Hiểu sao cho đúng câu "7 không ra khỏi cửa, 8 không trở về nhà"

Thứ Sáu, 09/02/2018 14:29 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chúng ra hay truyền tai nhau câu nói quen thuộc "7 không ra khỏi cửa, 8 không trở về nhà" nhưng không mấy ai thực sự hiểu bản chất nên xem rằng đó là mê tín dị đoan.

Mỗi năm qua đi, khi Tết đến Xuân về các con cháu ở tứ phương lần lượt trở về quê và hết Tết lại rời nhà ra đi quay lại với guồng công việc cũ. Việc đi và việc về ngày nào được rất nhiều người cẩn thận xem ngày, giờ với mong muốn có một năm mới thuận hòa, may mắn, nhiều tài lộc. Và người xưa có câu: “Thất bất xuất, Bát bất quy” - "7 không ra khỏi cửa, 8 không trở về nhà" truyền lại cho con cháu và nhiều người ngầm định rằng đây là thời gian phù hợp cho việc đi và về. 
 
Đó là lý do nhiều người truyền miệng rằng: ngày mồng bảy Âm lịch thì không nên đi ra ngoài, còn ngày mồng tám Âm lịch thì không được trở về nhà. Hơn nữa, rất nhiều người còn áp dụng quan niệm này vào những ngày có số cuối là 7 và 8 để tránh như là ngày 17, 18, 27, 28 Âm lịch.
 
 
 
Thế nhưng, nếu sự thật là vậy thì những ngày này các ô tô, tàu hỏa cũng chẳng cần chạy nữa, máy bay cũng khỏi phải bay nữa. Theo thực tế đang diễn ra trong nhiều năm qua đó là trong ngày 7 và ngày 8 này, số người ra khỏi nhà cũng không ít, người trở về nhà cũng rất nhiều, mọi thứ vẫn bình thường.
 
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng đó là sự mê tín mù quáng, đi hay về ngày nào không quan trọng và 7 hay 8 như câu nói "7 không ra khỏi cửa, 8 không trở về nhà".
 
Trên thực tế, tất cả các cách giải thích trên đều không đúng.
 
Câu nói trên nhằm khuyên răn con cháu chứ không phải là chủ ý về ngày nào trong tháng. Theo đó, "7 không ra khỏi cửa" - “Thất bất xuất” nghĩa là trước khi ra khỏi cửa cần làm xong bảy việc, nếu chưa làm xong thì không nên ra ngoài. Bảy việc này chính là: Sài (củi), mễ (gạo), du (dầu), diêm (muối), tương, thố (giấm), trà. Chỉ khi hoàn tất trọn vẹn 7 việc quan trọng này mời được rời khỏi cửa. 
 
 
 
Lý do của 7 việc này là xưa kia, đàn ông là trụ cột gia đình thường phải thường xuyên đi xa kiếm sống nên trước khi rời đi phải hoàn tất những việc trên, chuẩn bị mọi thứ để người phụ nữ ở nhà được an tâm. Họ chăm lo mọi thứ, đảm bảo nhu cầu cơ bản như củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà để cho các thành viên còn lại đủ sống trong những ngày họ tha phương đi kiếm ăn.
 
8 không trở về nhà - “Bát bất quy” nghĩa là sau khi ra khỏi cửa cần làm được tám việc, làm xong mới được về nhà. Tám việc này chính là: Hiếu, đễ (hữu ái), trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Người xưa dùng câu này để răn dạy con cháu phải đảm bảo tám quy tắc đạo đức cơ bản mới trở về nhà vì có như thế mới làm rạng danh tổ tiên, dòng tộc. Nếu không làm được những điều trên, không nên trở về vì quá xấu hổm không còn mặt mũi nào gặp người nhà.
 
Như vậy, câu nói “Thất bất xuất, Bát bất quy” không hề có tính chất mê tín mà là lời răn dạy của cha ông với con cháu, là một quy phạm đạo đức mà cổ nhân truyền lại cho con cháu.

Kate Nguyễn