Trung Thu về nghe chuyện chú Cuội cung trăng

Thứ Tư, 13/09/2017 11:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mỗi độ Thu về, lòng người lại háo hức chờ đón Tết Trung Thu đang đến rất gần. Trung Thu nghe kể chuyện chú Cuội cung trăng, nhớ về những ngày tháng tuổi thơ trong trẻo.
 
Chẳng biết tự bao giờ, Tết Trung Thu đã trở thành một ngày lễ đặc biệt trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngày này dần dà trở thành ngày Tết thiếu nhi, là ngày mà những đứa trẻ được thoải mái vui đùa, rước đèn xem múa lân, phá cỗ dưới ánh trăng rằm.
 
Dưới ánh trăng rằm, các bé được người lớn kể cho nghe biết bao câu chuyện thú vị về ngày lễ này, trong đó không thể thiếu được sự tích về chú Cuội trông trăng. Câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc, cuốn hút người nghe ngay từ những phút đầu.
 
Truyện kể rằng từ xưa rất xưa, có một chàng tiều phu trẻ tên là Cuội rất chăm chỉ, hay lam hay làm. Một hôm, Cuội vào rừng đốn củi, ngồi nghỉ bên con suối nhỏ. Đang thảnh thơi giữa cảnh trời đất thanh bình, Cuội ta bỗng giận mình khi phát hiện ra một cái hang cọp ngay gần đó. Bốn con cọp con đang vờn nhau ngay trước cửa hang, không thấy cọp mẹ đâu. Cuội bèn xông tới dùng rìu bổ cho mỗi con một nhát để diệt trừ hậu họa.
 
Xong xuôi, chợt thấy bóng cọp mẹ trở về, chàng ta bèn nhanh trí trèo ngay lên một cây cao gần đó. Cọp mẹ về thấy bốn đứa con mình nằm chết trước cửa hang thì gầm lên đau đớn, tiếng gầm rú vang vọng núi rừng, Cuội nằm im trên cây, không dám cựa mình.
 
Bỗng sau đó, cọp mẹ thôi không lồng lộn nữa mà lầm lũi lại gần gốc cây gần chỗ Cuội ta đang trốn, ngoạm một ít lá nhai rồi mớm cho mấy đứa con. Thần kì thay, mấy con hổ con cứ thế mà sống lại, vẫy đuôi chạy nhảy như không có chuyện gì xảy ra. Chờ cọp mẹ tha con đi chỗ khác, Cuội mới lần xuống, lại ra chỗ cây lạ kia mà đào gốc mang về.


Cuội nhìn thấy cọp mẹ dùng lá thần cứu sống cọp con
 
Có cây quý trong tay, Cuội mừng lắm, chẳng màng đốn củi tiếp nữa mà hăm hở về nhà. Trên đường về, chàng gặp một ông lão ăn mày nằm chết bên vệ đường. Thương cảm cho số phận hẩm hiu, lại sẵn có cây thuốc kia, Cuội bèn đặt gánh củi xuống, bứt mấy cái lá nhai rồi mớm cho ông lão. 
 
Chẳng bao lâu sau, điều thần kì lại xảy ra, ông lão dần dần mở mắt, tỉnh dậy, hỏi chuyện Cuội tại sao lại cứu được mình. Cuội thật thà kể lại đầu đuôi câu chuyện, ông lão mừng rỡ thốt lên: “Trời ơi, đây chính là cây phép có thể cải tử hoàn sinh đây mà. Chắc ông trời thấy con là người tốt nên mới ban cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cây thật tốt, nhưng nhớ tuyệt đối không được tưới cây bằng nước bẩn, nếu không cây sẽ bay về trời mất đó!”
 
Cuội nhớ lời ông lão dặn nên về nhà trồng vào góc vườn phía đông rồi ngày ngày lấy nước giếng trong tưới cho cây. Như biết lòng người, cây lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã cao vượt mái nhà.
 
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội đã cứu giúp được rất nhiều người. Phàm những ai hiền lành chất phác thì dù có đường xa khó nhọc đến đâu, chàng cũng không quản ngại khó khăn mà tới tận nơi cứu chữa. Tiếng lành đồn xa, dân làng cũng càng ngày càng yêu mến Cuội hơn.
 
Một lần đi gánh nước, chàng thấy một con chó chết trôi, bèn vớt xác lên rồi mớm lá thần cho nó. Con chó sống lại, mừng vui quấn quýt theo Cuội, muốn tỏ lòng biết ơn với chàng. Kể từ đó, Cuội có thêm chú chó ở bên bầu bạn.


Cuội cứu sống chú chó
 
Không lâu sau, con gái Phú ông chẳng may sảy chân chết đuối, được Cuội cứu chữa sống lại. Để báo đáp ơn cứu mạng, cô gái xin cha được làm vợ Cuội, Phú ông thấy Cuội là người đức độ nên cũng vui vẻ đồng ý.
 
Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, song người lương thiện thường hay chịu thiệt. Một ngày nọ, lũ cướp đi qua nhà Cuội, biết chàng có phép cải tử hoàn sinh, bèn rắp tâm chơi ác. Chúng giết chết vợ chàng, lại moi ruột vứt xuống sông sâu. Cuội về thấy vậy thì đau khổ vô cùng, song dù chàng có mớm cho vợ bao nhiêu lần lá thì vợ chàng cũng không tỉnh dậy. 


Cuội cố cứu sống vợ mà không được
 
Không có ruột thì sao có thể sống được, Cuội biết vậy nên bất lực, òa khóc tức tưởi. Chú chó thông minh, thấy chủ như vậy bèn xin được hiến ruột mình để trả ơn cứu mạng trước đây của Cuội.

Người vật vốn khác nhau, nhưng chẳng còn cách nào khác, còn nước còn tát, Cuội đành mượn ruột chó thay cho vợ. May sao lần này thì vợ chàng sống lại.

Thương chú chó nghĩa tình, chàng lại nặn cho chó một bộ ruột bằng đất sét, mớm cho ít lá, chó cũng sống lại. Cả nhà mừng mừng tủi tủi, qua cơn hoạn nạn tình cảm lại càng thêm thắm thiết.
 

Cuội sống hạnh phúc cùng vợ hiền và chú chó trung thành

Nhưng kể từ ngày đó, vợ Cuội khi nhớ khi quên, chẳng còn được minh mẫn như trước nữa. Sợ vợ lầm lẫn nên ngày nào Cuội cũng phải nhắc vợ tưới nước sạch cho cây, nhưng vợ chàng cứ lú lẫn mãi. 
 
Hôm đó, trước khi đi vào rừng đốn củi, Cuội dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông cây bay về trời.” Nhưng vợ chàng lại lầm lẫn, cứ thế mà đi giải quyết ngay bên góc đông khu vườn. Lập tức đất trời rung chuyển, gió thổi ào ào, cây thần trồi gốc bay lên khỏi mặt đất.

Cuội cùng cây thần bay lên cung trăng
 
Cuội vừa về đến nhà thì thấy cảnh đó, vứt vội gánh củi, chạy mau đến ôm gốc cây để giữ cây ở lại. Song sức người có hạn, cây cứ thế bay lên, Cuội nhất quyết không buông tay nên cứ thế theo cây bay về trời.


Hình ảnh chú cuội cung trăng
 
Từ đó trở đi, Cuội ở lại trên cung trăng với cây thần của mình.  Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá.

Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội cung trăng ngồi gốc cây đa.