Ngày Gia đình, cùng ngẫm lời Phật dạy về tình cảm gia đình

Thứ Tư, 28/06/2017 10:57 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Gia đình là nơi yêu thương bắt đầu và không bao giờ kết thúc. Nhân ngày Gia đình Việt Nam, hãy cùng tĩnh tâm lắng nghe lời Phật dạy về tình cảm gia đình để trân trọng hơn mái ấm gia đình.
>>> Hãy lắng nghe Lời Phật dạy về gia đình: Càng hiểu càng nâng niu, trân trọng để tìm ra giá trị sống đích thực cho mình <<<

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình, là dịp để mọi người quan tâm và yêu thương nhau nhiều hơn, gửi tới nhau những lời chúc tốt lành, nguyện cầu hạnh phúc. 
 
Gia đình là một tế bào của xã hội, nhưng bản thân gia đình cũng được coi như một xã hội thu nhỏ. Đạo đức trong gia đình được coi là điểm khởi đầu cho đạo đức trong xã hội. Gia đình có tốt đẹp, có hạnh phúc, vợ chồng có yêu thương tương kính lẫn nhau, cha mẹ có quan tâm chăm sóc con cái, con cái có hiếu thuận, thương yêu cha mẹ… tất cả những điều đó đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự phồn vinh, văn minh của xã hội.

 
 
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, hãy dành một phút tĩnh tâm, lắng nghe lời Phật dạy về tình cảm gia đình, về quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, giữ cho gia đình mình được sống mãi trong mái ấm của hạnh phúc.
 

1. Lời Phật dạy về tình cảm vợ chồng

 
Lật lại kinh thư, trong sách kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật đã căn dặn rất kĩ về bổn phận của cả vợ và chồng.
 
Vợ thờ chồng có năm việc:
 
- Một, chồng đi đâu về, vợ phải đứng dậy nghênh tiếp, đón chào.
 
- Hai, chồng ra ngoài làm việc, vợ ở nhà quán xuyến việc gia đình, nấu nướng quét dọn, chờ chồng về cùng chung hưởng.
 
- Ba, giữ lòng trinh tiết, không được sinh ý tà dâm với người khác, chồng có trách mắng cũng không được cãi lời.
 
- Bốn, làm theo lời chồng răn dạy, nhặt được vật gì cũng không được che giấu.
 
- Năm, khi chồng ngủ nghỉ, phải sắp xếp nhà cửa, lo việc xong xuôi rồi mới ngủ.


 
 
Chồng đối với vợ cũng phải làm tròn 5 điều sau:
 
- Một, đi đâu làm gì phải cho vợ biết.
 
- Hai, chăm lo kinh tế gia đình, cung cấp áo quần cho vợ.
 
- Ba, cung cấp vàng bạc châu báu, tiền của.
 
- Bốn, những vật trong nhà ít nhiều đều phải giao phó cho vợ.
 
- Năm, giữ lòng chung thủy, không được ngoại tình, không được nuôi dưỡng, chuyển tài sản cho người khác.
 
Theo quan điểm hiện đại ngày nay, có thể mối quan hệ nam nữ bình đẳng khiến những điều trên phần nào đấy không còn đúng hoàn toàn, nhưng nhìn chung, nếu vợ chồng giữ được mối quan hệ hài hòa, luôn nghĩ về nhau, yêu thương và làm tròn bổn phận của mình như lời Phật dạy thì hạnh phúc gia đình chắc chắn sẽ được bền lâu. 
 

2. Lời Phật dạy về tình cảm cha mẹ - con cái

 

Cha mẹ đối với con cái

 
Phật dạy rằng, cha mẹ sinh con không phải để thỏa mãn dục tính mà là để thể hiện tình yêu thương tiếp nối với một phần máu mủ ruột rà. Cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái, giữ cho sợi dây huyết thống được bền chặt dài lâu.
 
Xem sách kinh, Đức Phật luôn nhấn mạnh đến nhân cách đạo đức trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ phải có trách nhiệm yêu thương và nuôi dạy con cái thành người, sống có đạo đức và giúp ích cho xã hội. Cụ thể, bổn phận của cha mẹ đối với con cái được gói gọn qua năm điều sau, là năm món của cải vô giá mà cha mẹ nhất định phải truyền lại cho con cái:
 
- Một, thương yêu con cái, nuôi dạy con lớn về thể chất, trưởng thành về đạo đức tinh thần.
 
- Hai, cung cấp đầy đủ cho con cái cả về vật chất và tinh thần, lo cho con đủ điều kiện để phát triển, quan tâm động viên để giúp con vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
 
- Ba, tạo dựng nghề nghiệp chân chính cho con, hướng cho con sống tự lập và có ích cho xã hội.
 
- Bốn, tìm nơi chốn xứng đáng cho con dựng vợ gả chồng, tôn trọng ý kiến của con, cho con quyền lựa chọn nhân duyên, cha mẹ đóng vai trò hướng dẫn và chỉ bảo để con có quyết định đúng đắn.
 
- Năm, cha mẹ có của cải vừa ý thì trao lại cho con, công bằng trong chuyện lập di chúc và phân chia tài sản, tránh để con cái vì của cải mà tranh giành mất tình anh em.


 
 

Con cái đối với cha mẹ

 
Kinh Báo hiếu Đức Phật răn rằng: “Ví có người ơn sâu dốc trả, cõng mẹ cha tất cả hai vai, giáp vòng hòn núi Tu-di, đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền.” Công cha nghĩa mẹ bao la như trời bể, sự sống mà ta đang có là do cha mẹ ban cho, ta đã mang ơn, thọ ơn trong nhiều kiếp, hiếu thảo với cha mẹ là cách cải thiện số mệnh tốt nhất. Đức Phật thường nói rằng, sở dĩ ta tu hành thành Phật là nhờ công ơn cha mẹ, nếu không có cha sinh mẹ dưỡng thì sao ngày hôm nay ta tu được thành Phật. Bổn phận của con cái với cha mẹ của Đức Phật nằm trong năm điều sau:
 
- Một, nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, lo cho cha mẹ về sức khỏe và tinh thần luôn được an vui.
 
- Hai, thay thế cha mẹ gách vác công việc nặng nhọc, để cha mẹ được an tâm nghỉ ngơi.
 
- Ba, giữ gìn truyền thống gia phong, tiếp nối đạo đức gia đình.
 
- Bốn, bảo vệ tài sản được kế thừa từ cha mẹ, giữ gìn gia tài được cha mẹ làm ra bằng mồ hôi nước mắt.
 
- Năm, khuyến khích cha mẹ hướng thiện và quy hướng về Tam Bảo, để cha mẹ được hưởng phúc tâm linh.

Xem thêm bài viết:
Lời Phật dạy về cha mẹ và con cái: Bỏ qua là tự rước họa vào thân
Theo Lời Phật dạy về cha mẹ và con cái, tùy theo điều kiện của mình, chúng ta lo cho cha mẹ sao cho tinh thần yên vui, cuộc sống đầy đủ. Phật dạy: “Nếu nam nữ
 

3. Lời Phật dạy về tình anh em

 
“Anh em như thể tay chân”, các cụ xưa đã nói như vậy về tình anh em trong nhà. Là những người cùng chung dòng máu, được cha mẹ cùng dứt ruột đẻ ra, theo truyền thống dân tộc Việt Nam, anh em trong nhà phải thương yêu và quý trọng lẫn nhau. Đức Phật dù rời bỏ gia đình và cứu độ chúng sinh nhưng vẫn không quên quan tâm, chăm sóc cha mẹ, anh em trong họ tộc.


 
 
Với Phật giáo, để giữ được tình cảm anh em luôn gắn kết, chúng ta cần làm được năm điều sau:
 
- Một, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
 
- Hai, tương kính, nhường nhịn và sẻ chia.
 
- Ba, giữ vững nếp nhà, gìn giữ truyền thống gia phong.
 
- Bốn, sống tự lập tự chủ, không ỷ lại vào người khác.
 
- Năm, quan tâm chăm sóc, thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau.
 
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, Lịch ngày tốt có vài lời trên, đúc rút lại lời Phật dạy về tình cảm gia đình, mong cho các gia đình chúng ta luôn hạnh phúc thuận hòa, yêu thương gắn bó dài lâu.