Thi trượt Đại học – Đó có thể là một món quà quý

Thứ Năm, 02/08/2018 09:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Thất bại, nghịch cảnh là những gì cần có để con người trưởng thành hơn theo thời gian. Thi trượt Đại học chẳng qua chỉ là trắc trở ban đầu, các bạn vẫn xứng đáng nhận được 1 lời chúc mừng, bởi không ai biết được tương lai thế nào, đó có thể là món quà hơn là điều tiếc nuối dai dẳng.
 
 

1. Thất bại chính là món quà

 

Câu chuyện của Tamori – Nghệ sĩ hài nổi tiếng

 
Nghệ sĩ hài nổi tiếng Tamori của Nhật Bản trước khi nổi tiếng đã từng làm đủ mọi nghề nghiệp để kiếm sống.
 
Cuộc sống chán chường không mục đích khiến mỗi ngày ông đều phải tự hỏi: “Trước 30 tuổi thì chẳng sao, nhưng khi đã trên 30 tuổi thì phải làm việc gì đó hẳn hoi tử tế. Rốt cuộc thì mình hợp với công việc gì đây?”.
 
Và một ngày, sau khi uống rượu cùng bạn bè, Tamori đi dọc hành lang và thấy một căn phòng ồn ào sau cánh cửa không khóa.
 
Chẳng hề suy nghĩ, ông mở cánh cửa bước vào và không thể ngờ rằng đó chính là cánh cửa mở ra trang mới của cuộc đời thành công vang dội của mình.
 
Thấy một đám người đang lấy sọt rác đội lên đầu để đóng kịch Kabuki, ông cũng làm theo và nhảy múa cùng họ. Ông không biết rằng tài năng hài kịch của mình đã lọt vào mắt xanh nghệ sĩ Yamashita Yosuke nổi tiếng.
 
Sau này khi lên Tokyo biểu diễn, ông được tác giả truyện tranh Akatsuka Fujio đỡ đầu và căn dặn: “Những điều ngu ngốc cũng cần phải được làm hẳn hoi”.
 
Đó đã trở thành kim chỉ nam cho Tamori trong con đường nghệ thuật và cả cuộc đời của mình sau này.
 
Khi tưởng chừng như mọi cánh cửa đều đang đóng chặt trước mắt, Tamori đã bất ngờ mở ra cánh cửa đưa ông tới vinh quang.
 
Cuộc đời là thế, luôn tiềm ẩn những bất ngờ, luôn dọn sẵn cho bạn con đường đúng đắn nhất sau những cánh cửa đơn sơ, chỉ là bạn có dám bước tới và mở nó ra hay không.
 
Trong cuộc sống, không có thất bại nào là mãi mãi, đó chẳng qua chỉ là món quà của số phận để đưa bạn lên một mức độ trưởng thành mới, nếu bạn biết tận dụng nó.

 
 
Người thành lập hãng xe hơi nổi tiếng toàn thế giới, Honda Soichiro cũng phải công nhận rằng: “99% những điều tôi làm là thất bại nhưng nhờ có 1% thành công nên mới có tôi ngày hôm nay”.
 
Thất bại càng lớn, đau đớn càng nhiều thì sự thành công sau đó mới càng có ý nghĩa và lớn lao. 
 
Bởi nghịch cảnh và đau buồn sẽ tôi rèn cho chúng ta sự kiên trì, chăm chỉ và củng cố niềm tin vào chính bản thân mình.
 
Ở đời có một lý lẽ không thể chứng minh nhưng luôn hiện hữu và được ghi nhận, đó là “không mất thì không được, muốn được thì phải mất”, và tất nhiên, muốn được càng nhiều bạn phải sẵn sàng mất càng nhiều.
 
Hãy nghĩ rằng, bạn thất bại không phải vì bạn quá kém cỏi và sai lầm. Biết đâu, bạn xứng đáng có được nhiều hơn, nên cần phải mất nhiều trước đó và tôi luyện nên tầm nhìn và sự mạnh mẽ của người sẵn sàng thành công lớn.
 
Bởi thành công luôn đi kèm với rủi ro và cám dỗ, nên những ai sẵn sàng và đủ phẩm chất mới có thể nắm giữ thành công và mang tới lợi ích cho những người xung quanh mình. Thế nên, trước khi trở thành vĩ nhân, bạn phải được tôi rèn.

Có thể bạn quan tâm: Giá trị của tu dưỡng - bạn chọn thành công hay thất bại?
 
Từ xa xưa, cổ nhân đã đúc kết được những chân lý của cuộc đời. Trong thứ ngôn ngữ tượng hình giàu nội hàm, chữ Khấp (泣 – khóc) được ghép từ bộ Thủy (nước) và bộ Lập (đứng thẳng, dựng lên, thành tựu). Chẳng phải sau khi đau khổ để cho nước mắt tuôn rơi, bạn vẫn phải vươn mình đứng dậy mà bước tiếp hay sao?
 
Có đau khổ, chán chường đến mấy, thì hãy nhớ rằng, giá trị của bạn không phải ở những danh hiệu hay những cái mốc mà người khác gán cho bạn. Nó nằm ở việc bạn đã đứng dậy và bước đi như thế nào. Và dù những gì bạn đang làm được cho là ngốc nghếch và vô nghĩa, hãy làm một cách tử tế và hẳn hoi, vì mọi nỗ lực sẽ luôn được đền đáp.
 
Còn một điều tuyệt vời khác của thất bại, bạn có biết không? Nó chính là việc bạn sẽ có cơ hội để bắt đầu thấu hiểu những khuyết điểm và thất bại của người khác nữa.
 

2. Chỉ khi có trái tim nồng ấm, đời mới có thành tựu

 
Những người luôn thành công một cách không mấy khó khăn, sẽ khó có thể chấp nhận sai lầm và sự hạn chế của người khác. Họ luôn có xu hướng áp đặt tiêu chuẩn thành công lên người khác. Từ đó họ mất đi khả năng thấu cảm và từ bi.
 
Ngược lại, sự thăng trầm của cuộc sống sẽ khiến bạn hiểu rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra, và ai cũng có thể mắc sai lầm dù đã cố gắng hết sức.
 
Sự thất bại cho bạn cơ hội để thông cảm cho người khác, khiêm nhường và nhận thức được chính xác giá trị đích thực của cuộc sống cũng như của mỗi cá nhân. Đó chính là điều mà cổ nhân gọi là “sự thông thái” đó thưa bạn.

 
 
Đó là cơ hội nhìn lại mình, nhìn lại mong muốn thật sự của mình. Thi trượt đại học đôi khi lại là món quà, là điều may mắn vì tương lai còn ở phía trước.
 
Đó cũng là một cơ hội để chúng ta tìm ra khả năng và sức mạnh tiềm ẩn của mình. Biết đâu bạn không hợp làm văn phòng, bàn giấy, mà lại là một nhà sáng chế đại tài.
 
12 năm học hành bận bịu, bạn chưa bao giờ có thời gian để thử tìm hiểu những lĩnh vực và miền đất mới mà có thể đó mới là điều đúng đắn dành cho bạn.
 
Đó cũng là cơ hội cho linh hồn chúng ta thăng cấp lên mức độ thành thục mới. Rằng chúng ta có thể bỏ ngoài tai mọi lời chê bai, những cái nhìn thương cảm, mà ung dung, tự tại hơn.
 
Từ sự thất bại, cuộc đời cho ta thấy hạnh phúc không tới từ lời tung hô, khen thưởng của người khác. Và rằng cảm xúc của ta phải do ta nắm giữ và quyết định.
 
Khi bạn có thể làm lơ những lời trách mắng và coi thường của những người quanh mình, đó là lúc bạn bắt đầu nắm giữ được một phần đời mình. Bạn đã biết thế nào là sự tự tại đến từ nội tâm vững chãi.
 
Sự thất bại cho chúng ta quá nhiều thứ mà ta khó có cơ hội nhận ra khi luôn thành công và hạnh phúc. Sự thất bại, thật ra, giống như một món quà, món quà của Thượng Đế.
 
Vì thế bạn đừng chỉ tự cảm thấy có lỗi, căm ghét sự thất bại và hắt hủi chúng. Điều gì xảy ra cũng đều có lý do, và hãy tin rằng, lý do đó toàn là những điều tích cực mà cuộc đời dành cho bạn.
 
Bạch Vân (Theo ĐKN)
 
Đừng bỏ lỡ những nội dung hấp dẫn và ý nghĩa!