Bão có thể "nuốt chửng" áp thấp nhiệt đới mới trên Biển Đông

Thứ Hai, 02/09/2019 21:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện trên Biển Đông có thể sáp nhập với bão số 5 (dự kiến hình thành từ áp thấp gần bờ) vào ngày 4/9.
 Ngày 2/9, hai áp thấp nhiệt đới đang hoạt động với một cơn ở gần bờ và một cơn nằm tại khu vực giữa Biển Đông. 
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều cùng ngày, áp thấp nhiệt đới gần bờ đã tiến vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió vùng gần tâm ở cấp 6-7, giật cấp 9. 
 
Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này được dự báo di chuyển theo hướng tây tây nam với vận tốc 10-15 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Ngày 3/9, vị trí tâm bão sẽ nằm trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, giật cấp 10. 
 
Dự báo hướng di chuyển của 2 áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông trong các ngày 2-4/9. Ảnh: NCHMF.
Những giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại theo hướng đông, vận tốc chỉ đạt 5-10 km/h. Chiều 3/9, tâm bão được dự đoán cách đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 150 km về phía đông bắc, giữ nguyên cường độ gió so với trước đó. 
 

Bão sẽ "nuốt chửng" áp thấp mới
 

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới gần bờ mạnh lên thành bão số 5 sẽ di chuyển với quỹ đạo khá đặc biệt do nhiều yếu tố tác động.
 
"Bão số 5 có thể đi vào vùng biển ngoài khơi khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Sau đó, bão di chuyển chậm lại, đổi hướng và đi ngược ra ngoài theo hướng đông bắc", ông Lâm nhận định.
 
Theo đó, sau khi tiến gần vào khu vực đất liền các tỉnh này, bão di chuyển theo đường "thắt nút" ngược trở ra. Đến chiều 4/9, tâm bão sẽ nằm trên vùng biển phía đông nam của đảo Hải Nam với cường độ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão số 5 nhiều khả năng không đi vào đất liền nước ta. 
 
Đài Khí tượng Hong Kong thu hẹp vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ với khu vực đất liền nước ta.
Cùng lúc, một cơn áp thấp nhiệt đới khác đang hoạt động trên khu vực giữa biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6, giật cấp 8 và có hướng di chuyển bắc tây bắc với vận tốc 10-15 km/h. Chiều 3/9, tâm áp thấp nhiệt đới này cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150 km về phía đông đông bắc, cường độ gió không đổi. 
 
Những giờ tiếp theo, áp thấp di chuyển chệch xuống phía nam, đi theo hướng tây bắc, vận tốc và cường độ gió giữ nguyên. Ngày 4/9, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa 180 km về phía bắc. 
 
Đến đây, áp thấp nhiệt đới này được dự báo có thể sáp nhập với bão số 5 đang hoạt động trên vùng biển phía đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc).
 
Trước đó trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sự tương tác của 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông thể hiện qua cơ chế cơn nào mạnh hơn sẽ chi phối hoạt động của cơn còn lại.
 
"Do đó, việc xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới mới chưa chắc ảnh hưởng xấu đến thời tiết khu vực biển và đất liền", ông Năng nhận định.
 
Hình ảnh mây vệ tinh cho thấy mưa lớn đang xuất hiện diện rộng tại khu vực Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa dông vài nơi. Ảnh: NCHMF.
 Hiện, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực phía nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định sẽ có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh cấp 6, vùng gần tâm mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển cao 3-4 mét.
 
Bên cạnh đó, gió mùa tây nam cũng đang hoạt động với cường độ mạnh dần lên, gây mưa rào và dông trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam Biển Đông. Các khu vực này hiện có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2-3 m.
 

Mưa lớn ở miền Trung
 

Trên đất liền, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và Kon Tum đã có mưa lớn kéo dài trong ngày 2/9. Chiều cùng ngày, sau 3 giờ, lượng mưa đo được ở nhiều nơi lên đến 30-60 mm, có nơi trên 100 mm.
 
Các khu vực này được dự báo tiếp tục có mưa lớn kéo dài trong tối và đêm nay. Một số địa phương cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt, đặc biệt là các huyện miền núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
 
Trước diễn biến mới của thời tiết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 5. Chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo việc thu hoạch diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch và chủ động tiêu thoát nước đệm.
 
Theo báo cáo, Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp địa phương và gia đình các chủ tàu ra thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 71.000 phương tiện, 317.000 ngư dân và thuyền viên, gần 12.000 lồng bè, lều chòi với 15.000 người chăn nuôi biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
 
Từ đêm 1/9, tỉnh Nghệ An đã ra công điện yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện lệnh cấm biển, không cho các tàu thuyền ra khơi trước tình hình áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp.

Theo Zing