Sao Nhị Hắc là gì? Bàn tính cát, hung của Nhị Hắc đối với phong thủy nhà ở

Thứ Tư, 26/08/2015 10:08 (GMT+07)

Sao Nhị Hắc là sao ứng với số 2 trong Cửu tinh Huyền Không. Khi hưng, suy kết hợp với các sao khác sẽ đưa tới sự hung, cát khác nhau.


Xem bói ngày sinh để biết tình yêu, hôn nhân, vận mệnh, sự nghiệp của mình

1. Sao Nhị Hắc là gì?


Sao Nhị Hắc là sao Cự Môn, cũng là Bệnh Phù. Đây là sao xấu, mang năng lượng xấu, có thể làm suy yếu sức khỏe, hệ thống miễn dịch cho người vô tình có phòng ngủ hoặc nơi làm việc rơi vào sao này.

Khi Cự môn gặp thế sinh vượng thì có quyền có của, cơ ngơi bề thế, vượng cả đinh lẫn tài, thường xuất hiện võ quý, phụ nữ cai quản gia đình, đa mưu, keo kiệt.
 
 
Khi sao này lâm trạng thái suy tử dễ gặp tai họa vì sắc, hoặc xảy ra hỏa hoạn. Dễ gây điều tiếng thị phi, làm hao tiền tốn của. Phụ nữ trong nhà dễ bị xảy thai, đau bụng, mụn nhọt và các bệnh ngoài da, đặc biệt ở cơ quan sinh sản phụ nữ và hai nách.

Nếu nhà của âm u, ở lâu sẽ gặp cảnh phụ nữ ở góa cai quản gia đình, người ốm mắc bệnh lâu ngày không khỏi.

2. Đặc tính của sao Nhị Hắc

  • Thiên tượng: Tượng trưng cho mây đen, băng giá, hơi sương, khí thuần âm.
  • Khí tượng: Thời điểm giữa mùa hạ và mùa thu.
  • Địa tượng: Mặt đất, cánh đồng, làng quê, bãi đất bằng phẳng. Do thuần âm nên cũng tượng trưng cho hầm tối, rừng cây, bóng tối, góc tối, cũng thuộc khái niệm trừu tượng và huyền bí.
  • Con người: Mẹ, mẹ kế, người nông dân, người thôn quê, quần chúng, phụ nữ cao tuổi, ni cô, sỹ quan quân đội, giáo viên, quả phụ, tiểu nhân. Tính tình nhu hòa, điềm tĩnh.
  • Khí quan trên cơ thể: Bụng, dạ dày, tỳ, thịt.
  • Vật tượng:
- Hình dáng bằng phẳng, rộng rãi, vuông vức. Màu sắc là màu vàng hoặc màu đen.
- Với nhà cửa, là thôn trang, ruộng vườn nhà cửa, nhà thấp, thềm đất, nhà kho, kinh đô, cung điện, thành ấp, tường bao, mồ mả.
- Với động vật tượng trương cho bò, nghé, bê, dê, cừu, khỉ, ngựa cái, phiếm chỉ loài thú.
- Với thực vật tượng trưng cho vải bông, ngũ cốc, vải sồi, cán gỗ.
- Với đồ vật tượng trưng cho hình vuông, đồ bằng phẳng, thùng, đồ sành sứ, xe kiệu, nông cụ, mâm.
  • Ngũ hành: Hành Thổ
  • Phương vị: Phương Tây nam
  • Cung: Khôn
  • Màu sắc tượng trưng: Màu đen
  • Số tương ứng: Số 2.
     

3. Sự kết hợp của Nhị Hắc trong Cửu tinh


 
  • Nhị Hắc gặp Nhất Bạch là khắc xuất. Nếu vượng thì giàu có về điền sản, gia cảnh hưng vượng, nhân khẩu đông, mẫu thân khỏe mạnh sống lâu. Nếu suy thì vợ khắc chồng, đàn ông mất ở tuổi trung niên, quả phụ làm chủ gia đình, người nhà thường mắc các chứng bệnh về tỳ vị, đường ruột hay thận. 
  • Nhị Hắc gặp Nhị Hắc là tỵ hòa. Nếu vượng thì giàu có, ruộng đất nhiều, có quyền thế, lợi về binh nghiệp. Nếu suy thì ham mê nữ sắc, dâm đãng, khí lực suy yếu, mẹ già nhiều bệnh tật, người trong nhà thường xảy ra nhiều chuyện xấu, ra ngoài dễ gặp tiểu nhân ngầm hại. 
  • Nhị Hắc gặp Tam Bích là khắc nhập. Nếu vượng thì vợ nắm quyền, gia tài tích lũy do làm việc bất chính, nhưng con trưởng hư hỏng. Nếu suy thì đàn ông vì dâm đãng mà gia đình tan nát, đàn bà dễ mắc các chứng về đường tiêu hóa. Nhị - Tam sóng đôi còn gọi là “đấu ngưu sát” nên vợ chồng thường bất hòa, chống đối nhau. Người trong nhà chỉ ham ăn chơi nên ruộng vườn bỏ hoang, con cháu dễ thành trộm vặt. 
  • Nhị Hắc gặp Tứ Lục là khắc nhập. Nếu vượng thì con dâu nắm quyền, gia đình hưng vượng, nhiều nhân đinh. Nếu suy thì chị dâu ức hiếp em chồng, nam giới hiếu sắc. Nhà có mẹ già cô khổ, hoặc xuất gia làm ni. Người trong nhà dễ mắc các chứng bệnh về tỳ vị, đường ruột, đau cánh tay. Gia cảnh buồn tẻ vắng lặng, ra ngoài thường gặp những việc tai tiếng quấn vào thân, hoặc mắc bệnh thương hàn.
  • Nhị Hắc gặp Ngũ Hoàng là tỵ hòa. Nếu vượng thì tạo dựng cơ nghiệp dễ dàng, tài vận tốt, hưng thịnh nhất là về địa sản. Nếu suy thì phát sinh đủ thứ bệnh, vợ đau yếu nặng, dễ thành người góa vợ. Đặc biệt người nhà thường mắc các chứng về tỳ vị, đường ruột mãn tính. 
  • Nhị Hắc gặp Lục Bạch là sinh xuất. Nếu vượng thì gia cảnh bình yên, con cái thuận hòa, gia nghiệp hưng thịnh, nhiều khả năng hành nghề y cứu đời, hoặc trở thành người có quyền trong nghiệp võ. Nếu suy thì cha già nhiều bệnh, trong nhà có người đi tu, cha con thù oán nhau, chủ khách tranh chấp, thường gặp việc tai tiếng thị phi, người nhà thường mắc bệnh đau dầu hay điên loạn. 
  • Nhị Hắc gặp Thất Xích là sinh xuất. Nếu vượng thì trở thành cự phú bằng tiền của bất chính hoặc bất ngờ (hoạnh tài), nhiều con cái. Nếu suy thì mẹ và con gái thường nghịch nhau, vợ kế không hiền thục. Ngoài ra dễ có hỏa tai hoặc bị chứng bạch đới cấp tính, kiết lỵ; đàn ông thường hay bị phụ nữ quấy rầy hoặc vì tranh chấp thị phi mà bị đâm chém. 
  • Nhị Hắc gặp Bát Bạch là tỵ hòa. Nếu vượng thì giàu có, ruộng đất không thấy bờ. Nếu suy thì hay mắc bệnh nhẹ, đàn bà thường bỏ nhà đi tu.
  • Nhị Hắc gặp Cửu Tử là sinh nhập. Nếu vượng thì văn chương chữ nghĩa bề bề, đất đai tiền của tích tụ lớn. Nếu suy thì việc đen tối ập đến ngay, chủ về chuyện nam nữ ám muội, tiền của ra đi nhanh chóng, còn xuất hiện người chồng ngu đần. Hỏa nóng Thổ (đất) khô nên dễ sinh ra chứng bạch đới cấp tính. Khí âm quá nhiều nên nhiều đời có quả phụ. Thổ tổn thương mắt, con cháu ắt có người mù lòa.  

4. Ảnh hưởng của Nhị Hắc lưu niên tới phong thủy nhà ở


Nhà phạm Nhị Hắc thường làm cho người trong nhà gặp phải rủi ro, ốm đau, bệnh tật. Với những ngôi nhà bị phạm nặng thì có thể còn gặp phải những điều không may như tự tử, chết chóc, bệnh nan y, vợ đoạt quyền chồng, hay bại sản vì tật bệnh.
 
 
Theo phong thủy, khi Nhị Hắc lưu niên bay đến các phương khác nhau sẽ gây ra các vấn đề khác nhau. Cụ thể như sau:
  • Nhị Hắc đến phương Bắc: Người trong nhà dễ bị mắc bệnh đường ruột, dạ dày, phụ nữ nắm quyền, nhất là về phương diện tài chính.
  • Nhị Hắc đến phương Nam: Đầu óc u mê, ngu muội, làm việc thiếu minh mẫn, dễ mắc bệnh liên quan đến máu huyết.
  • Nhị Hắc đến phương Đông: Kiện tụng, tai họa, bệnh đường ruột, gặp các vấn đề liên quan đến chân, đau chân.
  • Nhị Hắc đến phương Tây: Người trong nhà dễ bị bệnh đau dạ dày, bệnh đau dạ dày ngày càng nặng, đề phòng hỏa tai, bệnh tật liên quan đến huyết áp.
  • Nhị Hắc đến phương Đông Bắc: Phát tài, có lợi cho điền sản, các vấn đề liên quan đến bất động sản.
  • Nhị Hắc đến phương Tây Bắc: Đúng vận thì phát tài, sai vận thì mắc bệnh thần kinh suy nhược, tinh thần bất định.
  • Nhị Hắc đến phương Tây Nam: Chủ về thân thể nhiều bệnh tật, quả phụ.
  • Nhị Hắc đến phương Đông Nam: Tai tiếng, sức khỏe kém, bệnh về đường hô hấp.
Nhị Hắc kị nhất là vào những năm Tý, Ngọ, Mùi. Mỗi năm phá tài nhiều nhất vào những tháng tư, tháng năm, tháng sáu, và tháng chín.

5. Cách hóa giải sao Nhị Hắc theo phong thủy


Khu vực này không nên bài trí vật dụng mang hành Thổ hoặc Hỏa (vật liệu đá, gốm, sứ, nhựa, pha lê; màu vàng, nâu, đỏ, hồng… mà nên bài trí vật dụng, đặc biệt là các vật mang hành Kim (kim loại, màu trắng), vì Thổ sẽ suy yếu do phải sinh cho Kim.
 
Không được thiết kế cửa, phòng, bếp và vị trí nước ở phương này. Nếu cửa, phòng, bếp và vị trí nước đã ở phương này thì cần phải đặt một cặp kỳ lân bằng đồng để hóa giải.
 
Nếu giường ngủ hoặc phòng khách đặt tại vị trí của sao này mà không di chuyển được thì nên treo tiền đồng, hồ lô đồng, đèn ngũ hành bằng đồng, Lệnh Bài Trấn Trạch Cát tinh cao chiếu bằng đồng, Tháp Văn Xương bằng đồng, quả cầu thạch anh trắng, Đĩa thất tinh màu trắng, Tháp Văn Xương màu trắng v.v… để hóa giải sát khí Thổ của sao Nhị Hắc.

Những vật dụng mang tính động như ti vi, tủ lạnh, quạt điện nên di chuyển khỏi vị trí của sao Nhị Hắc, vì khi khởi động chúng, tính hung hãn của ngôi sao này sẽ lan tỏa khắp nơi trong nhà.

Xem các bài viết khác: