(Lichngaytot.com) Những con chim bị cắt cánh, bị thương, bị bỏ đói chờ phóng sinh, những con rùa núi bị thả xuống nước, những con cá bị đổ xuống ao tù nước đọng... Đó là thảm cảnh của nhiều loài động vật trước “vấn nạn” phóng sinh mỗi mùa Vu lan.
1. Vấn nạn phóng sinh mùa Vu Lan
Mỗi dịp Rằm tháng Bảy, nhiều người lại “đua” nhau đốt vàng mã và lạm dụng phóng sinh. Tại các chợ Hà Nội những ngày này thường bày bán la liệt các loại chim như: bồ câu, khuyên, chào mào, chích chòe, sáo, vẹt, yểng… Phần lớn đây là chim bẫy được ở các cánh rừng từ khắp nơi như: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa… được dồn về Hà Nội chờ người mua phóng sinh.
Một người đàn ông bán chim phóng sinh khoe: “Những ngày này, trung bình cửa hàng tôi bán hàng trăm con chim các loại, chủ yếu như bồ câu, chim én, chim sẻ giá từ 50 - 100 nghìn đồng/con tùy loại. Nhưng có nhiều người chơi sang mua hẳn khướu bạc má, họa mi, cu gáy có giá khoảng 500 - 700 nghìn đồng/con”.
Ở những phiên chợ chim nhộn nhịp này, dường như ít người đến thưởng chim và cũng ít nghe tiếng chim hót, chỉ thấy những tiếng đập cánh xao xác, khô khốc vào nan lồng. Người bán cắm cúi cắt cánh chim, để khi chim được phóng sinh không thể bay xa hoặc không cất nổi cánh.
Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người này có thể lại bắt những con chim đó nhốt vào lồng để... bán tiếp cho người khác. Qua nhiều lần mua đi bán lại, có con chim bị thương, nằm thoi thóp, hoặc chết đói, chết khát rồi bị quăng ra đường.
Không ít người chuộng phóng sinh rùa vì cho rằng sẽ được trường sinh, nhưng loài này rất khó sống khi không ở trong điều kiện thích hợp. Nhiều loài rùa núi lại bị phóng sinh xuống ao chùa và chết sau vài ngày. Đặc biệt, nhiều loài trong đó được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.
Cứ như vậy, chim, rùa, cá, ốc và rất nhiều động vật khác đã bị hành hạ khi biến thành “công cụ” cho lễ phóng sinh.
|
Vấn nạn phóng sinh mùa Vu Lan |
Trò chơi "giải cứu"?
Nhiều con chim tội nghiệp đã chết ngay trong lồng phóng sinh, không đợi được đến lúc con người chơi trò "giải cứu" - một hành động không phải phát xuất từ lòng từ bi, mà nhằm tư lợi (cầu thọ, cầu danh, cầu tài...).
Có lần tôi từng chứng kiến, trong một chiếc bẫy, có hai con chim nhỏ vẫn nhảy nhót bên cạnh chừng bảy con chim khác đã chết khô, nằm xếp lớp lên nhau. Có con khi chết miệng còn ngậm chặt vào thành lồng, như đang cố cắn thanh sắt để thoát ra trong tuyệt vọng.
Trước hình ảnh ấy, bạn nghĩ hành vi mua chim về phóng sinh của mình thực chất là trao cho sinh vật cơ hội tiếp tục sống hay tạo cơ hội khiến chúng bị sát sinh?
2. Nhà chùa xin hãy đừng tổ chức nghi lễ phóng sinh nữa!
Nhà chùa hãy từ chối chủ trì lễ phóng sinh để thôi khuyến khích việc bẫy chim, đánh bắt cua ốc bán cho người muốn làm lễ ấy, bởi phóng sinh như thế khác gì sát sinh.
Một nghi lễ phóng sinh tôi vừa mới được chứng kiến
Trong tiết trời oi nóng, một lồng chim, mấy chậu cá, cua, ốc được bê ra đặt dưới bóng cây gần hồ cạn, nơi nhà sư chuẩn bị làm lễ phóng sinh để hồi hướng công đức cho một người mới qua đời, theo đề nghị của gia đình. Số động vật này được mua từ hôm trước và chuyển đến chùa sáng hôm đó, chờ đến giờ tốt giữa buổi chiều mới làm lễ.
Lúc này, những con chim đều ủ rũ, gục đầu, nhắm nghiền mắt. Mấy bà vãi nhặt bỏ hàng chục chú cua đã chết vì chờ đợi quá lâu. Chúng vẫn phải chờ thêm gần một tiếng đồng hồ nữa để mọi người tụng kinh và thực hiện xong các nghi lễ.
Khi được trả tự do, phần lớn số cua vẫn đứng im lìm ở nơi được thả, một số con chỉ khẽ động đậy, mãi một lúc lâu mới chậm chạp bò ra chỗ nước sâu hơn. Người ta phải tìm cành cây để xua những con cá đang lờ đờ cạnh bờ ra xa…
Những ngày tháng 7 Âm lịch này, có rất nhiều buổi lễ tương tự được thực hiện khắp cả nước, đồng nghĩa với việc có hàng vạn, hàng triệu sinh linh đang sống yên lành bị bắt và mua đi bán lại.
Chúng bị cầm tù đến kiệt sức và hấp hối, chờ “phóng sinh” nhằm đổi lấy phúc lộc, bình an cho ai đó, theo niềm tin của những kẻ vô minh.
Trong mấy trăm sinh linh bị bắt để thả trong buổi lễ tôi vừa kể, số sống sót liệu có đến một phần mười? Nghe nói, những con chim hôm đó được thả ra ở một vườn cây ăn trái, nhiều con không chịu bay đi, thật ra là không bay nổi, sợ rằng đêm ấy sẽ thành mồi cho lũ chuột.
Đó là sát sinh chứ đâu phải phóng sinh!
Phóng sinh là cứu mạng. Nhưng việc người ta làm trong các lễ này là diễn một màn kịch, tưởng rằng có thể lừa bịp trời đất để nhận về cái công đức cứu những con vật tội nghiệp đã vì họ mà chết oan kia.
Nhiều người nổi da gà trước bức ảnh những chú chim non chết khô trong tổ đang lan truyền trên mạng xã hội với chú thích “chim non sau những ngày mẹ bị phóng sinh”.
Dù đây chỉ là bức hình minh họa, nó cũng nói lên được sự thật tàn khốc sau những nghi lễ dùng sinh mạng của hàng chục, hàng trăm động vật để đổi lấy “thiện quả” cho những người mê muội: Không chỉ những con vật “bị phóng sinh” mất mạng, mà đàn con thơ dại của chúng cũng không tránh khỏi cái chết.
Vậy đó là hành thiện để tích đức hay độc ác, nhẫn tâm? Câu trả lời đã rất rõ ràng. Không chỉ ác mà còn là lừa dối.
Những người tổ chức, thực hiện và tham gia các nghi lễ phóng sinh đều biết rõ những con vật mà họ thả từ đâu ra. Chúng bị săn, bị đánh bắt để bán cho những người có nhu cầu phóng sinh. Có rất nhiều cửa hàng chuyên làm dịch vụ này.
Thật mỉa mai khi họ vừa quảng cáo, rao bán chim trời, tôm cá… vừa rao giảng về luật nhân quả và cái lợi của phóng sinh.
Xem thêm:
Phóng sinh một lần, phúc báo đời đời, nghiệp lành khai nởDù là Phật tử hay không, ai cũng ghi nhớ Phật giáo nhấn mạnh sự vô giá của sinh mạng tất cả chúng sinh. Vì thế, sát sinh chính là nghiệp ác lớn nhất và phóng
Hãy ngừng chủ trì thực hiện nghi lễ phóng sinh hình thức!
Khách hàng của họ là những người “làm việc thiện” như một hình thức đổi chác với thần linh, trời phật. Tất cả họ đều biết, nếu không có nghi lễ phóng sinh, những con vật này vẫn được sống tự do hoặc chí ít cũng còn khỏe mạnh.
Những người cầu phúc lộc bằng cách bắt rồi thả những sinh vật khác ấy tàn nhẫn vì tối tăm, kém hiểu biết. Chỗ dựa để họ yên tâm rằng mình đang làm việc đúng đắn chính là các nhà tu hành thực hiện nghi lễ cho họ.
Là người hướng dẫn tâm tinh, sự có mặt, sự chủ trì của nhà tu hành trong lễ phóng sinh khiến cho hàng vạn gia đình yên tâm bỏ tiền mua tự do, an toàn và tính mạng của hàng triệu con vật tội nghiệp mỗi dịp rằm tháng 7.
Phật dạy rằng tâm thiện phải đi đôi với trí tuệ. Nhưng để lời dạy này thấm nhuần trong mọi thiện nam tín nữ, các bậc tu hành hãy ngừng chủ trì thực hiện nghi lễ phóng sinh như trên, vì đó xét cho cùng là sự khuyến khích săn bắt động vật khiến chúng chết hàng loạt, thậm chí tận diệt.
Đó là sự khuyến khích “làm việc thiện” một cách hình thức, giả dối, làm méo mó cách hiểu về từ bi hỷ xả - cứu vớt chúng sinh mà không cầu lợi ích cho mình, không cầu được thưởng công hay báo đáp.
Nếu cứ phóng sinh theo phong trào như vậy, phúc chẳng thấy đâu mà chỉ thấy tội. Hành thiện trong sự vô minh là vô tình tiếp tay cho kẻ khác làm ác, cũng như chính mình làm ác.
Nếu thật sự yêu thương muôn loài, muốn cứu vớt chúng, mong chúng được bình yên, hãy từ bỏ nghi lễ phóng sinh hình thức. Nhà chùa đừng tổ chức lễ này nữa. Mọi người đừng bao giờ mua những con vật bị bán với mục đích “phóng sinh”, cho đến khi không còn ai làm nghề này nữa.
3. Phóng sinh như thế nào cho đúng?
Phóng sinh vốn là một thực hành tốt đẹp của giáo lý nhà Phật, nhưng đã bị biến tướng đến mức trái ngược với mục đích nguyên thủy của nó. Khi hoạt động phóng sinh diễn ra nhộn nhịp theo "đơn đặt hàng", tạo thành thị trường mua bán thực sự thì ý nghĩa thật của việc phóng sinh không những bị mất đi mà còn thúc đẩy sát sinh.
Theo giáo lý nhà Phật, khi gặp con vật đang bị nạn, như: cá bị mắc cạn, rùa, chim chuẩn bị đem đi giết để làm thực phẩm... mọi người thương xót, mang lòng từ bi cứu các con vật, giúp chúng trở về nơi nó sinh tồn.
Mọi người cần nắm rõ môi trường cũng như điều kiện sống của chúng để bảo đảm rằng sau khi phóng sinh, những con vật này có thể tiếp tục sống lâu dài. Khi thực hiện phóng sinh, cần thao tác nhanh gọn rồi thả loài được phóng sinh đi ngay, tránh để chúng bị tù túng, ngột ngạt, gây cảm giác sợ hãi.
Sư thầy Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng Ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng nhắn nhủ:
“Khi bàn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, cái tâm hơn thua, cái tâm thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do. Tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên bình yên, an lạc. Còn mình để những cái tâm đó trong lòng thì những người gần mình cũng sinh ra thù hận, tạo ra cho họ sự thù hận. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy, chứ không phải là mua nhiều rùa, chim, con cá rồi đem đi phóng sinh”.
Phóng sinh là một việc làm tốt tuy nhiên mang danh phóng sinh để bắt nhốt con vật vốn đang tự do rồi phục vụ cho nhu cầu của bản thân, hơn nữa lại không đảm bảo được môi trường sống cho chúng, thì đó chắc chắn là... phóng tử.
Tổng hợpTin bài cùng chuyên mục: