"Táng thi" là một cuốn sách trình bày những điều kiêng kỵ khi mai táng thời Tấn. Người dân thời đó tin rằng: Chuyện họa phúc, sang hèn, giàu nghèo của mỗi người được quyết định bởi phong thủy nhà ở, phần mộ tổ tiên tốt hay xấu.
Sách thời đó giải thích rất rõ từ “phong thủy”, “táng (chôn cất)" là nhận sinh khí, phàm là khí âm dương, thở thì thành gió, bay lên thành mây, rơi xuống thành mưa, lưu hành trong đất thành sinh khí. Sinh khí chuyển động trong lòng đất mà sinh ra vạn vật, con người ta được cha mẹ cho thể xác, hình hài, được khí, di thể (xác chết), được ấm (phúc ấm).
Do vậy, sống là sự ngưng tụ của khí, kết thành xương cốt, khi chết chỉ còn lại xương, do vậy táng là phản khí nội cốt để sinh phúc ấm. Người ta tin rằng khí cảm ứng quỷ mà phúc cho người, vì thế núi ở phía Tây lở, thì linh ứng núi ở phía Đông. Khí vận hành trong đất, theo địa thế mà vận hành, địa thế mà dừng thì khí tụ lại. Núi non là xương, gò đống là chi (nhánh), khí theo đó mà vận hành. Khí gặp gió tất tản mát, gặp nước chặn lại ắt dừng, người xưa làm cho khí tụ lại mà không tản đi, khiến vận hành mà có lúc dừng lại.
Theo phong thủy, đắc thủy là tốt nhất, tàng phong là thứ hai… nông hay sâu để nhận được (sinh khí), là tự thành phong thủy. Đất là mẹ của khí. Có đất tất có khí. Khí là mẹ của nước. Có khí tất có nước. Do đó, nơi khô ráo thì nên táng nông, nơi bằng phẳng thì nên táng sâu.
Ngoài ra, có năm dạng sơn (núi) không thể táng:
- Khí sinh nhưng núi trọc.
- Khí đến theo hình nhưng núi đứt đoạn.
- Khí vận hành theo đất nhưng núi là núi đá.
- Khí đã dừng theo thế nhưng núi vẫn vượt qua.
- Khí long hội nhưng gặp độc sơn (núi đứng một mình).
Như vậy có nghĩa các dạng núi: Trọc, đứt, đá, quá, độc đều không được táng. Nếu không, sẽ “Sinh tân hung, tiêu kỷ phúc” (sinh điều dữ, mất phúc vốn có).
Huyệt có 6 điều dữ:
- Âm dương không khớp.
- Phạm giờ, phạm năm.
- Lực nhỏ tham vọng lớn.
- Chỉ dựa vào phúc lực.
- Nịnh trên đe dưới.
- Ứng biến quái kiến.
Vì thế, khi mai táng phải chú ý Thanh long bên trái, Bạch hổ bên phải, Chu tước đằng trước, Huyền vũ đằng sau. Huyền vũ cuối đầu, Chu tước dang cánh, Thanh long uốn khúc, Bạch Hổ quy thuận. Hình thế mà ngược lại như trên sẽ bị tan vỡ, chết chóc.
Vì vậy người ta quan niệm Hổ ngồi là “hàm thi” (ngậm xác chết), Rồng nằm “kỵ chủ” (căm ghét chủ), Huyền vũ không cúi đầu thì chỉ là một cái xác khổng lồ, Chu tước không lượn thì bay mất đi. Dùng thổ khuê (thước đo đất) đo phương vị, dùng ngọc xích đo dài ngắn, lấy hai chi là long, hổ lấy vết tích của đến và dừng lại ở đồi, gò, nếu như hình khuỷu tay thì gọi là hoàn bao (ôm lấy). Lấy nước làm Chu tước, thì sự suy thịnh ứng với hình thế, nước chảy xiết thì rất kỵ, gọi đó là bi khấp (đau buồn chảy nước mắt).
* Kiêng kỵ về địa hình thời Ngụy Tấn (Trung Quốc)
Người thời Ngụy Tấn có một số kiêng kỵ khi chọn địa hình như sau:
- Nước chảy đến mà xông thẳng tới như tên bắn, chảy xiết réo ào ào, hoặc nhảy dựng lên như cánh cung bị lật, thì đều không tốt.
- Nếu nước không có tình, chảy đến mà không nhập đường, thì có nước cũng như không.
- Nếu nhìn bằng mắt không thấy nước, nhưng giẫm lên thì ướt đế giày, hoặc đào hồ thì có nước chảy ra, nhưng đến thu, đông thì khô hạn, như vậy là mạch yếu tản mát, không tốt.
- Nếu nước có mùi khai thối như nước tiểu bò lợn thì xấu nhất.
- Nếu nước bùn, gặp mưa thì nổi lên, trời lạnh thì khô kiệt, như vậy là địa mạch rò rỉ, cũng không tốt.
- Nước xú uế, đàn bà băng lậu, đàn ông bị trĩ, nhà cửa sa sút.
- Phản thủy: Nước dội ngược lại chỗ đầu rồng nhà tan cửa nát, người ly tán.
Ngược lại, nước lành là nguồn nước vươn xa thì long khí vượng phát phúc lâu dài. Nguồn nước ngắn thì phúc ngắn. Nước phải nhập dương, lại có nơi đón nhận phía dưới, hoặc thủy phong phù trợ ngầm, đều có nước lành.
- Nước chảy đến, dù quanh co uốn khúc, dù chảy ngang rồi quanh lại, dù chảy đi nhưng phải tỏ ra vương vấn, quạy lại và có vẻ dừng.
- Nếu là nước biển thì sóng triều phải cao và sóng bạc đầu (có màu trắng) là cát (tốt lành).
- Nếu là sông thì nước quanh co uốn lượn là cát.
- Nếu là suối, êm đềm phẳng lặng.
- Nếu là hồ đầm, mặt hồ phẳng như gương thì tốt.
- Nếu là ao thì giữ được nguyên trạng (như vốn có) thì tốt.
- Nếu là giếng trời, thì sâu và không khi nào cạn là tốt.
Con người không được tùy tiện san lấp ao bờ, cũng không được đào hồ khơi rãnh, vì làm như vậy sẽ tổn thương địa mạch, địa mạch mà bị thương thì nước không thể lành.
Ngoài ra, người ta còn cho rằng:
- Can thủy tán khí: Can thủy (đông chính) nhưng chảy nghiêng, có vẻ gấp khúc mà không gấp khúc, ốm mà không ốm, lại không có chi nhánh để làm nổi khí, thì không bao giờ kết huyệt.
- Chỉ thủy giao giới: Trên dưới, trái phải đều có dòng nước chảy đều. Bên trái và bên phải đều hướng về thì kết huyệt ở giữa, hưởng phúc cực lớn.
- Can thủy thành hoàn: Dòng nước cực lớn, như thân của cây, thủy thanh ôm quanh, có kết huyệt.
- Khúc thủy triều đường: Nước chảy quanh co mà tới, ôm lượn rồi đi, có thể kết huyệt.
- Chỉ can: Nước lớn, mênh mông, tác huyệt ở chi can sẽ làm đến Tam công.
- Đậu bao: Bờ phải có ao hình cái túi, phú quý không bao giờ dứt.
- Phi long: Rồng bay, con cháu nhiều may mắn.
- Nhị long: Hai rồng gặp nhau thì gọi là thư hùng (đực cái) phú quý, làm đến Tam công.
* Kiêng kỵ về núi xung quanh huyệt
Theo quan niệm của người Trung Quốc, núi xung quanh huyệt phải tránh những điểm sau:
- Núi gầy: Người đói.
- Núi lở: Người có chuyện bi thương.
- Núi quay đi: Người ly tán.
- Núi co lại: Người thấp hèn.
- Núi âm u: Người mê muội.
- Núi nghịch: Người hết hơi.
Sách “Bác Sơn chiên” cho rằng: “Sa núi quanh huyệt của thủy khẩu cực kỳ lợi hại, giao thoa chặt chẽ, lòng thần mới tụ. Tẩu thế thuận mà bay đi, thì chân long tất cũng đi. Sa có ba loại: Đầy đặn, tròn, nghiêm chỉnh, là phú cục; Thanh tú, nhọn, đẹp là quý cục; Nghiêng, sưng bủng là tàn cục. Sa nào cũng có sát. Sa nhọn như mũi tên, sa vỡ tới đỉnh, sa ló đầu ra, sa quay mình về hướng ngược lại, sa vươn theo nước, sa từ cao đè xuống huyệt, đều là hung tướng (tướng dữ). Lại có tương quan, phá toái (vỡ nát), trực cường (thẳng cứng), hiệp bức (kiềm cặp), đê hiểm (thụt xuống), tà loạn (nghiêng ngả lung tung), thô dại (thô, sù sì), sấu nhược (già yếu), đoản túc (co quắp), ngang đầu (ngẩng lên), bối diện (mặt trái), đoạn yêu (gãy lưng) đều là sa gây họa”. Tất cả những sa không thuận mắt đều là “hung” (xấu, dữ), “họa” (gây tai họa).
* Không được lấy huyệt khi gặp những sa nêu trên
Nếu đất huyệt mà bốn bên đều có sa phú quý thì chủ cát (tốt lành). Sự sắp xếp của sa phải có tầng lớp, có thứ tự trước sau, đồng loạt nghiêng vào trong, như là có tình ý. Chân sa mà có nước chảy róc rách, lượn lờ uốn quanh, thì đó là sa tốt.
Ngoài ra, phải chú ý:
- Khí không thuận hòa, sơn không có cây cối, không thể cắm huyệt.
- Nếu như có văn lạ trong tầng đất thì có thể cắm.
- Khí chưa dừng, sơn vẫn đi, thì không thể cắm. Hoặc yêu kế, hoặc hoành long, theo phép có thể cắm.
- Khí chưa hội tụ mà sơn cô độc (chỉ có một mình) thì không thể cắm trừ phi được bình dương cục bảo vệ, theo phép có thể cắm.
- Khí không đến, mạch đứt lại nối, không thể cắm.
- Tự nhiên mà đứt, đứt rồi lại đứt, theo phép có thể cắm.
- Khí không vận hành, đá chồng chất, không thể cắm.
Nói như trên có nghĩa là, sơn mà không tụ khí thì không thể điểm huyệt (cắm huyệt).
(Sưu tầm)