Bình vôi - một trong một những vật dụng cần thiết cho thói quen ăn trầu của người xưa, luôn có nét riêng mang cá tính rất Việt Nam, cho dù tục ăn cau trầu vôi lan rộng cả vùng Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, bình vôi được tôn kính là Ông; Ông Vôi hoặc Ông Bình Vôi - được coi như một vị thần, được giữ gìn tôn trọng, để ở khay, ô, tráp, hộp, quả hộp, hay cơi cau trầu trên sập gụ hay trên bàn kê giữa nhà.
Tuy được tôn kính bảo trọng nhưng bình vôi không được để trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên hương án, không để trên bàn thờ Thành hoàng hay Tổ đình, cũng không được để trên bàn Phật. Bình vôi có vị trí quan trọng nhưng chỉ trong phạm vi gia đình - như Ông Táo, Vua Bếp - liên hệ đến những sinh hoạt trong nhà.
Sự tích ông bình vôi
Nguồn gốc ông bình vôi có nhiều dị bản khác nhau nhưng câu chuyện sau đây được khá nhiều người biết đến:
Ngày xưa, có một người ăn trộm để sống qua ngày vì ông đã lớn tuổi và không còn thể tự kiếm tiền như trước. Thậm chí, lão còn trộm ở ngôi chùa bao gồm lư hương, chân đèn, chuông, tượng đồng...
Các sư biết rõ ai lấy nhưng nhà Phật không muốn lấy ác báo ác. Tên trộm càng lộng hành nên cứ thế lấy lến mòn đồ này đến món đồ khác, trong khi đó các sư sãi đành mặc cho lão ta lấy.
Ngày qua ngày, khi sức lực cạn kiệt, ông cảm thấy hối hận tìm đến gặp sư cụ để thú tội:
- Thưa sư cụ, cả đời tôi chỉ ăn trộm, đốt nhà, giết người, quá nhiều tội lỗi, tôi không biết làm thế nào để chuộc lại lỗi lầm, mong Phật tổ tế độ cho. Lần này nhất định tôi sẽ nghe theo và hết lòng làm theo lời chỉ dạy.
Với lòng oán giận, sư cụ khuyên kẻ trộm già cả này sáng sớm tinh sương vào lúc không người, hãy leo lên ngọn cây đa trước cửa chùa chắp tay niệm Phật ba lần rồi lao mình xuống, tức khắc sẽ được Phật tung lưới nhiệm màu hứng độ cho về cõi cực lạc.
Lão trộm tin thật và sáng ngày hôm sau tên trộm già cố sức khó nhọc trèo lên ngọn cây đa cao vòi vọi, làm y như lời sư cụ dặn, lớn tiếng “Mô Phật” ba lần rồi nhảy vào quãng không.
Kẻ đã xúi giục cho tên trộm tự tìm thấy cái chết nấp ở cửa chùa nhìn ra để chứng kiến kẻ mình ghen ghét thực hiện theo lời mình khuyên. Thế nhưng, điều lạ lùng là khi lão trộm vừa nhảy khỏi ngọn cây đa, một dải lụa điều từ đâu như do một bàn tay vô hình tung quấn vào giữa người lão rồi từ từ đưa lên trời.
Thấy cảnh này, nhà sư nọ trăn trở, ước muốn được lên cõi Niết Bàn như lão ăn trộm. Ông tự hỏi lão ta chỉ toàn làm điều ác mà vẫn được Phật độ cho về Niết Bàn, còn ta bao nhiêu năm khổ hạnh tụng kinh niệm Phật mà chẳng được gì sao?
Nghĩ thế rồi, một sáng sớm kia nhà sư cũng trèo lên ngọn cây đa trước chùa và làm y theo cách mình đã dạy tên trộm. Trái với mong ước, nhà sư thả rơi người xuống liền bị một cành cây xuyên qua thủng bụng và không có ai cứu giúp cả.
Khi người ta hay hạ xác nhà sư xuống thì bụng đã chương phình lên, thủng một lỗ lớn ở chỗ rút cành cây đâm xuyên. Vì thù oán và ham muốn, nhà sư bị hóa kiếp thành ra cái bình vôi. Miệng bình là chỗ bị cành đa đâm thủng và chìa vôi là cành đa.
Thân hình to lớn là bụng nhà sư chương sình. Vôi đựng trong bình cay nồng cũng như lòng oán thù. Màu đỏ ở miệng bình vôi là máu loang ra ở vết thương bị cành đa xuyên qua.
Nhà sư này hóa kiếp thành bình vôi ngày ngày phải chịu khổ hình cho người ta ngoáy moi tận ruột lấy vôi ra để ăn trầu.
Bình vôi xuất phát từ thói quen ăn trầu
Ngày này, chiếc bình vôi đã không còn trong mỗi gia đình hay ở gốc thị, gốc đa đầu làng nhưng, mỗi khi thấy lại hình ảnh của nó, chúng ta không thể nào quên được hình ảnh các bà, các bác xúm lại bổ cau, quệt vôi, têm trầu bên cạnh chiếc bình vôi giữa những câu chuyện râm ran và tiếng cười giòn giã.
Tục ăn trầu được cho là xuất phát từ câu chuyện "Trầu - Cau” trong dân gian kể về tình cảm giữa hai anh em Tân - Lang cùng cô gái họ Lưu (vợ người anh). Ba người họ đã vì tình vợ chồng vì nghĩa anh em mà hóa thành cây cau, cây trầu, tảng đá.
Câu chuyện khiến vua Hùng vương thứ 4 cảm động, chọn là món khai vị với ba món: trầu - cau - vôi nhai quyện vào nhau dùng trong các cuộc cưới hỏi.
Những chiếc bình vôi thường có dáng tròn bẹp, trổ một lỗ làm miệng ở vai bình, chân có đế, và trên chóp có quai xách. Phần lớn bình vôi được làm bằng gốm, nhưng cũng có thể làm bằng kim loại.
Vì vậy mà bình vôi thường được đặt ở một vị trí trang trọng và được lưu giữ rất cẩn thận. Nếu lỡ bị hư hại, sứt mẻ thì người ta không đem bình vôi vứt đi mà đem treo ở gốc đa hoặc đưa ra nghĩa địa đặt lên mộ tiền nhân.
Trải qua quá trình sử dụng lâu dài, bình vôi đặc ruột vì bị vôi lâu ngày đóng cứng lại và không dùng được nữa. Khi đó “ông” bình vôi sẽ được “tiễn đưa” tương tự như với bình vôi bị sứt mẻ.
Người nào say, chỉ cần lấy một chút vôi từ ông bình vôi bôi vào gan bàn chân, gan bàn tay. Nếu đất nhà ai hỗn hoặc nhà nào mới xây người ta lấy vôi từ ông bình vôi vẽ một chiếc cung tên đang ở tư thế dang rộng, sẵn sàng bắn hướng từ trong ra ngoài để trừ tà.
Khi chưa có điện sáng thời sau chiến tranh ai cũng sợ về những hồn ma chết oan quấy nhiễu, người ta cũng dùng vôi từ ông bình vôi để bôi vào trán khi đi ra ngoài như một cách để cho yên tâm thay vì có một lá bùa hộ mệnh. Có ai đó chưa đủ yên tâm còn xách theo cả ông bình vôi như thể có người bảo hộ bên cạnh.
Với chiếc bình vôi mang đến nhiều tác dụng, được truyền tụng từ đời này truyền sang đời kia đã trở thành một vật dụng thiêng liêng và đến một ngày vật dụng thiêng liêng đó được nhân cách hóa rồi thần thánh hóa trở thành “ông bình vôi”.
Vật dụng này còn là một tín ngưỡng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt, cái bình vôi có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc thường nhật trong gia đình, ông trấn giữ ma quỷ không cho chúng vào nhà và giữ cho các đồ vật chỗ nào ở nguyên chỗ ấy.
Chúng được xem là vật phẩm phong thủy có khả năng trừ tà, trừ gió độc và trông coi tài lộc cho gia đình. Đây có thể là lý do khiến nhiều nơi không dám đập bỏ ông bình vôi mà phải mang ra cây đa đầu làng để, sau đó thờ cúng chung với những ông bình vôi của gia đình khác sau thời gian dài dùng bị vôi đóng bánh lại.
Ngày nay tục ăn trầu đã mai một, nhưng một số gia đình Việt Nam vẫn trưng bình vôi trong nhà như một vật dụng phong thủy, với mong muốn đem tài lộc về cho gia đình. Những chiếc bình vôi cổ từng được người xưa sử dụng thì trở thành đối tượng sưu tầm có giá trị cao, được nhiều tay chơi hoài cổ săn lùng...
(Tổng hợp)