Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tinh hoa phong thủy Nhật

Thứ Ba, 17/11/2015 10:25 (GMT+07)

Như Việt Nam, người Nhật cũng chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa cổ Trung Hoa nên sùng bái đất đai nhà cửa là lẽ đương nhiên, nhưng quan niệm về cách xem địa lý, phong thủy của Nhật lại có những nét khác biệt.


Tinh hoa phong thuy Nhat hinh anh
Phong thủy Nhật chú trọng yếu tố hài hòa, may mắn

Người Nhật khi xây dựng căn nhà mới, cũng mời thầy địa lý phong thủy đến coi thế đất, để đặt hướng cho cửa chính. Ngày khởi công làm lễ địa trấn, hôm đó họ đặt 4 góc nền nhà 4 cây trúc còn đầy lá, giữa tâm nhà có một vòng tròn làm rào thần để làm lễ động thổ.
Vị pháp sư sau khi cúng sẽ chôn 4 góc nhà những hình nhân cùng sắt, đao, kiếm,… những vật bằng kim loại để trừ tà hung. Khi đặt đà ngang (gác đòn dông) cũng cúng và yểm một bộ cung tên, để bắn ác ma như người Việt chúng ta yểm bùa Thượng lương, Trung lương trên cây xà ngang.
Người Nhật không coi đây là sự mê tín, mà là cách yểm bùa cầu may mắn sẽ đến với gia đình họ, có tác dụng làm họ tin tưởng vào căn nhà mới xây dựng đã được trừ tà ếm quỷ.
Trong phong thủy âm trạch của Nhật, người Nhật tìm nơi có “di thủy” tức mạch nước hay con rạch, con sông chảy từ hướng Đông qua Tây Nam, là thế Thanh Long, rửa sạch được ác khí khi hướng về Bạch Hổ, căn nhà sẽ ít gặp bệnh tật, thâm tâm được yên vui. Người Nhật cũng lấy Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ trong chòm sao Nhị thập bát tú (28 vì sao trên trời) để tính về âm dương trạch.
Với quan niệm dân gian Nhật, qua cuốn “Tác đình ký” viết trong thời Bình An ghi, cách làm nhà cửa trong dân chúng thường có tục lệ như sau: “… bốn bề quanh nhà phải trồng cây để hình thành dải đất “bốn thần đều đủ”. Có di thủy từ hướng nhà chảy sang đông là thế Thanh Long, nếu không có nước có thể trồng 9 cây dương liễu để thay”.
“Phía Tây có đường lớn là Bạch Hổ, nếu không có đường thì thay bằng 7 cây thu” (như cây bàng ở nước ta, lá hình trứng dài, hoa trắng có vệt đỏ).
“Phía Nam có ao làm Chu Tước, nếu không có ao phải trồng 9 cây quế”.
“Phía Bắc phải có gò cao làm Huyền Vũ, nếu không có thay bằng 3 cây cối” (còn gọi là cây thích bá, lá như vảy cá, có bông màu vàng).
Phong thủy của Nhật chú trọng vào vấn đề chỗ ở được tứ thần bảo vệ, cả nhà được phúc lộc, tránh tai nạn và sống thọ. Ngày nay, việc đất chật người đông không cho phép người Nhật lựa chọn được đất tốt theo đúng chuẩn, việc trồng cây to cũng khó thực hiện, họ khắc phục bằng cách sử dụng bonsai.
Ngoài ra người Nhật rất coi trọng những địa điểm đặt bếp, đặt cửa chính. Phong thủy bếp của Nhật có nhiều điểm khá đặc sắc. Sách “Cổ sự ký” ghi, thầy tướng địa xem việc xây dựng nhà cho đặt đà ngang, đặt cửa xong, sẽ xem chỗ đặt bếp cho thích hợp với tuổi chủ nhà, thường vào các ngày tốt xấu trong tháng, nhưng tránh ngày 25 dù là ngày tốt. Chủ nhà phải để lửa than riu riu suốt ngày trong bếp để căn nhà được ấm nóng.
Cửa ít khi đặt về hướng Đông Bắc, vì người Nhật coi hướng này thuộc “quỷ môn”, có âm khí. Nếu thế nhà bắt buộc, họ khắc hình con vượn đặt trên cao để trừ tà.

Phong thủy của Nhật cho thấy sự tinh tế, thâm trầm nhưng cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng. Người Nhật chú trọng vào yếu tố an tâm, an tính, cầu may hơn là để phát tài, phát lộc.
Dòng chảy phong thủy Á Đông cho thấy những bí ẩn và sự vi diệu của bộ môn khoa học này vẫn tiếp tục được vận hành và phát triển theo nguồn tri thức của từng quốc gia một cách bền bỉ và mạnh mẽ. Con người đã và đang tiếp nối, phát huy những giá trị hết sức quý báu.

Theo Thiên Việt
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X