(Lichngaytot.com) Theo thông tin cảnh báo lũ trên sông Bùi, mực nước sông đã tạm rút song vẫn ở mức báo động 3, cần tiếp tục theo dõi dự báo thời tiết những ngày tới.
Ông Tạ Quang Được, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết đến sáng 1/8, nước trên sông Bùi đã rút nhưng vẫn trên báo động 3 (7,28m/7). Hà Nội ngập lụt có phải do thủy điện xả lũ?
Hệ thống đê đã được đảm bảo an toàn, không có tuyến đê nào bị vỡ. Đặc biệt, huyện đã giữ được các tuyến đê xung yếu gồm: đê Trung Hoàng, đê Tả Bùi (xã Thanh Bình); đê Đồng Sờ (xã Hữu Văn); đê Đồng Dâu, đê bao vùng Thuần Lương (xã Hoàng Văn Thụ), đê Đầm Buộm (xã Trần Phú), đê Đồng Vàng (xã Đông Sơn), bờ kênh lái lũ Đồng Lạc-Khảm Lâm, Mỹ Đức.
Theo ông Tạ Quang Được, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại Chúc Sơn là 313mm; Hạ Dục 401mm; Trí Thủy 541mm; Đồng Sương 510mm (trung bình là 441,3mm).
Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt hồi 11 giờ ngày 30/7 là 7,5m, trên báo động 3 là 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m. Vì vậy, nước đã tràn vào nhà gần 3.000 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu là Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai); Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn (xã Nam Phương Tiến); xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xóm Khúc Bằng, thôn Việt An (xã Tân Tiến).
Các thôn Yên Trình, Thuần Lương (xã Hoàng Văn Thụ) bị cô lập.
Qua thống kê sơ bộ, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới do bão số 3 gây mưa đã làm 1.812 ha lúa và hoa màu bị ngập ủng, gần 340 con gia súc bị chết, 55.629 con gia cầm, thủy cầm bị chết. Nhiều nhà cửa bị đổ sập, nhiều đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng...
Hiện nay, huyện đã cơ bản bơm tiêu chống úng cứu được lúa và hoa màu khu vực được bảo vệ bởi đê tả Bùi, hữu Đáy. Huyện đảm bảo sơ tán an toàn 4.021 người của các xã Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai; di chuyển 5.503 con gia súc, 204.600 con gia cầm đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, chính quyền và các ngành chức năng cũng đảm bảo đời sống cho người dân khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập úng.
Người dân khu vực bị chia cắt được cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác...
Để đảm bảo an toàn cho bà con, huyện đã cho vận hành 16 trạm bơm tiêu (72 máy) để tiêu úng, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ của các xã, thị trấn và các lực lượng vũ trang tham gia.
Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung lực lượng, huy động vật tư tại chỗ; phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn xử lý chống tràn trên các tuyến đê và di chuyển người, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực ngập úng và sẵn sàng cứu nạn.
Ngành chức năng tiếp tục thống kê, tổng hợp sơ bộ, chính thức thiệt hại báo cáo về Ủy ban Nhân dân huyện, chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, đề xuất huyện hỗ trợ.
Theo dự báo thời tiết, mặc dù nước bắt đầu rút nhưng huyện vẫn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, ngập úng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chứa, công trình thủy lợi, kịp thời nắm bắt cảnh báo lũ và có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ tràn, vờ, lở.
Cùng với đó, huyện rà soát, chủ động triển khai phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng ngập úng khi có chủ trương; phương án sơ tán dân phải cụ thể, rõ ràng và phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân khi sơ tán đến địa điểm mới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Huyện triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác đảm bảo đời sống nhân dân tại các khu vực bị ngập úng; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, hàng hóa, vật tư thiết yếu cho nhân dân; thực hiện tốt công tác sơ cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân những khu vực bị ngập úng, chia cắt.
Theo VietnamPlus