Thứ Hai, 06/05/2019 10:08 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lời Phật dạy về lòng lương thiện giúp bạn mỗi ngày hãy tự nhủ với mình, ta đi đường khó nhưng là đường đúng, ta sống lương thiện vì đó là bản chất của ta, không phải vì cố gắng.
>>> Đừng bỏ lỡ: Lời Phật dạy về đạo làm người: Đừng nản chí vì đó là việc cả đời <<<
Lòng lương thiện của Phật từ những việc nhỏ nhoi
Vị vương tử tên là Bồ Đề đã xây một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ, vốn có lòng cực kỳ ngưỡng mộ Phật nên ông rất muốn Đức Phật đầy tôn kính là người đầu tiên bước chân vào nhà mình.
Bồ Đề vương tử thỉnh Đức Thế Tôn đến nhà và ông rất vui khi Ngài nhận lời. Ông cùng mọi người trong nhà tất bật chuẩn bị mọi thứ để nghênh đón và đặc biệt cho trải một tấm vải trắng từ trong nhà xuống tới tam cấp, ra thẳng tới cổng để thể hiện lòng thành kính.
Khi Đức Phật cùng thánh đệ tử đến, ông thỉnh Phật hãy đặt chân lên tấm vải trắng này và bước vào tòa lâu đài để ban phước báu.
Thế nhưng trong con mắt ngỡ ngàng của ông, Ngài chỉ im lặng và đứng tại chỗ. Bồ Đề vương tử tiếp tục thỉnh nữa, Đức Phật vẫn im lặng, rồi lần thứ ba cũng lại như thế.
Lúc đó, đức A Nan hiểu được ý của Đức Phật, bèn nói: “Đức Thế Tôn không thể để chân mình bước lên tấm vải trắng vì Đức Thế Tôn đang nghĩ đến người nghèo”.
Bồ Đề vương tử nghe xong đã hiểu ra nên sai người vội cuốn tấm vải trắng đó lên. Lúc đó Đức Thế Tôn mới đi vào tòa lâu đài.
Sở dĩ Đức Phật không bước lên tấm vải trắng tinh mà Bồ Đề vương tử trải là vì Ngài nghĩ đến người nghèo khổ không có quần áo lành lặn mà ăn mặc. Đây chỉ là một trong vô số câu chuyện về tấm lòng lương thiện của Đức Phật.
Theo Đạo Phật, lương thiện cũng là một loại trí tuệ, hơn nữa còn là trí tuệ đỉnh cao bởi để thiện thì cần có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. Vì thế, làm người khó nhất không phải là giàu có, thành công, nổi danh mà khó nhất là lương thiện.
Lời Phật dạy về lòng lương thiện
1: Khi có người sỉ nhục bạn, hãy coi đó là tích phúc
Dù bạn có cãi lại và thắng cuộc thì cùng chẳng mang lại ích lợi gì. Có câu “Thanh giả tự thanh” việc đúng đắn trước sau vẫn là việc đúng đắn, lời nói đúng không cần bàn cãi đến cuối vẫn tự mình chứng minh được.
Đó là chưa kể việc tranh cãi làm mất tu dưỡng, tạo khẩu nghiệp, trong lúc cãi vã có thể nảy sinh lòng sân hận, sự thù ghét, kết khẩu nghiệp, mất đi tính đúng đắn của lời nói. Phản đối lời nói sai trái, nói lời đúng, đứng về phe lẽ phải. Đó mới là lẽ hiểu biết, thể hiện sự lương thiện trong con người.
2: Luôn làm việc thiện
Nếu bản thân đã nghèo rồi mà còn ích kỷ, không bố thí và giúp đỡ cho những người khốn khổ hơn mình, thì cuộc đời của người đó cũng chẳng thể nào khá lên được.
3: Tu khẩu
Lời Phật dạy về khẩu nghiệp đã chỉ ra rằng, lời nói có tính sát thương cao. Vinh hoa phú quý cũng sẽ mất dần nếu phạm phải khẩu nghiệp.
Có một người có khả năng tranh biện và anh ta thường thắng trong các cuộc tranh biện. Lúc đó, anh ta nghĩ rằng đó là tài năng của anh ta. Anh ta không suy nghĩ một cách cẩn thận về mối quan hệ giữa tranh biện và vấn đề phân biệt thiện ác.
Sau này, anh ta gặp một số người tu luyện, những người nhẫn nhịn không tranh biện, và có một cảnh giới tư tưởng khác biệt. Lúc ấy anh ta mới nhận ra sự khác biệt to lớn giữa hai loại người.
Để tu khẩu, đầu tiên phải chú ý trong lời nói là tránh không nói những điều to tát và nói khoác lác. Không nên chỉ trích người khác, lấy thiện đãi người, gặp điều không hay thì nhẫn nhịn không tranh biện. Đây là những điều mà bậc chính nhân quân tử làm.
Cuối cùng là nên nói ít làm nhiều thì sẽ tránh được khẩu nghiệp.
4: Hạn chế sát sinh
Sát sinh gây tổn hại phước báu nhưng việc này không dễ, nhưng nếu hạn chế được sát sinh, tức là ta đang tích đức cho mình. Sát sinh được xem là tội ác lớn nhất trên đời, bởi mọi sinh vật đều có quyền được sống, được tồn tại, phát triển, sinh sôi. Ta chặn quyền sống của sinh vật, cũng chính là đang gây điều ác.
Lòng lương thiện không cho phép chúng ta thờ ơ trước đau đớn hay cái chết của sinh vật khác.
5: Hóa giải hận thù
Người đang gây thù hận với bạn thực ra là đang giúp bạn hóa giải tội lỗi mà chính bạn đã gây ra trong quá khứ nếu bạn biết tỏ thái độ bình tĩnh, thấu hiểu.
Làm người lương thiện là cách hay nhất hóa giải những muộn phiền trong đời. Sống lương thiện là cách sống dễ nhất nhưng cũng là khó nhất, người lương thiện là người thiệt thòi nhất nhưng cũng hưởng nhiều phúc báo nhất.
Phật dạy làm người quan trọng nhất là có “tâm”, tâm ấy không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh. Người đã đi tới đường cùng, không nên dồn ép, người đã thấy được cái sai không nên vạch mặt, người đã nhận ra lỗi lầm không nên hạch sách. Hãy cho họ cơ hội chuộc lỗi, sửa sai cũng là cách làm một người lương thiện.
Đời người rồi ai cũng có cái khó của riêng mình, hãy cảm thông với mọi người.
Phật dạy làm người: Lương thiện là việc không cần cố gắng. Hãy học cách tự biến mình thành người lương thiện, hoặc ít ra là giữ vững sự lương thiện vốn có. Bởi vì bản tính sẽ quyết định thái độ, mà thái độ sẽ giúp ta thay đổi cuộc đời.
Một người chỉ có bồi dưỡng đầy đủ đạo đức tốt đẹp, nhân ái, thiện lương, mang trong mình lòng biết ơn thì người ấy mới tràn ngập dòng năng lượng thuần chính. Khi thân thể tràn ngập trường năng lượng thuần chính thì sẽ hấp thụ những thứ tốt đẹp, thuần chính.
Nghe
lời Phật dạy về lòng lương thiện, nhất định phải nhớ những này để việc làm tích đức hành thiện, bạn sẽ trút được muộn phiền, cả đời bạn sẽ được phúc báo.
Đức Phật cũng đã giảng rõ tác dụng mà tâm từ bi sẽ mang lại cho chúng ta:
Người ấy ngủ ngon giấc.
Người ấy thức giấc tươi tỉnh.
Người ấy ngủ không thấy giấc mơ xấu.
Người ấy được những người khác yêu mến.
Người ấy được các chúng sinh khác yêu mến.
Chư thiên (Devā) bảo vệ người ấy.
Lửa, chất độc, và gươm không thể hại người ấy.
Tâm người ấy có thể tập trung rất nhanh.
Sắc mặt của người ấy sáng sủa.
Người ấy chết với tâm thanh thản.
Minh Minh (Tổng hợp)