Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tết Canh Tý 2020 nên xin chữ gì để may càng thêm may, lộc càng thêm phát

Thứ Năm, 16/01/2020 09:58 (GMT+07)
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Xin chữ ông đồ đầu năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Nhưng xin chữ Tết Canh Tý 2020 nên chọn chữ gì và xin thế nào không phải ai cũng biết. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong nội dung dưới đây của Lịch Ngày Tốt.


Không biết từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là rất nhiều tục lệ lâu đời của dân tộc ta lại được mọi người thực hiện.
 
Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa tốt đẹp.
 
Mỗi người lại có một ý tưởng và tâm nguyện khác nhau khi tiến hành xin chữ, tùy vào nghề nghiệp, cá tính, lứa tuổi… cho nên chọn chữ cũng không giống nhau.
 
Thông thường, người kinh doanh buôn bán sẽ xin các chữ như Lộc, Phát, Tài, Tín, Vượng, Đạt, Cát Tường… Người cầu thành công xin chữ Thành, Đạt… Người đi học xin chữ Trí, Tài, Đăng Khoa… người muốn rèn khả năng chịu đựng lại xin chữ Nhẫn.
 
Ngoài ra, người ta còn xin chữ Thọ để tặng người già; xin chữ Phúc, Tâm, An để tặng gia đình; xin chữ Trí cho con cái.
 

1. Tết Canh Tý 2020 nên xin chữ gì?

  
Tet den xuan ve xin chu gi may man ca nam hinh anh 2
 

1.1. Xin chữ Hán có hình tượng “Chuột” để cả năm may mắn:

 
Năm Canh Tý 2020 được nhiều người tin rằng sẽ là một năm nhiều may mắn, thịnh thượng vì linh vật Chuột của năm nay vốn là loài có bản chất nhanh nhẹn, sinh sôi nảy nở nhanh, lại đứng đầu trong 12 con giáp.
 
Trong chữ Hán, chữ Tử (子) còn có âm khác là Tý, tức chỉ địa chi đứng đầu trong 12 chi.
 
Do đó, khi xin chữ Tết Canh Tý 2020, nhiều người lựa chọn xin các chữ Hán có chứa chữ Tử (Tý) để tăng thêm phần may mắn.
 
Năm nay, bạn có thể xin một số chữ Hán chứa chữ Tử (Tý) mang ý nghĩa tốt đẹp dưới đây như:
 
- Chữ Học (学): 
 
Chữ Học để chỉ sự nghiệp học hành, thi cử, mong cầu đạt thành tích tốt cho học hành, thông minh sáng dạ. Nếu trong nhà có trẻ nhỏ đang tuổi ăn học thì rất thích hợp xin chữ Học về treo ở nhà.
 
- Chữ Hiếu (孝):
 
Chữ Hiếu được ghép từ chữ Tử (子 - con) nằm dưới và chữ Thổ (土 - đất) nằm trên, cùng với dấu “/” tượng trưng cho thanh kiếm, ý chỉ con chống kiếm đứng trông phần mộ của bố mẹ. 
 
Điều này đúng với quan niệm ngày xưa, khi bố mẹ mất thì người con có hiếu tức là phải chăm lo phần mộ của bố mẹ trong vòng 3 năm. Chữ Hiếu mang ý biết ơn và trân trọng công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.
 
- Chữ Hài (孩): 
 
Mang ý nghĩa chỉ trẻ con, tượng trưng cho những điều vui vẻ trong gia đình.
 
- Chữ Tôn (孫): 
 
Gửi gắm mong ước con đàn cháu đống, gia đình đông đúc, con cháu thuận hòa.
 
- Chữ Mạnh (孟): 
 
Tượng trưng cho bản lĩnh, sự dũng mãnh. Ngoài ra những người tên Mạnh cũng rất thích hợp xin chữ Mạnh về treo trong nhà.

Xin chu Tet Canh Ty 2020
 

1.2. Xin chữ Quốc ngữ:

 
- Xin chữ Lộc – Biểu trưng cho tài lộc, thịnh phát
 
Chữ Lộc là một trong những chữ hay được xin nhất mỗi dịp Tết đến xuân về. Chữ này biểu trưng cho tài lộc, thịnh phát.
 
Những người xin chữ này đều gửi gắm mong muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc, của cải dôi dư, đời sống sung túc.
 
Người ta tặng nhau chữ Lộc cũng như một lời chúc may mắn, thành đạt tới người nhận. Vì vậy, chữ Lộc được rất nhiều người lựa chọn xin vào đầu năm để treo trong.
 
-  Xin chữ Phúc – Mong cầu hạnh phúc
 
Chữ Phúc tượng trưng cho hạnh phúc, sum vầy, may mắn, thể hiện mong muốn có một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia chủ. Vì vậy, chữ Phúc là biểu tượng phổ biến được trang trí trong nhà của người Việt.
 
- Xin chữ Thọ - Chúc thọ ông bà
 
Chữ Thọ thường được mọi người xin về để chúc thọ ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình khỏe mạnh, sung túc, tránh được tai ương và thể hiện lòng thành kính với bậc bề trên.
 
- Xin chữ Tâm – Mong ước sự yên bình
 
Trong Phật giáo, chữ Tâm có ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc đối với người Việt Nam. Chữ này thể hiện nét tu dưỡng đạo đức cao quý, mong cầu giữ được tâm thanh tịnh, xóa hết dục vọng, tham – sân – si, ích kỷ, hận thù… để có một cuộc sống yên bình, thanh thản.
 
- Xin chữ Đức – Răn dạy bản thân
 
Chữ Đức là biểu trưng cho đạo đức, phong thái cao đẹp của con người. Người xin chữ Đức để răn dạy bản thân cần phải sống đúng với lương tâm để tâm hồn được thanh thản.
 
-  Xin chữ Tài – Lời chúc thành đạt
 
Chữ Tài là biểu trưng cho tài năng, thể hiện mong muốn thành đạt trong công việc, cuộc sống của người xin chữ. Đây cũng là một chữ rất thích hợp để đem đi tặng nếu bạn đang phân vân không biết nên chọn chữ gì khi xin chữ Tết Canh Tý 2020 này.
 
- Xin chữ An – Tượng trưng cho bình an
 
Chữ An chứa đựng rất nhiều điều lớn lao, đó là mong ước về một cuộc sống an lành, hạnh phúc; một chỗ an cư trong cuộc sống hay một nơi an toàn trong công việc… Do đó, người ta khi đi xin chữ đầu năm thường rất thích xin chữ An về treo trong nhà.
 
Hơn nữa, không chỉ được xin trong ngày Tết, chữ An còn là biểu thượng thường được thêu lên tranh để làm vật trang trí trong nhà.
 
- Xin chữ Nhẫn – Khoan dung để giữ hòa khí
 
Trong tiếng Hán, chữ Nhẫn (忍) bao gồm chữ Đao (刀 - con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 - trái tim, tâm trí). 
 
Chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; còn chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do. 
 
Trạng thái “nhẫn” cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp, phải bình tĩnh xử lý. Tuy nhiên, Nhẫn không phải là đầu hàng thực tại, đó là sẵn sàng đương đầu và âm thầm chuẩn bị để vượt qua khó khăn, thách thức.
 
Vì vậy, người ta xin chữ Nhẫn (cả hình thức chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ) để gửi gắm mong ước có sự khoan dung, tự răn dạy chính mình phải biết nhẫn nhịn để giữ được hòa khí trong mọi hoàn cảnh. Chữ Nhẫn còn tượng trưng cho bản lĩnh của con người.
 

- Xin chữ Hiếu – Thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn

Người ta thường xin chữ “Hiếu” đầu năm để dành tặng ông bà, cha mẹ nhằm thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của bề trên đồng thời cũng thể hiện tấm lòng quan tâm, chăm sóc của con cháu.
 
- Xin chữ Duyên – Cầu duyên, hỷ sự
 
Chữ “Duyên” là biểu trưng cho tình yêu, duyên phận, thể hiện sự may mắn trong tình yêu, là đấu hiệu của hỷ sự. Vậy nên các bạn trẻ thường xin chữ này dịp đầu năm với mong muốn tìm được một nửa phù hợp với mình.
 

2. Xin chữ Tết Canh Tý 2020 ngày nào tốt?

 
Xin chu Tet Canh Ty 2020 1
 
Xin chữ đầu năm là một tục lệ truyền thống của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, thể hiện sự trân trọng đối với tri thức, đồng thời cũng là gửi gắm những ước nguyện năm mới trong những con chữ.
 
Thông thường, các địa điểm tổ chức lễ hội xin chữ (điển hình như tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã được mở cửa từ ngày mồng 1 Tết để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng hầu hết từ sáng mùng 2 Tết trở đi, mọi người mới nô nức kháo nhau đi xin chữ.
 
Đối tượng xin chữ cũng không giới hạn ở độ tuổi nào, từ người lớn tuổi cho đến thanh niên, học sinh đều háo hức chen vào dòng người để cố gắng xin được một chữ may mắn về chưng trong nhà dịp năm mới. 
 
Những năm gần đây, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu của người trẻ tuổi tuổi, tạo thành một văn hóa chơi chữ mới rất được ưa chuộng.
 
Từng nét chữ như “rồng bay phượng múa” hiện lên qua các nét bút điêu luyện của các thầy đồ khiến cho việc xin chữ, ngoài ý nghĩa xin được chữ cầu may, còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của những người cho chữ.

Bạn có biết: Đầu năm mua gì cho may mắn, tài lộc đầy nhà, may mắn đầy tay
 

3. Xin chữ đầu năm như thế nào cho đúng?

 
Xin chu Tet Canh Ty 2020 2
 
Xin chữ tưởng chừng là việc đơn giản nhưng để xin cho đúng thì không phải ai cũng biết.
 
Có rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi rằng mình tuổi này thì nên xin chữ nào cho phù hợp. Nhưng thực tế việc xin chữ vốn không cần đắn đo xem có có hợp năm, hợp tuổi, hợp mệnh, giới tính... hay không, bởi bản thân những con chữ không kiêng kị gì cả.
 
Đã gọi là đi xin chữ thì người xin phải gặp người “hay chữ” để xin. Sau khi trình bày rõ nguyện vọng, mong ước mà bản thân gửi gắm trong năm như công việc, tình cảm, thi cử, gia đình… người viết sẽ căn cứ vào đó để tặng bạn những chữ phù hợp.
 
Xin chữ vốn là tục lệ lâu đời thể hiện tinh thần trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Trước đây người ta xin chữ còn vì nể phục cái tài hoa, nhân cách của thầy đồ.
 
Do đó, thời nay, người đi xin chữ không nên có tâm niệm tìm một giá trị cụ thể. Hay nói cách khác, không nên tìm đến chữ như một giải pháp tâm linh cho những bế tắc mình gặp phải trong cuộc sống.
 
Chính bởi sự hiểu biết sai lệch kiểu này mà xin chữ đang bị biến tướng nhiều. Có những "ông đồ" còn đem cả yếu tố phong thủy vào màu giấy viết để thu hút khách.
 
Tất nhiên, xin chữ gì là phản ánh mong muốn, tâm tư nguyện vọng của người xin, nhưng không nên đặt nó lên hàng đầu sẽ dễ biến nét đẹp xin chữ thành một hoạt động “mê tín dị đoan”.
 
Mỗi chữ thư pháp ngoài chứa đựng ước mong của người xin, thể hiện tài đức của người cho thì cần chính sự thành tâm, hướng thiện của con người để phong tục ngày Tết đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.
 

4. Ý nghĩa tục xin chữ đầu năm của người Việt

 
Xin chu Tet Canh Ty 2020 3
 
Cứ mỗi độ xuân về, khắp các con phố ở Hà Nội như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Văn Miếu… bắt đầu diễn ra hoạt động cho chữ đầu năm. Tấp nập và ấn tượng nhất chính là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. 
 
Hòa trong dòng người nô nức xin chữ, bạn luôn có thể cảm nhận được một không khí rất náo nhiệt, hồ hởi của những người đến xin cho bằng được một chữ mang ý nghĩa tốt lành về treo trong nhà.
 
Nhờ vậy, ngày Tết cũng thêm phần ấm áp với sắc đỏ sắc vàng của giấy viết, của những nét bút như bay như múa của ông đồ và cả nét vui tươi hân hoan của người xin được chữ theo đúng ý muốn. Ai ai cũng cầu mong một năm mới an khang và vạn sự như ý.
 
Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu sắc rực rỡ nhất và tượng trưng cho những điều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc theo quan niệm của người phương Đông. 
 
Hơn nữa, màu đỏ còn là màu của sự sống và sự tái sinh, cho nên trong ngày Tết, mọi người đều thích trang hoàng nhà cửa bằng những thứ có màu đỏ như: hoa đào, câu đối, phong bao lì xì…
 
Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và dùng con chữ đó để tự răn bản thân. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
 
Mỗi nét bút hiện ra dưới bàn tay tài hoa của các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn thể hiện tâm hồn, tính cách và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.

Lam Lam


Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X