(Lichngaytot.com) Thống kê sơ bộ thiệt hại của bão số 4: 1 người chết, 78 nhà dân bị tốc mái, mưa to, gió lớn đã khiến nhiều tàu gặp sự cố,...
Sáng nay (30/8), bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 07 giờ
ngày 30/8, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên khu vực trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 06 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và tan dần.
Tình hình mưa lớn, lũ, lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi trong các bản tin tiếp theo.
1. Thống kê sơ bộ thiệt hại của bão số 4
Một người chết, 78 nhà dân bị tốc mái
Thiệt hại nghiêm trọng nhất về người do bão số 4 ghi nhận được tại Hà Nội, khi mưa dông, gió lốc vào chiều tối 29/8 đã khiến 1 nam thanh niên sinh năm 1993, thường trú tại quận Bắc Từ Liêm bị cây đổ, đè chết khi đang đi trên đường ven Hồ Tây.
Ngoài ra, tại Nghệ An, giông lốc tại huyện Anh Sơn đã làm 37 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tại Hà Tĩnh, giông lốc xảy ra tại thị xã Kỳ Anh đã làm tốc mái 41 nhà (trong đó: 12 nhà tốc mái hoàn toàn, 2 nhà sập đổ) và 11 cột điện gãy đổ.
Đáng lưu ý, hiện tại khu vực Trung Bộ vẫn còn hàng vạn héc-ta lúa chưa thu hoạch, có khả năng chịu ảnh hưởng của mưa sau hoàn lưu bão số 4. Cụ thể, Nghệ An: đã thu hoạch 42.000 ha, còn lại 20.472 ha. Hà Tĩnh: Đã thu hoạch 29.040 ha, còn lại 14.482 ha. Quảng Bình: đã thu hoạch 12.519 ha, còn lại 1.170 ha. Quảng Trị: Đã thu hoạch 17.000 ha, còn lại 5.500 ha.
2 tàu vẫn đang mất liên lạc
Theo đó, hiện chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại về người của ngư dân hoạt động trên các vùng biển, tuy nhiên, bão số 4 gây mưa to, gió lớn đã khiến nhiều tàu gặp sự cố.
Cụ thể, tàu QB 98799 TS của Quảng Bình bị chìm khi đang được lai dắt về bến, 2 thuyền viên trên tàu đã được đưa về bờ an toàn. Đối với tàu cá Bình Định BĐ 94204 TS/02 LĐ bị chết máy, thả trôi: Thuyền trưởng đã đề nghị hỗ trợ, biên phòng Bình Định phối hợp biên phòng Thừa Thiên Huế thông báo cho các phương tiện hoạt động xung quanh khu vực để hỗ trợ.
Đối với tàu vận tải Thái Thụy 88 chở than từ Quảng Ninh đi Cần Thơ bị hỏng máy giáp gianh địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các thuyền viên đã được đưa vào bờ.
Đặc biệt, 2 tàu Bình Định (BĐ 92028 TS/12 lao động và BĐ 35308 TS/2 lao động) đang bị mất liên lạc: Hiện biên phòng Quảng Bình và Bình Định đang phối hợp với gia đình chủ tàu tìm kiếm thông tin liên lạc.
Xả tràn nhiều hồ chứa thoát lũ
Mưa lớn đã khiến mực nước nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi tăng cao khiến nhiều hồ phải tiến hành xả tràn. Cụ thể, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 107 hồ; trong đó có 2 hồ tại khu vực Bắc Bộ đang xả tràn là: Ngòi Phát: 80 m3/s; Mường Hum: 128m3/s.
Khu vực Tây Nguyên có 68 hồ; trong đó có 9 hồ đang xả tràn gồm: Sê San 4A: 25m3/s; Đăm Bri: 36m3/s; Ia Grai 2: 123 m3/s; Ia Grai 3: 110m3/s; Đrâyhlinh 1: 95m3/s; Đasiat: 30m3/s; Ia Đăng 3: 15m3/s; Ia Grai 1: 98m3/s; Bảo Lộc: 121m3/s.
Đối với các hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Bộ ở mức 65 - 75% dung tích. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 30 - 50% dung tích. Các hồ khu vực Tây Nguyên ở mức 65 - 80% dung tích. Hiện, có 4 hồ đang vận hành xả tràn là Yên Lập (Quảng Ninh): 51m3/s; Vực Mấu (Nghệ An): 33m3/s; Ia Mơr (Gia Lai): 10m3/s; Ea Soup thượng (Đắk Lắk): 30m3/s.
Đặc biệt có 175 hồ hư hỏng và 80 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn khi có lũ.
2. Thiêt hại của bão số 4 ở trên biển nghiêm trọng hơn trên đất liền
Đến 6h sáng 30-8, Bộ Quốc phòng đã điều 4 tàu ra cứu được 60 người trên biển. Bộ Quốc phòng đang điều 6 tàu ra tìm kiếm cứu nạn 4 tàu với 27 người còn đang trên biển.
Trung tá Đỗ Duy Phương, đại diện Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết như vậy tại cuộc họp ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 4 do ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 30-8.
Theo trung tá Phương, bão diễn biến nhanh hơn dự báo của trung tâm khí tượng, dự báo đêm nay (30-8) mới vào nhưng thực tế đã vào từ sáng sớm.
Qua báo cáo về thiệt hại ban đầu, trung tá Phương nhận định bão số 4 thiệt hại trên đất liền nhỏ nhưng trên biển rất lớn.
Trung tá Đỗ Duy Phương, đại diện Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: CHÍ TUỆ
Đến 6h sáng nay, Bộ Quốc phòng đã điều 4 tàu cứu được 60 người, hiện trên biển còn 4 tàu với 27 người cần hỗ trợ. Hiện Bộ Quốc phòng đang điều 6 tàu tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường.
Về công tác tìm kiếm 10 thuyền viên trên tàu Thái Thị 88, đến sáng nay các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm nhưng chưa xác định và tiếp cận được vị trí của 10 thuyền viên đang trôi dạt trên phao cứu sinh.
Trước thiệt hại trên, trung tá Phương cho rằng cần xem lại công tác kêu gọi tàu, kiểm đếm thuyền của địa phương "có thực chất hay không".
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng thực hiện nghiêm túc và tích cực việc này. Vì vậy, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cũng cần nhắc nhở các địa phương làm tốt hơn.
Trung tá Đỗ Duy Phương nhận định nguyên nhân khách quan một phần là do cơn bão đi quá nhanh nên các phương tiện có thể đủng đỉnh. "Cũng phải xem lại công tác dự báo, chúng tôi bất ngờ, nâng cấp trực vừa xong lại xuống cấp trực", đại diện Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trao đổi.
3. Mưa sẽ còn tiếp diễn đến ngày 2/9
Dự báo thời tiết, dù bão số 4 đã đi vào đất liền và suy yếu, tuy nhiên, hoàn lưu sau bão sẽ tiếp tục gây mưa tại nhiều tỉnh, thành phố.
Cụ thể, ngày 30/8, ở các tỉnh Trung Bộ còn có mưa vừa, mưa to (40 - 80mm/12h), từ đêm nay mưa giảm nhanh. Từ nay đến ngày 2/9, ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to (100 - 200mm/đợt), riêng các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ mưa rất to (200 - 300mm/đợt). Từ nay đến 1/9, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (50 - 150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn và còn diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị các bộ ngành, địa phương: Trước mắt, tập trung khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là tại Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tiếp tục cứu hộ, cứu nạn các tàu bị sự cố, đặc biệt cần tập trung thực hiện xác minh, liên hệ với 2 tàu của Bình Định đang bị mất liên lạc.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão; đề phòng lũ quét, sạt lở đất và chủ động tiêu nước đệm cho các khu vực có nguy cơ bị ngập úng. Kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu. Duy trì công tác trực ban nghiêm túc để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.
TH