Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Muốn nghênh cát khí, đón quý nhân, xả xui đón may, hãy treo chuông gió!

Thứ Tư, 05/02/2020 17:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mọi điều cần biết về chuông gió phong thủy sẽ được Lịch Ngày Tốt giải đáp chi tiết, rõ ràng dưới đây!
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Chuông gió là gì?


Trong tiếng Hán, chuông gió được gọi là Phong linh, trong tiếng Nhật là Furin. Có 2 loại chính là chuông gió phong thủy và chuông gió trang trí.

Vật phẩm này phổ biến và quen thuộc không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới.

Chuông gió là sự kết hợp hài hòa của phần chuông và gió để tạo ra những âm thanh trong trẻo, vui tai như âm thanh của thiên nhiên, đất trời. Nhờ vậy mà người nghe sẽ cảm thấy tâm hồn bình yên, thoải mái.

Trong phong thủy, chuông gió còn là 1 vật phẩm phong thủy thu hút, phân tán nguồn năng lượng tích cực luân chuyển trong nhà đồng thời hóa giải khí xấu hiệu quả. Ngoài ra còn vô vàn những lợi ích khác của chuông gió sẽ được Lịch Ngày Tốt đề cập bên dưới.

Chuong gio phong thuy
 

2. Sức mạnh phong thủy của chuông gió
  

- Báo hiệu điều tốt lành


Sức mạnh phong thủy của chuông gió đầu tiên cần nhắc tới đó là mang tới tín hiệu tốt lành.

Đạo Phật quan niệm rằng, những cái ở trạng thái tĩnh thì đại diện cho điềm xấu, sự chết chóc; còn những cái ở trạng thái động, phát ra âm thanh thì đại diện cho sự sống và điều tốt lành.
 
Bởi vậy, chuông gió đung đưa và tạo nên âm thanh là báo hiệu cho những điều may mắn, cát lành đến với người sử dụng.
 

- Biến hung thành cát
 

Không chỉ là vật trang trí giúp ngôi nhà tăng thêm phần sống động, chuông gió còn giúp điều hòa sự vận động của các nguồn năng lượng, xua đuổi những khí xấu, tiêu cực ra khỏi ngôi nhà. 
 
Phong thủy nhà ở cho rằng, chuông gió còn biến hung thành cát, giúp phát tán, luân chuyển nguồn năng lượng tốt, đem lại sự bình an và may mắn cho gia chủ.
 
Theo quan điểm truyền thống, chuông gió nếu được đặt đúng chỗ có thể khắc chế các năng lượng xấu ở các góc bị phi tinh xấu chiếu tới, hóa giải năng lượng tiêu cực sinh ra từ những không gian khiếm khuyết về mặt phong thủy hoặc từ những đồ đạc lâu năm trong nhà.
 

- Tượng trưng cho tình yêu đôi lứa
 

Bên cạnh đó, vật phẩm này còn được cho là mang thông điệp yêu thương “anh mãi mãi bên em” nên còn tượng trưng cho sự gắn kết trong tình yêu đôi lứa.
 
Có lời tương truyền rằng, hai người yêu nhau nếu chẳng may lạc mất nhau, tiếng chuông sẽ đưa đường chỉ lối cho họ quay về bên nhau một lần nữa.
 
Cho nên nếu muốn tìm một vật phẩm tặng cho người yêu thương với lời cầu chúc hạnh phúc thì chuông gió thật sự là một món quà đầy ý nghĩa.

- Âm thanh chuông gió giúp giải trừ năng lượng xấu

 
Theo âm dương ngũ hành, im lặng là âm, động là dương. Một ngôi nhà, hoặc khu vực quá yên tĩnh, nhờ vào âm thanh của chuông gió có thể khuấy động toàn bộ không gian “tĩnh” của nơi đó từ Âm sang Dương. 

Nhờ đó mà âm khi ở nơi đó không tích tụ, giảm năng lượng xấu hay vong linh trú ngụ.

- Hóa giải sát khí

 
Ngôi nhà bị gió thổi đến quá mạnh không thể tụ khí (gọi là Phong Sát). Hoặc 1 luồng khí mạnh xông thẳng đến cửa chính, cửa sổ. Nguyên nhân từ 1 con đường, hành lang, cuối hẻm cụt, cầu vượt tạo bởi dòng xe chạy đến. 

Treo chuông gió nhằm mục đích chuyển hóa và làm dịu bớt những khí xấu này. 
 

- Kích tài vượng lộc, hút may mắn

 
Bên cạnh tác dụng hóa giải sát khí, chuông gió đồng thời còn luân chuyển và hòa tan các năng lượng trì trệ trong nhà. Vậy nên chuông gió mang lại tài lộc, may mắn cho cả nhà.
 
Ngoài ngụ ý cát tường, chuông gió còn gọi quý nhân, mời quý khí rất hiệu quả.

Căn cứ vào Cửu cung phi tinh để biết hàng năm có cát hay hung tinh ở các vị trí trong ngôi nhà của bạn. Từ đó xác định được vị trí xấu trong nhà để hóa giải hoặc vị trí tốt để kích hoạt thêm nguồn năng lượng, giúp tài lộc vượng phát. Treo chuông gió là nhằm mục đích đó.
 

- Chắn bức xạ gây hại sức khỏe, có khả năng chữa bệnh

 
Một đặc trưng dễ thấy là khi ta bước chân vào thang máy thường bị mất sóng điện thoại. Đó là do lồng thang máy bằng kim loại đã cản trở các dạng sóng. Vì vậy ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi nhiều loại sóng xấu, hoặc trụ điện, dây điện chằn chịt, đặt chuông gió có thể hóa giải bớt.

Ngoài tác dụng chắn bức xạ gây hại cho sức khỏe, chuông gió phong thủy còn có khả năng chữa bệnh.
 
Chúng ta thường có thể phản ứng tiêu cực hoặc tích cực với những âm thanh mà mình nghe được. Âm thanh tích cực sẽ làm giảm cảm giác buồn phiền, xua tan sự cô đơn, kích thích não bộ được thư giãn, hạn chế tức giận…
 
Khi có gió thổi tới, âm thanh vui vẻ, trong trẻo phát ra từ chuông sẽ giúp cho tâm trạng người nghe được nhẹ nhõm, thoải mái, bình an. Điều này rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là giảm các triệu chứng về thần kinh như căng thẳng, áp lực, trầm cảm…

Cach chon chuong gio 7
 

3. Cách chọn chuông gió chuẩn phong thủy
 

Mỗi loại chuông gió lại có ý nghĩa và tác dụng không giống nhau tùy theo chất liệu, số thanh và biểu tượng.

Tùy theo sở thích và nhu cầu sử dụng, mỗi người lại có một cách chọn chuông gió phong thủy với chất liệu và hình dáng khác nhau cho phù hợp với bản thân.
 

- Chọn theo nhu cầu sử dụng:
 

Chuông gió thường được chia ra thành 2 loại là rỗng và đặc. Cả hai loại đều đem lại những tác dụng tốt trong phong thủy.
 
Tùy theo nhu cầu sử dụng của mình mà bạn có thể lựa chọn mẫu chuông gió phù hợp. Ví dụ như nếu muốn khắc chế, hóa giải sát khí thì bạn có thể chọn chuông loại thanh đặc, có 5 thanh.
 
Còn nếu muốn tăng cường năng lượng tốt trong nhà thì bạn có thể chọn loại chuông thanh rỗng, có 6 hoặc 8 thanh.
 

- Chọn theo số thanh:
 

Số lượng thanh ống cấu tạo nên chuông gió có ý nghĩa khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là loại chuông được gắn 5, 6, 9 hoặc 9 thanh tương ứng với ý nghĩa là ngũ hành, lục, bát, cửu, tuyệt đỉnh. Đây đều là những con số đẹp và có ý nghĩa may mắn trong phong thủy.
 
+ Chuông gió 5 thanh: Mang lại nguồn sinh khí dồi dào cho ngôi nhà; ngăn chặn, xua đổi năng lượng xấu tiêu cực.
 
+ Chuông gió 6 hoặc 8 thanh: Mang đến tài lộc, may mắn, cát khí cho gia chủ; giúp việc làm ăn thuận lợi, công danh sự nghiệp thăng tiến.
 

- Chọn theo ý nghĩa biểu tượng:
  

Mỗi loại chuông gió sẽ có một ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi lựa chọn chuông gió phù hợp.

Ví dụ như, chuông gió có hình ảnh Đức Phật sẽ có tác dụng cầu bình an, thanh thản, hướng nguồn năng lượng tốt vào nhà.

Chuông gió có gắn hình kỳ lân phong thủy sẽ giúp bảo vệ yên bình cho cả nhà; chuông gió gắn chữ Triện giúp kích thích năng lượng tốt lành.

Còn chuông gió có hình trái tim sẽ thúc đẩy chuyện tình duyên được viên mãn, vẹn tròn…


- Chọn theo mệnh, tuổi của gia chủ:
 

Chọn chuông gió theo mệnh hay tuổi gia chủ là căn cứ vào quy luật ngũ hành. Cụ thể như sau:
 
+ Người mệnh Kim: Chọn chuông bằng kim loại có màu vàng, trắng, bạc, ánh kim và tránh màu đỏ, hồng, tím.

+ Người mệnh Mộc: Chọn chuông làm bằng tre, gỗ màu nâu.
 
+ Người mệnh Thủy: Chọn chuông bằng kim loại hoặc vỏ sò biển, ốc biển màu trắng, xanh, đen và tránh màu nâu, đỏ.
 
+ Người mệnh Hỏa: Chọn chuông bằng gỗ, tre có màu vàng, nâu.
 
+ Người mệnh Thổ: Chọn chuông làm bằng gốm, sứ, đá màu đỏ, hồng, vàng, nâu và tránh màu đen, xanh lá, xanh nước biển.

- Chọn theo phương hướng:
 

Mỗi hướng của ngôi nhà lại tượng trưng cho một mệnh ngũ hành khác nhau như: Hướng Đông – mệnh Mộc; hướng Tây – mệnh Kim; hướng Nam và Đông Nam – mệnh Hỏa; hướng Bắc và Tây Bắc – mệnh Thủy; hướng Đông Bắc và Tây Nam – mệnh Thổ.
 
Xác định phương hướng theo phong thủy sẽ giúp chọn được đúng loại loại chuông gió có chất liệu phù hợp với từng hướng. 

Cụ thể: 
 
+ Nhà ở hướng Tây, Tây Bắc, Bắc: Chọn chuông gió có chất liệu bằng kim loại.
 
Nhà ở hướng Đông, Đông Nam, Nam: Chọn chuông gió có chất liệu bằng tre, gỗ.
 
Nhà ở hướng Đông Bắc, Tây Nam: Chọn chuông gió có chất liệu bằng đất sét nung, gốm sứ và treo chuông ở vị trí trung tâm nhà.
 
Việc chọn chuông gió theo đúng hướng sẽ không làm suy yếu hoặc phá hỏng các yếu tố chính của một khu vực bát quái. 

- Chọn theo chất liệu:
 

Chuông gió ngày nay được làm từ nhiều nguồn chất liệu đa dạng khác nhau tùy theo sở thích và nhu cầu của người sử dụng như: gỗ, tre nứa, gốm sứ, đất nung, thủy tinh, kim loại…
 
Có thể thấy, các loại chuông gió được làm từ thủy tinh, gốm sứ, kim loại sẽ tạo ra những âm thanh trong và vang hơn, bắt tai hơn.
 
Trong khi đó, các loại chuông làm từ gỗ tre, trúc thì tạo ra âm thanh nhẹ nhàng, trầm hơn tạo cảm giác gần gũi và tự nhiên. Loại chuông này thích hợp với những ngôi nhà theo phong cách giản dị, dân dã.
 
Theo quan niệm dân gian, chuông gió phong thủy bằng đồng có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ, đem lại bình an cho người sử dụng.

Cach chon chuong gio
 

4. Cách khai quang chuông gió
  

Để sử dụng chuông gió như một vật phẩm phong thủy giúp hóa sát chiêu may cho gia chủ cần tiến hành khai quang cho chuông gió đúng cách trước khi treo. Việc khai quang này sẽ giúp chuông có thể phát huy trọn vẹn công dụng trong phong thủy.


- Chuẩn bị trước khi khai quang:


+ Trước khi khai quang cần chọn ngày giờ tốt. Ngày giờ này tùy thuộc vào bản mệnh của gia chủ, có thể tìm hỏi các thầy pháp có chuyên môn hoặc các vị sư thầy có đạo pháp trên chùa.

Cách tẩy uế cho chuông gió trước khi tiến hành khai quang: Giã nhỏ gừng rồi cho vào trong chai rượu trắng, khuấy đều và dùng nước rượu gừng này để tẩy uế cho chuông gió. Sau đó dùng nước sạch rửa lại một lần để tránh bám bụi bẩn và dùng khăn khô sạch (chưa qua sử dụng) lau khô chuông.
 

+ Chuẩn bị đồ lễ gồm vàng, hương, hoa quả, rượu, thịt… tùy theo điều kiện của gia chủ.
 
Xong các bước trên thì đặt chuông lên đĩa sạch để chuẩn bị tiến hành khai quang. 


- Tiến hành khai quang cho chuông gió:


Để khai quang chuông gió tại nhà, cần làm lễ, xin phép thần linh, thổ địa cai quản ngôi nhà trước. Sau khi xin phép thì khấn theo bài sau:
 
Niệm “Nam mô a di Đà Phật!” (3 lần)
 
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
 
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vi Tôn thần.
 
Con kính lạy ngài Đông Thần quân
 
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
 
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
 
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
 
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
 
Tín chủ (chúng) con là: …
 
Ngụ tại …
 
Hôm nay là ngày...... tháng...... năm...., tín chủ con thành tâm xin phép các vị thần linh được khai quang và treo chuông gió để trấn trạch trừ tà, hóa giải sát khí, rước tài lộc và mang lại may mắn bình an cho gia đạo. 
 
Cúi xin các Ngài phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. 
 
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
 
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
 
Thế là hoàn thành việc khai quang cho chuông gió.
 

Chờ hương hết hoặc hết 2/3 thì xin chuông xuống để chuẩn bị treo.


5. Treo chuông gió phong thủy ở đâu?


Treo chuông gió phong thủy ở đâu, treo như thế nào cho đúng chuẩn là thắc mắc thường gặp.  
 

Treo chuông gió theo vị trí
 

Theo các chuyên gia phong thủy, chuông gió là loại pháp khí phong thủy thích hợp treo ở những không gian bên ngoài ngôi nhà như ban công, cửa sổ, mái hiên, sân vườn…

Treo chuông gió ở những vị trí này vừa để trang trí vừa mang đến những giai điệu vui tai, khắc chế năng lượng xấu từ bên ngoài tràn vào nhà. 
 
Ngoài ra, một số khu vực trong nhà vẫn có thể treo chuông gió như phòng ngủ, phòng làm việc... nhưng cần lưu ý nhiều hơn.

- Treo chuông gió ở cửa chính

Cửa chính của ngôi nhà luôn là nơi đón nhận các luồng khí cả tốt lẫn xấu vào trong ngôi nhà và nơi luôn động. 
 
Do đó, đây là nơi thích hợp để treo chuông gió nhất nhằm xua đuổi những điềm xấu, năng lượng tiêu cực và hút khí tốt vào nhà.
 
Trong trường hợp cửa chính đối diện với đường đi, đối cửa phụ khiến phong thủy ngôi nhà bị lộ sát, việc treo chuông gió ở vị trí này cũng giúp hóa giải lỗi đại kỵ phong thủy này. Và vị trí thích hợp là treo chuông gió ở góc bên trái của cửa chính sẽ giúp tránh tà, hóa sát cho ngôi nhà.

- Treo chuông gió ở cửa sổ

Nếu cửa sổ của gia đình bạn nằm đối diện với cửa chính hoặc đối diện với cửa nhà khác cũng là một điềm không may trong phong thủy.
 
Treo chuông gió ở cửa sổ như vậy sẽ tránh cho gia chủ bị hao tài, tốn của và nên chọn loại chuông có 5 thanh.

- Treo chuông gió trong phòng ngủ

Phòng ngủ được khuyến cáo là vị trí không nên treo chuông gió nhất trong ngôi nhà bạn.
 
Nguyên nhân là vì phòng ngủ là không gian tĩnh để nghỉ ngơi nên không thích hợp treo vật phẩm động như chuông gió.
 
Đối với phòng ngủ của đôi vợ chồng trẻ, nếu thích vẫn có thể treo chuông gió loại nhỏ hình trái tim sẽ giúp ích cho tình cảm của hai vợ chồng ngày càng keo sơn, hạnh phúc.
 
Tuy nhiên, nếu như cửa phòng ngủ của gia chủ phạm lỗi kỵ phong thủy thì vẫn có thể treo chuông gió và nên nhớ chọn loại phù hợp với bản mệnh của gia chủ.

- Treo chuông gió ở phòng bếp
 
Đây là nơi có nhiều hỏa khí nhất trong nhà, treo chuông gió ở đây sẽ kích thích hỏa khí đó cho nên phòng bếp là không gian không nên treo chuông gió.

- Treo chuông gió ở cầu thang

Treo các loại chuông gió có cấu tạo từ 5, 6, 8 thanh và bằng chất liệu kim loại ở cuối cầu thang sẽ mang lại tài lộc, giàu có sung túc cho gia chủ.
 

Treo chuông gió theo chất liệu và hướng
 

Mỗi hướng của ngôi nhà lại tượng trưng cho một mệnh ngũ hành khác nhau như: Hướng Đông – mệnh Mộc; hướng Tây – mệnh Kim; hướng Nam và Đông Nam – mệnh Hỏa; hướng Bắc và Tây Bắc – mệnh Thủy; hướng Đông Bắc và Tây Nam – mệnh Thổ.

Đọc thêm:
Hướng dẫn chi tiết xác định phương hướng theo phong thủy
Hiện nay có rất nhiều người đã biết tới tầm quan trọng của phong thủy và bắt đầu thử nghiệm trong nhà hoặc nơi làm việc của mình, mong muốn đón cát tránh hung.
 
Mà mỗi loại chuông gió được làm bằng những chất liệu khác nhau lại có một hướng treo khác nhau. Cụ thể:
 
+ Chuông gió bằng kim loại (tượng trưng mệnh Kim): Nên treo ở hướng Tây, Tây Bắc hoặc hướng Bắc.
 
+ Chuông gió bằng tre gỗ (tượng trưng mệnh Mộc): Nên treo ở hướng Đông, Đông Nam hoặc hướng Nam.
 
+ Chuông gió bằng đồng: Nên treo ở hướng Tây, Tây Bắc giúp trừ tà, tránh ma quỷ, hóa sát, mang lại bình an…
 
+ Chuông gió bằng sứ, đất nung (tượng trưng mệnh Thổ): Nên treo ở trung tâm ngôi nhà hoặc hướng Tây Nam, Đông Bắc.


Treo chuông gió theo mục đích sử dụng


- Để hóa giải vận đen:

Nếu bạn đang muốn tìm một vật phẩm phong thủy để hóa giải vận đen cho ngôi nhà của mình thì không thể bỏ qua chuông gió phong thủy.

Để chuông gió phát huy được công dụng hóa sát, xua âm khí, bạn nên chọn loại chuông kim loại có 5 hoặc 6 thanh và được thiết kế theo hình dáng ngôi chùa.
 
Đặc biệt, chuông gió có 6 thanh sẽ có tác dụng hóa giải các sao xấu, xua đuổi điềm gở, xui xẻo rất hiệu quả.
 
Chuông gió 6 thanh thích hợp treo ở hướng Tây Bắc của ngôi nhà. Còn chuông gió 7 thanh thì hợp treo ở hướng Tây. Tuy nhiên, người ta rất ít khi sử dụng loại chuông gió có 7 thanh vì phong thủy quan niệm số 7 là số không may mắn.

- Để hút tài lộc, chiêu gọi vận may:
 
Chuông gió có công dụng hút tài lộc, chiêu may mắn nên rất thích hợp để treo ở cửa nhà hoặc trong cửa hàng buôn bán sẽ rất tốt cho tài vận của gia chủ.
 
Để kích khởi công dụng hút tài lộc của chuông gió thì khi treo cần tuân theo quy tắc như sau: Nên treo chuông ở khu vực thuộc hành Kim của ngôi nhà và nên sử dụng loại chuông gió được làm từ kim loại như đồng, thép, bạc, nhôm…
 
Hành Kim của ngôi nhà nằm ở hướng Tây hoặc Tây Bắc của phòng khách, phòng làm việc, cửa hàng… chủ về tài lộc và sức khỏe, là nơi có vận may dồi dào nhất nên rất thích hợp để treo chuông gió.
 
Về màu sắc, mẫu mã của chuông gió có thể chọn theo tuổi hợp mệnh và sở thích của người sử dụng. 
 
Ngoài ra, một chiếc chuông gió đem lại hiệu quả phong thủy như mong muốn trước hết cần lựa chọn loại chuông có kích thước vừa phải với không gian để tránh làm mất cân bằng ngôi nhà. 
 
Chọn chuông quá lớn khiến ngôi nhà bị áp đảo, còn chuông quá nhỏ lại không đủ mạnh mẽ để xua tan nguồn năng lượng tiêu cực, sát khí ra ngoài.

Căn cứ vào thiết kế ngôi nhà

 
Tùy vào thiết kế của ngôi nhà mà gia chủ cũng có thể cân nhắc để chọn được loại chuông gió phong thủy thích hợp như sau:
 
Ngôi nhà bị chặn bởi tòa nhà khác: Nếu trước mặt ngôi nhà bị một nhà khác hay tòa nhà cao tầng che chắn sẽ gây ra sự trì trệ và bất ổn đối với cuộc sống của các thành viên trong nhà.
 
Để hóa giải lỗi này, có thể treo chuông gió chuẩn phong thủy ở lối vào trước cửa sẽ khai thông thế trì trệ của các dòng khí, phát tán và lưu chuyển khí tốt đồng thời hóa giải sát khí.
 
Ngôi nhà lộn xộn: Nếu ngôi nhà xuất hiện tình trạng lộn xộn sẽ ngăn cản và chặn đứng các năng lượng tốt đi vào trong nhà. Treo một chiếc chuông gió sẽ nới lỏng tình trạng xấu này.
 
Đặc biệt, phong thủy nhà ở cấm kỵ sự lộn xộn, vì vậy cũng không nên treo quá nhiều chuông gió ở nhiều vị trí khác nhau trong không gian ngôi nhà.

Chuong gio phong thuy - chuong bang dat nung
 

6. Kiêng kỵ khi treo chuông gió trong nhà


- Không treo chuông gió ở “quỷ tuyến” (đường quỷ) của ngôi nhà


Đường quỷ được xác định bằng cách vẽ một đường thẳng từ hướng Đông Bắc tới phía Tây Nam đối diện của ngôi nhà.

Bên cạnh những lợi ích phong thủy, tiếng chuông gió còn được cho là có tác dụng “chiêu âm”. Do đó, nếu treo chuông gió nằm trên đường quỷ sẽ khiến gia chủ gặp rất nhiều điều xui xẻo, nguy hiểm, chiêu họa thay vì chiêu an.

- Không treo chuông gió ở nhà vệ sinh:
 
Nhà vệ sinh là nơi rất nặng khí âm. Chuông gió rung sẽ đồng thời “chiêu âm” nên sẽ dẫn tới điều không lành cho cả gia đình.
 
- Không treo chuông gió ở nơi có không gian tối tăm, quá kín bởi sẽ dễ khiến hung khí quy tụ.
 
- Không treo chuông gió làm bằng gỗ ngoài ban công để tránh tạo nên thanh sát.
 
- Không treo chuông gió ở ban thờ hay gần ban thờ vì như vậy sẽ khiến ban thờ bị động. Mà bàn thờ vốn là nơi trang nghiêm, cần phải hết sức yên tĩnh nếu không sẽ ảnh hưởng tới vận số cả gia đình.
 
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần biết về vật phẩm chuông gió phong thủy (phong linh). Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn lựa chọn được một chiếc chuông gió phù hợp với phong thủy ngôi nhà và mang lại những điều tốt lành đến với cả gia đình!

Lam Lam


Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X