Sử dụng hình khối theo ngũ hành để cuộc sống muôn phần thuận lợi

Thứ Tư, 05/02/2020 17:13 (GMT+07)

(Lichngaytot.com) – Sử dụng hài hòa các hình khối theo ngũ hành sẽ tạo ra nguồn năng lượng phong thủy tích cực, mang tới sự hanh thông, thuận lợi cho mọi phương diện của cuộc sống như tài lộc, sức khỏe, tình duyên…

 
Theo quan điểm phong thủy, mỗi hình khối khác nhau mang yếu tố ngũ hành, ý nghĩa và tác dụng phong thủy riêng biệt. Từ đó có thể ứng dụng ngũ hành trong các hình khối khác nhau, tạo ra sự cân bằng năng lượng trong ngôi nhà, văn phòng. 
 
Dưới đây là những hình khối cơ bản thường được ứng dụng trong xây dựng. Sử dụng hài hòa phong thủy hình khối cũng là cách để tạo ra nguồn năng lượng tích cực, mang tới tác dụng trợ giúp cho mọi mặt của con người trong cuộc sống như tài lộc, sức khỏe, tình yêu
 
 

1. Hình tròn - Phong thủy hành Kim

  
Xem hình khối theo ngũ hành, hình tròn là biểu trưng của sự an toàn và may mắn vì đại diện cho vàng, yếu tố ngũ hành Kim, con số biểu trưng là số 6 và 7. Tính Kim giúp cân bằng lại tính mộc quá nhiều trong những ngôi nhà gỗ, lắp sàn gỗ hay đồ nội thất gỗ. 

Các hình khối khác: Hình oval, hình elip, đường kẻ thẳng.
 
Biểu tượng: Các vật dụng bằng kim loại, như cửa, bậc cửa, khung cửa sắt, đồ dùng nhà bếp, đồng hồ, tiền đồng, vàng, bạc, hình dạng tròn, mái vòm…
 

2. Hình chữ nhật: Phong thủy hành Mộc

 
Hình chữ nhật đại diện cho năng lượng của gỗ, thuộc hành Mộc và sự tăng tiến về công danh, sự nghiệp. Con số mang ý nghĩa biểu trưng và phù hợp với hình chữ nhật là 3 và 4, trong đó số 3 mang tới nhiều may mắn hơn. 
 
 
Hình chữ nhật còn đại diện cho sự chuyển động. Sử dụng hình chữ nhật trong văn phòng để cân bằng lại yếu tố Kim hoặc Thổ. Ngoài ra, khi bạn muốn tìm kiếm sự bảo vệ, có thể dùng hình khối này trong trang trí nhà ở, văn phòng.
 
Hình khối chữ nhật thích hợp cho gia chủ mang quái số 1 hoặc 9 muốn thăng tiến hơn nữa trong sự nghiệp.

Hình khối khác: Hình trụ tròn
 
Biểu tượng: Các loại thảo mộc, cây và hoa, đồ đạc bằng gỗ, giấy, cột trụ, tranh phong cảnh...

Xem thêm: Màu sắc ngôi nhà theo ngũ hành.

3. Hình lượn sóng: Phong thủy hành Thủy

  
Hình khối lượn sóng đại diện cho nước, yếu tố ngũ hành Thủy. Ngoài ra, nó còn đại diện cho số 1 cát lành.
 
Hình lượn sóng hay dạng đường cong nói chung tượng trưng cho tính lưu động của các phần tử nước và khả năng vận chuyển và chuyển hóa. Đây là một trong những hình dạng khó áp dụng nhất vào nội thất trong nhà. 
 
Người mang quái số 4 rất thích hợp sử dụng các đồ nội thất có dạng hình lượn sóng hay hình cong trong nhà và văn phòng.

Hình khối khác: Hình zigzag, hình uốn khúc.

Biểu tượng: Hình nước, sông, suối, ao, hồ, giọt nước, mây, gương soi, kính, đài phun nước, hồ cá, gợn sóng...
 

 
4. Hình Tam giác: Phong thủy hành Hỏa

 
Hành Hỏa được đại diện bởi hình Tam giác, số biểu trưng là số 9. Hình tam giác có tác dụng tích cực đối với sự nghiệp và tiền bạc của gia chủ, song hình này không nên được sử dụng quá thường xuyên bởi người ta thường sợ tác dụng “quá đà” của nó.

Xem hình khối theo ngũ hành thấy rằng quá nhiều “lửa” sẽ khiến mọi thứ bị thiêu rụi và khó lòng cứu vãn. Vì thế khi sử dụng hình khối này để trang trí nội thất, gia chủ cần thận trọng để không bị nó ảnh hưởng đến những cố gắng trong cuộc sống của mình.
 
Những người có quái số 3 và 9 thích hợp với sử dụng hình khối này nhất.

Hình khối khác: Hình chóp.

Biểu tượng: Lửa, mặt trời, nến, các loại đèn, vật dụng thủ công, tranh ảnh về mặt trời, lửa…
 

5. Hình vuông: Phong thủy hành Thổ

 
Trong phong thủy, hình vuông mang yếu tố của đất, hành Thổ và con số biểu trưng là số 2.
   
Hình vuông thu hút những năng lượng bền vững liên quan đến các mối quan hệ và gia đình. Nếu cuộc sống và các mối quan hệ của bạn đang rắc rối, hỗn loạn, bạn nên sử dụng thêm nguồn năng lượng này. Nó sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự cân bằng, giúp mọi việc trở nên hanh thông, thuận lợi hơn.
 
Bên cạnh đó, hình vuông mang đến cuộc sống giàu có và thành công trong sự nghiệp cho người mang quái số 8, 2 và 5.
 
Hình khối khác: Hình vuông có bo góc, hình chữ nhật có bo góc.
 
Biểu tượng: Đất, gạch, ngói, sành sứ, bê tông, đá và các vật dụng làm từ đất...

Việt Hoàng