1. Tứ tượng trong phong thủy là gì?
Tứ tượng (tiếng Trung: 四象) nghĩa là "bốn biểu tượng", chỉ 4 sinh vật thần thoại đại diện cho bốn phương trong văn hóa và thần thoại Trung Hoa cũng như các nước Đông Á, bao gồm Thanh Long (rồng xanh), Bạch Hổ (hổ trắng), Chu Tước (sẻ đỏ) và Huyền Vũ (loài vật kết hợp giữa rắn và rùa).
Trong phong thủy, người ta sử dụng khái niệm Tứ tượng (hay Tứ Linh) để nói lên chuẩn mực về địa thế xung quanh một mảnh đất. Đó là: "Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ". Mảnh đất hội tụ đủ cả 4 yếu tố này thì được coi là có địa thế đẹp.
Ngày xưa, khi muốn chọn đất làm kinh đô, người ta phải tìm nơi Tứ tượng hài hòa như sông ngòi, đất phải phì nhiêu, dễ đón gió và nhận được ánh mặt trời vừa phải.
Ngày nay, người ta thường mua những bức tượng Tứ linh về bày trong không gian sống với ý nghĩa mang lại vận khí tốt lành cho gia chủ.
2. Vị trí của Tứ tượng trong phong thủy
Trong “tiên thiên bát quái kì đồ” của Chu Dịch có xác định tứ tượng trong phong thủy, quẻ Càn đại biểu cho trời, trời ở trên cho nên dựa theo định vị trời đất tiêu chuẩn thì Càn quẻ ở mặt trên, đại biểu cho trời, Khôn quẻ ở phía dưới, đại biểu cho đất.
Trong “hậu thiên bát quái kì đồ” của Chu Dịch lại cho rằng mặt trên giống quẻ Ly, quẻ Ly đại biểu cho thái dương, thái dương cao cao trên bầu trời, chỉ có thể ngước lên mới nhìn thấy. Quẻ Ly thuộc Hỏa, đại diện cho phía Nam. Phía dưới là quẻ Khảm, quẻ Khảm thuộc Thủy, đại diện cho phương Bắc.
Dựa vào nguyên lý dịch học tuần hoàn khi xác định phương vị theo tiêu chuẩn của người xưa, có thể xác định như sau: bên trái là hướng Đông, xưng tả Thanh Long; bên phải là hướng Tây, xưng hữu Bạch Hổ, phía trước là hướng Nam, xưng Tiền Chu Tước, phía sau là hướng Bắc, xưng Hậu Huyền Vũ.
Cần lưu ý, người xưa phân biệt phương hướng chính là thượng Nam, hạ Bắc, tả Đông, hữu Tây chứ không giống như người hiện đại xác định phương hướng là thượng Bắc, hạ Nam, tả Tây, hữu Đông.
3. Ý nghĩa của Tứ tượng trong phong thủy
3.1 Tả Thanh Long
Trong phong thủy, Tả Thanh Long là khái niệm dùng để chỉ núi phía bên trái huyệt mộ, như trong cuốn “Táng Kinh”, Quách Phác có viết rằng: “Bên trái huyệt mộ là Thanh Long”.
Ngoài ra, Thanh Long cũng dùng để chỉ dòng nước ở phía bên trái dương trạch, như trong cuốn “Dương trạch thư” có viết: “Đến trái nhà ở có dòng nước gọi là Thanh Long”.
Các chuyên gia phong thuỷ nhận định rằng thế mộ đẹp thì núi Thanh Long ở bên trái nên vươn dài, uốn lượn mềm mại, đối ứng với Bạch Hổ bên phải nhưng phải cao hơn Bạch Hổ, hai bên phải trái bao bọc lấy minh đường.
Cũng theo Quách Phác, “núi bên tả dịu dàng, rộng rãi, bao bọc, như tình ý uyển chuyển nhu thuận. Nếu như ngang ngược quật cường, cao vút mà cứng cỏi, thì không thể gọi là uốn lượn”. Thanh Long cần che chở minh đường, như người vợ hiền xinh đẹp mềm mại, dịu dàng trợ giúp cho chồng.
Nếu bên trái huyệt không có Thanh Long, là tượng “tả hữu trống không”. Nếu chọn vào đất này, gia chủ gặp phải nhiều điều bất lợi, goá bụa đơn chiếc, thiếu ăn thiếu mặc. Nếu có Thanh Long mà không có thể bao bọc châu về thì cũng là nơi xấu.
Đối với dương trạch, nếu mặt phía Đông bị khuyết, lõm, thì gọi đó là thế “Thanh Long khai khẩu”. Đất này là cát địa, xây nhà tại đây gia đình sẽ hưng vượng, đón nhiều chuyện vui.
Tham khảo thêm:
Xem hướng mộ.
3.2 Hữu Bạch Hổ
Các nhà phong thuỷ dùng khái niệm Bạch Hổ để chỉ hình núi ở bên phải huyệt. Quách Phác trong “Táng kinh” viết rằng: “Kinh có viết, đất có bốn hình thế, khi đo theo tâm phương, bên trái mộ huyệt là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ”
Bạch Hổ cũng dùng để chỉ con đường lớn phía bên phải của dương trạch, như trong cuốn “Dương trạch thư” có viết: “Phàm là nhà ở, phía bên phải có con đường chạy dài gọi là Bạch Hổ.”
Thế mộ đẹp là khi Bạch Hổ nằm thấp và phủ phục, hình thể phải nhu thuận hơn Thanh Long và hô ứng với Thanh Long. Thanh Long và Bạch Hổ tạo nên thế trái vòng phải ôm, bao bọc lấy sinh khí của minh đường.
Có thể hiểu đơn giản rằng Bạch Hổ cần phải bảo vệ và chầu về minh chủ, trung thành thuần phục để trợ uy. Ngược lại, nếu Bạch Hổ hung hãn, ngang ngược thì sẽ gây ra nhiều điều gây bất lợi cho chủ nhà, gia đình gặp phải nhiều rắc rối, vận hạn dồn dập.
Tương tự như vậy, nếu dương trạch thiếu khuyết hoặc sạt lở ở mặt phía Tây là không có khả năng bảo vệ, các thành viên trong gia đình bất an, gặp nhiều vấn đề.
3.3 Tiền Chu tước
Phong thủy dùng Tiền Chu Tước để chỉ hình thế núi ôm phía trước huyệt mộ. Trong “Táng kinh”, Quách Phác viết: “phía trước huyết mộ là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ”.
Chu tước cũng được dùng để chỉ địa hình phía trước dương trạch. Theo cuốn “Tam phụ hoàng đồ – Tam: Hán cung”: “Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ là tứ linh trên trời, dùng để sửa chính bốn phương, bậc vua chúa xây dựng cung điện đài các đều căn cứ vào đây”.
Núi Chu Tước cần phải ngay ngắn, nhô cao, hoạt bát thanh tú, chầu bái hữu tình như trong thế nhảy múa. Còn nếu “núi phía trước quay lưng vô tỉnh, trên ngay dưới lệch, theo nước mà đi, không chịu ôm vòng châu huyệt” thì “tựa như bay lên mà đi mất”.
Chu Tước nếu là sông ngòi khe suối thì nên uốn khúc ôm vòng, như trăm quan chầu về vua. Nếu là đầm hồ ao chuôm thì trong trẻo sạch sẽ là tốt. Còn nếu như xiên chéo chảy gấp thì là tượng hung.
Trong phong thủy âm trạch, Thuỷ tốt đẹp sẽ là dòng nước hiền hòa, từ tốn, uốn lượn đến trước huyệt. Còn nếu ào ào chảy xiết thì lại là hung.
3.4 Hậu Huyền Vũ
Phong thuỷ học dùng khái niệm Huyền Vũ để chỉ núi phía sau huyệt mộ. Trong “Táng kinh” có viết rằng: “Phía sau huyệt mộ là Huyền Vũ”.
Huyền Vũ cũng được dùng để chỉ núi nhỏ phía sau nhà ở. “Phàm là nhà ở, sau nhà có núi được gọi là Huyền Vũ”.
Theo quan điểm của các chuyên gia phong thuỷ, núi Huyền Vũ nên cúi đầu phủ phục, thế núi nên dốc dần xuống huyết mộ, như nghênh đón huyệt mộ.
Quách Phác có viết trong cuốn “Táng kinh” rằng “Huyền Vũ cúi đầu” và chú thích: “cúi đầu, nghĩa là từ ngọn chủ phong dần dần thấp xuống, như chấp nhận cho chôn cất tại đó. Nơi đặt huyệt, nước đổ không chảy đi, đặt ngồi được vững, là hợp với cách cục cúi đầu. Nếu nước mà chảy nghiêng, đứng không vững chân, là đất dốc.”
Cũng như Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước thì Huyền Vũ cũng phải phủ phục chầu về, bao bọc hữu tình. Mậu Hy Ung trong Táng Kinh Dực – Tứ Thú Sa Thiên” có viết : “Phía sau có chân long đến, làm huyệt hữu tình, trong tư thế hàng phục, mới được coi là Huyền Vũ cúi đầu. Nếu như ngẩng cao đầu nhìn ra phía khác là tượng vô tình, đây là đất hung. Nếu như không có núi Huyền Vũ, tức là sau trước xuyên phong, không thể tụ khí, là đất bần tiện”.
Xem các bài viết khác: