Cúng rằm tháng Chạp năm Đinh Dậu có gì đặc biệt, có gì khác với cúng rằm hàng tháng?

Thứ Hai, 29/01/2018 10:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cúng rằm tháng Chạp sắp tới, nên thực hiện như thế nào mới đúng? Cúng rằm tháng Chạp năm Đinh Dậu ra sao để mang bình an, may mắn cho cả gia đình? Cùng theo dõi nhé.
 
Chẳng biết tự bao giờ, người dân đất Việt có lệ cúng rằm và mùng một hàng tháng, có nhà thì cúng gia tiên, có nhà cúng cả thần linh, cúng cả gia tiên. Đây là phong tục, tục lệ có thể nói được lưu truyền từ bao nhiêu đời nay.
 
Sắp đến ngày rằm tháng Chạp, ngày rằm cuối cùng trong một năm, chắc hẳn nhiều người không khỏi thắc mắc, cúng rằm tháng Chạp có giống như những ngày rằm hàng tháng? Lễ cúng rằm tháng Chạp năm Đinh Dậu có điều gì cần đặc biệt chú ý? Lịch ngày tốt sẽ giúp các bạn độc giả tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này.
 

1. Khi nào sẽ tiến hành cúng rằm tháng Chạp?

 
Cũng giống như các lễ cúng rằm khác trong năm, có thể tiến hành lễ cúng rằm vào ngày 14 hoặc 15 hàng tháng. Có nhiều cách lý giải trong việc tại sao lại cúng rằm trước ngày rằm, có người thì cho rằng cúng ngày chính rằm có thể sẽ có nhiều cô hồn ngạ quỷ đi tranh cướp lộc khiến cho thần linh, tổ tiên thụ lộc kém phần, có người thì hiểu đơn giản là nếu ngày chính rằm gia chủ việc bận thì cúng dường trước đó một ngày để không lỡ ngày cúng, vẫn thể hiện được lòng thành của mình.

Đặc biệt, việc cúng rằm chỉ nên thực hiện trước ngày rằm chứ tuyệt đối không làm khi đã qua ngày chính rằm (15 âm lịch).
 

2. Có nên lau dọn bàn thờ trước ngày rằm tháng Chạp?

 
Thường mọi người sẽ tiến hành lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang vào ngày 23 tháng Chạp sau đó, nhưng tùy theo điều kiện từng gia đình mà cũng có thể lau dọn ban thờ trước ngày rằm để kịp tiến hành 3 lễ cúng quan trọng trong tháng Chạp này: lễ cúng rằm tháng Chạp, lễ cúng 23 tháng Chạp và lễ cúng Giao thừa.

Khi lau dọn ban thờ, cần chú ý đến vị trí quan trọng nhất là ban thờ Phật và ban thờ tổ tiên. Người ta quan niệm rằm đây là nơi linh thiêng nên ngày thường không được tùy ý động chạm hay xê dịch vì sẽ làm kinh động đến thánh thần, khiến thánh thần nổi giận và không muốn ở lại lâu. Chính vì thế nên chỉ được lau dọn sạch sẽ chứ không được dịch chuyển. Tuy nhiên tùy theo từng địa phương mà quan niệm này có khác biệt, có thể dịch chuyển bát hương để lau dọn được kĩ càng vì trước đó đã dâng hương xin phép.
 
Theo đó, trước khi tiến hành dọn ban thờ để cúng rằm tháng Chạp, người thực hiện việc lau dọn này phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo chỉnh tề, giữ lòng thành tâm. Người đó sẽ phải thắp một nén hương để kính báo với thần linh, tiên tổ biết hôm nay sẽ xin phép lau dọn ban thờ, mời thần linh và các cụ tổ tiên tạm lánh để con cháu thực hiện công việc mà không kinh động đến.
 
Khi lau dọn bàn thờ, cần phải dùng nước sạch, khăn sạch và những đồ lau dọn chuyên dùng cho ban thờ, tuyệt đối không sử dụng chung với những đồ lau dọn vệ sinh của gia đình. Khi lau rửa đến bài vị của thần Phật và tổ tiên thì chú ý dùng nước ấm, không được dùng nước sạch. Đồng thời lưu ý, việc lau rửa này phải thực hiện theo thứ tự đúng là vệ sinh bài vị của thần linh trước rồi mới tới bài vị của tổ tiên. Không được làm ngược lại thứ tự này bởi như vậy là bất kính, mạo phạm đến thần linh, sẽ không tốt cho cả phần âm và phần dương của gia đình. Khi thực hiện việc lau dọn xong xuôi cũng phải có nén hương kính báo, mời thần linh cùng tổ tiên về ngự.
 

3. Đồ lễ cúng rằm tháng Chạp có những gì?

 
Tùy theo từng gia đình mà người ta cúng rằm tháng Chạp bằng lễ chay hoặc lễ mặn. Tuy cách thức khác biệt nhưng tựu chung đều thể hiện lòng thành của con cháu, song phải nhớ những điều khác biệt trong 2 lễ cúng này.
 
Nếu cúng rằm tháng Chạp bằng lễ chay, nhớ chuẩn bị hương hoa, trái cây, trầu cau, nước sạch, nến hoặc đèn dầu… Đặc biệt, lễ cúng chay rằm tháng Chạp không được thiếu hoa quả, trầu cau. 
 
Còn nếu gia đình bạn làm lễ cúng rằm tháng Chạp bằng lễ mặn thì lễ vật thường có là gà luộc, bánh chứng hoặc xôi, giò hoặc chả… Ngoài ra tùy theo điều kiện gia đình mà chuẩn bị các món mặn khác.


 
 
Nói chung, đồ lễ cúng rằm tháng Chạp tuy có phần đặc biệt hơn các lễ cúng rằm khác trong năm nhưng chủ yếu cần phải có lòng thành, không quá cầu kì chuyện lễ vật dâng cúng.
 
Tuy nhiên, có một việc cần phải chú ý khi làm lễ cúng, đó là chuẩn bị riêng các đồ để đựng lễ cúng như bát, đĩa, đũa, thìa… Người ta quan niệm rằng đồ thờ cúng cần sạch sẽ, không uế tạp nên khi dâng lên ban thờ nên dùng đồ mới, tốt nhất là những đồ dùng riêng cho việc thờ cúng. Việc này còn tùy vào điều kiện của từng gia đình, nhưng nếu có thể, các bạn hãy sắm cho nhà mình một bộ đồ để cúng lễ riêng, tránh dùng đồ chung hàng ngày với đồ cúng lễ.

 
 
Ngoài ra, khi dâng lễ cúng nên chú ý đến điểm này để không mắc sai lầm, phạm tới thánh thần. Đồ cúng chay và đồ cúng mặn phải để riêng biệt, tách bạch nhau chứ không được để chung. Riêng với ban thờ Phật, chỉ nên dâng lễ chay. Với đồ cúng, hoa quả có thể để ở ban trên, riêng các món cúng mặn thì nên kê thêm bàn ở dưới rồi mới thắp hương dâng cúng.
 

4. Nên thắp bao nhiêu nén trên ban thờ khi cúng rằm?

 
Khi thắp hương trên ban thờ ngày rằm, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi theo quan niệm xưa, số lẻ tượng trưng cho phần âm. Chính vì thế mà có thể thắp 1, 3, 5, 7 hay 9 nén hương trên mỗi bát hương.

 
 
Song theo các chuyên gia phong thủy thì việc thắp bao nhiêu nén hương ngoài yếu tố tâm linh còn phải cân nhắc theo không gian thờ cúng nữa. Nếu nhà bạn không được rộng rãi thì nên thắp 3 nén cho bát hương thờ thần Phật, với những bát hương còn lại thắp 1 nén là vẫn đủ lòng thành mà không khiến cho khói hương nghi ngút, gây ngột ngạt trong nhà, cũng là phòng tránh hỏa hoạn xảy ra.
 
Theo quan niệm dân gian, số nén hương được thắp lên có nhiều ý nghĩa khác biệt nhau như sau:
 
Thắp 1 nén: cầu bình an, may mắn.
Thắp 3 nén: xin tổ tiên, thần Phật linh ứng báo tin để bảo vệ người trong nhà và xua đuổi tai ương.
Thắp 5 nén: đây là cách mà các thầy pháp dùng để dự báo hung cát cho người khác hoặc mời gọi thần linh về xin ý kiến.
Thắp 7 nén: mời gọi thần linh, thiên binh thiên tướng. Nếu không phải việc bất đắc dĩ thì bạn không nên thắp hương theo cách này.
Thắp 9 nén: đây được coi là tín hiệu cầu cứu khi cấp bách. Nếu rơi vào tình huống bất đắc dĩ, không thể nhờ cậy được ai, không cầu được thần linh về cứu giúp thì mới sử dụng. Thắp 9 nén hương là để kêu cầu Ngọc Hoàng Đại Đế và Thập điện Diêm Vương đoái thương, cứu giúp muôn dân khỏi cảnh tai ương, cứu khổ cứu nạn. Nếu thắp chín nén hương, nên bày hương theo 3 hàng 3 cột.
 
Sau khi thắp hương, gia chủ sẽ phải thành tâm khấn lễ. Chú ý khi khấn phải liền mạch, luôn giữ lòng nghiêm cẩn, thành tâm để thể hiện sự tôn kính với thần Phật, tổ tiên… Có thể đọc theo bài văn khấn rằm tháng Chạp, cũng có thể tùy theo suy nghĩ mà khấn vái, quan trọng nhất là gia chủ thực hiện với lòng thành tâm thì sẽ được thần linh, ông bà chứng giám.
 
Văn khấn là hình thức truyền tải tâm tư nguyện vọng của người dương gian với cõi linh thiêng, là cầu nối để thần Phật, tổ tiên nghe thấy lời khấn cầu của con cháu mà độ thế, cứu giúp. Văn khấn rằm tháng Chạp bao gồm văn khấn Thổ công Thổ địa cùng chư vị thần linh và văn khấn gia tiên. Các bài khấn này đều có khuôn mẫu riêng, Lịch ngày tốt có đăng tải những bài văn khấn cúng rằm tháng Chạp chuẩn văn khấn cổ truyền Việt Nam để các bạn độc giả có thể tham khảo và áp dụng trong lễ cúng rằm tháng Chạp của gia đình mình. Hy vọng với những thông tin trên đây có thể giúp cho bạn đọc thực hiện lễ cúng rằm sắp tới đầy đủ và đúng cách, cầu phúc lộc, bình an cho gia đình.