Cẩm nang phong thủy đón Tết Nguyên đán 2024: Chỉ vài mẹo đơn giản có thể sinh TÀI LỘC cả năm

Thứ Sáu, 02/02/2024 08:27 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chỉ còn ít ngày nữa là chính thức bước sang năm Giáp Thìn, bạn nên ghi nhớ cẩm nang phong thủy đón Tết Nguyên đán 2024 dưới đây để loại bỏ những điều xui xẻo cho bản thân và gia đình, đón những điều tốt lành trong năm mới.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
Tết Nguyên đán đối với người Việt Nam là dịp nghỉ lễ dài nhất và cũng quan trọng nhất trong một năm. Tết đến xuân về, đây là dịp sum họp, đoàn viên. Cả gia đình quây quần cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để bước qua một năm mới an lành. Gác lại những gì đã cũ để hướng tới những điều mới mẻ hơn phía trước, Tết luôn có ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người.
 
Năm Giáp Thìn đã cận kề, để có một cái Tết thật tươm tất và thu hút nhiều may mắn vào nhà, đừng bỏ lỡ cẩm nang phong thủy đón Tết Nguyên đán 2024 dưới đây.

 

1. Dọn nhà đón Tết

 
Công việc dọn dẹp nhà cửa vẫn được tiến hành mỗi ngày nhưng dọn dẹp trong tháng Chạp – tháng cuối cùng của năm âm lịch luôn mang một bầu không khí trang trọng khác hẳn.
 
Dọn nhà đón Tết không chỉ xóa bỏ sự bừa bộn của năm trước mà còn giống như xua tan mọi xui xẻo của năm cũ và chào đón năm mới, với môi trường mới đầy trong lành. 
 
Từ góc độ tâm lý học, không gian cư trú của một người thực sự phản ánh tâm trạng và hoàn cảnh của người đó. Không có gì quan trọng hơn sự sạch sẽ và ngăn nắp.
 
Đón năm mới Giáp Thìn 2024, đầu tiên hãy lưu tâm tới việc dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa một lần cuối trước khi chính thức đón Tết (thường là sau Tết ông Công ông Táo). Bạn có thể lựa chọn những ngày đẹp để dọn nhà dịp giáp Tết như sau:
  • Ngày 2/2/2024 dương lịch – tức 23 tháng Chạp (không sử dụng nếu gia chủ tuổi Dần).
  • Ngày 3/2/2024 dương lịch – tức 24 tháng Chạp (không sử dụng nếu gia chủ tuổi Mão).
  • Ngày 4/2/2024 dương lịch – tức 25 tháng Chạp (không sử dụng nếu gia chủ tuổi Thìn).
  • Ngày 6/2/2024 dương lịch – tức 27 tháng Chạp (không sử dụng nếu gia chủ tuổi Ngọ).
  • Ngày 9/2/2024 dương lịch – tức 30 Tết (không sử dụng nếu gia chủ tuổi Dậu).
Trong ngày tổng vệ sinh, gia chủ có thể ngâm lá bưởi, mùi già hoặc cánh hoa tươi vào nước sôi, sau khi để nước nguội bớt, dùng nước đó lau và làm sạch những nơi quan trọng trong nhà như: hốc tường, linh vật, két sắt, hộp đựng tiền v.v. 
 
Đặc biệt, những người có vận khí tốt vào năm Quý Mão có thể quét từ cửa trước vào phòng, việc làm này tức là giữ tài lộc, phúc lành ở trong nhà và duy trì vận may trong năm tới. Còn những người vận khí không tốt trong năm 2023 có thể quét từ phòng ra cửa trước, có ý nghĩa xua đuổi tà khí suy tàn, đón những điều tốt lành của năm mới.
 

2. Lưu ý khi mua cây cảnh ngày Tết

 
Nhiều người thích mua một số loại hoa và cây xanh để trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần tăng thêm sức sống của năm mới. Bạn cần chú ý đến những điều dưới đây khi dùng cây xanh trang trí:
 
- Dịp Tết thích hợp mua các loại cây có hoa và xanh tốt hàng năm và mang ý nghĩa tốt lành như cây hoa đào, cây quất, hoa tulip, hoa huệ, hoa hồng, hoa lan, cúc đồng tiền, cây kim tiền, cây phát lộc,…; không thích hợp mua cây có gai như hoa hồng gai và xương rồng v.v.
 
- Trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, cây xanh thích hợp đặt ở Tài vị trong nhà để mang lại điềm lành cho cả năm. Còn nếu bạn muốn thu hút hoa đào, vượng nhân duyên, tăng cường kết nối xã hội và nguồn khách hàng thì có thể đặt một số cây xanh ở phía Đông (nơi có sao Nhất Bạch chủ về nhân duyên án ngữ).
 
- Các cây ra hoa hàng năm không nên đặt ở phía Đông Nam (vị trí của hung tinh Nhị Hắc gây bệnh tật đau ốm), phía Tây Bắc (vị trí của hung tinh Ngũ Hoàng gây tai họa) và phía Nam (vị trí của hung tinh Thất Xích gây phá tài) trong năm 2024 để tránh gây ra khí xấu, tích tụ xui xẻo.
 
-  Những nơi trọng yếu cần trưng cây, hoa là bàn thờ, phòng khách, phòng bếp, bàn ông địa, ngoài sân, hai bên cửa chính. Đối với những ngôi nhà lớn, có thể trưng một bình hoa đào hoặc chậu mai to ở trung tâm phòng khách để tạo điểm nhấn và lan tỏa vượng khí ra toàn căn nhà.
 
- Những loại hoa trang trí ngày Tết nên có màu sắc sặc sỡ, có tính dương như đỏ, vàng, cam, hồng. Hoa màu trắng là điều tối kỵ trong dịp này vì màu trắng đại diện cho tính âm. Với những bình hoa lớn ở giữa nhà có thể cắm theo 3 tầng, xen kẽ hoa lớn/nhỏ tuân theo nguyên lý Tam tài của phong thuỷ.

 

3. Đặt vật phẩm phong thủy đón năm mới

 
Vật phẩm phong thủy từ lâu đã hiện diện trong cuộc sống hàng ngày và có khả năng thu hút tài lộc, sức khỏe cho chủ nhân. Khi chuẩn bị bước sang năm Giáp Thìn 2024, bạn cũng có thể lựa chọn mua sắm các vật phẩm phong thủy phù hợp để gửi gắm hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn, tài lộc.
 
Vật phẩm phong thủy hiện nay được chia thành 2 loại phổ biến là Chấn và Chiêu. Chấn là những vật phẩm được sử dụng để giảm bớt năng lượng xấu trong khi Chiêu là vật phẩm nhằm thu hút tài lộc, may mắn. Dưới đây là những gợi ý về vật phẩm phong thủy cho bạn trong năm 2024:
 

- Dùng bộ “Tứ Linh”:

 
Trong phong thủy, Tứ Linh được biết là bốn linh vật có giá trị trong phong thủy. Chúng không chỉ là biểu tượng trang trí tinh tế mà còn mang ý nghĩa tài lộc thu hút hạnh phúc, sức khỏe và sự hòa hợp trong cuộc sống.
 
Tứ Linh bao gồm Long, Lân, Quy, Phụng, trong đó mỗi linh vật đều mang một ý nghĩa riêng:
  • Long (Rồng): Biểu tượng cho quyền lực và sự giàu sang, bên cạnh đó còn tượng trưng cho sự mạnh mẽ và tinh thần lãnh đạo trong tổ chức. Hơn nữa năm 2024 là năm Giáp Thìn, vậy nên rất thích hợp để sử dụng linh vật Rồng trong năm nay.
  • Lân (Lân): Mang ý nghĩa về tài lộc và sự thịnh vượng. Theo quan niệm dân gian, Lân mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc cho mọi người và có thể bảo vệ gia chủ, mang lại sự hòa thuận cho gia đình.
  • Quy (Rùa): Biểu tượng cho sự trung thành và hạnh phúc trong gia đình, bên cạnh đó Quy còn được ưa chuộng trong học hành, thi cử vì có tác dụng tăng cường khả năng ghi nhớ, mang lại nhiều may mắn.
  • Phụng (Phượng Hoàng): Đối với người Á Đông, Phượng Hoàng là hiện thân của đức tin, uy quyền và chiến thắng. Phượng Hoàng có ý nghĩa kết nối con người và thần linh. Việc đặt tượng Phượng Hoàng phong thủy còn giúp phát huy tinh thần minh mẫn, sáng suốt.

- Dùng Tỳ Hưu phong thủy:

 
Tỳ Hưu có vẻ ngoài uy nghiêm với hai chiếc sừng trên đầu, miệng rộng và cái bụng khá to. Món ăn yêu thích của Tỳ Hưu là vàng, bạc và đồ trang sức. Vì vậy trong phong thủy người ta tin rằng Tỳ Hưu có sức mạnh và tầm quan trọng to lớn trong việc thu hút tài lộc và giúp gia chủ ngày càng giàu có, thịnh vượng hơn.
 
Lưu ý khi trưng bày nên đặt Tỳ Hưu phong thủy thành cặp với miệng hướng ra ngoài cửa chính. Khi đeo trên cổ thì miệng Tỳ Hưu phải hướng lên trên, đuôi hướng xuống đất ngụ ý chiêu tài lộc, từng bước thăng tiến.
 

- Dùng tượng Trâu phong thủy:

 
Trong phong thủy, Trâu là con vật đại diện cho biểu tượng giàu có, may mắn, trung thành và tín nhiệm. Nên mọi người tin rằng, đặt tượng Trâu trong nhà sẽ giúp các thành viên trong gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi, tốt lành, có được nhiều mối quan hệ hữu hảo,...
 

- Dùng Thiềm Thừ phong thủy:

 
Thiềm Thừ hay còn được gọi là cóc ba chân và được dân gian gọi với các tên khác là cóc ngậm tiền.
 
Thiềm Thừ không chỉ giúp bạn trưng bày đẹp mắt mà cón có tác dụng tránh tà, chiêu tài. Linh vật này thường được mọi người đặt tại bàn thờ Thần Tài và khi đặt bạn nên nhớ để Thiềm Thừ hướng mặt vào trong, vì lúc này linh vật này sẽ giúp bạn đem tài lộc vào nhà, tránh xoay mặt của Thiềm Thừ ra cửa.
 

- Dùng Heo phong thủy:

 
Từ lâu, heo thường được mọi người liên tưởng đến sự ổn định tài chính, muốn giàu có thì phải nuôi heo, khi tiết kiệm tiền, người ta cũng thường mua heo đất để bỏ vào. Vì vậy heo được quan niệm như một con vật mang đến sự giàu có, no đủ.
 
Còn trong phong thủy, heo được biểu tượng cho sự giàu sang, tài lộc, sung túc. Do đó, nếu muốn có muốn có một cuộc sống ấm no, giàu sang, thoải mái về vật chất lẫn tinh thần trong năm Giáp Thìn 2024 thì bạn không nên bỏ qua con vật phong thủy này nhé.
 

- Dùng Đồng Điếu phong thủy:

 
Đồng Điếu thường được làm bằng đá quý và có hình dáng giống đồng tiền cổ. Đồng Điếu có hình tròn tượng trưng cho trời, có lỗ ở giữa tượng trưng cho đất, vì vậy ý nghĩa của Đồng Điếu còn là hấp thụ linh khí của trời đất và mang lại sự thịnh vượng cho gia chủ.
 
Bạn nên lựa chọn Đồng Điếu phù hợp với mệnh của mình để vật phẩm này phát huy tối đa tác dụng:
  • Với người mệnh Kim: Nên chọn các loại Đồng Điếu có màu sắc tương sinh với mệnh Kim như trắng, vàng và tránh các màu tương khắc như đen, đỏ, hồng tím.
  • Với người mệnh Mộc: Nên chọn những màu như xanh đen, xanh sẫm.
  • Với người mệnh Thủy: Nên tránh những màu tương khắc như màu vàng, nâu đất, xanh sẫm, đen, trắng.
  • Với người mệnh Hỏa: Nên chọn đồng điếu màu đỏ, hồng, xanh lá cây hay màu tím.
  • Với người mệnh Thổ: Nên chọn những màu như màu vàng, nâu đất và những màu tương hợp như đỏ, hồng.

4. Hướng tốt để dán câu đối đỏ

 
Dịp Tết Nguyên đán, mỗi gia đình sẽ treo những câu đối Xuân trên cửa nhà để tăng thêm không khí lễ hội cũng như muốn thu hút may mắn trong năm mới. 
 
Căn cứ theo Cửu Cung Phi Tinh năm 2024, bạn nên treo các câu đối Tết với các chủ đề phù hợp theo các hướng như sau:
  • Cửa nhà hướng Tây: Treo câu đối xuân có chữ màu vàng, chủ đề “Bình an may mắn” để hóa giải xui khí của hung tinh Ngũ Hoàng.
  • Cửa nhà hướng Đông Nam: Treo câu đối xuân chữ màu vàng, chủ đề “Khỏe mạnh - cát tường” để hóa giải xui khí của hung tinh Nhị Hắc. 
  • Cửa nhà hướng Nam: Dán câu đối xuân chữ màu đen, chủ đề “Bình an - phú quý” để khắc chế xui khí của hung tinh Thất Xích.
  • Cửa nhà hướng Tây Bắc: Dán câu đối xuân chữ màu đen, chủ đề “Đỗ đạt - thăng tiến” phát huy năng lượng của cát tinh Tứ Lục.
  • Cửa nhà hướng Tây Nam: Treo câu đối xuân có chữ vàng/đỏ, chủ đề “Hỷ khí - cát tường” để phát huy năng lượng của cát tinh Cửu Tử.
  • Cửa nhà hướng Bắc: Treo câu đối xuân có chữ vàng/đỏ, chủ đề “Phát tài - giàu sang” để tăng thêm năng lượng cho cát tinh Bát Bạch.
  • Cửa nhà hướng Đông Bắc: Dán câu đối xuân có chữ vàng, chủ đề “Lợi nhuận - phú quý” để tăng năng lượng cho cát tinh Lục Bạch.
  • Cửa nhà hướng Đông: Dán câu đối xuân chữ đen, theo chủ đề “Phú quý - danh vọng” để giúp cát tinh Nhất Bạch phát huy năng lượng.

5. Ngày đẹp để khởi công, khai trương 

 
Những ngày tốt cho việc khởi công xây dựng và khai trương trong tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 như sau:
 
- Ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch (tức 13/2/2024 dương lịch)
 
Lưu ý: Không thích hợp sử dụng cho các cửa hàng, nhà máy tọa Tây hướng Đông và gia chủ tuổi Sửu.
 
- Ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch (tức 15/2/2024 dương lịch)
 
Lưu ý: Không thích hợp sử dụng cho các cửa hàng, nhà máy tọa Đông hướng Tây và gia chủ tuổi Mão.
 
- Ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch (tức 18/2/2024 dương lịch)
 
Lưu ý: Không thích hợp sử dụng cho các cửa hàng, nhà máy tọa Nam hướng Bắc và gia chủ tuổi Ngọ.
 
- Ngày 12 tháng Giêng âm lịch (tức 21/2/2024 dương lịch)
 
Lưu ý: Không thích hợp sử dụng cho các cửa hàng, nhà máy tọa Tây hướng Đông và gia chủ tuổi Dậu.
 
- Ngày 15 tháng Giêng âm lịch (tức 24/2/2024 dương lịch)
 
Lưu ý: Không thích hợp sử dụng cho các cửa hàng, nhà máy tọa Bắc hướng Nam và gia chủ tuổi Tý.
 
Vào ngày khởi công, khai trương của tháng Giêng, người quản lý/sếp/lãnh đạo nên đến công ty hay cửa hàng trước cấp dưới để khởi động lại các thiết bị điện của toàn công ty (hoặc các phòng ban, cơ quan, v.v.) vào các khung giờ đẹp trong ngày. Tiếp đó, các nhân viên có thể dọn dẹp sơ qua bàn làm việc và khởi động lại máy tính, máy in và các thiết bị khác vào thời điểm này.
 
Người đứng đầu cơ quan, cửa hàng cũng có thể treo những dải ruy băng đỏ lên bảng hiệu công ty và kèm theo những dòng chữ tốt lành ở cửa ra vào, chẳng hạn như “Thành công may mắn”, “Kinh doanh phát đạt”, “Cung hỷ phát tài”, “An khang thịnh vượng” v.v.
 
Hãy nhớ đừng giải quyết các vấn đề tài chính, nhân sự trong ngày khai trương, thay vào đó có thể chúc nhau những điều tốt lành, hoặc gửi email, tin nhắn chúc mừng tới khách hàng.
 
Nếu công ty/doanh nghiệp có lễ khai xuân thì nên tổ chức vào giờ Thìn (7-9h) hoặc giờ Tị (9-11h) buổi sáng.
 
Có thể đặt mâm lễ vật hoặc bàn cúng ngoài cửa quán, cửa công ty. Mâm lễ vật bao gồm: hoa thơm, nến, trái cây, nước, trà, rượu..., hoa quả có thể là táo, dứa, thanh long, chuối. , v.v.; món mặn có thể là lợn quay, gà nguyên con. Hoặc các đồ lễ khác tùy phong tục từng nơi.

 

6. Hướng dẫn trang trí không gian nhà cửa dịp Tết

 

6.1 Trang trí phòng khách

 
Trong văn hóa Á Đông, phòng khách là nơi được tập trung trang hoàng nhiều nhất trong ngày Tết bởi nơi đây được coi như diện mạo của cả ngôi nhà, cũng là nơi tụ họp đông đủ người thân và đón tiếp khách quý.
 
Còn trong phong thủy, phòng khách là nơi hội tụ vượng khí của gia đình. Phòng khách đẹp đẽ, sang trọng và sạch sẽ thì vượng khí cũng dồi dào, sung túc. Do đó, việc trang trí phòng khách dịp Tết đến xuân về luôn được các gia đình chú trọng đầu tiên.
 
Một trong những quy tắc quan trọng trong phong thuỷ trang trí phòng khách dịp Tết là không được quay lưng ghế ra cửa chính, bởi điều này được ngầm hiểu là xua đuổi khách. Ngược lại, nếu đặt ghế hướng ra cửa thì có ý nghĩa là luôn nồng nhiệt đón tiếp khách.
 
Ngoài ra những cạnh nhọn, góc nhọn trong phòng khách như cạnh bàn, ghế, kệ, tủ cũng nên được làm mềm mại hơn. Bạn có thể phủ tấm trải bàn, lót đệm lên ghế, lấy chậu cây che các cạnh nhọn. Những vật trang trí này nên có màu sắc tươi tắn và không được kê quá gần nhau hay sử dụng số lượng quá nhiều để vượng khí có thể thuận lợi lưu thông và lan tỏa khắp nhà.
 

6.2 Trang trí phòng thờ

 
Phòng thờ hay khu vực bàn thờ là nơi linh thiêng nhất trong nhà, cần được đặt ở nơi cao, sạch sẽ, yên tĩnh và sáng sủa. Nếu bàn thờ được đặt ở phòng khách thì không gian nơi đây càng phải được kỹ càng trong việc trang trí.
 
Với tập tục của người Việt, bàn thờ sẽ không thể thiếu ảnh gia tiên, lư đồng, nhang đèn. Trong dịp Tết Nguyên đán, bàn thờ sẽ kết hợp với các yếu tố ngày Tết như mâm ngũ quả, hoa cúc, bánh chưng/bánh tét, cành mai/đào, mâm cỗ cúng…
 
Đặc biệt, để phù hợp với phong thuỷ, vải trải bàn thờ nên dùng màu đỏ chứ không được dùng màu đen hay trắng. Bởi, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, còn đen và trắng là sự xui xẻo, tang thương, mất mát.
 
Một điều không thể bỏ qua nữa là mọi vật dụng trên bàn thờ đều phải sạch sẽ, bàn thờ sạch bụi, lư đồng phải chùi bóng, hoa và quả luôn phải tươi.
 

6.3 Trang trí phòng bếp

 
Phòng bếp là nơi giữ hơi ấm, giữ lửa cho gia đình nên cần được trang trí tươm tất trong ngày Tết. Thực tế trước khi diễn ra Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, ất cả các vật dụng, ngóc ngách trong nhà bếp đều phải được lau dọn sạch sẽ. 
 
Trong dịp Tết Nguyên đán, gia chủ nên dùng khăn trải bàn và chén đũa mới trong những ngày đầu năm để cả năm được sống trong sung túc, đón những điều mới mẻ.
 
Ngoài ra để phòng bếp thêm tươi tắn, nhiều tính dương, bạn có thể trang trí các màu sắc rực rỡ trên khăn trải bàn, mâm ngũ quả, bình hoa, bộ chén, tách…
 
Nếu tường bếp nhà bạn không còn mới, sạch sẽ thì nên sơn lại hoặc dùng giấy dán tường để khu vực bếp luôn trong trạng thái sáng sủa, tươm tất nhất.
 

6.4 Trang trí phòng ngủ

 
Theo phong thuỷ, phòng ngủ là nơi gia chủ nghỉ ngơi, tái tạo nguồn năng lượng sau khi làm việc mệt mỏi và là nơi mang đến sự thoải mái, yên bình nhất cho mỗi người. Do đó, mọi chi tiết dù nhỏ nhất trong phòng ngủ đều phải tinh tế, phù hợp với nhu cầu và sở thích của con người.
 
Vào ngày Tết, phòng ngủ nên được trang trí sao cho tạo cảm giác ấm áp để gợi lên hình ảnh Tết sum vầy đầm ấm của cả nhà.
 
Màu sắc nên dùng trong phòng ngủ vào ngày Tết nên có tông màu ấm, nóng như đỏ, hồng, vàng, nâu, cam… Màu cam và nâu thường được dùng phổ biến hơn cả vì không quá sặc sỡ như những màu còn lại, có nhiều sắc độ giữ được tính trầm đủ cần thiết để tạo giấc ngủ ngon.
 
Để không phải thay đổi nhiều trong thiết kế phòng ngủ mà vẫn hợp phong thuỷ, bạn có thể nhấn những màu trên vào ga trải giường, mền, gối, đèn ngủ, tranh treo tường. Những chi tiết này có thể thay đổi dễ dàng, dễ làm và ít tốn kém so với việc thay màu sơn tường, gạch lát sàn, màu tủ, giường, bàn,…
 
Trên đây là cẩm nang phong thủy đón Tết Nguyên đán 2024. Hy vọng thông qua những thông tin này bạn có thể cùng gia đình chuẩn bị tươm tất nhất cho cái Tết Giáp Thìn đang tới. Chúc bạn và gia đình đón Tết an khang thịnh vượng!