Trong Phong thủy, hành Mộc tượng trưng cho mùa xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở, dùng Mộc trong nhà để điều tiết luồng khí sẽ rất hiệu quả.
► Xem thêm: Ngũ hành tương sinh và những ảnh hưởng đến cuộc đời, vận mệnh |
Hình dạng đặc trưng cho hành Mộc là hình chữ nhật và những hình đa điện thuôn dài. Nhà đất ở đô thị hiện nay phần lớn đều là hành Mộc, có thể sử dụng mái nhọn mang hành Hỏa tạo hình thế Hỏa, Mộc tương sinh. Tuy thế, cũng lưu ý không nên thiết kế những mái nhà quá nhọn theo kiểu châu Âu dễ làm tăng khí Hỏa khiến cho tâm lý của người trong nhà không ổn định, hiền hòa.
Phong thủy khuyên nên sử dụng vật liệu Mộc trong nhà như gỗ, tranh, tre, nứa, lá cho những khu vực tiếp xúc với con người hằng ngày và mang tính đối nội để tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi hơn đối với các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt đối với những không gian thiên về tư duy sáng tạo thì rất cần bổ sung thêm hành Mộc trong sử dụng vật liệu. Chẳng hạn những tủ sách, bàn đọc sách trong thư phòng nên dùng chất liệu gỗ, sàn có thể lát gỗ để cách âm và tạo sự ấm áp.
Màu sắc tiêu biểu cho hành Mộc là các màu xanh lá cây, xanh lam, xanh rêu. Dù màu xanh lá cây không phải là màu nguyên thủy nhưng sự hiện diện của nó trong thế giới tự nhiên đã tạo nên một ý nghĩa đặc biệt, dễ làm lan tỏa cảm giác hài hòa, tươi mát và dễ chịu. Trong phong thủy, màu xanh lá cây còn chỉ cung gia đình và tri thức.
Cây xanh tượng trưng cho hành Mộc mang đến sự sinh sôi nảy nở. Việc đưa cây xanh vào nhà vừa tạo điểm nhấn vừa cải thiện môi trường và điều chỉnh các nguồn năng lượng.
Cây cối cũng là thước đo trường khí từng không gian nhà ở. Chọn cây phù hợp và chú ý chăm sóc, theo dõi nếu cây bị héo úa hay kém phát triển tức là môi trường sống không tốt nên thay đổi chủng loại cây hoặc kiểm tra lại môi trường xung quanh để điều chỉnh cho phù hợp.
Phong thủy nhà ở nên phối hợp một cách hài hòa. Gia chủ cần hiểu rõ nguyên tắc trong Ngũ hành, biết cách phối hợp, tương tác giữa Mộc trong nhà và các hành khác trong quan hệ tổng thể.
ST