Ý nghĩa văn hóa của câu đối đỏ ngày Tết

Thứ Hai, 26/01/2015 17:47 (GMT+07)

Treo câu đối ngày Tết, đặc biệt là câu đối đỏ đã trở thành nét độc đáo trong phong tục tập quán của người Việt từ xưa đến nay.

Mỗi năm, khi Tết đến, để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ”.


1. Nguồn gốc của câu đối trong ngày Tết


Câu đối trong ngày Tết có nguồn gốc tư Trung Hoa, bắt đầu từ thời nhà Chu, là hai tấm gỗ đào hình chữ nhật treo hai bên cửa. Theo “Hậu Hán thư – Lễ nghi chí” thì: “Đào phù dài 6 tấc (khoảng 20 phân), rộng 3 tấc (khoảng 10 phân), trên đào phù viết tên hai vị Thần chế phục ác ma là Thần Đồ và Uất Lũy.

Ngày mồng 1 Tết, treo đào phù ở cửa, có thể khiến trăm loài quỷ đều sợ hãi tránh xa”. Đào phù có thể xua đuổi ma quỷ, trấn áp ma tà, tiêu tai giải họa, đón lành tránh hung.
 

Thú chơi câu đối và câu đối Tết cũng dần dần lan ra khắp các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hiện nay chưa rõ thú chơi câu đối và câu đối Tết vào nước ta từ thời nào, nhưng đến thời Trần thì đã xuất hiện thú chơi câu đối phổ biến, nó còn thể hiện của tài năng trí tuệ.

Tương truyền năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được vua Trần Anh Tông cử đi sứ nhà Nguyên. Do mưa to gió lớn nên sứ bộ nước ta qua cửa ải trễ ngày giờ hẹn định. Viên quan giữ cửa ải đóng chặt cửa không cho sứ bộ đi qua. Sau đó họ vứt xuống một vế đối hết sức hiểm hóc, bảo đối được thì cho qua. Vế đối như sau:

 

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan!

(Qua cửa trễ, cửa quan đóng, mời khách qua qua cửa!) 
 

Vế ra có 3 chữ quá, 4 chữ quan lặp lại, ý lại thách thức sứ bộ Đại Việt tìm cách mà qua cửa ải. Mạc Đĩnh Chi thấy đối chuẩn về từ không phải dễ nên linh hoạt chọn cách đối ý rằng:

 

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối!

(Ra đối dễ, đáp đối khó, mời tiên sinh đối trước!)

 

Viên quan giữ cửa ải phục quá, hô binh lính thắp đuốc, mở cửa quan cho sứ bộ Đại Việt đi qua. 
 

Đến thời Hậu Lê, tức là cùng với thời nhà Minh bên Trung Quốc, thì phong tục chơi câu đối Tết cũng đã phổ biến trong dân gian rồi.

Một năm vào dịp Tết đến, vua Lê Thánh Tông cải trang vi hành để xem xét tình hình bách tính.

Thấy xã tắc thái bình, bách tính an cư lạc nghiệp, nhà nhà đều treo đèn kết hoa, treo câu đối đỏ, nhà vua trong lòng vui mừng lắm.

Vua đi qua một nhà nọ, thấy không đèn, không hoa, không câu đối, không khí ảm đạm trầm trầm, vua bèn vào hỏi han. Chủ nhà nói, do làm cái nghề hèn hạ là hót phân người nên không dám phô ra, không đèn hoa câu đối gì hết.

 

Nhà vua cười rồi nói: “Nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng là vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn”. Nói rồi vua liền lấy giấy bút viết tặng 2 câu đối:

 

Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự

Ðề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

 

Tạm dịch:

 

Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ

Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.

 

Khách qua lại, nhìn thấy câu đối ai cũng dừng lại ngắm nghía thưởng thức, từ ý nghĩa, vế đối, đến cảnh giới tâm hồn đều rất cao siêu, nét chữ rắn rỏi lại mềm mại bay lượn, bút lực mạnh mẽ, phóng khoáng khiến ai nấy đều trầm trồ thích thú.

 

2. Ý nghĩa của câu đối ngày Tết


Câu đối đỏ, bánh chưng xanh , tết ngập tràn hân hoan. Câu đối đỏ là một trong những biểu tượng của ngày Tết đang đến gần, không khí xuân bao trùm lên cảnh vật tạo nên một cảm giác ấm áp khi về bên mái ấm gia đình, ôm trọn bầu trời bình yên của mình mà tận hưởng những ngày đầu năm mới.

 

Gam màu đỏ chủ đạo trên câu đối đỏ là sắc màu của sự may mắn, là biểu tượng màu sắc của chiến thắng và niềm tin. Trong nhà ngoài cửa với sự kết hợp của màu xanh bánh chưng, màu đỏ câu đối và màu vàng hoa mai tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu ấm êm và hạnh phúc.

 

Câu đối đỏ còn dùng để làm món quà ý nghĩa lời chúc tụng nhau một năm mới ngập tràn may mắn , câu đối còn là cây cầu kết nối những tâm hồn đồng điệu cùng nhau của những người yêu văn thơ, thể hiện ý chí quan điểm tình cảm của tác giả….

 

3. Chất liệu và nội dung


Câu đối cũng còn được gọi là Liễn. Liễn thường là những dải giấy màu đỏ hay hồng đào, hai đầu dải giấy có làm trục bằng gỗ hay bằng tre để khi treo lên thì dải câu đối được ngay ngắn.

Cũng có khi Liễn không cần có trục và chỉ là những dải giấy để tiện dán vào những nơi cần treo như ở hai bên bàn thờ, các cột nhà cửa, cổng hay ngõ.

Trước đây ở chốn thôn quê, mỗi khi Tết đến, người ta còn cẩn thận dán Liễn đỏ ở cửa chuồng lợn, trâu, bò hoặc ở thân cây dừa, nhãn, ổi… để ngụ ý cầu mong cho mọi sự được tốt đẹp như lợn, trâu, bò hay ăn chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn… các cây thì sai quả.



 
Những nhà không có đủ khả năng và phương tiện viết câu đối ngày Tết thường phải nhờ đến những cụ đồ nho chuyên viết và bán những câu đối Tết.  
 
Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Từ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.

4. Tục treo câu đối đỏ ngày tết của 2 miền Nam Bắc


Ngày nay, có nhiều biến đổi và tục treo câu đối đỏ đã giảm bớt một phần tại miền Nam và vẫn được duy trì cũng như phát huy tối đa tại miền Bắc.
 Một số gia đình trong Nam có treo câu đối đỏ còn đối với người miền Bắc, tục treo câu đối đỏ đã trở thành tục lệ truyền thống và được tổ chức thành lễ hội “ câu đối đỏ” vào những ngày tết.

Hằng năm, vào dịp Tết tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại tổ chức triển lãm thư pháp và tại đây những nhà nho sẽ tổ tài vẽ Thư pháp câu đối đỏ khơi gợi lên nét hồn dân tộc Việt, cảm xúc và không khí xưa cũ lại tràn về làm nao lòng người chiêm ngưỡng. Tục treo câu đối đỏ hiện nay được người ta duy trì bằng cách mua câu đối đỏ của các nhà nho về treo lên phù hợp với ước muốn và hoàn cảnh , bởi những điều kiện không thể tự mình viết câu đối đỏ
Tổng hợp