Đã không ít lần bạn so sánh mình với những người thành công ngoài kia và tự hỏi vì sao bạn yếu đuối. Gặp chút chuyện nhỏ là buồn phiền, tức giận, nổi nóng.
Trong khi đó, những người bản lĩnh lại điềm đạm, trầm tĩnh bình hoà, điều này có thể giải thích là họ có nội tâm mạnh mẽ, không dễ bị tác động bởi bất cứ ngoại cảnh nào. Thực ra, nếu có cơ hội trò chuyện với người mà bạn đang ngưỡng mộ đó, bạn sẽ nghe được câu chuyện về việc họ từng trải qua sự tuyệt vọng của cuộc sống, đó chính là vết đau nhưng cũng là động lực để họ trở nên mạnh mẽ, kiên cường như bây giờ.
Vậy nên, có thể, bạn vẫn còn yếu đuối, mãi loay hoay với cuộc sống cũng chỉ vì bạn thiếu những điều sau đây:
1. Chưa từng trải qua tuyệt vọng
Dường như cuộc sống đã ban phát cho ta quá nhiều thứ, ta có được mọi thứ trong tay một cách dễ dàng nên ta không quý trọng. Từ đó mất đi năng lực phán đoán độc lập, dễ dao động, đứng ngồi không yên.
Thế mới thấy người từng trải qua tuyệt vọng mới là may mắn vì đó là cơ hội để họ được rèn giũa cho nội tâm mạnh mẽ. Ta tưởng rằng cuộc sống ai đó hòan mỹ khi họ được sinh ra họ ở vạch đích, họ có mọi thứ với cuộc sống như mơ, nhưng sự thật đó lại là KHIẾM KHUYẾT của họ mà không phải ai cũng nhìn thấy, thấu cảm. Cuộc sống ở giai đoạn đầu đời của họ màu hồng đó nhưng ai biết trước tương lai như thế nào.
Cuộc sống đầu đời quá thuận lợi có thể trở thành con dao hai lưỡi, chúng là thứ khiến họ trở thành kẻ yếu đuối, khó có thể vượt qua những khó khăn sau này, lúc đó tuổi đã lớn, sức lực không có nhiều thì họ có sửa sai cũng khó với nội lực chẳng có là bao. Vì thế hãy thôi so sánh và biết cảm ơn cuộc đời vì bạn không sinh ra từ vạch đích.
Tuyệt vọng có thể gây nên sự cô độc nhưng lại như liều thuốc kháng sinh cho ta sức mạnh, để sau này dẫu phải đối mặt với hoàn cảnh nào, ta cũng đều có thể kiên cường, mạnh mẽ một cách đầy trí huệ.
Vì thế, nếu một ngày nào đó bạn phải đối mặt với sự tuyệt vọng bạn vẫn có thể tiếp nhận nó một cách thản nhiên không sợ hãi. Dẫu lúc đó bạn sẽ vô cùng thống khổ, có cảm giác tuyệt vọng nhưng hãy tin rằng đó chỉ là một bài học cuộc đời bạn cần trải qua mà thôi.
Hãy trở thành người mạnh mẽ, không nên sợ hãi, điều đáng sợ là mất đi sự dũng cảm và cảm xúc mãnh liệt trong tâm. Cứ dũng cảm trải qua nỗi tuyệt vọng tin rằng khi bóng đêm qua đi, bạn lại chào đón ánh bình minh ấm áp của ngày mới.
2. Bạn ngại học hỏi để thích nghi
Ta yếu đuối cũng chỉ vì sự nghèo nàn về tinh thần, không chịu học hỏi điều gì để làm mới bản thân, ý chí của ta dần thui chột theo thời gian. Bạn lo than nghèo khổ mà quên mất rằng, chỉ cần mỗi ngày nên học một điều mới cũng đã giúp ta nâng tầm cuộc sống của mình rồi.
Khi ta chẳng có sự háo hức của việc học hỏi khi mỗi ngày qua đi, ta lại cảm thấy cuộc sống vô định, không còn mấy ý nghĩa, đó cũng là lúc ta để sự yếu đuối, bi quan dẫn dắt mình. Chỉ khi bạn nhận thức được rằng cuộc sống này thay đổi từng giây từng phút, bất kể việc bạn ngồi đó và chẳng làm gì thì bạn mới nhận ra rằng, nếu không muốn cuộc sống nuốt trôi lấy mình thì tìm cách thích nghi lấy nó.
Mỗi ngày thích nghi với hoàn cảnh ta lại tìm được vẻ đẹp của cuộc sống, nhìn về khía cạnh tích cực của nó. Học thêm điều mới giúp ta yêu mọi vật xung quanh, yêu lấy chính mình, có vậy bạn mới lan tỏa được yêu thương, có khả năng yêu người khác.
3. Không dám ước mơ
Khi tự hỏi vì sao bạn yếu đuối và bắt đầu đi ngược lại dòng thời gian để tìm về quá khứ có thể bạn đã nhận ra rằng, xung quanh chỉ là những người luôn muốn dập tắt đam mê và ước mơ của bạn mà thôi. Họ cho rằng: "Thôi đừng mơ mộng viển vông, như mày thì làm được gì?".
Có thể bạn không biết nhưng chính người thân tiêu cực là người đã giết chết ước mơ của chúng ta từ trong trứng nước. Đúng như Lão Tử nói: “Quan tâm đến những gì người khác nghĩ, bạn sẽ luôn là tù nhân của họ”. Do đó, bạn phải trở nên mạnh mẽ hơn, hiểu được điểm yếu, điểm mạnh và quyết tâm theo đuổi đam mê bất kể người ta có chê bai bạn thế nào đi chăng nữa.
Hãy dám mơ lớn, khi có tầm nhìn xa, tấm lòng phải rộng mở thì con đường trước mắt của bạn mới mở ra.
Nghĩa là khi bạn theo đuổi một viễn cảnh tươi sáng cao hơn và xa hơn thì cũng không cần để tâm tới ánh mắt hạn hẹp của những người xung quanh. Mọi chuyện sẽ qua đi như gió thoảng mây bay, chẳng thể ảnh hưởng tới bạn.
4. Sống thiếu kỷ luật
Những người không có kỷ luật thường tinh thần không vững chãi, họ không biết được rằng mình làm được gì và không làm được những gì. Trong khi đó, người có lối sống kỷ luật, sau một thời gian rèn giũa, nội lực đủ mạnh, họ thường mang theo năng lượng tích cực vô cùng dồi dào có thể lan tỏa tới mọi người.
Kỷ luật mang cho ta sức mạnh vô hình, có được sự tự tin để sẵn sàng dấn thân vào những thử thách. Kỷ luật chính là tự quản lý, tự ước thúc bản thân. Đây là một năng lực rất trọng yếu cho bất cứ ai muốn nghĩ tới việc làm giàu hay thành công. Vì nếu bạn không kỷ luật trong việc tiết kiệm tiền mỗi thàng thì bạn lấy đâu ra tiền tích lũy dành cho việc đầu tư, làm giàu cơ chứ?
Từ nay bạn nên tập quen với cụm từ: thói quen kỷ luật bản thân, biến nó thành lý tưởng sống của mình thì ngày bạn nhận được hoa thơm, quả ngọt sẽ không còn xa nữa.
5. Không hiểu biết về nhân sinh
Kiếp nhân sinh ngắn ngủi, khó lường, chẳng ai biết được hôm nay như thế nhưng ngày mai thế nào. Nhiều người không hiểu về mục đích của tôn giáo nên có người mù quáng tin tưởng, ngược lại, có người nghe đến Thần, Phật, Chúa,... là vội vàng gạt đi không muốn nghe, không muốn tìm hiểu.
Nhưng thực tế, những khía cạnh tín ngưỡng đó không thể nào tách rời trong cuộc sống của chúng ta, nếu bạn không chịu tìm hiểu thì bạn mới là người chịu thiệt thòi. Vì sẽ có lúc ta chẳng có ai bên cạnh để bám víu, để giữ niềm tin vào cuộc sống thì ta mới nhận ra giá trị đích thực của nó.
Thường những người không hiểu biết về khía cạnh này tưởng là mình thông thái, mạnh mẽ nhưng nó chỉ đang phản chiếu một tâm hồn yếu đuối mà thôi.
Nhưng nhìn chung, dẫu đặt niềm tin vào điều gì chung quy lại chúng chỉ đúng khi dạy con người quy thiện nhân tâm, sống vị tha, luôn biết trân trọng và tôn vinh sinh mệnh. Bất kỳ tín ngưỡng nào cũng đều cần được tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới tin theo, như vậy mới được gọi là tín ngưỡng.