La thành còn gọi là viên cục (cục thành trì), chỉ khí long mạch từ núi cao chạy xuống đồng bằng bị gián đoạn. Các mạch phụ, mạch dư sẽ quay lại bao bọc như thành quách, cuộn lấy chân long, không cho khí tản mát.
Ảnh minh họa |
Để biết được loại hình La thành, nên xem hình thế. Nếu hình thế như các sao bao bọc chính gọi là viên cục.
Trong sách “Hám Long Kinh” viết: “Long mạch từ núi cao chạy xuống đồng bằng, sau khi thay đổi ở mấy đoạn sẽ có hiện tượng các nhánh hồi chuyển bao bọc lấy chân long được gọi là La thành. La thành sẽ sinh cản môn hay còn gọi là hãn môn. La thành có thế bao bọc như tường thành và long khí tụ ở trong. La thành như tường vây quanh huyệt mộ”. Ý chỉ long mạch lên xuống ở đất bằng, không lộ hình tích, chỉ cần tìm các núi bao bọc như đất có thành quách bao bọc, tức là nơi khí long ngừng tụ.
Câu nói: “Phàm đến vùng đất bằng, chớ hỏi tung tích long mạch ở đâu, chỉ cần quan sát gò bao quanh là biết được chân long nằm chỗ nào”. Gò núi bao quanh là chỉ la thành.
Các nhà phong thủy học cho rằng, đất kết huyệt, nếu có La thành bao bọc ngăn khí tản là đất đại quý. Trong cuốn “Tuyết Tâm Phú”, Bốc Tắc Nguy nói: “Lầu đài cổ giác là La thành”. Chú giải: “ Xúm xít cao mà tròn là núi lâu đài, xúm xít nhọn là gò cổ giác, đều là La thành, tất kết huyệt quý”.
Chú ý
Viên cục không nên lấy chật hẹp, phải lấy rộng, lớn dày đặc mới cát. Nếu khí không dày, thì viên cục dù có quý, có huyệt thì cũng không được lâu dài.
Bên cạnh đó, núi sông bao quanh huyệt mộ phải bao bọc triều bái minh đường, không được có hình nghịch, khuyết, lở, lõm, méo. Nếu không đạt yêu cầu đó sinh khí sẽ bị tẩu tán và được coi là đất không tiện.
Theo Bí ẩn thời vận