Tết chẳng còn vui là do Tết hay chính ta đã thay đổi?

Thứ Ba, 14/01/2020 10:28 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Càng ngày có càng nhiều người cho rằng Tết chẳng còn vui, mọi thứ đang dần nhạt đi và ý nghĩa của ngày sum họp đã không còn. Nhưng đó là do chính cách suy nghĩ của chúng ta chứ đâu phải là do Tết đang thay đổi phải không nào?
 

1. Có phải càng lớn Tết chẳng còn vui?

 
Nói đến ngày Tết thường chúng ta sẽ nghĩ tới ngay cảm giác háo hức, mong chờ và để chuẩn bị mọi thứ cả tháng trời với những ngày chộn rộn, vui tươi khi mẹ chuẩn bị đồ ăn, bố đi mua đào, quất, con trẻ mong có quần áo mới, nhận tiền lì xì.

Thế nhưng càng lớn lên với bao nhiêu gánh nặng trên vai những cảm xúc đã vơi đi ít nhiều, rồi gật gù bảo nhau rằng: Tết chẳng còn vui!
 
Chính vì tâm lý chờ đợi đến Tết được nghỉ ngơi, được sum vầy nên thấy thời gian trôi qua chậm chạp và nôn nao khi Tết đến gần. Không như bây giờ, đa phần sợ Tết, có cảm giác đang yên lành, bỗng nhiên tết ập đến, thêm những lo toan khác nên người ta chỉ muốn Tết qua thật nhanh.  

Chúng ta được tận hưởng không khí Tết rõ nhất là khi được hòa cùng dòng người nơi chợ quê đông đúc, những tiếng chào mời rộn rã cúng mang lại cảm giác Tết ồn ào, tấp nập hơn ngày thường. Thế nhưng ngày nay siêu thị luôn có sẵn đồ hoặc chỉ cần gọi điện đặt hàng là bạn có thể có ngay món ăn mà mình muốn nên ít ai còn được thưởng thức hương vị Tết nơi chợ quê.
 
 
Chính câu nói: "Tết chẳng còn vui" đã bao hàm ý nghĩa so sánh Tết này với Tết xưa nên chúng ta càng thấy mọi thứ nhạt đi. Đó là vì chính mỗi chúng ta không chấp nhận sự thay đổi như là một điều tất yếu. Xem thêm: Bỏ Tết hay gộp Tết – Vấn đề nhức nhối, gây tranh cãi mỗi độ Xuân sang

Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ thay đổi và thời gian cũng sẽ làm thay đổi mọi thứ, thế nhưng vẫn có những giá trị được giữ nguyên. Ví như Tết là dịp để sum hợp gia đình, cho ta cơ hội gặp lại những người mà suốt cả năm dài đi làm ăn xa ta chẳng có cơ hội gặp. Giá trị, vẻ đẹp trường tồn của tết cổ truyền là khơi dậy tình cảm uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ, san sẻ yêu thương, mong về tốt đẹp hơn trong năm mới vẫn luôn còn đó.

Nếu chỉ cần tập trung vào những giá trị đó, quên đi những cái mất mát của vẻ đẹp Tết xưa thì chúng ta đã chẳng còn kêu ca về một cái Tết nhạt mà ta sẽ trở nên háo hức hơn, mong chờ hơn. 

Có thể nói, Tết dù không phải là dịp để ăn no uống say hay khoe mẽ thì cũng là lúc ta được tương tác với nhiều người hơn, được nghe câu chuyện và cập nhật về cuộc sống của nhau, trao nhau những lời an ủi, chúc phúc.

Vậy thì có gì là nhạt? Hay phải có chuyện gì đó thật sóng gió, thật bão tố mới hết nhạt? Mọi thứ diễn ra đều đặn nhưng tình người ấm áp là đủ, thì cần gì nhạt hay mặn để làm gì? Mỗi mùa Tết qua đi ta lại lưu lại một thứ cảm xúc ấm áp của tình người, của sự thấu hiểu, chỉ cần thế là đủ. 
 
 

2. Tết vẫn vậy chỉ có lòng người thay đổi

 

2.1 Tết luôn đẹp như thế


Ta đã tập thói quen với cuộc sống vội vã quá lâu nên đánh mất cả thói quen "thưởng thức" cuộc sống. Chúng ta hay sống vì quá khứ và lo lắng về tương lai, có khi đang mùa Tết nhưng lại lo nghĩ nên làm gì sau Tết, đang nghỉ Hè thì lại lo lắng cho Giáng sinh,... chúng ta cứ theo vòng luẩn quẩn đó nên chẳng thể cảm nhận được vẻ đẹp của hiện tại.

Vì thế không chỉ Tết mà bất cứ sự kiện nào xảy ra trong đời ta đều chẳng xem nó là quá quan trọng nên tất cả đều nhạt chứ không cứ gì là Tết. Xem thêm: Có nên bỏ Tết âm lịch, gộp Tết Ta với Tết Tây không?

Tết vẫn đẹp, vẫn lung linh đấy thôi, chẳng phải cứ trời se lạnh và nghe mùi hương là chúng ta nhớ đến Tết đó sao. Vậy đúng ngày Tết và nghe mùi hương ấy sao ta không thổn thức, hay vì ta vội vàng muốn Tết qua nhanh để còn lo việc này việc kia.

Ta quên mất từng miếng bánh chưng vẫn thơm ngon, hoa vẫn đẹp rực rỡ. Chỉ cần ngắm hoa Tết tươi thắm ta thấy vui, ta nhớ về công lao chăm sóc của những người làm vườn, đó là lúc ta cảm nhận rõ rằng sự sống đang thực sự được khơi dậy trong ta. Điều đó cũng đủ tuyệt vời rồi. Ngay cả giây phút thiêng liêng như đốt pháo hoa giao thừa cũng là khoảnh khắc để thưởng thức và hò reo hoan hỉ,...
 
 
 
Cái mùi của Tết ấy bao nhiêu năm vẫn không thay đổi, vẫn mặn nồng, vẫn ấm áp và đong đầy yêu thương. Nào đâu phải Tết nhạt đi vì những lo toan của người lớn. Chẳng cần phải điều gì quá to tát, những điều nhỏ bé, dung dị và tưởng là "nhạt" ấy cũng đang tô màu cho cuộc sống rực rỡ của chúng ta, tại sao ta lại muốn chối bỏ chúng đi?
 
Ta đang được hưởng trọn không khí Tết nên chẳng thể cảm nhận được từng khoảnh khắc quý giá ấy cho đến khi ta là kẻ tha phương nhớ hương vị Tết quê nhà. Ta nhớ về dịp mà con cháu ở phương xa đã tề tựu đông đủ, quây quần bên ông bà, cha mẹ để chuẩn bị sắm sửa đón Tết, tặng quà cho nhau và trao cho nhau những lời chúc.

Ta không chỉ thèm những món ăn hương vị Tết mà thèm giây phút được sum họp được cảm thông, chia sẻ sau một năm dài vất vả làm ăn. Người xa nhà chỉ cần trở về sẽ thấy mùi vị của Tết.

2.2 Phải chăng lòng người thay đổi?


Chẳng phải lỗi ở Tết mà là ở cách chúng ta cư xử với nhau hàng ngày và nó xảy ra tương tự với Tết.

Thay vì phụ giúp ông bà, cha mẹ chuẩn bị cho Tết, một số bạn lại phớt lờ và chỉ tập trung chụp ảnh để sống ảo. Số đông lại chọn cách cúi mặt vào điện thoại thay vì hỏi han, chuyện trò lúc họ hàng, anh chị em sang thăm,... 

Vậy, ngay từ mùa Tết này bạn hãy thử thay đổi, hãy sống chậm lại, thoát hỏi nhịp sống ồn ào, bận rộn trước đây, thử xem đây là một dịp để bản thân nghỉ ngơi, đồng thời cũng là dịp để dọn dẹp, dọn nhà cửa, dọn tâm trí, dọn đi những thứ không cần thiết mà trong năm mình đã không có nhiều thời gian để làm việc đó.

Thay vì cứ cúi mặt vào điện thoạt, hãy thử xem Tết này là lúc bạn tìm những lời hay ý đẹp để khen tặng mọi người. Những lời từ tận đáy lòng mà trước đây bạn chưa từng có cơ hội để nói, để bày tỏ tới họ.

Hãy xem coi Tết là một dịp để nhìn lại năm cũ đã qua và lên kế hoạch cho tương lai sắp đến. Một khoảng thời gian đủ dài để nhìn sâu, nhìn kỹ vào những sai lầm, những thất bại, rút kinh nghiệm từ quá khứ. Quãng thời gian đó cũng đủ dài để hình dung rõ hơn những điều mình muốn ở ngày mai, những điều mình cần phải làm để đạt được mong muốn đó.