Bình phong là gì? Ý nghĩa bình phong trong phong thủy từ xưa đến nay

Thứ Ba, 28/05/2019 11:28 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cùng tìm hiểu bình phong là gì để chúng ta hiểu hơn về vật dụng quan trọng trong phong thủy mà lâu nay chúng ta chỉ dùng đơn giản để trang trí hoặc ngăn phòng mà thôi.
 

1. Bình phong là gì?


Trước khi tìm hiểu bình phong là gì chúng ta có thể cắt nghĩa: Bình là che chắn và Phong là gió.

Theo Wiki, bình phong là một loại đồ dùng được đặt đứng, nó bao gồm nhiều tấm bảng được kết nối với nhau bằng bản lề hay một phương tiện nào đó. Bình phong có nhiều dạng thiết kế và được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau.

Bình phong không chỉ để để trang trí mà còn để tạo không gian riêng tư, như vào thời xưa, bức bình phong thường đặt trong phòng thay đồ của nữ.

Có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại, sau đó bình phong được du nhập vào các nước Đông Á, châu Âu và những nơi khác trên thế giới.
 
 

2. Việc sử dụng bình phong phổ biến từ xa xưa

 
Có thể bây giờ bạn mới tìm hiểu bình phong là gì nhưng vốn bình phong mang đậm tính dân gian, là yếu tố không thể tách rời với ngôi nhà chính và cũng là thành viên thân thiết, gần gũi với nhiều thế hệ chủ nhân từ xưa đến nay.

Phong thủy được áp dụng triệt để từ xa xưa và một điều tối kỵ khi đó là “Trực lai trực khứ” (thẳng đến thẳng đi). Bạn có thể thấy không có dòng sông con kênh nào chạy thẳng hút tầm mắt, không có đường rẽ khúc cong đoạn lượn nào lại được coi là điểm cát tường.

Do đó, người xưa cũng dùng bình phong như là cách để ngăn dòng khi không "thẳng đến thẳng đi". Đặc biệt là trong các cung điện hay nhà quan lớn, việc này cực kỳ được coi trọng.

Các vua chúa khi xưa ai cũng thích dùng bình phong với các họa tiết Rồng, Phụng, Kỳ Lân, hoa Sen, mặt Nhật, Bát quả, Bát bửu... 

Ở Việt Nam, cố đô Huế là nơi vẫn còn giữ được nhiều kiểu Bình phong nhất. Cho đến nay, bình phong vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều ngôi nhà vườn truyền thống Huế. 

Trước đây, bình phong ít được sử dụng trong nhà dân, chủ yếu được trang trí ở các bình phong của các phủ đệ, nhà quan lại có liên quan tới hoàng gia. Ngoài ra, họa tiết trang trí kỷ hà, bộ tứ quý cũng xuất hiện nhiều bởi nó mang nhiều ý nghĩa cầu chúc may mắn, thể hiện ước vọng của gia chủ. 
 
 
 

3. Ý nghĩa của việc đặt bình phong trong phong thủy

 
+ Về khía cạnh tâm lý

Chúng ta đơn giản chỉ tận dụng bình phong vào việc che khuất chứ không hiểu biết nhiều về phong thủy. Ví dụ trong phòng khách để bình phong để tạo cảm giác riêng tư, tăng sự kín đáo. 

Nếu đại sảnh lớn thì bình phong ngăn tạo cho chúng ta tránh cảm giác trống trải, có không gian biệt lập.

+ Về khía cạnh thẩm mỹ

- Bình phong thường được để ở phòng khách, chúng ta có thể thấy bình phong giống như một đồ nội thất đẹp trang trí thêm cho ngôi nhà.  

- Nó là vật trang trí cực kỳ thực dụng vì gập vào giỡ ra dễ dàng, di chuyển, xê dịch linh hoạt, vật trang trí rất tao nhã bắt mắt, hình thành phong cảnh đẹp trong căn nhà.

+ Về khía cạnh phong thủy
 
Trong phòng khách theo phong thủy mà không có bình phong hay còn gọi là tấm chắn gió sẽ dễ bị những luồng khí từ bên ngoài xộc thẳng vào trong tình thế bất khả kháng. Bình phong giúp ngăn phòng khách thành vài ba trường khí nhỏ tụ khí, có thể linh hoạt đổi “cửa” (môn), điều chỉnh đường tới của sinh khí, làm cho gia chủ luôn trong trường khí tốt đẹp. 

- Đặt bình phong, sẽ làm cho tốc độ luồng khí lùa từ ngoài vào bị giảm bớt tốc độ, làm cho luồng khí sát với cơ thể người dần phù hợp với tốc độ vận hành của khí huyết cơ thể con người. Hai dòng khí bao gồm trong và ngoài cơ thể tương đồng, sẽ làm cho con người cảm thấy thoải máu dễ chịu, rất có lợi cho sức khoẻ.
  
- Môi trường phong thuỷ tốt có thể nâng cao được vận thế tổng hợp của gia chủ: sự nghiệp, thành đạt, làm ăn tấn tới, cơ thể luôn khoẻ mạnh… còn trong môi trường phong thuỷ kém thì thường luôn mang lại cho gia chủ nhiều rắc rối phiền toái về cả thể chất lẫn tinh thần.
 
- Nó còn có tác dụng hóa giải nếu đặt giữa các kiến trúc mở thông với nhau. Ví dụ, có thể đặt một bình phong chắn cửa nhà vệ sinh với cửa bếp, hoặc giữa ban công với cửa chính, giữa cửa sổ thông với cửa chính… Nếu bàn làm việc đặt quay lưng về phía cửa chính cũng nên có một bình phong che chắn. Với những phòng ngủ có nhà vệ sinh khép kín bên trong, ngoài cửa phòng cũng nên đặt một bình phong che đi.
 
- Bình phong còn có khả năng khắc phục những điểm bất lợi đối với ngôi nhà, đó là nó giúp ngăn cản những ảnh hưởng xấu tác động từ cả hai phía, bên trong và bên ngoài căn nhà.
 
 

Các loại bình phong


Bình phong thường có hai loại:

- Bình phong làm từ một tấm cố định: thường là bình phong làm từ đá nguyên khối như bình phong được đặt ở nhà thờ họ.

- Bình phong được ghép lại bởi nhiều tấm rời: có hình chữ nhật hoặc vuông, do 6, 8 hoặc 10 tấm gỗ hình chữ nhật ghép lại với nhau bằng bản lề. Loại bình phong này có thể di chuyển toàn bộ hoặc tháo rời ra từng phần, và rất thích hợp với khí hậu và địa hình của các nước châu Á.

Về chất liệu, bình phong trong nội thất có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau từ gỗ, mây, tre hoặc có thể bằng đá hoặc đá kết hợp với gỗ, thậm chí còn làm bằng đồng, bạc, vàng… Trên bình phong chủ nhà có thể trang trí công phu với các biểu tượng may mắn, ví dụ hoa lá, cuộn mây được trang trí làm tăng thêm nét mềm mại, đặc sắc cho bức Bình phong vốn mang ý nghĩa che chắn khô cứng.

+ Bình phong tre cổ điển với thiết kế chủ yếu bằng tre, nứa kết hợp lại. Xen kẽ vào đó là những bức tranh phong cảnh, đồng quê. Tạo nên được cảm giác đơn giản, thân thiện hòa quyện với thiện nhiên. Đây là 1 gợi ý rất hay cho không gian sống với các gia đình muốn gần gũi với thiên nhiên.
 
 + Bình phong gỗ hiện đại đang được dùng khá phổ biến cho rất nhiều gia đình tạo cảm giác sang trọng và tân tiến.
 
+ Bình phong bằng gỗ nhựa có nhiều kiểu dáng hiện đại, phù hợp cho nhiều không gian khác nhau nên đang được khách hàng rất ưu chuộng. Sản phẩm có ưu điểm bền, giá thành hợp lí...

+ Bình phong kính dùng để làm vách ngăn nhà tắm hay kết hợp với vải che làm vách ngăn cho phòng ngủ và phòng thay đồ. Loại bình phong này tạo cảm giác thông thoáng, mát mẻ, thoải mái cho những không gian có diện tích khiêm tốn.
 
+ Bình phong vải xuất hiện từ lâu, nó có thiết kế đơn giản với khung gỗ và vải nhiều hoa văn.
 
Loại bình phong này mang hơi hướng truyền thống nên thường được sử dụng trong không gian thờ cúng hay ở các phòng khám, bệnh viện.
 
+ Bình phong sắt
 
Bình phong sắt có chất liệu cứng, chắc chắn với những đường nét bắt mắt. Nó được sử dụng để thay thế cho nhiều mẫu bình phong khác.
 
Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo với dạng bình phong xanh bằng vài chậu hoa, cây cảnh xếp liền nhau giúp ngôi nhà trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.Những chất liệu này có ảnh hưởng tới phong thủy, giúp che chắn và giảm hỏa khí trong ngôi nhà.

Tuy nhiên, khi chọn chất liệu của tấm bình phong gia chủ nên tránh chọn những chất liệu không nên xung khắc với ngũ hành của ngôi nhà, đảm bảo sự cân bằng năng lượng. Ngoài ra, bình phong cần tránh đặt gần các yếu tố Hỏa như chân nến, đèn bàn, ổ điện...
 
MiMi (Tổng hợp)