Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức báo động, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân thủ đô

Thứ Tư, 28/08/2019 15:20 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày vừa qua đang ở mức báo động, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe của người dân thủ đô.
 

1. Hiện trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội

 

1.1. Mức độ ô nhiễm cao gấp 2-4 lần bình thường

 
o nhiem khong khi tai Ha Noi  1
 
Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí (AQI) được chia làm 5 mức, tức 0-50 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 51 - 100 là mức trung bình. Từ 101 – 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 – 300 là xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài. 
 
Nếu thang AQI vượt quá 300 là mức nguy hại, cảnh báo sức khoẻ khẩn cấp, mọi người nên ở trong nhà. Ngày 30/1/2019, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan từng đóng cửa 437 trường học vì chỉ số AQI lên hơn 170.
 
Khoảng 3 ngày trở lại đây, kết quả trên ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội đồng loạt báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên mức 190, gấp 2-4 lần mức tốt và trung bình. 
 
Vào 9h38 phút sáng ngày 25/8/2019, đã qua giờ cao điểm ô nhiễm buổi sáng nhưng chỉ số AQI tại tất cả các điểm đo ở Hà Nội đều trên 150; Điểm đo ở Time City lên tới 177; tại Học viện Bưu chính Viễn thông AQI hơn 170, tại Học viện Tài chính là 174, tại Trung Hòa là 164.
 

1.2. Nồng độ bụi mịn ở mức đáng báo động
 

o nhiem khong khi tai Ha Noi  2
 
Theo kết quả của tổ chức AirVisual, Hà Nội có nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở mức 40,8 μg/m3, là thành phố ô nhiễm thứ hai ở Đông Nam Á, sau Jakarta 45,3 μg/m3.
 
Nói thêm về bụi mịn PM 2.5, đây là những hạt bụi, hóa chất siêu nhỏ, có kích thước đường kính từ 2,5 micromet trở xuống, có khả năng xâm nhập vào tĩnh mạch phổi, túi phổi thông qua hoạt động hít thở từ đó gây ra các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, tim mạch, đột quỵ, thậm chí còn làm tăng nguy cơ ung thư.
 
Mức an toàn mà tổ chức y thế giới WHO khuyến cáo là 0-12 μg/m3. Với nồng độ bụi mịn 40,8 μg/m3 thành phố Hà Nội đang bị xếp hạng mức cảnh báo màu vàng, được cho là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhóm người đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ.

Có thể bạn quan tâm: Những cấm kị phong thủy ảnh hưởng đến sức khỏe
 

2. Tác hại của ô nhiễm không khí

 
o nhiem khong khi tai Ha Noi 3
 
Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20% ở trẻ em. Với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm tỷ lệ PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới cứ 10 người sẽ có 9 người đang hít phải nguồn không khí ô nhiễm mỗi ngày, nguy hiểm hơn là tình trạng này chính là nguyên nhân âm thầm giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm.
 
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà hay ngoài trời, đang là mối đe dọa kinh hoàng với trẻ em dưới 15 tuổi. Tổ chức y tế thế giới WHO ước tính trên thế giới có khoảng 600 nghìn trẻ chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm. Dữ liệu từ ủy ban sức khỏe Liên Hiệp quốc cho thấy, hàng ngày 93% số trẻ nhỏ dưới 15 tuổi trên thế giới tương đương 1,8 tỷ trẻ trong đó 630 triệu trẻ dưới 5 tuổi đang hít vào không khí bị ô nhiễm nặng.
 
Trẻ em ở các quốc gia nghèo khó gặp nguy cơ lớn hơn do tiếp xúc trực tiếp ở mức cao với không khí độc hại vượt quá mức cho phép của WHO. 
 

3. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội

 
o nhiem khong khi tai Ha Noi  4
 
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đánh giá, từ đầu tuần đến nay, chất lượng không khí ở Hà Nội kém có thể do cùng lúc kết hợp nhiều yếu tố.
 
Trong đó có điều kiện khí hậu không thuận lợi, gió lặng, có thể xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến khói bụi, chất ô nhiễm không khuếch tán lên được, bị giữ lại ở tầng thấp càng làm không khí ô nhiễm trầm trọng.
 
Theo TS Tùng, khi nói đến chất lượng không khí, người ta quan tâm hàng đầu đến bụi mịn (PM2.5). Đây là những hạt bụi siêu nhỏ, có kích cỡ nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, có thể theo đường thở vào cơ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
 
Tại Hà Nội, hiện chỉ số PM2.5 đang cao hơn mức bình thường, còn các chỉ số ô nhiễm khác về không khí như khí CO, NO2, SO2, O3... vẫn ở ngưỡng cho phép.
 
Về nguyên nhân hình thành bụi mịn, TS Tùng cho biết có tới 60-70% do các phương tiện giao thông, còn lại do quản lý các công trình xây dựng không tốt, bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác.
 
Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là yếu tố tác động dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà ở tại Hà Nội. 
 
Tương đương với ô nhiễm ngoài trời, hàm lượng bụi siêu mịn trong nhà bằng khoảng một nửa so với ngoài trời, tùy thuộc vào địa điểm. 
 
Hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ em nên nguy cơ phơi nhiễm do ô nhiễm không khí rất cao.
 
Bên cạnh nguyên nhân do bụi từ bên ngoài, bụi trong nhà còn phát sinh từ các hoạt động của gia đình, đặc biệt là hoạt động nấu ăn.
 
Các số liệu báo cao cho thấy thực trạng ô nhiễm không khí trong nhà cần được quan tâm hơn. Đây là vấn đề được các quốc gia phát triển rất chú trọng song Việt Nam chưa quan tâm. Trong khi đó, thời gian mọi người ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời.
 
Vì vậy cần chương trình nghiên cứu tổng thể, bài bản để làm rõ nguồn gây ô nhiễm, mức độ gây ô nhiễm trong nhà tại Việt Nam để mọi người có thể biết và giảm thiểu tình trạng này.

Xem thêm: Cơn bão số 4: Tin bão khẩn cấp với sức gió giật cấp 12
 
 

4. Giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như các địa phương khác


o nhiem khong khi tai Ha Noi  5
 

4.1. Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí PAMAir để chủ động trong việc phòng tránh

 
PAMAir- ứng dụng quan trắc chất lượng không khí đã phát triển mạng lưới phủ khắp nhiều địa phương trên toàn quốc. 
 
Tính đến hiện tại, các trạm cảm biến đo chất lượng không khí được đặt tại Hà Nội (với hơn 30 điểm đo), các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng. Tại miền Trung có các điểm đo ở thành phố Vinh (Nghệ An), Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Tại miền Nam có nhiều điểm đo ở TPHCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ và Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang). 
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, Hà Nội đang xây dựng thêm 80 trạm quan trắc ở TP để đo độ ô nhiễm không khí. Ngoài ra, Thủ tướng, Bộ TN&MT cũng rất quyết liệt trong vấn đề này.
 
Người dân có thể truy cập vào ứng dụng để biết thực trạng ô nhiễm nơi mình sống và có biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình.
 

4.2. Trang bị đồ bảo hộ khi đi ra đường

 
Việc ra đường mà không có đồ bảo vệ như khẩu trang, kính mắt, áo chống nắng... sẽ khiến bạn vô tình hít phải lượng khói bụi độc hại vào người. Khi tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý về đường hô hấp, tim, phổi...
 
Do đó, hãy luôn trang bị cho mình những đồ bảo hộ cần thiết khi đi ra ngoài để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân.
 

4.3. Ban hành chính sách riêng để bảo vệ không khí

 
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, các chuyên gia môi trường kiến nghị ban hành chính sách riêng để bảo vệ, kiểm soát chất lượng không khí tốt hơn.
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, Thủ tướng, Bộ TN&MT cũng rất quyết liệt trong vấn đề này.
 
“Bộ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP rất quyết tâm di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi Hà Nội. Thủ tướng cũng ban hành quyết định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô do đó hạn chế tối đa việc xả thải của các phương tiện giao thông…”, ông Nhân thông tin.
 

4.4. Học ngay công thức detox sau để thải độc phổi hiệu quả và hạn chế nguy cơ ô nhiễm gây hại sức khỏe lâu dài

 
Nguyên liệu chuẩn bị:
 
- 1 lõi dứa (thịt dứa cũng được nhưng phần lõi sẽ hiệu quả hơn).
 
- 3 cọng rau cần tây (loại càng xanh càng tốt).
 
- 2 củ cà rốt.
 
- 1 ít rau mùi.
 
- 1 củ gừng (đã gọt vỏ).
 
Cách thực hiện nước detox thải độc phổi:
 
Rửa sạch các nguyên liệu bên trên, sau đó dùng máy ép hoặc xay sinh tố tất cả các loại thực phẩm vào với nhau và uống khi bụng rỗng để đạt được hiệu quả cao hơn.
 
Lợi ích của từng thành phần đối với sức khỏe của phổi:
 
- Các enzyme trong dứa được gọi là bromelain (có nhiều nhất trong phần lõi) sẽ giúp bảo vệ phổi bằng cách làm dịu những mô phổi bị viêm và loại bỏ chất nhầy để thải độc tự nhiên cho phổi. Đặc biệt, nếu sử dụng chung với gừng thì hiệu quả này càng tăng cao đáng kể.
 
- Cần tây: Chứa nguồn natri hữu cơ phong phú giúp loại bỏ hiệu quả carbon dioxide khỏi cơ thể. Việc giữ cân bằng natri và magiê được cho là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giải độc phổi nói riêng cũng như toàn cơ thể nói chung.
 
- Cà rốt có nhiều vitamin A, C và một loạt các chất chống oxy hóa lành mạnh như lycopene, giúp cải thiện sức khỏe phổi và giảm nguy cơ mắc bệnh phổi. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng, chỉ cần một vài củ cà rốt trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn có thể làm giảm 50% khả năng ung thư phổi.
 
- Rau mùi từ lâu đã được biết đến như một loại thực phẩm giúp hỗ trợ cơ thể loại bỏ kim loại nặng, sự tích tụ độc tố có liên quan đến bệnh phổi. Các hợp chất hóa học được tìm thấy trong rau mùi giúp làm loãng các kim loại độc hại từ những mô phổi hiệu quả.
 
- Gừng: Không chỉ giúp phòng chống các bệnh ác tính mà còn giúp phá vỡ và loại bỏ chất nhầy, độc tố tích tụ trong phổi. Do đó, gừng cũng được xem là loại thực phẩm hữu hiệu trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm không khí và các chất kích thích khác ra khỏi phổi của bạn trước khi chúng gây hại cơ thể.
 
Ngoài công thức detox trên thì để thải độc phổi hiệu quả, bạn cũng có thể bổ sung thêm nhiều loại rau xanh, trái cây đa dạng khác, ví dụ như táo, bông cải xanh, trà xanh, nước cam, chanh… cùng các loại thực phẩm giàu vitamin A và C để sức đề kháng của cơ thể được tăng cường tốt hơn.

Chu Du (TH)
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X