Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Vì đâu cổ nhân lại nói: Tiểu thiện như đại ác? Thiện ác không rõ ràng như ta tưởng

Thứ Tư, 13/12/2023 17:18 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nếu không hiểu được: Tiểu thiện như đại ác thì chúng ta dù có ý định tốt nhưng vẫn có khả năng cao lầm lạc trong quá trình giúp đỡ người khác suốt cả cuộc đời mình.

1. Vì sao tiểu thiện như đại ác?


Sâu bên trong mỗi con người đều có cả phần thiện lẫn phần ác cho dù họ là tội phạm hay là một người có nhiều công lao với đất nước.

Nhất là khi nghe Đức Phật khuyên rằng không nên chê việc thiện nhỏ, chúng ta càng phải nỗ lực làm nhiều điều thiện mỗi ngày. Thế nhưng không có nghĩa bất cứ việc nào ta nghĩ là thiện cũng là thiện. Thực ra chúng ta hầu hết không đủ trí tuệ để nhận diện ra đâu mới là việc thiện, việc ác nên mới có cụm từ "tiểu thiện như đại ác" là vậy.

Một số ví dụ về tiểu thiện như đại ác:

Có thể chúng ta dễ nhầm lẫn giữa việc thiện và việc ác nếu không soi xét kỹ từng vấn đề hoặc không nhận ra vòng tròn Nhân - Quả từ việc mình làm một cách rõ ràng, đôi lúc còn khiến cho đối phương dễ dàng lâm vào sự nguy hiểm.

Ví dụ như một người vì muốn phóng sinh nên đặt người bán hàng là một tuần sau cho tôi mua trăm con chim để mang đi phóng sinh. Thế là để phục vụ nhu cầu của khách hàng, người ta lại đi bắt chim về để đi bán. Cuối cùng việc phóng sinh tưởng là thiện nhưng lại trở thành việc ác khi là động cơ để người ta đánh bắt chim.

Hoặc trong việc nuôi dạy con cũng vậy, có những giai đoạn những thói xấu của con lộ diện là lúc chúng ta cần tìm cách điều chỉnh. Trong khi đó nhiều ông bố bà mẹ quá hiện đại nên nghĩ rằng "cứ để chúng phát triển tự nhiên", nên cuối cùng càng dung dưỡng cái xấu, chúng không biết đâu là đúng - sai để điều chỉnh, lại góp thêm một đứa con hư cho xã hội.

tieu thien nhu dai ac la gi
 

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” từng kể về một người say rượu chửi vị quan tên Lữ Văn Ý, nhưng vì là người nhân hậu nên ông bỏ qua chuyện đó. Nhưng không lâu sau, người này vì say nên phạm một tội nặng và bị tử hình.

Lúc này ông Lữ Văn Ý cảm thấy áy náy vì nếu ngày đó nếu ông trách phạt, không để người say kia lộng hành ngang ngược thì đã biết sợ hãi, không đến nỗi phạm phải tội chết như lúc này. 

Hay chuyện cũ từng kể về một ông lão thấy hai con ngỗng hoang bị mắc kẹt trong hồ nên hàng ngày mang cho chúng thức ăn. Kết quả là hàng năm, số ngỗng ở lại hồ nhiều hơn, chúng không đi tránh rét vì biết sẽ được ông cung cấp lương thực.

Thế nhưng, một ngày kia ông lão ốm bệnh qua đời vào mùa Đông, hàng trăm con ngỗng hoang vẫn như thói quen cũ, bay đến hồ chờ được cho ăn, nhưng mãi không có ai nên đều chết vì lạnh và đói.

Hoặc chuyện kể về thời kì Xuân Thu, nhiều người dân ở nước Lỗ đang làm nô lệ của nước khác nên mới có quy định rằng, nếu thấy trường hợp nào thì tự mình bỏ tiền ra chuộc người về, khi về đến nơi thì báo cáo thông tin sẽ được hoàn trả lại tiền.

Lúc đó Tử Cống - một học trò của Khổng Tử đã chuộc được một người nhưng lại không lấy lại tiền, nhiều người ca ngợi Tử Cống nhưng thầy lại trách mắng. Khổng Tử trách rằng hành vi Tử Cống không lấy lại tiền được người ta xem là cao thượng, nghĩa là những ai lấy tiền bị cho là không lương thiện, thế thì tương lai chẳng ai muốn bỏ tiền ra để chuộc nô lệ nữa.

Những gì Khổng Tử nói quả không sai, càng ngày càng ít người báo để lấy lại tiền chuộc, những người nô lệ càng ít được cứu. 
 
Bài học: Đúng là ta nên có ý thức giúp người, hãy luôn giữ một trái tim nhân hậu, nhưng nếu tốt hơn nữa thì nên đánh giá đúng lộ trình Nhân - Quả để giúp đúng người cần giúp vì không phải tất cả mọi ý tốt đều có thể mang lại kết quả tốt.
 

2. Đại thiện tối vô tình 


Bên cạnh câu: "Tiểu thiện như đại ác" của cổ nhân còn có câu "Đại thiện tối vô tình" có nghĩa là có những việc tưởng như vô tình, máu lạnh nhưng lại là việc đại thiện.

Ví dụ như trong việc dạy con, có lúc đòn roi là cần thiết nhưng tất nhiên là khi bố mẹ bình tĩnh, tâm thực sự an (không phải đang trút giận giữ lên con trẻ), để chúng nhận ra sai trái của mình để kịp thời chỉnh sửa. Việc này cũng là để phòng tránh hậu quả đáng tiếc về sau. Tuy nhiên, đánh như thế nào cũng là điều mà các bậc phụ huynh có con ngang bướng cần phải học hỏi chứ không phải làm theo cảm xúc bộc phát.
 
Cũng là về câu chuyện về Khổng Tử nhưng với cậu học trò của mình tên là Tử Lộ, anh vô tình đi qua con sông và cứu được một người nông dân thoát chết. Để bày tỏ lòng biết ơn, người này biếu Tử Lộ một con bò - thứ rất giá trị thời đó. 
 
Tử Lộ vui vẻ đón nhận và tự hào mang bò đi khắp phố. Thế nhưng người ta lại đàm tiếu rằng tuy anh cứu người là tốt nhưng lại lấy con bò quý của người ta là không nên, như vậy là tham lam. 

Thế nhưng Khổng Tử lại công khai khen ngợi Tử Lộ, ông cho rằng việc đệ tử của mình cứu người và nhận quà là điều nên làm vì từ sau nhiều người mới nhìn vậy mà noi gương, sẵn sàng giúp người khác không từ nan.
 

3. Kết luận


Có thể nói có những việc tưởng là thiện nhưng lại là ác, có những việc tưởng ác nhưng lại là thiện. Thế nên một triết gia Pháp Montaigne đã từng nhận định rằng: "Giữa thiện và ác, chỉ có một nửa vòng xoáy ốc", tức là rất khó phân biệt vì thực tế có những điều thiện hay ác thật là rõ ràng, thế nhưng cũng có một số điều thiện hay ác khá mập mờ, tùy theo hoàn cảnh, xã hội mà thay đổi trắng đen. 

Thế nên không thể dùng sự lương thiện của mình bao biện cho sự ngu dốt. Lòng tốt nhất định phải đi kèm với trí tuệ, không bị ảnh hưởng bởi tình cảm, không bị quấy rầy bởi cảm xúc.
 
Sự lương thiện có lý trí, phải cân nhắc đến sự lâu dài, hiểu rõ Nhân - Quả phía sau mọi sự việc. Thế nên trước khi nghĩ tới lương thiện cần tìm cách trang bị trí tuệ, con người vừa phải thấu hiểu lòng người mới mong từng hành động của mình mang lại ý nghĩa lớn lao.

Thế nên chúng ta không chỉ tôn trọng pháp luật mà còn phải hiểu được quy luật của thiên nhiên tự nhiên, chỉ có như vậy thì những việc làm tốt của chúng ta mới hợp với lẽ trời, không vi phạm quy luật tự nhiên mà lại còn giúp đỡ được người khác thoát khỏi nghịch cảnh, lòng tốt như vậy mới thực sự là sự lương thiện chân chính.

Vậy nên để nhận diện được thiện - ác nó cũng là một hành trình quan trọng để ta tìm cách khai mở trí tuệ của mình chứ không đơn giản là làm mọi thứ theo bản năng và đem góc nhìn của mình ra phán xét người ta đang làm ác hay thiện.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:

Tin cùng chuyên mục

X