trời để cảm ơn trời đất, thần linh, phật thánh, cùng các vị anh hùng dân tộc. 
 
Lễ vật dâng cúng không cần cầu kỳ, ai có điều kiện thì sửa soạn lễ vật thịnh soạn, ai không có điều kiện thì cốt ở cái tâm thành kính, không cần lễ lạt cao sang tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình. 
 
Trường hợp không có điều kiện kinh tế, chúng ta chỉ cần pha một ấm trà vài chén rượu nhạt, hoa quả tự trồng được, mấy nén nhang với lòng thành kính là được.
 
 
 

2. Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng trong nhà

 

2.1 Ý nghĩa


Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là ngày rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới. Vì thế, cần dâng lễ lên gia tiên, ông bà để được người âm ủng hộ, âm phần thêm vượng.

Dưới góc nhìn Phật giáo, Rằm tháng Giêng là ngày Vía Phật. Đây là ngày Rằm đầu tiên trong năm mới. Tất cả những linh hồn, linh anh may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này. 
 
Vì thế, đối với những người theo đạo Phật, trừ ngày mùng 1 Tết thì đây là ngày lễ đầu tiên trong năm. Họ lên chùa thắp nén nhang, cầu xin một sự may mắn.
 

2.2 Sắm lễ


Mâm lễ cúng trong nhà tùy tâm gia chủ, có thể là lễ chay hoặc mặn. Lễ chay dâng lên Phật, lễ mặng cúng gia tiên, dòng tộc.
 

2.3 Văn khấn Rằm tháng Giêng trong nhà

 
Sau khi đặt mâm lễ thờ gia tiên, Thần Phật trong nhà lên ban thờ thì thắp 9 nén nhang, lễ 9 lễ mà thưa rằng:

Kính lạy cha mẹ, ông bà, gia tiên tiền tổ nội ngoại họ...
 
Hôm nay là ngày.... tháng... năm.... là ngày Rằm tháng Giêng, cũng là ngày Tết nguyên tiêu.
 
Chúng con với tấm lòng thành kính xin được sửa soạn lễ vật, tiền vàng cùng sơn hào hải vị, nhang đăng thỉnh cầu, kính mời cha mẹ, ông bà, cùng gia tiên nội ngoại về ngự trước án thờ gia tiên để chúng con được nhất tâm kính lễ.
 
Kính lạy cha mẹ, ông bà, cùng gia tiên nội ngoại, nhờ ân đức, hồng phúc của dòng họ mà chúng con được sinh ra để nối dõi tông đường, nhờ đại phúc ấy mà chúng con được học hành tấn đạt, được hanh thông sự nghiệp, vinh hoa phú quý... đó là hồng phúc mà dòng tộc để lại lưu truyền tới muôn đời con cháu.
 
Trước ban thờ tổ tiên con xin khấu đầu bái lạy cung kính tạ ơn tổ tiên nội ngoại, con cầu mong cha mẹ, ông bà, và gia tiên dòng tộc được sớm siêu sinh, lên thiên đường hưởng đại phúc, đại lộc, để phù hộ độ trì cho con cháu muôn đời luôn được mạnh khoẻ, hạnh phúc, tài trí hơn người, công thành danh toại, vận khí hanh thông vạn sự luôn được như ý nguyện.
 
Con xin lòng thành cảm ơn hồng phúc của gia tiên, con kính mời cha mẹ, ông bà, cùng gia tiên nội ngoại thụ hưởng lễ vật lòng thành mà chúng con kính dâng!
 
Con xin đa tạ (3 lần)
 

3. Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng ngoài trời
 

3.1 Ý nghĩa


Ngoài mâm lễ cúng Rằm trong nhà, các gia đình có thể làm một đàn lễ ngoài trời để cảm ơn Trời Đất, Thần Tiên, Phật Thánh, cùng các vị anh hùng dân tộc.
 
Nếu không có sân thì bày lễ ở gian giữa trong nhà hoặc ở sân thượng cũng được.


3.2 Chuẩn bị lễ

 
Ở ngoài trời cần đặt 4 bàn lễ ở 4 hướng:
  • Hướng Bắc để thờ Thượng Đế
  • Hướng Nam để thờ các vị Thần
  • Hướng Tây để thờ Phật
  • Hướng Đông để thờ các vị Vua, Hoàng đế, Thánh nhân, các quan đại thần, trạng nguyên và các vị anh hùng liệt sĩ có công với dân với nước.
Nếu có điều kiện, nên sắm lễ ở mỗi bàn lễ các hướng Bắc, Nam, Đông như sau:
  • 1 con gà trống luộc
  • 1 miếng thịt dê hấp
  • 1 đĩa trái cây tươi
  • 1 bình hoa tươi
  • 99 thuyền vàng, 99 thỏi vàng, 99 lá vàng (không cúng tiền âm phủ)
  • 3 chén rượu 3 loại rượu, trắng, đỏ, vàng... (có thể dùng rượu vang)
  • 3 chén trà có ba loại hương vị khác nhau
  • Mỗi bàn lễ đốt 5 ngọn nến, thắp 9 nén nhang.
Lưu ý: Riêng ban lễ hướng Tây lễ Phật làm cơm chay, không có tiền vàng, không có rượu. Trên các bàn lễ nếu đều có lọng che thì rất tốt.

 

3.3 Văn khấn ở bàn lễ hướng Bắc thờ Thượng Đế

 
Khi thắp nến: "Khởi tâm thắp nến/ Hào quang sáng bừng/ Tâm thân thanh tịnh/ Gạt bỏ phiền ưu/ Thái thượng đại đan/ Từ quang phổ chiếu/ Thần Tiên chứng đàn".
 
Kinh thắp nhang: "Hương phần bảo đỉnh/ Khí đạt huyền không/ Thần nhân hợp nhất/ Yết kiến nguyệt cung/ Thần thông linh hiển/ Pháp hiện cửu vân/ Đan điền linh tụ/ Tâm quy mệnh lễ/ Cáo hạ Thần Tiên".
 
Quỳ xuống lễ 9 lễ và đọc văn khấn:
 
"Kính lạy Thượng Đế/ Kính lạy Hỗn Côn Sư Tổ/ Kính lạy Hồng Quân Lão Tổ
 
Kính lạy Hàng Ma Đại Đế Thánh Quân. Trừ Ma Đại Đế Thánh Quân. Giáo Hoá Đại Đế Thánh Quân.
 
Kính lạy Ngọc Hoàng Đại Đế, Đông Phương Thanh Đế, Nam Phương Xích Đế, Tây Phương Bạch Đế, Bắc Phương Hắc Đế.
 
Kính lạy Tam Thanh Sư Tổ, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn. Càn Khôn Đại Chiến Thần Cửu Thiên Huyền Nữ, Thái Thượng Lão Quân, Huyền Thiên Trấn Vũ.
 
Kính lạy Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng/ Trung đàm thần tướng thiên thiên binh/ Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
 
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, ngày Tết nguyên tiêu năm Nhâm Dần. Chúng con xin nhất tâm thành kính sửa soạn lễ vật nhang đăng thỉnh tấu lên Thượng Đế, cùng chư ngài.
 
Tấu rằng: Chúng con xin đa tạ Thượng Đế đã tạo lập thế gian và ban cho chúng con sự sống, được tu tâm tu đức và hành đạo, thể xác chúng con được mạnh khoẻ, trí tuệ chúng được minh ý.
 
Con xin nguyện cầu Thượng Đế, cùng chư ngài khai ân minh xét, ban cho chúng con sức mạnh, trí tuệ, sự năng động sáng tạo, nhất tâm kính định tu theo thiên giới, mọi chúng sinh đều có niềm tin tuyệt đối với Thượng Đế để thế giới được thái bình, muôn loài được hạnh phúc, văn minh và thịnh vượng. Mọi chúng sinh được hưởng đại lộc, đại phúc bởi Thượng Đế ban tặng.
 
Thành tâm kính định chúng con biết ơn Thượng Đế (9 lần) và lạy 9 lạy.
 

3.4 Văn khấn ở bàn lễ hướng Nam kính lễ các vị Thần

 
"Con kính lạy Chính Nhất Tổng Quản Đại Thần Tài/ Con kính lạy tứ hải Long Vương/ Con kính lạy Sơn Thần, Long Thần Thổ Địa, Thổ Công Táo Quân, Thổ Kỳ, hạ đàn chứng giám.
 
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, ngày Tết nguyên tiêu năm Nhâm Dần. Chúng con nhất tâm thành kính xin được sửa soạn lễ vật, tiền vàng nhang đăng thỉnh cầu kính mời chư ngài hạ đàn thụ hưởng, chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
 
Đầu năm mới, chúng con nguyện cầu chư ngài khai ân minh xét, ban cho đất nước con được thái bình, nhà nhà ai cũng được ban tài, ban lộc, ban phúc, ban thọ, toàn dân được văn minh thịnh vượng vạn sự cát tường như ý.
 
Chúng con xin đa tạ (9 lần) và lễ 9 lễ".


3.5 Văn khấn ở bàn lễ hướng Đông

 
Bàn lễ hướng Đông kính lễ các vị Vua chúa, Hoàng đế, các vị thánh nhân, các vị đại quan, trạng nguyên và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước.
 
Đốt 5 ngọn nến, thắp 9 nén nhang, quỳ lễ 9 lễ mà khấn rằng:
  • Con kính lạy Quốc Tổ Vua Hùng cùng các vị Đế Vương Việt Nam anh minh.
  • Con kính lạy Tản Viên Sơn Thánh Đô Đại Thành Hoàng.
  • Con kính lạy Quốc chủ Đại Vương cảm thần Bạch Mã Linh Lang.
  • Con kính lạy chư vị thánh Tứ Bất Tử cùng chư vị Thánh nhân nước Việt Nam.
  • Con kính lạy tứ đức thánh mẫu nước Việt Nam.
  • Con kính lạy các vị quan đại thần, các vị quan trạng, cùng toàn thể các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc.
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, là Tết nguyên tiêu năm Nhâm Dần. Gia đình chúng con nhất tâm thành kính xin được sửa soạn lễ vật tiền vàng, nhang đăng thỉnh cầu kính mời chư vị hạ giá, thụ hưởng lễ vật, để chúng con được bày tỏ sự tôn kính tới công ơn của các vị với nhân dân với đất nước.
 
Nhân dịp Tết Nguyên tiêu đầu năm mới, con nguyện cầu chúc chư vị ở thiên đường hưởng đại phúc, đại lộc để phù hộ cho đất nước ta luôn được thái bình, cán bộ ta luôn được minh bạch, trong sạch, nhân dân ta luôn được mạnh khoẻ, hạnh phúc, văn minh, thịnh vượng, nguyện cầu các vị đế vương anh minh, các vị thánh tổ, chư vị tứ đức thánh mẫu, các vị đại thần, quan trạng... ban ơn tài lộc cho bách gia trăm họ, cho con cháu chúng con được mạnh khoẻ, thông minh, học giỏi, sự nghiệp hanh thông để góp công xây dựng tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh và thịnh vượng.
 
Con xin trấn tâm nhất minh quy mệnh lòng thành kính lễ cầu xin chư vị minh xét.
 
Chúng con xin đa tạ chư vị (9 lần) rồi lễ 9 lễ.
 

3.6 Văn khấn ở ban thờ hướng Tây, để kính lễ Đức Phật

 
Thắp 5 ngọn nến, 9 nén nhang, lạy 9 lạy mà thưa rằng:
 
Con nam mô a di đà phật (3 lần).
Con lạy 9 phương trời, lạy 10 phương đất, lạy chư phật ở 10 phương.
Nam mô Lục Tổ Phật.
Nam mô Đức Thích Ca mâu ni Phật.
Nam mô hội thượng Phật Bồ tát.
Nam mô bạch y linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát ma ha tát.
Con niệm nam mô phật, nam mô pháp, nam mô tăng.
 
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần. Cũng là ngày vía Phật hiển linh, chúng con với tấm lòng thành kính xin được sửa soạn lễ vật cơm chay, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Lục Tổ Phật, Đức Thích Ca mâu ni, hội thượng phật Bồ Tát, Quán thế âm Bồ Tát, cùng chư phật, chư pháp, chư tăng... hạ đàn chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
 
Năm mới chúng con cầu xin Lục Tổ Phật, Đức Thích Ca, chư vị Bồ Tát, chư vị phật, pháp, tăng... phù hộ gia trì cho đất nước con, cho bách gia trăm họ được mạnh khoẻ, hạnh phúc, thân tâm mọi chúng sinh luôn được thanh tịnh an lạc.
 
Chúng con xin nhất tâm lòng thành kính lễ.
 
Con nam mô a di đà phật (3 lần)
 
*Ghi chú: Tài liệu tham khảo của Giáo sư, chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh.

Tin bài liên quan đến chuyên gia phong thủy này: