Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tượng Quan Công trong phong thủy: Cách thờ và vị trí đặt chuẩn xác để hút tài lộc, xua tà khí

Thứ Tư, 26/06/2024 08:13 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tượng Quan Công từ lâu được biết đến là vật phẩm phong thủy có ảnh hưởng rất lớn đến người sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hết ý nghĩa và cách thờ của tượng Quan Công trong phong thủy. Nếu bạn đang có ý định rước tượng Quan Thánh Đế Quân cho không gian sống và làm việc thì nhất định không nên bỏ qua các thông tin trong bài viết sau đây.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Quan Công là ai?

 
Tuong Quan Cong trong phong thuy
 
Quan Công (160 - 162) tên thật là Quan Vũ - Quan Vân Tường, còn được biết đến với danh xưng Quan Thánh Đế Quân, Phục Ma Đại Đế, Văn Hành Đế Quân hay Già Lam Bồ Tát.
 
Ông là một vị tướng tài giỏi có thật trong lịch sử Trung Quốc, đã góp công trong việc thành lập nhà Thục Hán. Ông từng xuất hiện trong tác phẩm nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa.
 
Với tài năng văn võ song toàn, Quan Công được khắc họa trong Tam Quốc Chí là một trong “ Ngũ hổ tướng” lúc bấy giờ cùng Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu. Không chỉ nổi tiếng với võ nghệ cao cường, Quan Công còn nổi tiếng là một vị võ tướng uy nghiêm, ngay thẳng và trung thành. Vì lý do này nên ông được nhiều người tôn thờ cho tới ngày nay.
 

2. Ý nghĩa của hình tượng Quan Công

 
y nghia hinh tuong Quan Cong
 

- Ý nghĩa trong tín ngưỡng dân gian:

 
Với những tài năng đức độ và sức mạnh của mình, Quan Công được rất nhiều người biết đến. Thậm chí, hình tượng của ông còn được tiểu thuyết hóa, nghệ thuật hóa và thần thánh hóa. Sau đó, đến thời nhà Tùy, người ta bắt đầu thờ cúng tượng Quan Công để nhằm cầu xin sự bảo vệ, che chở.
 
Từ đó, tại các đền thờ, đình chùa thường đặt tượng Quan Công mặt đỏ, râu dài, tay cầm long đao. Cũng từ đó, Ngài trở thành biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành.
 
Tuy nhiên, có một điều rất đặc biệt: Khác với những bức tượng Phật luôn có dung mạo hiền lành, từ bi, thì tượng Quan Công thường có dung mạo dữ dằn, hung tợn. Người ta tin rằng hình tượng Quan Công càng dữ dằn như vậy thì càng mạnh mẽ. Khi ma quỷ nhìn vào đó thì càng khiếp sợ.
 
Vì thế, trong tín ngưỡng dân gian, tượng Quan Công thường trông rất đáng sợ, tay luôn cầm đao hoặc gươm để thể hiện sự oai phong của mình, diệt trừ mọi yêu ma, tà khí quấy đảo.
 

- Ý nghĩa hình tượng Quan Công trong phong thủy:

 
Quan Công còn được gọi là Phục Ma Đại Đế, do đó trong phong thủy, tượng của ngài có thể chống lại tà ma ngoại đạo, trấn áp hung khí mang lại bình an cho gia đạo.
 
Chính vì thế, không khó để lý giải, việc ngày càng có nhiều người lựa chọn bày trí bức tượng này trong không gian sống. Ngoài ra, sự hiện hữu của hình ảnh tướng Quan Vân Tường cũng được ngầm hiểu như một lời mong cầu gia đạo bình an, cuộc sống đủ đầy ấm no của gia chủ.
 
Theo các chuyên gia phong thuỷ, khi đặt tượng Quan Công tại những vị trí có sao chiếu xấu sẽ giúp hoá giải sát khí, xua tan những điều không may mắn tại nơi ở, nơi làm việc. Đồng thời với đó, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, công ty cũng sẽ được thuận hoà và tốt đẹp hơn.
 
Đối với các tượng ở tư thế đứng, ngồi hay cưỡi ngựa với đôi mắt trừng nhìn thẳng, đại diện cho sự bảo vệ những nhà chính trị, doanh nghiệp. Những bức tượng này thường mang đến nguồn năng lượng mạnh mẽ, xua đuổi tà ma và phòng kẻ tiểu nhân cho người sử dụng.
 
Còn tượng Quan Công ra trận lại là hình tượng thể hiện cho sự thăng tiến, là sức sống đem lại vương khí cho gia chủ. Thường các tượng ra trận đem đến ý nghĩa về sức khỏe, tránh ốm đau bệnh tật và những điều không may mắn trong cuộc sống.
 
Có thể nói rằng, tượng Quan Công dù ở bất kì tư thế nào cũng đem lại vượng khí tốt cho gia chủ. Đối với những người kinh doanh thì đây cũng là một biểu tượng của sự hỗ trợ, giúp công việc làm ăn thuận lợi, thành đạt hơn.
 

3. Các loại tượng Quan Công phổ biến

 
Từng hình tượng Quan Công khác nhau sẽ mang lại những ý nghĩa khác nhau.
 
- Tượng Quan Công cưỡi ngựa xích thố
 
Tuong Quan Cong cuoi ngua xich tho
 
Hình ảnh tượng Quan Công cưỡi ngựa xích thố, tay cầm thanh long đao mang vẻ hùng dũng, oai phong, với ý chí chiến đấu mãnh liệt, ngoan cường không ngại khó khăn.
 
Đây là tạo hình được yêu thích nhất của những người hoạt động trong lĩnh vực quân sự, võ đạo… Với phong thái hiên ngang và oai vệ, tượng tướng Quan Công như ngụ ý cho sự kiên cường của mỗi con người trước những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
 
Trưng bày tượng này trong nhà với ý nghĩa trấn yêu, trừ tà gìn giữ sự bình an cho gia đình. Ngoài ra còn mang hàm ý noi theo hình ảnh Quan Công cố gắng vượt qua khó khăn dù ở hoàn cảnh nào.
 
- Tượng Quan Công cầm đao
 
Tuong Quan Cong cam dao
 
Hình tượng Quan Công cầm đao, toát lên khí chất hào hùng, mạnh mẽ. Đó là hình ảnh một con người không chịu khuất phục dù gặp khó khăn hay phải đối đầu hoàn cảnh khắc nghiệt, sinh ly tử biệt.
 
Tượng Quan Công chống đao thường được các nhà lãnh đạo, người làm kinh doanh, chính trị lựa chọn. Với mong đợi có sức mạnh của Quan Công trợ giúp sẽ giúp họ vững tâm hơn khi làm việc, ngoài ra cũng thầm mong cầu gia đạo luôn được bình an, ít gặp trắc trở.
 
- Tượng Quan Công ngồi đọc sách
 
Tuong Quan Cong doc sach
 
Hình ảnh Quan Công ngồi đọc sách xuất phát từ một giai thoại thú vị. Truyện xưa kể rằng: Khi đang ở Tào doanh, Tào Tháo sắp xếp Quan Vũ ở cùng 2 người vợ của Lưu Bị. Tào Tháo hy vọng Quan Vũ sẽ có hành động sai lầm. Tuy nhiên, trong suốt đêm đó Quan Vũ thức trắng chỉ ngồi đọc sách Xuân Thu dưới ngọn đuốc sáng rực.
 
Qua câu chuyện trên cho thấy ông là một người chính trực, kiên định và tuyệt đối trung thành. Trưng bày tượng này trong phòng với ý nghĩa tăng thêm ý chí sắt đá, sự quyết tâm cho gia chủ, mang lại nhiều may mắn, thăng tiến trong công việc cho bạn.
 
- Tượng Quan Công hàng Long
 
Tuong Quan Cong hang Long
 
Tượng Quan Công hàng long (thu phục rồng) thể hiện sức mạnh phi thường của con người. Thông qua hình ảnh thu phục rồng, Quan Công càng khẳng định sức mạnh, ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
 

4. Tuổi nào hợp, tuổi nào kỵ với tượng Quan Công?

 
Tho Quan Cong sao cho dung
 
So với các linh vật hay nhân vật phong thủy khác thì Quan Công khá kén người trưng bày. Bởi lẽ đây là một nhân vật mang tính dương và sát khi cao. Chính vì vậy cần phải cân nhắc kỹ và suy xét những yếu tố cần có khi rước Ngài về.
 

4.1 Tuổi hợp với tượng Quan Công

 
- Xét theo ngũ hành:
 
Theo ngũ hành thì tượng Quan Công thuộc mệnh Mộc.
 
Theo quy luật ngũ hành tương sinh, thì Mộc sinh Hỏa, do đó những người thuộc mệnh Hỏa nên đặt tượng Quan Công trong nhà. Bởi lẽ tương sinh tức là hỗ trợ, thúc đẩy nhau để sinh trưởng phát triển, người mệnh Hỏa sẽ rất được lợi khi dùng vật phẩm phong thủy này.
 
- Xét theo âm dương:
 
Theo âm dương phong thủy, trong 12 con giáp thì tuổi Tuất, tuổi Ngọ, tuổi Thìn là những tuổi hợp với tượng Quan Công.
 

4.2 Tuổi kỵ với Quan Công

 
Nếu sử dụng tượng Quan Công không đúng cách, không hợp với tuổi thì sẽ không chỉ không mang đến điều tốt lành mà thậm chí còn gây phản tác dụng. Theo kiến thức phong thủy thì những tuổi không nên đặt tượng Quan Công trong nhà gồm:
 
- Theo phong thủy ngũ hành, người mệnh Thổ không nên chơi tượng Quan Công, do mối quan hệ giữa Mộc và Thổ là tương khắc. Vì thế, tượng Quan Công mang mệnh Mộc hoàn toàn không phù hợp để đặt trong nhà của gia chủ có mệnh Thổ.
 
- Theo âm dương phong thủy, người tuổi Thân không thích hợp đặt tượng Quan Công trong nhà.
 
Lưu ý: Những người tuổi khác các tuổi nêu trên thì có thể thờ Quan Công nhưng cần phải lưu ý là chỉ gia chủ là nam giới và trên 25 tuổi mới rước Ngài về được. Bởi lẽ đây là một tượng phong thủy có sát khí khá nặng, nam nhân có tính dương mạnh sẽ phù hợp hơn để dùng tượng.
 

5. Cách bài trí tượng Quan Công hợp phong thủy

 

5.1 Vị trí đặt tượng Quan Công

 
- Đặt trong nhà:
 
Nếu định đặt tượng Quan Công trong nhà, bạn nên đặt ở gần cửa ra vào. Khi đó, tượng sẽ giúp xua đuổi, ngăn chặn những điều may mắn, tránh tà khí vào nhà ảnh hưởng gia chủ.
 
Nên đặt tượng ở vị trí cao vì trên cao khiến ai cũng ngước nhìn và thể hiện sự oai phong, khí chất lẫm liệt, uy nghi.
 
Nên đặt tượng ở vị trí trung tâm ngôi nhà vì vị trí này tầm nhìn rộng, bao khắp ngôi nhà sẽ bảo vệ gia chủ tốt hơn.
 
- Đặt trên bàn làm việc:
 
Tượng Quan Công đặt ở bàn làm việc có thể giúp tăng sức ảnh hưởng của người lãnh đạo với cấp dưới. Với người làm việc trí óc, tượng có thể giúp họ kiên trì, bền bỉ hơn; còn có người trí thức, học giả, tượng sẽ giúp họ thuận lợi trong việc học tập, thi cử.
 
- Đặt trong văn phòng làm việc:
 
Với những văn phòng nằm ở hướng xấu, tượng Quan Công nên đặt ngay hướng ra cửa chính, nên đặt tượng ở 1 góc thông thoáng để hóa giải hung khí, sát khí.
 
Với những người có tầm ảnh hưởng, chức vị lớn trong doanh nghiệp, tổ chức chính trị thường gặp rắc rối với đối thủ, dễ bị hãm hại thì nên đặt tượng ở một chiếc bàn nhỏ sau lưng trong phòng làm việc để được Quan Công che chở, độ trì.
 

5.2 Hướng đặt tượng Quan Công

 
Tượng Quan Công nên được đặt ở các hướng có Sát tinh chiếu như hướng Tuyệt mệnh, Ngũ Quỷ, Lục Sát, Họa hại… để trừ tai, áp chế khí xấu, bảo hộ gia chủ.
 
Tượng Quan Công cũng có thể đặt ở các hướng như: Hướng Đông Nam được gọi là hướng tài lộc, hướng Tây Bắc cung Quý Nhân để gia chủ được quý nhân phù trợ, hướng Đông Bắc là hướng của tri thức và hướng Nam là hướng danh vọng, giúp tăng thêm địa vị, sự kính nể của cấp dưới.
 
Với những ngôi nhà hướng xấu, thì nên đặt tượng ở những vị trí sao xấu chiếu đến hoặc ở vị trí hướng thẳng ra cửa chính để tượng có nhiều năng lượng bảo hộ gia chủ và gia đạo.
 

6. Cách lựa chọn tượng Quan Công phù hợp

 
Hình ảnh tượng Quan Công hiện nay được các nghệ nhân chế tác thành nhiều kiểu dáng khác nhau trong đó phải kể đến đó là: Tượng Quan Công cưỡi ngựa cầm đao, tượng Quan Công đứng cầm thanh Long yển Nguyệt Đao và tượng Quan Công ngồi đọc sách.
 
Tùy theo mục đích sử dụng khác nhau mà gia chủ lựa chọn cho phù hợp như:
 
- Nếu gia chủ muốn sử dụng để trấn trạch, hóa giải sát khí thì pho tượng Quan Công đứng chống đao là sự lựa chọn hợp lý. Đặc biệt khi chọn tượng này gia chủ nên quan sát pho tượng Quan Công nào có gương mặt càng dữ thì khả năng phong thủy càng cao.
 
- Nếu gia chủ muốn hỗ trợ con đường học vấn, sự nghiệp thì nên lựa chọn tượng Quan Công đọc sách.
 
- Nếu gia chủ yêu thích võ thuật, là người làm trong những ngành quân đội thì đặc biệt thích những pho tượng Quan Công cưỡi ngựa là hình ảnh vô cùng oai phong, lẫm liệt của ngài trên chiến trường khiến kẻ thù phải kinh hãi.
 

7. Thờ Quan Công như thế nào cho đúng?

 

- Khai quang tượng trước khi thờ

 
Nếu trang trí tượng cho hợp phong thủy thì không cần làm lễ khai quang điểm nhãn nhưng nếu thờ cúng thì khi thỉnh tượng, cần làm lễ hô thần nhập tượng, khai quang điểm nhãn.
 
Đây cũng là nghi thức của hầu hết những tượng nào bạn muốn đem về nhà thờ nhằm tăng sự linh ứng và thần lực cho tượng thờ. Nếu không thì tượng chỉ như là một vật phẩm trang trí thông thường và không mang ý nghĩa phong thủy gì cả.
 
Khi rước tượng Quan Công về nhà thì nên được che mắt cho tượng bằng vải sạch, đặt tượng vào vị trí chờ khai quang điểm nhãn.
 
Khai có nghĩa là mở, quang là ánh sáng, khai quang tượng thờ được hiểu là đem ánh sáng đến cho pho tượng nhằm giúp ngài Quan Công có thể ngự về pho tượng đó mà phù hộ cho gia chủ. Nghi thức khai quang tượng có thể thực hiện tại Chùa, nhờ các sư Thầy khai quang hoặc tự mình làm tại nhà.
 
Nếu thực hiện khai quang tại nhà bạn cần chuẩn bị bàn cúng gồm:
  • 3 chung rượu trắng
  • 1 dĩa trầu cau
  • 1 bình hoa
  • 1 dĩa trái cây
  • Nhang, đèn
  • 1 mâm thức ăn có thể chay hoặc mặn
Khi làm lễ cúng gia chủ cần ăn mặc chỉnh tề, trang phục nghiêm túc, kín đáo, làm lễ bằng lòng thành. Lựa chọn giờ tốt để cúng lễ và thực hiện ở không gian yên tĩnh để buổi lễ tăng phần tôn kính.
 

- Lưu ý khi thờ

 
Khi đặt tượng Quan Công thờ trong nhà, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
  • Tuyệt đối không đặt tượng ở chỗ thờ cúng, đây là vị trí dành riêng để thờ Phật, Bồ Tát, ông bà tổ tiên.
  • Tuyệt đối không đặt tượng ở phòng ngủ, nhà vệ sinh, nhà bếp… - những nơi không trang nghiêm.
  • Tượng cần đặt ở vị trí cao, cách sàn nhà 50cm, đối diện với cửa ra vào thì Ngài mới có thể quan sát được mọi vật mọi việc, trấn áp được hung khí, sát khí, trừ được tà ma xâm nhập.
  • Không đặt tượng trong tủ kính, dưới gầm cầu thang, chỗ khuất tầm nhìn.
  • Khi thỉnh tượng, lúc di chuyển, chở tượng bằng xe thì nên đặt tượng hướng mặt về phía trước, trước khi làm lễ khai quang điểm nhãn cần phủ vải điều đỏ.
  • Quan Công là người phàm ăn, quy y cửa Phật sau khi hiển thánh nên mâm cỗ thờ nên bao gồm cả cỗ chay lẫn cỗ mặn.
  • Ngày biện cỗ thường là mùng 1, ngày rằm, ngày vía Quan Công, các ngày bình thường thì chỉ cần trà nước và dâng hương là đủ.
  • Tuyệt đối không gỡ bỏ Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Công vì đây là vũ khí giúp Ngài thực hiện nhiệm vụ bảo hộ gia chủ.
  • Luôn giữ cho tượng sạch sẽ, lau chùi thường xuyên để tượng phát huy hết tác dụng phong thủy.
  • Luôn thể hiện sự tôn trọng với tượng Quan Công. Tuyệt đối không buông lời thoá mạ hay làm những hành động không tôn trọng.

- Ngày vía Quan Công 

 
Khi lập bàn thờ, thỉnh tượng Quan Công, bạn cần lưu ý phải xem ngày lành tháng tốt mà thờ cúng, bày lễ. Mỗi tháng thường có 2 ngày là rằm và mùng 1 bạn có thể thờ cúng tượng Quan Công.
 
Ngoài ra, bạn nên lựa chọn ngày vía của Quan Công mà lau bàn thờ và bày lễ cúng.
  • Ngày 13 tháng 1 âm lịch: Ngày này nhằm ngày quy y Tam Bảo trong đạo Phật – nếu bày cúng Quan Công bạn nên cúng đồ chay.
  • Ngày 13 tháng 5 âm lịch: nhằm ngày cúng chúng sinh.
  • Ngày 13 tháng 6 âm lịch và ngày 24 tháng 6 âm lịch: Hai ngày này đều là ngày vía Quan Công, hằng năm ở Hội An sẽ có tổ chức lễ hội vía Quan Công rất lớn.
Trên đây là những chia sẻ về ý nghĩa và cách thờ tượng Quan Công trong phong thủy. Hy vọng với những chia sẻ của Lịch Ngày Tốt, quý gia chủ đã có thêm những kiến thức mới trong việc thờ cúng Quan Công.
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X