Tử biệt sinh ly, ai không thương xót, nhưng theo quy luật tự nhiên khi cha mẹ già yếu và từ trần, con báo hiếu cha mẹ, đưa tang bố mẹ là chuyện thường tình. Vậy tại sao lại có tục cha mẹ không đưa tang con ?
1. Tại sao cha mẹ không đưa tang con?
Cha mẹ không đưa tang con là để tránh nạn trùng tang và đỡ gây đau buồn thương xót cho người thân, đặc biệt là cha mẹ.
Ở nhiều gia đình, không may vì lẽ nào đó, con cái mất trước cha mẹ, đây quả là nghịch cảnh. Nhiều trường hợp chết trẻ, gây biết bao nỗi đau thương cho cha mẹ, người đầu bạc tiễn người đầu xanh.
Giờ phút hạ huyệt là giờ phút xúc động đến cực điểm, có nhiều ông bố bà mẹ đã bị ngất lịm đi. Thậm chí đã có nhiều trường hợp mẹ chết luôn bên huyệt chôn con.
Ngày xưa, phương tiện và thuốc thang cấp cứu khó khăn. Chính vì để tránh những nỗi đau liên tiếp như trên, dân gian có tục không cho cha mẹ đưa tang con để vơi bớt nỗi đau buồn.
Chẳng những cha mẹ mà các ông già bà cả trong nội thân, người sức khỏe yếu kém cũng không được dự đưa tang.
2. Cha mẹ có được để tang con không?
Cha mẹ hoàn toàn có thể để tang con. Nhiều quan niệm cho rằng con cái mất trước cha mẹ là bất hiếu, trốn nợ đời nhưng đâu ai muốn như thế, chẳng qua là do số phận đưa đẩy.
Gia đình hoàn toàn được quyền lo hậu sự cho con cháu chu đáo và để tang, làm lễ tang cho con cháu như phong tục của dòng họ.
Để tang là để nói lên sự thương xót và tôn trọng người đã mất, thông báo cho những người xung quanh biết tang lễ, nghĩa tử là nghĩa tận, là ruột thịt máu mủ trong nhà thì để tang là chuyện bình thường không có gì sai cả.
3. Con mất trước cha mẹ có phải bất hiếu hay không?
Trừ những hoàn cảnh đặc biệt thì những cái chết của con cái do quy luật sinh tử, do tai nạn không may mắn gây ra thì không phải là bất hiếu.
Đạo Phật ngẫm về cái chết có nói rằng "sinh hữu hạn tử bất kỳ", đây không phải là sự bất hiếu, đâu ai muốn mình bị kết thúc vận mệnh bất ngờ, ai cũng có khao khát được sống nên con cái mất trước cha mẹ không phải là bất hiếu.
Vậy nên đừng ai mạnh miệng nói rằng con cái mất trước cha mẹ là trốn nợ đời là bất hiếu.
Bậc làm cha mẹ đã đủ đau buồn khi mất con rồi, con mất cha mẹ thì gọi là "mồ côi", còn cha mẹ mất con thì gọi là gì? Không có từ nào để diễn tả nỗi đau này vì nó quá lớn.
Có lẽ vô giác là từ ngữ chỉ ra chính xác nhất những gì mình cảm nhận ở những người cha người mẹ mất con. Vậy nên xin đừng áp đặt cho họ bất kỳ khái niệm nào nếu họ không muốn.
Tùy theo nghiệp của mỗi người, con cái mất đi hãy xem như con đã trả hết nghiệp ở kiếp này, hết duyên với cha mẹ và dòng họ nên đã mất đi để đầu thai sang kiếp khác tốt hơn, hết duyên chết sớm, còn duyên ở lại chết sau.
Nếu gia đình không may có con trẻ mất thì nên chăm làm công đức, tụng kinh hồi hướng và phóng sinh để con cái ở dưới cõi âm được hưởng phước, sớm đầu thai vào cõi lành, phù hộ độ trì cho cha mẹ, người thân.
Mời bạn tham khảo thêm tin cùng chuyên mục: