Vô thường là gì? 4 lời Phật dạy về vô thường cần cả đời để thấu tỏ

Thứ Tư, 03/04/2019 10:48 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Với những Lời Phật dạy về vô thường tỉnh thức chúng ta trong cuộc sống hiện tại, nhờ đó mà mỗi cá nhân cảm thấy trân quý hơn những giây phút đang trải qua.

Vô thường là gì?


Vô thường (tiếng Pali: Anicca hay Anitya trong tiếng Phạn) là một trong những học thuyết nền tảng của đạo Phật đã luôn tồn tại sẵn, chỉ được nêu ra dựa trên thực tế mà Đức Phật đúc rút kinh nghiệm và nhận thấy được trong cuộc sống này.

Dù cho có Phật ra đời hay không thì thế gian cũng là vô thường, vẫn luôn biến dịch không ngừng.

Xem thêm: Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về cuộc sống vô thường
 
Học thuyết khẳng định rằng tất cả sự sống đều có điều kiện, không có ngoại lệ, chỉ là thoáng qua, bay hơi và không bền vững. Phật gọi những giai đoạn thay đổi này là: sanh, trụ, dị, diệt
 
Vô thường là một đặc tính của Tánh không, mọi thứ tồn tại dựa trên sự phụ thuộc, tương tác lẫn nhau, phát sinh và biến đổi từ dạng này sang dạng khác, không có cái nào tồn tại độc lập, không có cái nào tồn tại, tất cả đều trống rỗng.
 
 
  • Thân vô thường: Sinh, lão, bệnh, tử, bệnh tật, tai nạn bất thường luôn xảy ra.
  • Tâm vô thường: Lòng tin dễ lung lay, lý tưởng cũng dễ thay đổi.
  • Thời gian vô thường: Đời người thật ngắn ngủi để rồi thoáng chốc hiểu ra một điều được sống thanh thản hưởng chọn niềm yêu thương là điều quý giá.
  • Tiền vô thường: Chúng ta ra đời với bàn tay trắng và ra đi cũng vậy, dù cuộc sống có giàu sang phú quý cỡ nào khi chết rồi cũng chẳng thể mang theo.
Không ai biết được ngày mai hay cái Chết, cái nào đến trước. Ngày mai có thể không đến, nhưng cái chết chắc chắn sẽ đến.
Shantideva
  

Lời Phật dạy về vô thường


Có 4 điều lớn nhất chúng ta có thể chiêm nghiệm về những gì sẽ không tồn tại vĩnh cửu:
 

1. Hữu thường giả tất vô thường


(Tạm dịch: Điều gì cũng luôn thay đổi)

Bản chất của cuộc sống này là thay đổi, không có bất cứ điều gì mãi tiếp tục bảo trì trạng thái ban đầu được. Nó thời thời khắc khắc đều ở trong sự biến đổi, bản chất sẽ từ từ cải biến và cuối cùng là biến mất hẳn.

Trong Khế Kinh có câu chuyện: Một kẻ ác chết đi bị quỷ sứ dẫn đến trình vua Diêm Vương. Vua hỏi: "Ở trần gian, sao không làm việc thiện mà cứ làm việc ác rồi giờ bị đoạ xuống đây chịu hành hình?”. 

- Thưa Diêm chúa, ở trần gian nhà nước muốn làm việc gì còn phải thông báo trước, tại sao ở Âm phủ, Ngài bắt người chết đột ngột thế này, thử hỏi làm sao tôi làm việc thiện cho kịp được?

- Ngươi ở trần gian có thường thấy người già, người bệnh, người chết hay không?

- Dạ thưa có.

- Đó là những thông điệp mà ta đã báo trước cho người trần gian biết rồi đấy, ngươi có thấy trên đời này có ai không phải già - bệnh - chết không?

- Dạ thưa không. 

- Vậy tại sao ngươi không lo tu tập, lo làm việc thiện, để bây giờ bị giải xuống đây thắc mắc?
 
Một vong hồn trẻ tuổi nghe được câu chuyện bè hỏi: "Ngài thật là không công bằng, đối với ông già kia, Ngài đã gửi nhiều thông điệp còn tôi Ngài chưa hề gửi mà bắt tôi xuống đây, chết thật oan uổng quá.

Diêm chúa nghe vong hồn trẻ khiếu nại, liền cười:

- Tại nhà ngươi không chịu quan sát chứ ta làm việc rất công bằng, không bao giờ có chuyện thương người này, mà ghét bỏ người kia. Ta lúc nào cũng có gửi tin báo trước cho mọi người hay biết, ngươi không chịu để ý đó thôi.

- Ngài gửi thông báo lúc nào, sao tôi không thấy?

Diêm chúa mới cười nói:

- Nhà ngươi có thấy đứa bé ở nhà đối diện với ngươi hay không? Nó mới 5 tuổi mà bị chết vì tai nạn giao thông đó! Còn ngươi lớn tuổi hơn nó lẽ nào lại không chết?
 
 
 

2. Phú quý giả tất bất cửu


(Tạm dịch: Giàu sang cũng chẳng thể tồn tại mãi)

Điều này có nghĩa là bạn giàu có đến thế nào đi nữa thì cuối cùng cũng sẽ suy thoái. Tục ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”, trừ khi họ đời đời làm việc thiện, tích đức thì mới có thể bảo trì được vinh hoa phú quý cho đời con cháu. Nếu con cái không đủ phúc cũng chẳng thể hưởng được tiền bạc này.

Chỉ có quyên tặng, bố thí đi thì tiền bạc mới có sức sống và tiếp tục tồn tại. 

Gom góp được thật nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho mình suốt đời, thế nhưng họ vẫn sống trong tình trạng âu lo, buồn khổ, bất toại nguyện và khép kín. 
 
Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ mang lại một niềm hân hoan to lớn nhất. Họ cũng không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười hầu giúp cho kẻ khác được sung sướng.

Các tiện nghi vật chất của họ thật dồi dào, thế nhưng chúng không hề mang lại cho họ được một mảy may hạnh phúc nào, bởi vì chỉ có một cách duy nhất trong số tất cả các phương tiện mà chúng ta có thể có được nhằm giúp cải thiện cuộc sống nội tâm của mình: đấy là sự tu sửa tâm linh
 
 
 

3. Hội hợp giả tất biệt ly


(Tạm dịch: Tụ hợp thì tất sẽ có biệt ly)

Những mối quan hệ yêu đương hay bạn bè, người thân như Lục thân (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em) có lúc ở bên nhau đấy nhưng không sớm thì muộn cũng phải rời xa nhau. 

Cuộc sống này không hàm chứa một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của vô số nguyên nhân và điều kiện đã tạo tác ra chúng. Chúng không sinh ra để mà tồn tại, chẳng qua cũng vì chúng luôn biến đổi trong từng giây phút một. Vì thế quý vị không nên nắm bắt bất cứ một thứ gì cả.
 

4. Cường kiện giả tất quy tử


(Tạm dịch: Khỏe mạnh đến mấy thì cũng không thoát được cái chết)

Theo Lời phật dạy, cơ thể của chúng ta cũng như những thứ khác cuối cùng rồi cũng sẽ tan biến, nhưng tiếc thay chúng ta lại thường hay quên đi điều ấy, chẳng qua là vì chúng ta bám víu vào thân xác mình một cách quá đáng. Đối với một số người mỗi khi nghĩ đến sự thật ấy thì họ cảm thấy khổ đau vô ngần. 
 
Cho nên, cho dù là ai đi nữa đều phải sử dụng chính xác từng giây phút khi còn sống thì sống cũng an bình mà chết cũng an bình giống như Khổng Tử đã nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ!” (Tạm dịch: Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết cũng được) 
 
Cuối cùng, Phật Thích Ca Mâu Ni nói 4 câu kệ (Kệ là chỉ bài thơ của Phật): “Thường giả giai tẫn, cao giả diệc đọa, hợp hội hữu ly, sinh giả tất tử". (Tạm dịch: Điều gì cũng có tận cùng, cao rồi cũng rơi xuống thấp, hợp rồi sẽ có ly, sống ắt sẽ có chết). 
 
 Lời Phật dạy về vô thường phải dành cả đời để chiêm nghiệm và thấu tỏ

Bài học rút ra khi hiểu ý nghĩa của vô thường


Thông qua những lời Phật dạy về vô thường giúp chúng ta nhận ra rằng sự sống có giới hạn thì phải chăng con người ta khi sống nên có một chút ý nghĩa. Cuộc đời này sao lại sống phí hoài bởi những phiền não? Bạn ước mong gì? Bạn thực sự muốn gì? Hãy thực hiện ngay đi thôi!

Hiểu về vô thường để chúng ta phải suy niệm rằng mọi sự sẽ không tồn tại như nó là mà sẽ biến đổi trong từng giây phút. Không chỉ bản thân ta mà ngay cả các hiện tượng lớn của thế giới cũng vô thường. 

Qua đó, chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào xác thân này mà làm khổ luỵ cho nhau.

Sau khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai.
 
Thế gian này không có gì là mất hẳn dù là hạt bụi, hạt cát, chúng chỉ thay hình đổi dạng. Hiểu được lý vô thường để mọi người chúng ta sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều thiện lành, tốt đẹp, luôn sống có ích cho mình và người trong hiện tại và mai sau.
 
Hiểu rõ thế gian là vô thường để chúng ta bớt vướng mắc, không trôi theo mê lầm và tích cực sống vươn lên chứ không tiêu cực buông xuôi theo nó. Phải luôn chộp lấy thời cơ hoàng kim để tiến lên. 
 
Vậy, tất cả thế gian là vô thường không có gì bền chắc, không có gì để nắm bắt, chấp chặt, thấy được như vậy thì cuộc sống chúng ta cởi mở và gần với nhau hơn. Biết cuộc đời vô thường thì bớt làm khổ nhau.
 
Nếu muốn được sống với một tâm thức an bình trong những giây phút cuối cùng trước khi lìa đời thì người tu tập phải chuẩn bị suốt cả đời mình, và ngay trong những giây phút cuối cùng ấy phải tập trung tâm thức hướng vào một cảm tính nhân từ thật sâu xa, hoặc hướng vào mối dây tình cảm giữa người thầy và môn đệ, hoặc là vào Tánh Không và Vô Thường, hầu giúp mình tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. 

Minh Minh (Tổng hợp)