Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tưởng Giới Thạch phất lên nhờ chôn mẹ đúng Long mạch?

Thứ Tư, 03/12/2014 20:56 (GMT+07)

Mê phong thủy là một “cố tật” của người Trung Quốc, dù là dân thường hay vua chúa. Ngay cả nhà quân phiệt được đào tạo theo kiểu phương Tây từ nhỏ như Tưởng Giới Thạch cũng mê phong thủy một cách đặc biệt.

* Tìm huyệt tốt để táng mẹ

Mẹ Tưởng Giới Thạch là vợ thứ ba của cha ông. Trước khi mất, bà trăng trối: “Sau khi ta chết, con tuyệt đối không được chôn ta chung với cha con”.  Người ta cho rằng vì hai người vợ trước đã được chôn hai bên mộ bố Tưởng Giới Thạch nên mẹ ông trối như vậy vì không muốn phải nằm phía dưới. Là người chí hiếu, rất nghe lời mẹ nên trong một thời gian dài, Tưởng Giới Thạch không cho phép làm lễ mai táng mẹ mình vì chưa tìm được chỗ thích hợp để chôn cất. Ông tìm đến một thầy phong thủy nổi tiếng tên là Tiêu Huyên, nhờ ông ta tìm cho mẹ mình một nơi an táng hợp phong thủy.

Tiêu Huyên nhìn tướng mạo của Tưởng Giới Thạch, biết rằng người này sau sẽ có sự nghiệp lẫy lừng, chẳng qua vận mạng chưa tới mà thôi, nên lập tức đồng ý theo Tưởng Giới Thạch về quê  Khê Khẩu tìm huyệt tốt. Thị trấn Khê Khẩu vốn có một tấm “lá chắn” là ngọn núi Vũ Lĩnh, địa thế giống như một con rồng đang uống nước. Những người cầm quyền ở Khê Khẩu luôn cấm người dân đào bới, khai quật ở vùng đất này, sợ sẽ phá hỏng địa thế phong thủy. Trên đỉnh núi có Văn Xương các đã xiêu vẹo, đổ nát.

Xem xong, Tiêu Huyên nói với Tưởng: “Địa thế phong thủy nơi đây rất tốt, tuy nhiên đất này không thể xây mộ được. Nếu như xây mộ thì phải đào đất, mà đào đất ắt sẽ đụng tới long mạch. Tòa Văn Xương các này cũng không thể đổ, nếu không, thế phong thủy của vùng này cũng bị phá”.

Suy đi tính lại, Tiêu Huyên chọn thung lũng Ngư Lân cách Khê Khẩu ba dặm. Toàn bộ địa hình nơi này trông giống như một tượng phật Di Lặc. Địa điểm Tiêu Huyên lựa chọn xây mộ cho mẹ Tưởng Giới Thạch chính là phần rốn trên bụng tượng. Tiêu Huyên nói nơi đây phong thủy cực kỳ tốt, có thể nói là long mạch. Phong thủy rất trọng long, phàm là thế “Rồng cuộn, hổ ngồi”, thì tất xuất hiện người tài. Khi xây mộ tuyệt đối không được sử dụng đá và bùn để tránh long huyệt bị đè nén quá nặng.

Nói xong, Tiêu Huyên ngửa mặt lên trời than: “Nay ta đã tiết lộ cơ trời, ắt sẽ tuyệt tử tuyệt tôn”. Tưởng Giới Thạch nghe theo, chỉ xây một ngôi mộ rất bình thường bằng đất, và  bỏ tiền ra xây lại Văn Xương các.

Kể từ đó, con đường binh nghiệp của Tưởng lên như diều gặp gió. Đến năm 1926, khi mới 39 tuổi, Tưởng đã là Tổng Tư lệnh quân Bắc phạt. Năm 1930, Tưởng nắm toàn bộ quyền lực của quân đội Trung Hoa dân quốc. Tưởng cho rằng, sự nghiệp mà mình có được chính là nhờ địa thế phong thủy ngôi mộ của mẹ mình. Để trả ơn thầy phong thủy, Tưởng bổ nhiệm Tiêu Huyên làm tỉnh trưởng Hà Bắc. Tiêu Huyên nghiện thuốc phiện nặng đã nhiều năm, không thể cáng đáng nổi công việc nên sau đó Tưởng lại bổ nhiệm ông ta là Ủy viên Viện giám sát, một chức quan chỉ ngồi hưởng lộc chứ không phải làm việc.

Ngoài ra, Tưởng Giới Thạch luôn sẵn lòng giúp đỡ Tiêu Huyên bất cứ lúc nào, đồng thời tiếp tục sửa sang địa thế phong thủy cho phần mộ của mẹ mình theo lời Tiêu Huyên. Ông xây hẳn một khu mộ khang trang ở gần mộ mẹ để thờ phụng tổ tiên nhà họ Tưởng, đem bài vị của cha và mẹ mình đặt cạnh nhau trong miếu. Ý rằng, dù không chôn cạnh nhau nhưng linh hồn hai người sẽ ở bên nhau. Thời điểm này chính là lúc Tưởng đắc ý trong sự nghiệp.
 
Nghe lời Tiêu Huyên, Tưởng còn xây dựng một “cung điện” nhỏ ở vị trí của Văn Xương các. Các căn phòng có hành lang rất rộng để trấn được “đầu rồng”, giúp rồng vĩnh viễn lưu lại Khê Khẩu, giúp Tưởng Giới Thạch để lại tên tuổi cả ngàn năm. Sau này trong thời kỳ chiến tranh với Nhật Bản, tòa nhà đã bị quân Nhật thiêu rụi. Nhiều năm sau, khi đã thất bại phải chạy ra Đài Loan, Tưởng vẫn than thở rằng chính vì quân Nhật đã hủy hoại tòa nhà trấn “đầu rồng” của mình nên mới dẫn tới sự thất bại của “vương triều” họ Tưởng ở Trung Quốc đại lục.

* Mê mệt với phong thủy
Năm 1930, Tưởng liên tục thất bại trong các chiến dịch "tiễu cộng" nên lại đến gặp Tiêu Huyên. Thầy địa lý đến trụ sở chính quyền tỉnh Hồ Bắc, nơi Tưởng đang thiết lập bộ chỉ huy để xem rồi nói: “Cửa lớn của tòa nhà này đối diện với con phố Vũ Xương, sát khí quá nặng, không có lợi cho việc quân, nên dời đến chỗ khác”. Tưởng Giới Thạch nghe xong mừng lắm, sai Tiêu Huyên nhanh chóng tìm địa điểm mới. Tiêu Huyên tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng lựa chọn ngõ Bách Thọ ở Vũ Xương.

Nơi này đường phố nhà cửa đều chật hẹp, việc đặt bộ chỉ huy quân đội ở đây quá bất tiện nên nhiều người phản đối, nhưng Tưởng khăng khăng làm theo ý mình. Tuy nhiên, lần này thì có vẻ như thuốc phiện đã khiến Tiêu Huyên không còn tỉnh táo trong những đoán định phong thủy của mình nữa. Sau khi rời bộ chỉ huy về ngõ Bách Thọ, công cuộc “tiễu cộng” của quân đội Tưởng Giới Thạch không những tiến triển mà còn ngày một xấu đi. Cuối cùng sau hơn chục năm nội chiến dai dẳng, quân đội của Tưởng đã thất bại, phải chạy ra đảo Đài Loan năm 1949. Nhiều người nói rằng, vào thời điểm đó, Đài Loan không phải là điểm “thoát thân” duy nhất của Tưởng Giới Thạch. Vì vậy, có khi việc chọn Đài Loan cũng là theo kế sách của quân sư phong thủy Tiêu Huyên.

(Sưu tầm)

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X