THÀNH CÔNG sớm hay muộn không là vấn đề, chưa có gì trong tay nhất định phải đọc bài viết này

Thứ Sáu, 04/10/2024 16:17 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Thành công không phải ở chỗ sớm hay muộn mà ở chỗ bạn đã thực sự tập trung cải thiện vận may của chính bản thân mình hay chưa? Đôi khi sự bất mãn vì chưa được "như người ta" sẽ khiến các cơ hội rời xa bạn mà thôi.
 
 

1. Những tấm gương thành công muộn


Từ Trung Quốc cho tới các nước ở châu Âu, châu Mỹ từ xưa tới này cũng không thiếu những nhân vật thành công ngay cả khi đã ở độ tuổi trung niên hay xế chiều, độ tuổi mà nhiều người nghĩ mình sẽ chẳng kịp làm gì nữa. 
 

1.1 Khương Tử Nha


Khương Tử Nha là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và cả trong tiểu thuyết là một trong những tấm gương lớn có tài nhưng thành công rất muộn.
 
Cuộc đời ông có quá nhiều thăng trầm, khi tuổi đã xế chiều, chỉ lặng lẽ câu cá ở bờ sông khi hơn 70 tuổi sau sự suy bại của Triều Ca – kinh đô cuối cùng của nhà Thương. Cho đến lúc ông hơn 80 tuổi mới gặp được Chu Văn Vương - người biến ông thành người thành công, ghi danh sử sách.

Ở độ tuổi mọi người khuyên nên nghỉ ngơi, nhàn hạ thì Khương Tử Nha được phò tá Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương. Vốn là người tinh thông văn thao võ lược ông đã mang lại thành tựu sự nghiệp vĩ đại, lưu danh đến hàng ngàn năm sau.
 
Người ta tưởng rằng Khương Tử Nha lui về ở ẩn bên bờ sông Vị trở thành ông lão vô dụng nhưng thực tế ông lại không ngừng bồi đắp bản thân, chuẩn bị cho lúc bản thân có thể tỏa sáng bất cứ lúc nào. 

 

1.2 Lưu Bị


Lưu Bị cũng giống ông tổ Lưu Bang của mình, đều là nhân vật ghê gớm có xuất thân ở tầng lớp thấp nhưng lại không ngừng phấn đấu trở thành người đứng đầu một đất nước.
 
Lưu Bị vốn là một kẻ bán giày cỏ dấn thân vào quân đội rồi dần dần gây dựng cơ đồ của riêng mình. Ông có trong tay các tướng lĩnh như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu… Về mưu sĩ, Lưu Bị có được những kỳ tài bậc nhất thời Tam Quốc như Gia Cát Lượng, Bàng Thống và Pháp Chính.
 
Lưu Bị nổi tiếng với câu chuyện từng 3 lần đến nhà tranh mời Gia Cát Lượng xuất núi trợ giúp, tạo nên giai thoại "Tam cố thảo lư" nổi tiếng thời Tam Quốc.

Để có được Gia Cát Lượng, Lưu Bị cũng phải tốn không ít công sức. Đích thân tới thăm Gia Cát Lượng ở Long Trung, nhưng lần đầu không gặp, lần hai bị từ chối, phải đến lần thứ ba, Lưu Bị mới gặp được Gia Cát Lượng. Cuối cùng, cảm động trước tấm chân tình muốn chiêu mộ hiền tài của Lưu Bị nên Gia Cát Lượng đã đồng ý phò tá ông.
 
Lưu Bị sinh năm 161, lúc này đã bước vào tuổi 47. Trong khi đó, Gia Cát Lượng sinh năm 181, khi ấy mới 27 tuổi. Tuổi tác giữa vị quân chủ họ Lưu và Ngọa Long tiên sinh chênh lệch nhau đúng 20 năm.
 
Cho tới khi 47 tuổi Lưu Bị mới may mắn có được chút thành tựu trong cuộc đời mình với sự trợ giúp của Gia Cát Lượng. Bậc kỳ tài hiếm có đã đi khắp Đông Tây, gần như giúp Lưu Bị một tay lập nên chế độ Thục Hán.
 

1.3 David Duffield


Từng là nhà quản lý của công ty lừng danh IBM, David Duffield sáng lập PeopleSoft ở tuổi 47 mà không hề nghĩ rằng công ty này sẽ đưa ông vào danh sách các tỷ phú của Forbes.

Khởi nghiệp 3 lần trước đều thất bại, David Duffield cầm cố ngôi nhà để lập công ty lần thứ tư. Chẳng bao lâu sau PeopleSoft trở thành công ty cung cấp phần mềm lớn thứ hai thế giới trước khi được Oracle mua vào năm 2005.

Sau thương vụ đó Duffield ông lọt vào danh sách 400 người giàu nhất của Forbes, với tài sản ước tính 1,2 tỷ USD.

Duffield nói: "Thành công đến cùng thời gian, dù tôi đã mắc nhiều sai lầm trên con đường sự nghiệp".
 

1.4 Harland Sanders

 
Khởi nghiệp khi đã lớn tuổi nhưng không may sau đó nhà hàng ban đầu của Harland Sanders đóng cửa vì lý do khách quan.

Sau đó, ông không bỏ cuộc, đã dành toàn bộ thời gian để mở rộng công ty nhượng quyền của ông. Harland Sanders, đã 62 tuổi khi lần đầu tiên bán nhượng quyền nhà hàng Kentucky Fried Chicken (KFC) vào năm 1952.

Cuối cùng, ở tuổi 73, ông bán lại công ty này với giá 2 triệu USD.
 

1.5 Anna Mary Robertson Moses

 
Anna Mary Robertson Moses (1860 – 1961) là ví dụ nổi bật về người có sự nghiệp nghệ thuật thành công khi ở tuổi cao.

Bà được biết đến nhiều hơn với tên Grandma Moses, bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh ở tuổi 78. Năm 2006, một trong những bức tranh của bà được bán với giá 1.2 triệu USD.

Hiện nay, các tác phẩm của bà đã được trưng bày và bán trên toàn thế giới, kể cả trong các viện bảo tàng và được in bán trên thiệp chúc mừng.

2. Học hỏi là việc cả đời


Thành công sớm chưa hẳn là điều đáng mừng vì có vô số hiểm họa đi theo đó. Ngoài ra, một vài tấm gương ở trên đây đã cho chúng ta hiểu rằng thành công không phải ở chỗ sớm hay muộn. Quan trọng là bạn có dám bắt đầu và hành động cho đến cùng hay không mà thôi.

Tất nhiên, thành công của họ không hề là điều ngẫu nhiên hay vận may trên trời rơi xuống nên bạn cũng đừng vội nghĩ rằng bây giờ mình bán hết tài sản để lập nghiệp là cũng thành công được như họ.

Thực tế cho thấy, những con người trên dù ở độ tuổi nào họ cũng không ngừng học hỏi, tìm hiểu thông tin, luôn tò mò về thế giới này, giữ cho mình một bộ óc không tuổi cho dù họ đang ở lứa tuổi nào đi chăng nữa.
 
 

2.1 Cuộc sống là hành trình học hỏi không ngừng


Có câu "Sống tới già, học tới già", nên dù ở độ tuổi nào mà không chịu học hỏi thì sớm muộn cũng bị thời đại đào thải, chỉ có những người không ngừng cải thiện bản thân, nâng cao năng lực, đem những kiến thức học được áp dụng vào trong cuộc sống và công việc mới kéo gần được khoảng cách đến với thành công.

Ví dụ như tỷ phú Bill Gates từng bỏ học đại học nhưng ông không bao giờ xao nhãng việc tiếp thu thêm tri thức mới. Ông luôn nổi tiếng với thói quen đọc sách đầy kỷ luật của mình. 

Vì thế, cho dù hiện tại bạn chưa có chút thành tựu nào trong tay bạn cũng đừng buồn. Hãy xem mục tiêu học tập là hành trình cả đời của bạn, cơ hội để thành công, nổi tiếng, hay giàu có... sẽ đến vào một thời điểm ngẫu nhiên nào đó trong tương lai cũng chỉ là cho thấy nỗ lực của bạn trong thời gian dài vừa qua đã nở hoa, đơm quả. Còn nếu không thì vẫn tiếp tục học tập vì thành công hay không bạn vẫn cần tiếp tục hành trình học hỏi không ngừng của mình.

Để thực hiện mục tiêu, ai cũng phải không ngừng học tập và không ngừng làm giàu kiến thức cho bản thân mình. Nhờ đó, khi thời cơ tới, bạn sẽ có thể bộc lộ được hết tài năng của bản thân

Tuy hành trình, bước tiến, thời điểm thành công của mỗi người sớm hay muộn khác nhau nhưng điều quan trọng nhất vẫn là học hỏi không ngừng, học vấn và tri thức chính là quân át chủ bài tuyệt đối.

2.2 Luôn khiêm tốn, chấp nhận hành trình cô độc này

 
Học hỏi cũng chỉ là cách "tu" giữa đời thường nên nếu trải qua cảm giác cô độc cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta cần thời gian yên tĩnh một mình để học, phân tích, nghiền ngẫm kiến thức, chịu ít sự tác động nhất có thể từ bên ngoài.

Thực tế là những người thành công thông thường cũng đều là người có thể chịu đựng sự cô độc tốt vì họ có mục tiêu lớn trong tâm, có chí hướng cao xa vĩ đại, tư duy rõ ràng, không giống với số đông.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cảm thấy bất công, chán nản khi thấy "mình cũng giỏi" mà mãi chưa được thành công như ý. Hoặc thấy rằng mình hơn kẻ kia sao họ thành công mà mình thì không? Thực ra mỗi người có hành trình khác nhau, làm sao bạn biết họ đã trải qua những gì?

Trên con đường học tập, đừng kiêu ngạo tự mãn, hãy duy trì cho mình thái độ khiêm tốn, đến cả Khổng Tử còn nói "trong 3 người, ắt có một người là thầy của ta", là một người bình thường, bạn có tư cách gì để tự mãn về kiến thức của mình?
 
Vì thế cần phải có thái độ khiêm tốn, không ngừng học hỏi và cũng đừng nảy sinh sự nóng vội, bốc đồng mong mình phải thành công nhanh chóng, nếu không được thì tức giận, bất mãn, chửi Trời bất công...

Vậy nên, trong cuộc sống này, dù bạn đang ở độ tuổi bao nhiêu, thay vì lo lắng khi nào tôi mới thành công được như người ta, chi bằng tĩnh lại, trầm lại một khoảng thời gian, thiết lập lại mục tiêu, không ngừng kiên trì nỗ lực, rồi từ từ thay đổi vận mệnh của mình.