Cách làm bánh trôi nhiều màu sắc cực hấp dẫn

Thứ Ba, 06/03/2018 09:44 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cách làm bánh trôi được chỉ ra sau đây sẽ làm cho mâm cúng ngày Tết hàn Thực của nhà bạn thêm phần bắt mắt vì những màu sắc rực rỡ, nổi bật của từng chiếc bánh thơm ngọt, đầy hấp dẫn.

Những năm gần đây, ngoài cách làm bánh trôi bánh chay truyền thống, các chị em nội trợ còn sáng tạo thêm bánh trôi nhiều màu sắc, hương vị mới để dâng lên tổ tiến trong ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch). Nhưng để có màu sắc đẹp tự nhiên không phải ai cũng biết. Sau đây là cách làm bánh trôi nước cùng cách làm màu bánh hấp dẫn bạn có thể tham khảo:
 

1. Cách làm bánh trôi nước 


Chuẩn bị nguyên liệu: Bột nếp xay ướt 1kg; đậu xanh 2 lạng; vừng rang 50gr, dừa nạo 50gr; gừng 1 củ nhỏ; đường phên 150gr; bột sắn dây 50gr; tinh dầu hoa bưởi 5ml; đường phèn (dùng đường phèn nước chan sẽ thanh và trong hơn đường cát) 150gr, vừng, dừa nạo sợi.
 
- Chuẩn bị bột: Bạn có thể mua bột làm sẵn ở ngoài các tiệm bánh đều bán rất nhiều nếu quá bận rộn. Nếu bạn vẫn muốn tự làm bột tại nhà mà lại không có nhiều thời gian, thì có thể xay bột khô rồi chế nước nhồi như làm bánh bột mì. Tỉ lệ gạo cần đảm bảo 8 nếp:2 tẻ:1 chút muối.
 
Nhồi bánh cho đến khi bột dẻo lại, có độ đàn hồi vừa phải, không bị rơi bột vụn ra và không dính tay thì bọc màng thực phẩm lại, ủ 30 phút là có thể bắt tay vào làm. (Những túi bột làm vỏ bánh có thể cấp đông để dùng nhiều lần). 
 
- Cách tạo màu ngũ sắc cho bột:

Tạo bột màu đỏ từ gấc: Cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 40gr đường cát trắng, 30gr bột bắp; gấc sau khi ngâm chút rượu và chút nước thì bóp nhuyễn lấy phần thịt đổ vào âu bột. Nhào qua thấy bột còn khô thì thêm 60-70ml nước ấm khoảng 40 độ C. Đổ từ từ, vừa đổ vừa nhào không nên đổ hết một lần, nếu bột đủ nước thì dừng lại lấy tay nhào, còn bột ướt thì thêm chút bột khô vào nhào đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được (gói bột trong màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô).

Tham khảo: Văn khấn Tết Hàn Thực và cách sắm lễ đúng chuẩn
 
 
- Tạo bột màu xanh từ bột trà xanh: Cho bột trà xanh vào bát thêm 50ml nước nóng hoà tan bột trà xanh. Lọc qua một lần rây để bỏ bớt cặn trà xanh. Đổ 100gr bột nếp ra âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường cát trắng trộn đều các nguyên liệu rồi từ từ đổ nước trà xanh vào. Vừa đổ vừa dùng thìa khuấy nếu đủ nước dừng lại, thiếu nước thì thêm chút nước ấm khoảng 40 độ vào nhào đến khi bột dẻo mịn không bị dính tay là được. Nếu khô thì thêm nước, nhão thêm bột, cứ thế cho đến khi nhào xong. Sau đó bọc bột vào màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô.
 
- Tạo bột màu nâu từ ca cao: Cũng tương tự như trà xanh, đổ bột ca cao ra bát nhỏ, thêm 50ml nước nóng hoà tan ca cao rồi đổ vào bột, tỉ lệ như các màu khác.
 
- Tạo màu hồng từ củ dền: Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng nhỏ, thêm chút nước cho vào máy xay nhuyễn, lọc qua rây lấy phần nước cốt. Nếu muốn đậm thì thêm ít nước, còn muốn nhạt hơn thì hoà thêm nước cho màu nhạt bớt. Nước củ dền khi đun sôi và chưa đun cho hai màu khác nhau. (Bản thân mình thích màu chưa đun hơn vì nó tươi hơn).
 
Cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường, trộn đều các nguyên liệu rồi đổ từ từ nước củ dền vào, nhào bột đến khi mịn dẻo rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, cách làm và lượng bột giống như các màu khác.
 
 
 
- Tạo màu vàng từ hạt dành dành: Hạt dành dành cho ra bát, thêm chút nước nóng, để một lúc cho hạt ra màu vàng như ý muốn, rồi đổ vào phần bột nhào đến khi dẻo mịn không dính tay. Bọc màng bọc thực phẩm để tránh bột khô (nếu không có hạt dành dành thì thay bằng bí đỏ. Xay sống bí đỏ, thêm chút nước để dễ xay, sau đó lọc qua rây thu được phần nước cốt bí đỏ sẽ cho ra màu vàng nhưng với điều kiện là phải lọc hết phần bã bỏ đi).
 
- Tạo màu tím từ lá cẩm: Lá cẩm rửa sạch, cho nước và lá cẩm vào nồi đun khoảng 15 phút cho ra màu thì tắt bếp, chắt phần nước màu bỏ phần lá. Cẩn thận lọc qua rây (nếu không có lá cẩm tím thì thay thế bằng lá bắp cải tím nhưng mùi hơi hăng, khắc phục cho thêm vani, cho bắp cải tím vào máy xay sinh tố, thêm chút nước rồi xay nhuyễn lọc qua rây thu được phần nước cốt). 
 
- Vừng trắng rang vừa vàng tới là tắt lửa, dùng sức nóng còn lại đảo tiếp là được. Sau khi vừng vàng như ý đổ ngay ra đĩa lót giấy, dàn mỏng.
 
- Chú ý khi bỏ khối bột ra đĩa, không vần vò nhiều sẽ làm bánh bị nát khi luộc. Những viên bột nhỏ xinh véo ra cho vừa, tự vê tròn lại để bột dính mượt vào nhau, sau đó mới lại làm dẹp miếng bột ra, nhấn nhá viên đường vuông vuông nâu nâu vào giữa. 
 
- Đặt viên đường vào giữa lòng cục bột, khép mí, vo nhẹ tạo hình tròn. Cần nhớ là chỉ vo nhẹ để tạo hình, không vo nhiều sẽ khiến bánh trôi bị nát khi luộc.
 
- Chuẩn bị một nồi nước lớn để đun sôi luộc bánh và một nồi nước đã đun sôi để lạnh để tráng bánh.
 
- Khi nước luộc sôi 3-5 phút thì giảm lửa nhỏ vừa, thả bánh vào nhẹ nhàng. Bạn nhớ đun nhỏ lửa để bánh chín đều và nhân tan hết. Bánh chín sẽ nổi lên trên bề mặt, khoảng 10-15 giây là có thể vớt được. 

Cũng phải chờ có cách của nó, thỉnh thoảng hé vung nhìn, không sôi quá “bồng lên”, tràn ra ngoài là lại mất công lau lau, dọn dọn, mà bánh cũng mất ngon. Nếu để quá lâu bánh sẽ chìm lại, gây nát bánh. 

Cũng phải canh có cách của nó, bởi muốn thấy cái cảnh “bảy nổi ba chìm” mà bà Hồ Xuân Hương vô cùng tinh tế đã mô tả. Những viên bánh trôi chuyển từ màu trắng bạc sang dần màu trắng trong, bập bồng, bập bồng, rồi nổi dần, nổi dần, ngoi lên mấp mé mặt nước. Đó là lúc bánh trôi đã xong đủ kiếp “bảy nổi ba chìm” của mình. Có thể vớt ra rồi.

Bánh vớt ra thả ngay vào nồi nước lạnh để định hình và tránh dính nhau. Khoảng 1-2 phút là bánh sẽ nguội hẳn, dùng muôi thủng vớt ra cho lên đĩa.
 
- Sau khi luộc bánh xong thì xếp lẫn lộn các màu ra đĩa, nhẹ nhàng chấm nhẹ ngón tay trỏ vào nước rồi lại chấm vào vừng rang chín tiếp tục chấm nhẹ vào bánh là bánh sẽ đều vừng. Vừng bám chặt vào bánh làm cho bánh đẹp hơn là rắc. Nếu thích ăn thêm dừa nạo thì rắc lên trên. Yêu cầu thành phẩm, bánh trôi nước có màu trắng, tròn đều, không vỡ nhân. Vỏ bánh mềm nhưng có độ dai. Nhân đường của bánh trôi phải tan vừa hết để khi cắn miếng bánh ứa mật ra.

Tham khảo: Nguồn gốc Tết Hàn thực và ý nghĩa của bánh trôi bánh chay
 
 

2. Cách làm bánh chay 

 
-  Với bánh chay thì khi làm bột bánh trôi, hãy để lại mỗi phần bột đã pha màu một chút ít.
 
- Phần bánh: 100gr đậu xanh không vỏ đem ngâm nước khoảng 2h rồi đem đi hấp chín, tán nhuyễn đậu xanh, cho đậu xanh đã tán nhuyễn vào chảo thêm 40gr đường cát trắng và xào đậu xanh với đường cho tan. Thêm chút vani rồi tắt bếp.

Vê đậu xanh thành những viên tròn nhỏ bằng quả trứng chim cút. Lấy lượng bột gấp đôi viên đậu xanh, vê tròn và ấn dẹt, đặt viên nhân đậu xanh vào giữa và lại vê tròn lại ấn dẹt và lõm. Cũng luộc như cách luộc bánh trôi.
 
 
- Nấu phần nước cho bánh chay: Cho chút nước vào nồi, thêm đường, khi nước sôi nêm nếm cho vừa miệng. Hoà bột sắn dây/bột năng/bột đao ra bát rồi đổ vào nồi nước đường, lưu ý, căn không cho nước bị đặc quánh, một tay đổ, một tay khuấy nhẹ liên tục. Khi nào nồi nước sôi trở lại, trong veo, sánh nhẹ, cho một thìa nước gừng vào là được, bạn đã có nồi nước chè cho bánh chay. Chan nước cho ngập các bát bánh đã chuẩn bị trước đó, sau đó rắc đậu xanh nguyên hạt đã đồ chín lên. Khi ăn, rắc vừng, dừa và tinh dầu hoa bưởi vào.
 
- Đun nồi nước sôi lớn, khi nước sôi thật già thì giảm lửa vừa, thả từng viên bột bánh chay vào. Đến lúc thấy bánh nổi trên mặt nước thì đợi thêm khoảng 15 giây cho bánh chín rồi vớt bánh ra, thả vào bát nước lạnh cho bánh được săn, không dính nhau.
 
- Đợi bánh nguội, dùng muôi thủng vớt chia đều ra các bát. Theo quan điểm dân gian, nên chia mỗi bát 3 viên bánh.
 
Yêu cầu thành phẩm: Vỏ bánh mềm dai. Nhân bánh chay nước phải thơm bùi vị đỗ đã đồ chín. Nước dùng bánh chay ngọt thanh vị đường phèn, sánh vừa của bột sắn, thoang thoảng thơm mùi hoa bưởi, vị cay ấm nhẹ của gừng. 
 
Điều làm nên cốt lõi của bát bánh trôi tàu ngon không nằm nhiều ở nhân bánh, mà được chú trọng vào nước đường, quyện trong gừng cay. Cách ăn bánh trôi cũng nói lên cái tinh tế, thanh thoát của nó, đây là món ăn để nhẩn nha, miên man trong một chiều chậm rãi, vậy nên hãy ăn thật từ tốn để cảm nhận được cái bùi, cái ngọt lành của đỗ xanh, vừng đen, của dừa xào... 

Nguyệt Minh