Minh đường và tài vận của con cháu

Thứ Ba, 09/08/2011 09:00 (GMT+07)

Trong phong thủy, minh đường và tài vận có mối liên hệ mật thiết với nhau, tài vận của con cháu sau này sẽ chịu ảnh hưởng của độ rộng hẹp, hình thế của minh đường.


Minh đường vốn chỉ nơi vua giải quyết việc nước, bách quan triều bái. Theo phong thủy âm trạch (lăng mộ), minh đường là mảnh đất trước mộ, xung quanh là núi sông bao bọc, giúp sinh khí tụ lại, là yêu cầu rất quan trọng của thế đất tàng phong tụ khí, nơi chọn lựa để đặt mộ.


Hinh minh họa minh đường trước huyệt mộ


Minh đường có thể được phân chia diện tích rộng - hẹp: tiểu minh đường, trung minh đường, đại minh đường. Ngoài ra, còn chia theo thứ tự trong - ngoài: nội minh đường, ngoại minh đường. Xét hình thế đất đại phú quý để đặt mộ thì nội minh đường, ngoại minh đường là điều kiện cần có.


Cũng giống như yêu cầu đối với thế đất nói chung, minh đường phải tàng phong tụ khí, chúng thủy (các loại núi) triều bái huyệt mộ là quý. Nếu núi không có thế triều bái thì cửa sông phải có ải chắn, khóa kết trùng trùng để khí không bị tản đi. 
Mức độ rộng hẹp của minh đường có liên quan đến long mạch. Thế long mạch nhỏ, đẹp thì minh đường cũng vậy. Trong khe núi, minh đường rộng là cát; nếu hẹp, chân khí khó sinh sôi, phát triển.
Nếu minh đường không có núi ôm hoặc núi quá thưa thớt thì có không có tác dụng bao bọc, khí khó tụ.
Tại vùng đồng bằng, minh đường hẹp là tốt nhưng không nên quá chật vì sẽ ảnh hưởng đến tài vận của con cháu. Tuy nhiên, nếu rộng quá thì sinh khí dễ tản đi, cũng không tốt.

Địa thế minh đường tốt là phải bằng phẳng, hình vuông vức; kỵ dài, méo, nghiêng, lệch, đất đá ngổn ngang, cỏ cây gai góc. Điều này cũng giống như ý của tác giả Dương Quân Tùng trong cuốn Hám Long Kinh - cổ thư về phong thủy: "Minh đường nhất định không được có địa hình nghiêng lệch; rộng rãi, bằng phẳng là quý; nghiêng, nứt, đất đá lởm chởm, có thể nước chảy xối xả không phải là cát địa".

(Theo Bí ẩn thời vận)