Trong cuộc đời có ai chưa từng nói dối?

Thứ Tư, 30/03/2016 15:28 (GMT+07)

() Trong cuộc đời có ai chưa từng nói dối? Nếu nói dối khiến người khác hạnh phúc thì là việc nên làm, tuy nhiên, khi biết mình bị lừa dối thì không mấy người cảm thấy vui vẻ.


Ảnh minh họa

Nói dối không phải là một nhu cầu nhưng người ta vẫn thường làm việc này trong cuộc sống. Có phải vì lẽ này mà người ta mới sinh ra “Ngày Nói Dối” để mọi người được công khai lừa dối mà không sợ bị giận hờn hay trách móc?
Tuy nhiên, nhu cầu nói dối của con người là không giới hạn, đã dối được một lần thì sẽ có nhiều lần sau và không chỉ nói dối trong một ngày mà trong 365 ngày người ta đều lừa dối nhau, nếu là năm nhuận thì sẽ lừa dối trong 366 ngày.
Ngày Nói Dối – Ngày Cá tháng Tư có nguồn gốc từ Pháp rồi lan rộng ra thế giới. Trong ngày này bạn có quyền đùa cợt, lừa dối bạn bè, người thân mà không sợ bị người ta giận hờn hay trách móc. Một trong những vụ “lừa đảo” nổi tiếng nhất thế giới là sự kiện ngày 1 tháng 4 năm 1957, đài BBC đã phát sóng một đoạn phim tài liệu với nội dung thông báo người nông dân Thụy Sĩ đã trồng thành công cây “mì spaghetti”. Rất nhiều người đã xem đoạn phim này và họ sẵn sàng đứng chờ hàng giờ để được nhận hạt giống cây “mì” này cũng như là gọi điện đến tổng đài để hỏi cách chăm sóc cây mì.
Tại một số quốc gia trên thế giới, vào ngày Cá tháng Tư có tổ chức những cuộc thi nói dối cấp quốc gia, tất nhiên mọi người đều có thể tham gia ngoại trừ luật sư và các chính trị gia bởi họ là dân nói dối… chuyên nghiệp.
Tại Mỹ, một chính trị gia đang trên đường đi vận động tranh cử thì bất chợt bắt gặp lũ trẻ đang vây quanh một con chó, chúng cãi nhau chí chóe. Ông liền dừng xe, lại gần hỏi chuyện.
Một cậu bé nói:
- Chúng cháu nhặt được con chó này, ai cũng muốn mang về nuôi nên chúng cháu quyết định là đứa nào lừa dối giỏi nhất sẽ được nuôi con chó.
- Các cháu không được thi lừa dối vì đó là điều tội lỗi – Chính trị gia khuyên nhủ - Khi ta ở tuổi các cháu, ta không bao giờ lừa dối và bây giờ cũng vậy...
Bọn trẻ con im lặng một phút rồi một cậu bé to con nhất thở dài:
- Thôi, đưa con chó cho ông ấy đi!

Vậy là chỉ với “năng khiếu” sẵn có, vị chính khách đó đã dễ dàng có được một món lợi. Nói dối cũng có lợi lắm chứ!

Ảnh minh họa
Lừa dối nhau có rất nhiều hình thức. Trong kinh doanh, người ta lừa dối người tiêu dùng bằng hình thức đa cấp, những bao bì, mẫu mã đẹp mắt, những chiêu khuyến mại giảm giá… Trong quân sự, người ta lừa dối bằng nghệ thuật nghi binh, dương đông kích tây, gây nhiễu, tung hỏa mù… Hầu hết các vụ lừa dối thường chỉ có lợi cho người lừa dối, còn người bị lừa dối thì thiệt đơn thiệt kép. Chỉ rất ít trường hợp lừa dối là cần thiết và đáng trân trọng, ví như bác sỹ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh tình nguy kịch của họ, và trong sinh tồn tự nhiên các loài vật thường phải lừa dối che mắt kẻ thù bằng những màu sắc, hoa văn hòa lẫn với môi trường sinh sống.
Nói dối rất tai hại cho sự chung sống, nói dối quen miệng, trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa.
Các cụ thường nói “Thật thà là cha quỷ quái”, khi sự thật được phơi bày thì hậu quả của việc lừa dối rất tai hại. Vì vậy, hãy cố gắng nói thật khi có thể. Thế giới đã sinh ra ngày nói dối 1/4 hằng năm để con người thoải mái xả stress, cho những người thèm nói dối được vô tư thể hiện kỹ năng, để 364 ngày còn lại trong năm người ta sống thật với nhau, không phải đề phòng, đó có lẽ cũng là mong muốn của những người đã tạo ra ngày Nói Dối trên trái đất này!

=> Xem thêm: Quiz vui để biết những điều thú vị về bạn