Làm lễ cúng cô hồn 2019 ngày nào tốt, giờ nào tốt?

Thứ Sáu, 09/08/2019 14:03 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cúng cô hồn 2019 ngày nào tốt nhất? Theo các chuyên gia tâm linh, lễ cúng cô hồn năm nay có thể tiến hành vào chủ nhật, ngày 11/7 âm lịch, tức ngày 11/8/2019 là tốt nhất.

 

1. Tại sao phải cúng cô hồn?


 
Cô hồn là gì? Tại sao phải cúng cô hồn? Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn” hay tháng “mở cửa mả”. Tên gọi này bắt nguồn từ truyền thuyết Diêm Vương cứ tới tháng 7 âm hàng năm là mở cửa Quỷ Môn Quan cho phép các vong hồn được quay về trần gian, tới rằm tháng 7 lại phải quay về.
 
Ngoài những vong hồn được gia đình, người thân thờ tự, cúng kiếng đủ đầy thì có rất nhiều cô hồn dã quỷ không nơi nương tựa sẽ vật vờ kiếm miếng ăn trên cõi người vào khoảng thời gian này.
 
Để tránh bị cô hồn quấy phá, nhũng nhiễu cuộc sống hàng ngày, gây khó dễ cho chuyện kinh doanh buôn bán, người trần có lệ cúng cô hồn để xoa dịu cơn giận dữ của những vong hồn kia, mong họ không vì tức giận mà phá hoại cuộc sống của mình. 
 
Đây cũng là 1 phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy mang hơi hướng tâm linh, song nhiều người tin rằng việc làm phúc, trao miếng ăn cho cô hồn dã quỷ sẽ giúp các vong hồn bớt oán giận, sớm tìm lại tâm thiện lành mà tu tập để được đầu thai sang kiếp khác. 
 

2. Làm lễ cúng cô hồn 2019 ngày nào tốt?


 
Lễ cúng cô hồn thường được làm cùng với thời gian làm lễ Vu Lan, lễ cúng rằm tháng 7, tuy mục đích của mỗi khóa lễ lại có phần khác nhau.
 
Theo quan niệm dân gian, có nơi cúng cô hồn kéo dài trong suốt tháng 7 âm, có nơi lại làm lễ cúng từ ngày mùng 1 tới ngày 15 âm tháng 7. Ngày rằm tháng 7 cũng được coi là ngày lễ cúng cô hồn lớn nhất.
 
Vậy làm lễ cúng cô hồn 2019 ngày nào tốt, giờ nào tốt? Cúng cô hồn tháng 7 vào ngày nào là chuẩn nhất? Theo các chuyên gia tâm linh, trong năm Kỷ Hợi này, thời điểm tốt nhất để làm lễ cúng cô hồn có thể là 1 trong 3 ngày sau: 
 
- Ngày 11/7 âm: tức ngày 11/8/2019
- Ngày 13/7 âm: tức ngày 13/8/2019
- Ngày 14/8 âm: tức ngày 14/8/2019
 
Ngày tốt nhất, đẹp nhất để tiến hành lễ cúng cô hồn 2019 được cho là ngày 11/7 âm lịch bởi hôm đó trùng với ngày chủ nhật trong tuần, người dân có thời gian hơn để biện lễ đầy đủ, thành kính. 
 
Theo quan niệm dân gian, việc tâm linh cốt ở lòng thành, nếu như tâm không thành thì sẽ không được Thần Phật chứng giám. Khóa lễ được gia chủ dùng lòng thành thực hiện, tâm thanh tịnh, không vội vã, không tranh thủ sẽ tránh được những sai sót không đáng có, giúp cho khóa lễ được viên mãn hơn. 
 
Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến tham khảo của chuyên gia, tùy vào phong tục từng miền, tùy vào điều kiện của gia chủ mà có thể chọn ngày phù hợp để làm lễ cúng cô hồn 2019 chứ không nhất thiết phải ấn định riêng 1 ngày duy nhất. Tìm hiểu thêm Không cúng cô hồn dịp rằm tháng Bảy có được không?
 

3. Làm lễ cúng cô hồn 2019 giờ nào tốt?



Trong tháng 7 âm có 3 lễ cúng quan trọng, đó là lễ cúng rằm, lễ Vu Lan cầu siêu và lễ cúng cô hồn. Ba lễ này có thể tiến hành trong cùng 1 ngày, nhưng thời điểm thực hiện các khóa lễ lại có phần khác biệt.
 
Theo lời người xưa, lễ cúng cô hồn 2019 nên làm vào buổi chiều tối, khi ngoài trời đã tắt nắng là tốt nhất. Còn với lễ cúng rằm, lễ Vu Lan thì nên làm vào ban ngày. 
 
Sở dĩ có quan niệm này là vì người ta cho rằng cô hồn sợ ánh sáng, ban ngày dương khí quá vượng sẽ át âm khí, dù gia chủ có thành tâm cúng kiếng thì cô hồn cũng sẽ không thụ lộc được nếu vẫn đang có ánh nắng mặt trời. Lễ cúng cô hồn làm vào buổi chiều tối khi đã tắt nắng thì cô hồn sẽ dễ dàng nhận được đồ cúng của gia chủ hơn. 
 

4. Lễ vật cúng cô hồn gồm những gì?

 
Lễ vật cốt ở tâm thành, cũng có phần khác biệt tùy từng địa phương, song nếu gia chủ có điều kiện thì cũng có thể chuẩn bị đồ lễ như sau:
 
- Ngũ quả: trái cây tươi ngon.
- Hoa tươi: thường dùng hoa cúc hoặc hoa hồng.
- Tiền vàng: có thể có hoặc không, tùy theo quan niệm vùng miền.
- 1 đĩa muối hạt
- 1 đĩa gạo
- Trầu cau
- Nước sạch
- Bánh kẹo, bỏng gạo, bỏng ngô…
- Cháo loãng
 

5. Lưu ý khi làm lễ cúng cô hồn 2019

 
- Tắm gội, thay đồ sạch sẽ, nghiêm chỉnh trước khi làm lễ.
 
- Khấn vái thành tâm, không cười cợt, đùa giỡn khi làm lễ.
 
- Đặt lễ cúng trước cửa nhà hay nơi đang kinh doanh buôn bán, không đặt lễ cúng cô hồn trong nhà. (Dân gian quan niệm nhà có Thổ công, cô hồn dã quỷ không thể tùy tiện vào nhà nếu chưa được phép của Thổ công)
 
- Sau khi hoàn thành lễ cúng cô hồn, không mang đồ cúng vào nhà. Tiền vàng đốt tại chỗ, muối gạo rải tứ phương tám hướng quanh nhà. Đồ cúng chia cho trẻ nhỏ hay người qua đường, người nghèo…
 
An An

*Thông tin chỉ mang tính tham khảo.