(Lichngaytot.com) Cứ đến dịp rằm tháng 7, câu hỏi: "Lễ cúng rằm tháng 7 gồm những gì?" được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu nhưng rất ít người có thể nhớ đầy đủ tất cả các mâm cúng trong dịp này.
Lễ cúng rằm tháng 7 gồm những gì? là câu hỏi không ít người phân vân khi có quá nhiều mâm cúng cần chuẩn bị trong ngày này: mâm cúng Phật, cúng thần linh, cúng tổ tiên, cúng cô hồn, cúng phóng sinh. Đó còn chưa kể việc chọn thời điểm cúng và nên thực hiện khấn vái như thế nào.
Theo quan niệm dân gian, việc chuẩn bị lễ cúng rằm tháng 7
âm lịch nếu không được tươm tất thì dễ gặp nghiệp chướng, tai họa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mâm cúng phải cầu kỳ, có gì chuẩn bị nấy, tránh rườm rà, phô trương.
Đây cũng là điều mà quan điểm nhà Phật muốn hướng đến. Chuẩn bị đồ cúng ngày rằm, cúng cô hồn phải xuất phát từ lòng từ bi, trắc ẩn, độ lượng dành cho những vong hồn không nơi nương tự; sự cảm tạ chân thành tới Phật, thần linh, tổ tiên, cha mẹ và mở rộng tình thương tới muôn loài.
Để trả lời cho câu hỏi: Lễ cúng rằm tháng 7 gồm những gì, chúng ta cần hớ có các lễ cần chuẩn bị như sau:
1. Chuẩn bị lễ cúng Phật rằm tháng 7
Trước tiên, đó là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Ta sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh – Kinh Vu Lan – để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Kinh Vu Lan khá dài, nhưng không đến mức quá dài, lại thuộc thể thơ song thất lục bát nên đọc cũng nhanh thôi.
Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Nếu dùng hoa tươi thì nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại. Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả.
2. Chuẩn bị mâm cúng thần linh và tổ tiên vào ngày rằm tháng 7
Tương tự như mâm cúng Phật, mâm cúng thần linh và gia tiên cũng nên được thực hiện vào ban ngày.
Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, đến những vật hiện đại như xe cộ, điện thoại... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ giống như người Dương trần.
Tuy nhiên, thói quen đốt vàng mã ngày nay đã giảm đi nhiều vì mọi người cho rằng người chết rồi không thể nhận được những thứ ấy.
Các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho,… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.
3. Chuẩn bị mâm cúng cô hồn rằm tháng 7
Ngoài việc cúng Phật, cúng thần linh và cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội…
Thời gian: Có thể cúng từ ngày mùng 1 đến 15 tháng 7 (âm lịch). Lưu ý đầu tiên khi chuẩn bị đồ cúng cô hồn vào ngày rằm tháng 7 đó là mâm cúng này cần được thực hiện ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà.
Đồ lễ cần đảm bảo có đủ các thành phần sau:
15 lễ tiền vàng trở lên.
20 đến 50 bộ quần áo chúng sinh.
Tiền trinh, hoa quả ngũ sắc.
Bỏng khô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
Kẹo bánh, tiền mặt (tiền thật, đủ mệnh giá).
Nếu có cháo loãng thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa).
Ngoài ra, nên cúng cô hồn vào buổi chiều tối vì ban ngày ánh nắng Mặt Trời rất mạnh trong khi các cô hồn vừa được thả ra rất yếu.
Khi rải tiền vàng ra mâm cúng phải để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương.
Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.
4. Chuẩn bị đồ cúng phóng sinh rằm tháng 7
Trong ngày rằm tháng 7, các gia đình có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua… nhưng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Phóng sinh là cách nuôi dưỡng lòng nhân hậu, từ bi và có thể làm quanh năm chứ không nhất thiết thực hiện vào dịp rằm tháng 7.
Phóng sinh phải xuất phát từ tâm chứ không chạy theo phong trào, không cố phóng sinh thật nhiều tôm, cua hay chọn mua những con vật quý hiếm, đắt tiền để thực hiện.
Gặp con gì thì mua con đó, không đặt trước, không phân biệt nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, gầy hay bé mà tùy tâm, thành tâm.
Không cứ phải đến vùng ao, hồ gần chùa mới phóng sinh mà hãy thực hiện phóng sinh đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm miễn là chúng sống được.
Không nên cầm cả xô hay túi vứt xuống ao, hồ, sông, suối.