Chức năng của quạt thông gió là hút mùi hôi hoặc mùi dầu mỡ từ trong phòng bếp ra ngoài nhờ vào chuyển động của cánh quạt.
Qua đây, chúng ta có thể suy ra 2 tính chất, 1 là “động” tức là chuyển động của cánh quạt, 2 là “khí” tức là quạt thông gió có thể hút hết mùi hôi trong phòng bếp và thải ra bên ngoài.
Chú ý khi lắp quạt thông gió trong phòng bếp |
Xét về mặt phong thủy, “động” thuộc hệ dương có nghĩa là “chuyển động”, “phấn đấu”, “tăng cường”. Thuật phong thủy rất coi trọng việc tận dụng các vật “chuyển động” để tăng thêm sức mạnh cho 1 phương hướng nào đó, ví dụ bể cá cảnh (cá và nước đều là những sự vật có thể chuyển động), đồng hồ quả lắc...
Từ đó có thể kết luận, sự chuyển động của quạt thông gió rất phù hợp với nguyên tắc “chuyển động” trong thuật phong thủy, do đó quạt thông gió nên lắp ở vị trí vượng khí trong phòng bếp như các hướng Sinh Khí, Diên Niên, Thiên Y...
Ngược lại, nếu quạt thông gió bị lắp đặt vào những vị trí xung khí như Tuyệt Mệnh, Ngũ Quỷ, Lục Sát thì xung khí sẽ mạnh lên lấn át vượng khí trong phòng bếp.
Thông thường, quạt thông gió được lắp đặt ở trên cao, do đó chúng ta có thể vận dụng 1 số nguyên lý tương đối đơn giản của thuật phong thủy để xác định vị trí lắp đặt quạt thông gió trong phòng bếp.
Điểm mấu chốt trong nguyên lý nói trên là “sự chuyển động của không khí”. Do quạt thông gió có tác dụng tạo sự chuyển động trong không khí, nên cần lắp đặt quạt thông gió vào vị trí có thể làm tăng vượng khí của phòng bếp.
Thuật phong thủy quan niệm vị trí bên trái là Thanh Long (tả Thanh Long), vị trí bên phải là Bạch Hổ (hữu Bạch Hổ), vị trí phía trước là Chu Tước (tiền Chu Tước), vị trí phía sau được gọi là Huyền Vũ (hậu Huyền Vũ).
Nếu như bạn đứng quay mặt vào cửa, thì bên trái của cửa được gọi là hướng vượng khí Thanh Long, bên phải của cửa được gọi là hướng xung khí Bạch Hổ. Nên lắp đặt quạt thông gió ở hướng Thanh Long có thể làm tăng vượng khí của hướng này.
(Theo Cấm kỵ phong thủy trong bài trí nhà ở hiện đại)