Cúng ông Táo sai cách - đừng làm xấu xí phong tục truyền thống

Thứ Năm, 06/06/2024 16:43 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp hàng năm là phong tục truyền thống mang giá trị văn hóa và tâm linh của người Việt. Nhưng ngày nay, nhiều người hiểu sai, hiểu khác ý nghĩa của phong tục này khiến những điều tốt đẹp của nó bị mai một và biến tướng đi rất nhiều.

 


1. Cúng ông Công ông Táo lưu giữ văn hóa dân tộc

 
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt, không đơn giản chỉ là lễ tiễn năm cũ mừng năm mới mà đây còn là tổ hợp các nghi thức thể hiện giá trị văn hóa dân tộc dân gian, tâm linh, tín ngưỡng. Cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp được coi là nghi lễ chính thức đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu của Tết.
Hàng năm, đúng ngày này các gia đình người Việt sẽ chuẩn bị lễ cúng Táo Quân về trời. Vị Thần Bếp cai quản gia sự, định họa phúc, quanh năm theo dõi chuyện của từng nhà sẽ cưỡi cá chép hóa rồng về thiên đình để bẩm báo Ngọc Hoàng điều hay điều dở trong năm. Vì thế mà các gia đình đều sắm lễ thật tốt để tiễn thần đi hanh thông, may mắn, tấu sự trôi chảy, xin Ngọc Hoàng cho gia đình mình năm mới an khang thịnh vượng.
 
Tục thờ Táo Quân là tín ngưỡng văn hóa dân gian thể hiện sự gắn kết gia đình, coi trọng bếp lửa và cũng gửi gắm niềm tin, hi vọng của con người vào tương lai với mong muốn càng ngày càng tốt đẹp, càng ngày càng phát triển. Lễ cúng được tổ chức trang trọng với các nghi thức chuẩn xác cho thấy sự thành kính về tâm tưởng cũng như trao truyền văn hóa qua các thế hệ.
 

2. Phong tục truyền thống bị biến tướng

 
Người Việt đã cúng Táo Quân hàng ngàn năm, nghi thức ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống. Cứ 23 tháng Chạp dù làm gì, ở đâu cũng đều sắm lễ cúng ông Táo. Nhưng gần đây, cuộc sống hiện đại với sự lên ngôi cũng những giá trị vật chất khiến nhiều người biến nghi lễ này trở thành lố lăng, quá đà.
 
Thông thường, sắm lễ cúng ông Táo đúng chuẩn cũng giống như bao nghi lễ khác của người Việt, thịnh soạn nhưng không cầu kì, đầy đủ mà chẳng xa hoa, rất vừa vặn, thể hiện được nét truyền thống nhưng giản dị, chân thành. Ban thờ cúng Táo được sắp xếp ở gần bêp lửa, dựng 3 bài vị hoặc 3 bộ mũ lên là thành. 

 
Cỗ cúng có cỗ mặn gồm những món ăn mang hương vị Việt như bánh chưng, gà luộc, xào thập cẩm, nem, giò, canh măng miến, xôi; cỗ chay có hương đèn, hoa quả, trầu cau, chè sen, rượu thuốc, gạo muối. Sắm thêm 3 bộ mũ áo hài, đôi chĩnh vàng nén, thả 3 con cá chép ấy là hoàn thành. Với nhà giản tiện thì chỉ cần cỗ chay, vàng mã là được, cỗ mặn cũng miễn.
 
Cỗ mặn thể hiện lòng thành, các táo no đủ lên đường bình an; chè sen ngọt ngào, lên tới thiên đình nói lời hay ý đẹp cho gia chủ được nhờ; áo mũ hài mới mẻ đẹp tốt tiễn Táo về trời tươm tất sau một năm chăm lo cho gia đình; đôi chĩnh vàng thỏi vàng nén làm lộ phí đi đường; cá chép hóa rồng để Táo bay về. 
 
Tất cả những món đồ lễ đều mang ý nghĩa nhất định, thể hiện sự chu đáo chu toàn của chủ nhà dành cho vị thần đã theo dõi, chăm nom cho gia đình mình. Đó vừa là lời tri ân, cảm tạ đồng thời cũng mang theo hi vọng về năm mới suôn sẻ, cát tường, sung túc, có nhiều điều hứa hẹn. 
 
Quan trọng hơn cả là tâm thức của người Việt sẽ hướng thiện, tử tế hơn bởi luôn có những vị thần linh theo dõi sát sao, định ngay gian, tấu trình việc tốt việc xấu của mình lên đấng tối cao. Ngay cả khi không có ai, không ai biết thì vẫn phải sống đúng mực, tốt đẹp, chân thành bởi có thế lực siêu nhiên biết, đó là ý nghĩa cao nhất của nghi thức này.
 
Vậy nhưng, nhiều người do thiếu hiểu biết về văn hóa cũng như yếu kém trong nhận thức đã làm xấu đi một nghi lễ đẹp của dân tộc. Bày lễ cúng tốn kém phiền phức, sắm mâm cao cỗ đầy, đốt quá nhiều vàng mã vừa gây tốn kém, mất thời gian công sức lại ảnh hưởng xấu tới môi trường cũng như tâm lý cộng đồng.

 
Người ta tin rằng cứ bày lễ thật hậu thì Táo sẽ xí xóa cho những việc làm sai trái xấu xí của mình và ban cho nhiều phúc nhiều tài. Dường như tâm lý “hối lộ” thần linh này càng ngày càng phát triển, người người nhà nhà đua nhau cúng càng to càng tốt, đốt càng nhiều vàng mã càng thành ý. Phóng sinh cá chép cho Táo về trời vốn là hành động nhân văn, chứa đầy thiện tính nhưng cũng trở nên tệ hại khi mà người dân vứt cả túi nilong xuống ao hồ cùng với cá. 
 
Nhịp sống hối hả, con người sống nhanh sống vội mà quên mất việc phải chậm lại, tìm ra những ý nghĩa chân thực nhất trong nghi lễ, phong tục mà mình đang tiến hành. Làm sai thì hoài công vô ích bởi chính bản thân mình đã phá hủy truyền thống, phá hoại văn hóa thì làm sao mà được hưởng kết quả tốt đẹp. Hãy nhớ rằng Cúng táo quân: Mâm cao cỗ đầy không bằng TÂM THÀNH KÍNH