(Lichngaytot.com) Hòa Thân là tên tham quan bậc nhất triều Thanh. Tương truyền vàng bạc châu báu trong phủ Hòa Thân còn nhiều gấp mấy ngân khố của vua. Vậy phủ Hòa Thân có ẩn giấu bí mật phong thủy gì không mà tiền tài vô kể như vậy?
Nói đến những kiến trúc cổ ở Bắc Kinh thì có lẽ không thể không nhắc đến Cung Vương Phủ của Hòa Thân. Từ xưa đã có câu nói rằng “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa quyển sử Thanh triều”. Được mệnh danh là Đệ nhất tham quan, cái mà Hòa Thân không thiếu nhất chính là tiền bạc, lẽ đương nhiên không thể không am hiểu về
phong thủy.
Vậy Cung Vương Phủ - cấm phủ nơi Hòa Thân sinh sống có phong thủy ra sao? Hãy cùng Lịch ngày tốt tìm hiểu về những bí mật phong thủy ẩn giấu phía sau nhé.
1. Địa thế phong thủy nơi Cung Vương Phủ
Tương truyền, Bắc Kinh được trấn giữ bởi 2 long mạch, một là Thổ Long, tức long mạch ở Cố Cung, hai là Thủy Long, tức là vành đai Hậu Hải và Bắc Hải, mà Cung Vương Phủ lại vừa khéo nằm ở đường giao nhau giữa Hậu Hải và Bắc Hải, tọa chính long mạch nên phong thủy cực kì tốt.
Đã có rất nhiều bậc danh tướng, đại nguyên soái của Trung Hoa có phủ đệ gần với Cung Vương Phủ và đều là những người sống trường thọ. Nghe nói nơi có nhiều người sống thọ nhất Bắc Kinh chính là khu vực xung quanh Cung Vương Phủ. Nơi này được ví như bảo địa phong thủy vậy.
|
Những bí mật phong thủy của Hòa Thân không phải ai cũng biết |
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông là người rất am tường về thuật phong thủy, đương thời đã không tiếc lời khen cho phủ Hòa Thân. Cổ nhân coi Thủy là Tài, mà trong Cung Vương Phủ nơi nơi đều thấy nước, mà nước ở hồ lớn nhất trong phủ chính là được dẫn về từ Ngọc Tuyền Hồ. Tương truyền chỉ có Hoàng Thượng mới được dẫn nước ở đây về hoàng cung.
Ấy vậy mà phủ Hòa Thân dám làm điều đó, mà nước chỉ chảy vào trong phủ chứ tuyệt đối không lọt ra ngoài, điều này càng phù hợp với học thuyết phong thủy liệm tài (giấu tài).
2. Kiến trúc “Tiền trách hậu khoan”
Theo phong thủy, tiền trách hậu khoan, tức trước hẹp sau rộng thì phú quý dư thừa. Cung Vương Phủ là ví dụ điển hình cho lối kiến trúc này. Khi Hòa Thân lựa nơi này để làm phủ đệ thì địa khí của nó đang chính vượng, mà như chúng ta đều biết, Hòa Thân là người thông minh tuyệt đỉnh, lại tinh thông phong thủy nên dù là bối cảnh bên ngoài phủ hay bố cục nội phủ đều được Hòa Thân thiết kế vô cùng tỉ mỉ.
Một tòa phủ đệ xây lên được ví như một kiệt tác phong thủy, nâng đỡ Hòa Thân lên tới đỉnh cao danh vọng, cả nhân khí và tài khí đều lên đến đỉnh điểm. Con người có ba loại vận khí, Thăng – Vượng – Mộ, song Hòa Thân thăng nhanh, vượng đến cực hạn nên mộ lạc cũng nhanh vậy.
3. Bài trí đá trong khuôn viên phủ
Trong phủ Hòa Thân được bài trí nhiều phiến đá, đá tảng hình thù kì dị, song có hai điểm đặc biệt không thể không nhắc đến. Thứ nhất, nơi cổng vào đặt một hòn đá, nhọn và cao khoảng 2m, có hình giống một đứa trẻ. Hòa Thân lúc bấy giờ vừa nhìn thấy hòn đá này đã cực kì thích thú, bèn đem về đặt ngay trước cửa phủ.
Lý do là gì, có bí mật phong thủy gì ở đây không? Nghe nói hòn đá đó được dùng để chiếu bích, ngăn tà khí xâm nhập vào phủ, cũng chắn không cho tài khí thoát ra ngoài.
Thêm nữa, Hòa Thân cả đời chỉ sinh được một người con trai, còn lại đều là nữ nhi nên cực kì khao khát có con trai, mà hòn đá đó lại có hình dáng giống một đứa bé trai nên còn được gọi là Tống Tử Thạch (đá tặng con). Hòa Thân đặt hòn đá trấn phủ là mong muốn nhờ nó mang lại phúc lộc đường con cái, giúp gia tộc càng thêm hưng vượng, đông con nhiều cháu.
Những hòn đá khác phần lớn đều được chuyển từ phương nam tới, mang đủ hình thù kì quái khác nhau. Chúng được nhân công vận chuyển theo đường sông, lựa những tảng băng kết lại khi mùa đông để đẩy lên đó.
Số lượng nhiều đến nỗi mà nghe nói đá được chất bên sông từ năm này qua năm khác, mùa đông này chưa chuyển hết thì chờ đến mùa đông sang năm, khi nước đóng thành băng thì tiếp tục chuyển. Tới năm Hồng Lịch thứ 7, công trình Cung Vương Phủ mới được hoàn thành.
Người xưa quan niệm rằng đá mang theo phúc khí, chính vì thế mà Cung Vương Phủ cũng là vương phủ có nhiều đá nhất, thậm chí người ta còn truyền nhau rằng, số lượng đá trong hoàng cung cũng chẳng là gì so với số lượng đá ở phủ Hòa Thân.
Trong phủ có hai hòn giả sơn rất lớn, hình dáng kì vĩ. Đặc biệt hơn, thời đó vẫn chưa có chất kết dính tốt để gắn kết các tảng đá với nhau, hòn giả sơn đã được làm nhờ dùng cơm nếp hòa với phèn trắng để gắn lại, xếp đặt các tảng đá lên nhau tạo nên hình dáng.
4. Một vạn con nhện
Trong phủ Hòa Thân, bạn có thể nhìn thấy nhện với đủ mọi hình dáng, giống loài ở khắp nơi nơi. Người xưa tin rằng nhện là biên phúc, đồng âm với chữ phúc nên cũng mang tới phúc lành, mang theo may mắn.
Nhện phong thủy mang theo điềm may mắn về tài lộc.
Hòa Thân không chỉ tham tài hám lợi mà còn cực kì mê tín. Trong Cung Vương Phủ, từ chậu cây, chậu hoa hay đá tảng đều được chạm khắc hay xếp đặt thành hình con nhện. Đi vào trong phủ, bạn sẽ bị hoa mắt bởi đủ hình thù của đá đều na ná hình con nhện.
Thậm chí trên cửa hay vách nhà cũng có nhện, có con được khắc chìm, có con được khắc nổi, tổng cộng có tới 9999 con. 9999 con nhện tức là 9999 chữ Phúc, thêm một chữ Phúc mà Khang Hy ngự bút nữa là 1 vạn chữ phúc, Cung Vương Phủ vạn phúc.
3. Bóng người ở vườn cây Ngô đồng
Trong phủ Hòa Thân có một khu vườn nhỏ nằm tách biệt hẳn ra ngoài. Nơi đó trồng đầy những cây ngô đồng to cao song lại rất yểu điệu thướt tha, nhìn đẹp vô cùng. Mỗi khi gió thổi qua là rừng cây xào xạc, tựa như tiếng khóc than nỉ non của phụ nữ và trẻ em. Nơi đó được gọi là Ngô đồng viện.
Khu vườn nhỏ xinh đẹp như vậy nhưng lại giấu phía sau mình câu chuyện không hề đẹp. Ngô đồng viện chính là lãnh cung trong Cung Vương Phủ, tất cả những thê thiếp thất sủng đều bị Hòa Thân đem nhốt ở nơi đây. Họ cô đơn héo mòn không ai hay biết, cuối cùng lấy nước mắt rửa mặt, u buồn mà chết.
Cả khu vườn bị âm khí bao trùm. Âm khí nặng tới nỗi hễ ai bước vào trong đều bất giác nổi da gà, thấy lạnh toàn thân, trước kia nghe nói không một ai dám đặt chân vào trong đó. Tối đến, người ta nghe thấy từ trong Ngô đồng viện vọng ra tiếng khóc than ai oán. Thậm chí vào những đêm mưa gió bão bùng, nhiều người khẳng định họ tận mắt nhìn thấy bóng phụ nữ mặc trang phục triều Thanh xuất hiện trong khu vườn, lả lướt đi lại như đang nhảy múa. Cái bóng thường được phản chiếu lên vách tường gần cổng viện, hình ảnh sống động như người thật.
Sau khi Trung Quốc được giải phóng khỏi tay quân Nhật, một người lính gác đêm từng đi qua nơi này, vô tình nhìn thấy có cô gái đang đứng trước cổng viện khóc lóc thảm thiết, người này sợ tới hồn bay phách lạc, bỏ chạy về phòng trực ban.
Ngay sau đó, người lính này lập tức đổ bệnh, thần trí điên cuồng. Chuyện này kinh động tới cả Quốc vụ viện, lãnh đạo cho phái rất nhiều bác sĩ, chuyên gia đến khám nhưng đều không tìm ra bệnh của người lính mắc phải là gì, cuối cùng người đó sợ hãi quá mà chết.
Quốc vụ viện bèn cử rất nhiều binh lính cùng chuyên gia đến đóng quân ở trong Cung Vương Phủ để tìm lời giải cho câu đố ghê người này. Sau cùng chuyên gia đưa ra kết luận như sau: Ngày xưa, đây là nơi ẩm ướt, trên vách tường tích tụ rất nhiều kali nitrat, đêm mưa bão sấm chớp có cô gái đứng khóc trước tường, kali nitrat và tia lửa điện sấm sét nảy sinh phản ứng hóa học, in hình người lên bức vách.
Đó là lý do mà từ đó về sau, cứ mỗi khi trời mưa bão, có sấm chớp thì hình cô gái trên bức vách lại hiện ra. Đây là hiện tượng khoa học chứ hoàn toàn không có chút ma quỷ nào cả.
Tuy lời chuyên gia giải thích có lý như vậy như vẫn có rất nhiều chuyện khác ở phủ Hòa Thân không thể lý giải được bằng khoa học. Sau này, để trấn áp dư luận, Quốc vụ viện đã lệnh đầu tư quay một bộ phim tài liệu có tên “Bóng ma nơi vương phủ” để giải thích rõ về hiện tượng này.
Song trong thời gian quay phim ở Ngô đồng viện cũng xảy ra rất nhiều sự việc kì bí không lời giải đáp. Ví dụ, mọi người rõ ràng đều nhìn thấy máy quay được đặt trên bậu cửa nhưng chớp mắt đã thấy nó biến mất, sau đó lại thấy nó xuất hiện bên cạnh bức vách có bóng ma.
Mãi về sau, do lâu ngày không được tu sửa, bức vách mục ruỗng và đổ sập, tới tận khi ấy người ta mới dám đặt chân vào tham quan trong khu vườn này.
4. Tiểu đình
Trong Cung Vương Phủ, Hòa Thân cho xây một tiểu đình nhỏ làm nơi hóng mát. Cứ mỗi độ giao mùa xuân hạ thu đông, chỉ cần thời tiết đẹp là Hòa Thân lại cho vời bạn bè thân hữu đến uống rượu ngâm thơ, nghe ca múa. Thông thường, Hòa Thân sẽ chọn chỗ ngồi ở hướng Nam.
Nền của tiểu đình được lát bằng những phiến đá lớn. Song sự kì diệu ở tiểu đình này nằm ở chỗ Hòa Thân đã cho người khắc lên bàn đá vô số rãnh nước, dòng nước sẽ đẩy chén rượu trôi về phía trước. Nước chảy rất chậm, chén rượu trôi tới trước mặt ai mà dừng lại thì người đó sẽ phải làm một bài từ, nếu làm không được thì phạt uống 3 chén rượu.
Bí mật phong thủy ở đây là gì? Những đường rãnh nước đó được thiết kế rất tinh xảo. Nếu nhìn từ hướng Đông thì các rãnh tụ lại thành hình chữ Thủy (水), còn nhìn từ hướng Nam thì lại thấy chữ Thọ (寿). Chỉ vậy thôi cũng đủ để người đời trầm trồ thán phục trí tuệ của Hòa Thân.
5. Hòn giả sơn
Trong vườn hoa Hòa Thân cho xây một hòn giả sơn. Đá để làm hòn giả sơn này toàn bộ là đá Thái Hồ, được vận chuyển trực tiếp từ Thái Hồ tới. Đặc điểm của đá Thái Hồ chính là tính hút nước rất mạnh, nếu được đặt ở nơi nhiều nước thì trên đá sẽ mọc đầy rêu xanh.
Hòa Thân lại cho xây một cái hồ nhỏ trước hòn giả sơn, dẫn nước vào đó, để nước lưu thông quanh năm, nhờ thế mà trên các phiến đá mọc đầy rêu xanh mướt, Hòa Thân gọi đó là Trích thúy nham. Hai bên hồ có 2 cái đầu rồng quay hướng chụm vào nhau, ở giữa là Long Châu, song kì lạ là ở chỗ chỉ nhìn thấy đầu rồng chứ không thấy đuôi rồng.
Vậy hòn giả sơn đó để làm gì, nó có ẩn giấu bí mật phong thủy gì bên trong không? Hóa ra Hòa Thân sớm đã đem long mạch và long vĩ (đuôi rồng) chạm khắc vào dưới Trích thúy nham bên trong động giữa hòn giả sơn, mà nơi long mạch trấn giữ là một bức bích họa bằng ngọc, chính xác hơn là chữ Phúc được khảm vào ngọc.
|
Bia chữ Phúc trong phủ Hòa Thân |
Chữ Phúc đó chính là chữ do đích thân Khang Hy ngự bút song lại bị Hòa Thân chiếm làm của riêng. Nó được coi là vật trấn trạch trong Cung Vương Phủ.
Thậm chí sau này khi Hòa Thân bị vua Gia Khánh bãi chức và kiểm kê gia sản, người ta đã phát hiện ra vật trấn trạch này nhưng do đó là bút tích của Càn Long nên không ai dám phá, bởi phá nó tức là khiến cho Phúc tan. Hơn nữa, nếu lấy cả khối đá về thì long mạch không có gì trấn giữ, là điều đại kị. Đó cũng chính là điềm báo vua Gia Khánh tha chết cho cả nhà Hòa Thân.
Vốn dĩ Hòa Thân bị ghép vào trọng tội, phải lăng trì, tru di tam tộc. Song tới cuối cùng, dù phạm nhiều tội lỗi tày đình nhưng Hòa Thân chỉ bị xử chết bằng cách tự vẫn, cả nhà được tha bổng, người ta cho rằng phần lớn là nhờ có chữ Phúc trấn trạch này.
Sau này, vua lệnh người dùng đá tảng phong bế toàn bộ hòn giả sơn, để không ai nhìn thấy chữ Phúc đó mà được hưởng phúc khí nữa, mãi về sau này nơi đó mới được khai thông, mọi người vào tham quan mới có dịp chiêm ngưỡng vật phẩm phong thủy trấn trạch nổi tiếng đó.
Ngoài ra, trong Cung Vương Phủ còn có một hòn giả sơn nữa, trong đó giấu một con tỳ hưu cũng nhằm trấn trạch, hút tài lộc về nhà.
Tương truyền khi vua Gia Khánh cho lục soát phủ Hòa Thân đã phát hiện ra vật báu này. Con tỳ hưu được làm bằng ngọc phỉ thúy, trong khi con tỳ hưu của Càn Long cũng chỉ được làm bằng bạch ngọc.
Hơn nữa, tỳ hưu của Hòa Thân còn lớn hơn của vua, cũng có mông và bụng rất to. Người ta cho rằng chính vì thế mà của cải trong nhà Hòa Thân còn nhiều gấp mấy lần của cải nhà vua có trong ngân khố. Dân gian truyền rằng “Những gì vua có Hòa Thân cũng có, những gì Hòa Thân có chưa chắc vua đã có” cũng chính là vì thế.
Song suy cho cùng số phận của Hòa Thân cũng không khác gì con tỳ hưu đó, ăn vào bụng quá nhiều tiền vàng nhưng lại không có chỗ để thải ra, lâu ngày tích tụ thành đại họa. Đó là cái họa đã được báo trước, là quả báo nhãn tiền mà những kẻ tham lam sớm muộn sẽ phải gánh chịu.