Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Cây trồng trong nhà bếp: Bạn chọn cây khử mùi độc hay để làm gia vị cho gia đình?

Thứ Hai, 02/08/2021 17:48 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy chọn cây trồng trong nhà bếp phù hợp để làm đẹp không gian nhà bạn lại còn giúp khử lọc mùi, cân bằng độ ẩm, thanh lọc không khí và mang đến cảm giác thư thái cho người nội trợ.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Cây trồng trong nhà bếp


Căn bếp là nơi chuẩn bị những bữa ăn ngon cho các thành viên trong gia đình nên đừng để không gian ấy trở nên nhàm chán với chỉ những dụng cụ nấu nướng. Bạn có thể trồng thêm cây cảnh ở đây để tạo cảm hứng cho người nấu. 

Thế nhưng không gian này có đặc thù là nhiệt độ và độ ẩm cao, phát sinh nhiều khói, mùi và thường thiếu sáng. Nhìn chung, đó là môi trường không tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, nên không ít gia chủ không trồng cây ở đây. Tuy nhiên, đừng vì thế mà bỏ qua những lợi ích mà nó mang lại.
 

1.1. Lợi ích của trồng cây trang trí nhà bếp
 

Tăng tính thẩm mỹ cho gian bếp 


Hãy tự tạo cảm hứng bếp núc cho bạn bằng việc trang trí đa dạng các loại cây xanh khác nhau ở không gian phòng bếp. Chỉ cần ngắm nhìn màu xanh và hình dáng nhỏ xinh của chúng bạn sẽ càng thích nấu nướng hơn.

Thực tế là mỗi một loại cây sẽ có hình dáng, kích cỡ và vẻ đẹp riêng biệt, sẽ đem đến một không gian hoàn toàn mới mẻ cho góc nấu nướng tưởng như rất nhàm chán.


Loại bỏ các chất khí độc hại


Căn bếp là nơi chế biến thức ăn nên mùi của các loại dầu mỡ, gia vị, thức ăn hay rác thải tích tụ hình thành trong không khí mà cho dù sử dụng máy để hút mùi thì cũng không thể nào loại bỏ hoàn toàn.

Chỉ bằng mắt thường thì chúng ta không thể nào nhìn thấy các khí độc đang hiện diện ở đó. Nếu như hít phải những chất khí này trong một thời gian dài sẽ dễ mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp, về mắt, về da. Thậm chí nghiêm trọng hơn có thể gây ra ung thư, nhất là đối với các gia đình có trẻ nhỏ thì càng gây ra nhiều nguy hiểm hơn.

Do đó, trồng thêm những cậu cây cảnh ở đây sẽ có tác dụng hút bụi, khử khí độc, góp phần nâng cao sức khỏe của chính bản thân bạn cũng như các thành viên trong gia đình. 

Ngoài ra nó còn giúp thải ra khí O2 cực kỳ tốt cho sức khỏe con người, làm cho không gian nhà bếp được trong lành và thơm tho mà không cần dùng dung dịch tẩy rửa mùi hóa chất gây hại. Bạn chỉ việc đặt vài cây phù hợp ở trong nhà bếp là đã có thể xử lý ngay vấn đề liên quan tới các mùi độc hại rồi.  
 
cây trồng trong nhà bếp
 

Xua đuổi muỗi và nhiều loại côn trùng khác


Phòng bếp vừa ẩm vừa tối nên muỗi và nhiều loại côn trùng chọn nơi đây làm nơi trú ngụ. Chúng dễ dàng có được thức ăn và sinh sôi nảy nở, nếu gia đình nào lười dọn dẹp, đôi khi các loại công trùng còn làm tổ ở những góc khuất trong nhà mà bạn khó phát hiện để loại trừ chúng được.
 
Có rất nhiều loại cây trồng trong nhà bếp không chỉ vẻ bề ngoài đẹp đẽ mà còn sở hữu trong mình hương thơm đặc trưng và tính năng kháng khuẩn. Có thể lúc chúng ta ngửi chỉ thấy mùi hương nhè nhẹ nhưng nó lại khiến cho muỗi và các loại côn trùng không dám lại gần. Bạn không phải vất vả dọn dẹp quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo cho không gian nhà bếp luôn sạch sẽ, thoáng mát.
 

1.2. Cách bài trí


Cách bài trí cây trồng trong nhà bếp sẽ ít nhiều phụ thuộc vào hướng cửa, bạn cần lưu ý để phù hợp với phong thủy nhất.
 
- Hướng Đông: Đây là nơi đón nắng mai rất tốt cho ngôi nhà của bạn, nên trồng cây loại nhỏ, đủ ánh sáng để cây phát triển và không bị che mất ánh nắng cho căn phòng.
 
- Hướng Tây: Đây là nơi có nắng gắt vào buổi trưa, vô cùng nóng nực, khó chịu, bạn có thể trồng các loại như hoa thủy tiên, hoặc cây lớn như bàng Singapore sẽ phần nào giúp cản bớt nắng vào nhà.
 
- Hướng Nam: Vị trí này phù hợp để đặt những cây chiêu lộc, giữ tài, giảm bớt xu hướng tiêu tiền, hoang phí tài sản của gia đình như cây trầu bà, phú quý,…

- Hướng Bắc: Vị trí này phù hợp để trồng những cây có màu rực rỡ, ấm nóng để tăng sức sống cho căn bếp nhà bạn. 
 

1.3. Lưu ý 

 
- Để tránh vướng víu, trong nhà bếp không nên trồng các loại cây cảnh có kích thước quá lớn, rậm rạp hoặc dây leo. Chỉ nên trồng các loại cây có kích thước nhỏ, đặt cây cách xa khu vực bếp nấu.

-  Không trồng bất kỳ loại cây độc hại nào như môn trường sinh, những cây thuộc họ chim thiên đường, lan quân tử và nhiều loại hoa độc hại khác như: Đỗ quyên, trúc đào, xương rồng bát tiên, thiên điểu.
 
- Khu vực bếp có đặc điểm ám khói, ám mùi, dính dầu mỡ cũng có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Với không gian hạn chế như ở trong bếp thì nên đặt cây cách xa bếp và không làm vướng víu tay chân để tránh đổ vỡ.

- Bếp tượng trưng cho hành Hỏa nên hầu hết các loại cây trồng ở đây nên có màu xanh. Nên ưu tiên các loại cây mang ý nghĩa may mắn, cát lành, sung túc.

- Thường xuyên cắt tỉa lá chết, theo dõi cây thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh. Bạn cũng nên đưa cây xanh ra ngoài, nơi có ánh nắng mặt trời khoảng 1 đến 2 tuần một lần để thúc đẩy quá trình quang hợp.
 

2. Cây gia vị 

 
Việc tận dụng phần còn lại của một số loại rau, củ nấu ăn hàng ngày để tạo không khí vui tươi cho không gian bếp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bạn có thể học hỏi bằng việc dùng phần thừa của củ gừng, nghệ, hành tây, tỏi, nhánh sả, khoai lang, ngò, hành lá… để ươm trong ly nước nhỏ, bình nhựa đựng nước.

Không chỉ để tận dụng đồ thừa mà ngoài ra trồng những cây chanh, cà chua, ớt... nhỏ tại gian bếp, vừa để trang trí, vừa có thể sử dụng chế biến đồ ăn khi cần. 


Cây hương thảo
 

Cây hương thảo không chỉ để nêm thức ăn, kích thích khứu giác mà khi trồng ở gian bếp chúng còn có tác dụng khử mùi cực tốt vừa giúp lọc không khí, cây sẵn có mùi thơm dễ chịu và lan tỏa khắp căn nhà. Mùi hương này có tác dụng giúp tinh thần thoải mái và thư giãn, giảm stress, rất hữu ích cho phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ.
 
Bên cạnh đó, chúng hạn chế được những loại côn trùng nhỏ như ruồi, muỗi trong căn bếp của bạn để không gian luôn được sạch sẽ và thơm mát. Bạn có thể đặt cây hương thảo ở nơi gần cửa sổ trong bếp để chúng phát triển tốt hơn.

Cây húng quế


Không chỉ là loại gia vị ngon mà còn chữa được một số căn bệnh thông thường như cảm mạo, lợi tiểu, khó tiêu, giảm tiết mồ hôi,... Với mùi hương đặc trưng của mình, húng quế còn có khả năng trừ khử mùi hôi trong nhà bếp cực kỳ hiệu quả.
 
Về giá trị phong thủy, cây còn có ý nghĩa cực kỳ lớn đối với gia chủ, nó giúp đem đến sự may mắn, phát tài phát lộc. Nhưng bạn nên chọn những loại dài, bản to, thân cao thẳng thay vì loại tròn, thân nhỏ.
 

Cây húng bạc hà
 

Húng bạc hà có hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, sảng khoái có tác dụng diệt khuẩn, khử mùi rất tốt. 
 
Loại cây này phát triển rất nhanh trong những môi trường ẩm thấp nên bạn có thể đặt gần nguồn nước để chúng luôn xanh tốt và phục vụ tối đa nhu cầu của mọi người.
 

Hành tây


Trồng một vài cây hành tây trong cốc nước để ở khu vực bếp vừa mang lại sắc xanh dễ chịu, vừa giúp hạn chế một số loại vi khuẩn trong không khí.
 
Cây cũng rất dễ trồng, phát triển tốt trong môi trường ẩm thấp, bạn chỉ cần một chiếc cốc thủy tinh chứa nước sạch và để phần rễ của củ hành tây chạm nước. 
 

3. Cây có hương thơm tự nhiên


Việc nấu nướng trong nhà bếp khiến cho người nội trợ thường xuyên phải tiếp xúc với những mùi dầu mỡ, thức ăn. Trồng những loại cây có hương thơm tự nhiên sẽ giúp cho họ thư thái tinh thần. 

Vì thế, bạn có thể ưu tiên lựa chọn các loại thảo mộc như bạc hà, oải hương, hương thảo, tùng thơm...  là những loại cây có chứa tinh dầu, có tác dụng xua đuổi côn trùng. Những cây này có hương thơm dịu nhẹ giúp khử mùi, thanh lọc không khí, giảm bớt căng thẳng, mang đến cảm giác thư giãn.
 

Cây tùng thơm

 
Cây có mùi thơm rất dễ chịu đặc trưng, với kích thước nhỏ, dễ sinh trưởng và tuổi thọ cao phù hợp cho việc trang trí gian bếp nhà bạn.
 
Điểm đặc trưng của cây là tinh dầu của cây có mùi thơm dễ chịu và xua đuổi côn trùng. Các loài sâu bọ, muỗi và ruồi không thích mùi hương này nên cây cũng ít bị nhiễm sâu bệnh.

Sau những giờ làm việc căng thẳng, khi đứng vào bếp nấu ăn, được ngửi hương thơm của cây tùng thơm cũng đủ giúp bạn xua đi áp lực, giảm stress, tăng cường tỉnh táo, phấn chấn hơn. 
 

Cây oải hương

 
Oải hương là một loại cây thân thảo, có rất nhiều công dụng. Trồng một chậu cây trong căn bếp bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt vì chúng không chỉ là gia vị cho các món ăn, mà mùi hương của nó khi trồng một chậu nhỏ trong bếp có thể xua đuổi muỗi và các loại côn trùng,..

Phong thủy hoa oải hương chỉ ra rằng đây là loại cây hoa tượng trưng cho sự may mắn, bình yên và hòa thuận cho gia đình. Với ý nghĩa đó chúng rất hợp để trồng trong gian bếp nhà bạn. 


Cây ngải cứu


Ít người biết rằng rất nên để cây ngải cứu trong nhà bếp nhưng bạn có thể thử vì chúng có tính năng khử mùi hôi trong không khí cực kỳ tốt. Vào những ngày mưa gió còn có thể trừ khử mùi ẩm mốc và các loại côn trùng, ruồi muỗi gây hại cho con người. 
 

4. Cây phong thủy nhà bếp
 

Nhà bếp là không gian cực kỳ quan trọng trong phong thủy do đó việc sắp xếp những đồ vật gì ở đây cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như tài chính của các thành viên trong gia đình. 
 
Cây trồng trong nhà bếp cũng cần tuân thủ nguyên tắc chọn màu sắc theo từng mệnh của ngũ hành và ưu tiên loại cây có ý nghĩa mang lại may mắn và tiền tài cho gia chủ như cây phát tài, lan ý, trầu bà cẩm thạch, lan quân tử, phú quý… 
 

Cây phất dụ 

 
Cây còn có tên là cây phát tài, đây chính là loại cây thuộc hành Mộc, mang lại may mắn, đem tiền tài, phúc lộc đến cho gia chủ, giúp tinh thần luôn thoải mái, giàu năng lượng.

Loài cây này có lá xanh quanh năm nên trồng ở hướng Đông hoặc Đông Nam của ngôi nhà, chỉ nên trồng trong một chậu nhỏ.

Cây phú quý

 
Cây phú quý được chứng minh là có thể thanh lọc benzene và formaldehyde trong không khí hiệu quả. Điểm cộng của loại cây này không cần nhiều ánh nắng để sinh trưởng tuy vậy nó lại đòi hỏi môi trường có nhiều độ ẩm.

Đây là dòng cây có thể trồng thuỷ sinh hoặc đất tuỳ theo ý thích của bạn. Cây có màu đỏ đặc trưng rất hợp với những người mệnh Hoả, là loại cây nên trồng trong nhà bếp.
 

Cây lan ý

 
Nên trồng lan ý trong nhà bếp
 
Lan ý cũng là cây phong thủy trong bếp hợp với những người mệnh Kim, tác dụng phong thủy của cây lan ý là đem đến sự sung túc, tài lộc và may mắn. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng loại bỏ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi gồm: formaldehyde, benzene và trichloroethylene.
 

Cây trầu bà cẩm thạch

 
Trầu bà cẩm thạch có tác dụng hút khí độc, loại bỏ bớt một số loại khí gây ung thư.

Về phong thủy, trầu bà cẩm thạch cũng là biểu tượng cho một tình yêu hạnh phúc, là hiện thân của sự keo sơn trong gia đình, là sự đồng lòng nhất trí của tập thể. Cây hợp mệnh: Thổ - Mộc - Thủy, hợp tuổi: Ngọ; Mùi, có ý nghĩa mang đến may mắn, bình an và sự thành đạt.
 

Cây lan quân tử

 
Hoa lan quân tử còn được nhiều người gọi là lan huệ cam, huệ đỏ hay đại quân tử. Đây là loại cây mang biểu tượng cho sự văn minh và sang trọng, quý phái, danh giá cho người trồng. Đồng thời, lan quân tử khá lâu tàn nên được rất nhiều người ưa thích.

Một đặc điểm rất thú vị của loại cây này là nó có thể cảm nhận được hòa khí trong gia đình của bạn. Nếu như gia đạo của nhà bạn bất hòa, xích mích, hoặc đang ở trong giai đoạn bị vận hạn thì tuyệt đối nó không nở hoa. Nhưng khi gia đạo hưng thịnh, không khí trong gia đình vui vẻ hoặc sắp có niềm vui thì nó sẽ nở hoa. 

5. Cây lọc không khí 

 
Trong không gian ẩm thấp như nhà bếp, trồng các loại cây có tác dụng khử mùi, lọc không khí mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ cho những người trong gia đình. Một số loại cây có tác dụng khử mùi, thanh lọc không khí nên trồng như cây nha đam, dương xỉ, lưỡi hổ, xương rồng hay cỏ lan chi.

Cây lưỡi hổ


cây lưỡi hổ trồng ở bếp cũng phù hợp
 
Cây lưỡi hổ phong thủy dễ trồng, ít phải chăm sóc nhưng lại có tác dụng rất hiệu quả trong việc thanh lọc không khí, hứa hẹn sẽ đem lại bầu không khí trong sạch cho khu vực nấu nướng của mọi gia đình. 
 
Ngoài khả năng tuyệt vời trong việc thanh lọc bầu không khí, cây lưỡi hổ còn mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, bảo vệ vượng khí của ngôi nhà. Dáng vẻ thẳng đứng, cứng cỏi, dũng mãnh của loài cây này cũng giúp chủ nhà luôn mạnh mẽ, quyết đoán và thành công.

Cây dây nhện (Cỏ lan chi)

 
Cây dây nhện là loại cây trồng trong nhà bếp được rất nhiều người nội trợ ưa thích, cây rất hợp người mệnh Kim, mang đến tài lộc, sung túc. Ngoài ra, cây có nhiều tác dụng như hấp thu mạnh benzen, formaldehyde, CO và xylene, phát huy tối đa khả năng hấp thu hóa chất độc hại trong da và cao su.
 

Cây xương rồng

 
Dù xương rồng lá ít hoặc tiêu biến thành gai nhọn nhưng thân cây vẫn có chức năng quang hợp hấp thụ khí CO2 nhả ra O2, giúp làm sạch không khí trong lành hơn.
 

Cây nha đam


Về mặt phong thủy, nha đam giúp đem đến cho gia chủ và các thành viên trong gia đình tài lộc, sự may mắn, được quý nhân phù trợ,... 

Cây nha đam là một trong số những loại cây nên trồng trong nhà bếp vì nó có khả năng làm lành vết thương, đặc biệt là làm mát cực nhanh khi bạn lỡ bị bỏng khi nấu ăn.

Cây nha đam còn có khả năng làm sạch không khí hiệu quả, hấp thu benzen và formaldehyde. Nha đam cũng rất dễ trồng, chịu được hạn, không mất nhiều công sức chăm sóc, chỉ phải tưới nước khoảng 3 tuần một lần. 
 

Cây dương xỉ

 
Bạn nên trông thêm một cây dương xỉ trong căn bếp nhà mình vì đó là cây lọc không khí, hút mùi nhà bếp tốt nhất, chúng có thể khử mùi khói và khí CO2 độc hại, rác thải. Với những công dụng của dương xỉ, nó vừa được coi là cây khử mùi nhà bếp tốt nhất vừa là loại cây trang trí nhà bếp đẹp nhất.


Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X