(Lichngaytot.com) Trong đời sống tâm linh của người Việt, Phật giáo được coi là một phần đặc biệt quan trọng. Phần lớn dân số nước ta theo hoặc tin đạo Phật nhưng lại thường hiểu sai 7 điều cơ bản dưới đây.
1. Đức Phật không có thật
Trong tâm thức tâm linh của nhiều người Việt, Đức Phật giống như các vị thần thánh khác, là đấng siêu nhiên không tồn tại hữu hình. Nhưng nếu tìm hiểu Phật giáo, là một tín đồ của Phật giáo, thì chắc hẳn không thể không biết, Đức Phật vốn xuất thân là một người trần mắt thịt.
Trải qua quá trình tu luyện, Người trở thành Phật và đi truyền đạo khắp nơi, cứu khổ chúng sinh. Đời sau để tưởng nhớ công đức và tôn vinh những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà Ngài mang lại nên thờ cúng.
2. Theo Phật giáo để được đến Cực Lạc
Đây là suy nghĩ sai lầm về Phật giáo mà nhiều người mắc phải. Mục tiêu của việc tu tập theo đạo Phật không phải là được tới thiên đường hay Cực Lạc, mà là quá trình con người rũ bỏ sự đau khổ nơi trần thế, tìm tới một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Cuộc sống hạnh phúc ấy phải trải qua quá trình học tập, tu dưỡng bản thân. Có thể là hạnh phúc ở kiếp sau, cũng có thể là ngay kiếp này nếu tu thành chính quả, giác ngộ sâu sắc những chân, thiện, mĩ của cuộc đời.
3. Khấn Phật để xin tài lộc
Phật dạy chúng sinh rũ bỏ tham, sân, si, sống bình yên và giản dị nên không có lý gì mà khấn Ngài để xin vàng, xin bạc. Hơn thế nữa, triết lý cơ bản của Phật giáo là thuyết nhân quả, gieo nhân nào gặt quả ấy, nên việc cầu cúng hoàn toàn không có tác dụng.
Tin Phật, theo Phật tức là phải học Phật, tu dưỡng bản thân theo lối sống của Phật để đạt tới cảnh giới của sự hạnh phúc. Nếu sống thiện thì sẽ gặp được điều thiện, sống ác phải chịu quả báo, đối với tài lộc cũng vậy, không tự dưng mà có.
4. Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật
Tụng kinh, niệm Phật không phải để cầu cúng hay học thuộc lòng, đọc lên là sẽ được Phật chứng cho. Mục đích lớn nhất của việc này là để chúng đệ tử ghi nhớ lời Phật dạy, soi sáng bản thân, giác ngộ Phật pháp và hành động theo. Vừa tụng niệm, vừa thấm nhuần và ghi nhớ, làm theo, ấy mới là niệm Phật chân chính.
5. Phật tử phải ăn chay
Ăn chay là hình thức được nhà Phật khuyến khích, vừa tránh sát sinh lại tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người theo đạo Phật không nhất thiết phải ăn chay trường. Tùy vào tình hình sức khỏe và điều kiện, có thể ăn chay theo các tuần trai.
6. Giáo lý nhà Phật quan trọng nhất là kinh sách
Hệ thống giáo lý nhà Phật được ghi chép trong nhiều bộ kinh đồ sộ nhưng quan trọng nhất chỉ có hia điều: luật nhân quả và Tứ Diệu Đế (4 nỗi khổ lớn nhất của con người và cách tiêu diệt nỗi khổ, tu tập để thoát khỏi nỗi khổ). Nắm chắc hai điều này là nắm được tinh thần của Phật giáo.
Kinh sách là những diễn giải, bài học, lý luận dựa trên hai điều cơ bản này. Đọc nhiều kinh sách, tụng niệm nhiều, tìm hiểu cao siêu mà không nắm vững hai điều trên thì coi như chưa biết đến Phật giáo.
Tâm linh thì không có tuổi, tôn giáo thì không phân biệt người. Phật giáo là chỗ dựa về tinh thần cho tất cả những ai đang muốn đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Dù đang còn trẻ hay tuổi đã xế chiều thì Phật giáo cũng đều mang đến cho bạn những kiến thức, những bài học, những kinh nghiệm và triết lý sống đơn giản nhưng ý nghĩa.
Tâm Lan